PNO - Trên hành trình cuộc đời, ai cũng đến giai đoạn có một người lại gần nắm chặt lấy tay mình, rồi cả hai cùng tiến về phía trước. Ở một đoạn đường gập ghềnh, hai bàn chân họ không còn bám chặt mặt đất được nữa. Họ chao đảo, chơi vơi.
“Em tin không, anh chưa bị vợ đập cái điện thoại nào” - Nguyên nói, mặt hơi vênh lên đầy tự tin, như cách người ta kể về thành tích để đời của mình. “Vợ anh hiền lắm…” - giọng Nguyên trầm đều, kiểu trầm đều như một thước phim không có cao trào làm khán giả có thể ngủ gật bất cứ lúc nào, hoặc chỉ cần tôi dừng lại ở một trong mấy chục ngàn ý nghĩ lướt qua đầu là sóng não lập tức không tiếp nhận ngôn từ của Nguyên nữa.
Tôi đang mải nghĩ xem việc không đập điện thoại là tiêu cực hay tích cực. Ấy là khi tôi vừa nghe chị gái tỉ tê cả chục năm nay gia đình chưa có chuyến đi chơi chung. Chính xác hơn là có đi nhưng mạnh ai nấy dắt con đi. Mấy đứa con cũng chẳng quan tâm có ai, thiếu ai; chỉ cần được đi chơi là thích. Căn nhà mỗi tối vẫn đầy đủ bốn người nhưng ngôn từ ngày càng ít lại. Chỉ còn những câu hỏi đáp thuộc về bậc thang nhu cầu đơn giản nhất của con người. Vậy đấy! Em có đi chơi chung với người em chẳng muốn nói chuyện không?
Hôm qua, Hoàng cũng rủ: “Mình đi chơi xa đi?”. Tôi uể oải nghĩ về một thành phố du lịch nào đó sẽ đến cùng Hoàng. Có thể là phố biển, phố núi hay một phố cổ trong hoặc ngoài nước - những nơi chưa đến hoặc đã đi qua nhưng tôi rất muốn ghé lại. Như lần đứng trước phố cổ Malacca trầm buồn, những thanh âm réo rắt của đường phố như một lời hẹn tôi sẽ quay lại, sẽ chạm vào những trầm tích đi qua thời gian với biết bao câu chuyện, phận người. Tôi sẽ ở lại lâu hơn chứ không phải như chuyến công tác ít ngày lần đó. Vậy nhưng khi nghe Hoàng rủ, kể cả một niềm háo hức về điểm đến cũng không hình thành.
Mà nếu có diễn ra, trong chuyến đi ấy, buổi sáng thức dậy, tôi sẽ làm gì? Rồi làm gì tiếp cho hết buổi trưa để đến bữa ăn chiều? Buổi tối sẽ rất dài nếu chỉ ngồi cà phê và nói qua lại vài câu nhạt nhẽo sau đó mạnh ai nấy dán mắt vào màn hình điện thoại. Hoặc Hoàng sẽ rủ: “Mình về khách sạn đi”. Ở một thành phố xa lạ, sẽ chẳng mất thời gian cho việc cá nhân, nhà cửa, vì thế mà nó càng dài. Tôi lại khó dỗ giấc ở những nơi lạ.
Tôi trả lời: “Em bận”. Hoàng ậm ừ: “Anh sẽ chờ”, nghe cũng tha thiết như điều tôi hằng mong về một mối quan hệ đường dài với nhau.
Một lần, tôi nói với Hoàng rất chân thành: “Hay là anh quen ai đó đi”. Tôi tránh từ chia tay vì nghe có vẻ nặng nề quá. Tôi muốn vậy, để có cái gì đó khác đi. Để xem khi Hoàng có ai khác thì chút ghen tuông trong tôi còn không; để xem tôi có muốn níu kéo Hoàng không; để xem một mình tôi có ổn không, cuộc sống có khác đi không… Rất nhiều thứ để tôi bật ra lời đề nghị đó chứ không phải vì muốn thử lòng. Hoặc ít ra cũng là gợn sóng để hình thành thắc mắc trong Hoàng: Vì sao tôi muốn chia tay? Cuộc tình của mình không ổn chỗ nào? Nhưng có vẻ như với Hoàng, mọi thứ đều ổn nên anh trả lời rất nhanh: “Không, anh chọn em rồi”.
Hoàng nói giọng đầy dứt khoát và không có vẻ gì là tổn thương trước lời đề nghị của tôi. Sẽ chẳng có lý do nào để chia tay với một người khăng khăng “Anh chọn em”; “Anh sẽ chờ”. Dù vậy, đêm đêm, khi về đến nhà, ánh đèn vàng hắt vào ô cửa thứ ánh sáng gợi nhớ những ngày dài một mình cô độc, tôi vẫn tự hỏi, giữa tôi với Hoàng là tình yêu hay sao.
Hồi chị yêu anh rể, hai người thiết tha nhau biết chừng nào, tưởng như gặp nhau bao nhiêu cũng không đủ. Họ nói với nhau ngày này qua tháng nọ vẫn chưa hết chuyện cần nói, muốn nói. Bây giờ giáp mặt không sinh sự, không thấy hằn học nhau đã là may mắn. Vậy thì theo chiều hướng logic trong toán học, tôi với Hoàng trong tương lai sẽ ra sao? Nên có khi “thành tích” chưa từng bị đập điện thoại của Nguyên lại thành tiêu cực. Khi sự thờ ơ ngang nhiên chen vào giữa hai người; người kia sống ra sao, có hàng đêm nhắn tin cho ai không… chẳng còn là vấn đề để quan tâm. Từng ý nghĩ lần lượt chạy qua sóng não tôi.
Trời nhiều gió, mưa có thể ập xuống bất cứ lúc nào do ảnh hưởng từ cơn bão xa bờ. Tôi ngồi cùng Nguyên nhìn dòng xe cộ cuối chiều tấp nập. Nguyên cũng thân nên tôi chẳng phải đi theo câu chuyện cho liền mạch làm gì. Nhớ ra gì nói đó, không có gì để nói thì ngồi ngắm trời mây thôi. *** Chuyện của tôi với Hoàng tại sao nhạt thì tôi hiểu nhưng chị với anh rể không còn nói chuyện được với nhau thì tôi thấy tiếc cho cả hai.
“Người ta quảy túi vào bệnh viện chữa bệnh chứ có ai đi chữa lành tổn thương đâu! Có nơi nào chữa lành tổn thương không? Nếu chữa, liệu có lành được không? Chắc là không rồi. Vì nếu lành, tòa án sẽ chẳng cần ký đơn ly hôn mỗi ngày” - chị nói một lèo, tự hỏi tự trả lời chẳng để tôi chen vào.
Hồi nhỏ, mỗi lần mẹ tôi quảy giỏ cói trên vai là tôi biết mẹ đến bệnh viện. Đó là loại giỏ có quai xách mà đi đâu mẹ cũng dùng nhưng nhìn cách mẹ quảy giỏ thì tôi biết mẹ đi đâu. Nếu là đi chợ, trong giỏ trống không. Mẹ chỉ cần khoan thai xách nhẹ trên tay là đi. Khi có ít thức ăn, thực phẩm trong đó, đáy giỏ hơi trĩu xuống là tôi biết mẹ đi sang ngoại, sang bà con hay hàng xóm để cho món gì đó. Chỉ khi đi bệnh viện, giỏ của mẹ mới đầy ắp đồ dùng. Những khi ấy, mẹ ở lại bệnh viện vài ngày mới về. Mẹ chăm ai đó hoặc mẹ bệnh cần nằm lại bệnh viện.
Thường thì mẹ cũng không giấu chuyện đi bệnh viện. Khi tôi với hỏi theo mẹ, trên chuyến đò chòng chành vừa rời bến, xuyên qua đám lá bần phất phơ, mắt mẹ cố tìm tôi, dặn dò hoặc nói gì đó cho tôi yên tâm. Từ nhỏ, tôi đã nghĩ ai cũng phải đi chữa bệnh.
Lớn lên, tôi mới biết bệnh ở thân thể sẽ khỏi nhờ được bác sĩ chữa trị, chỉ có bệnh trong tâm mới dần dần giết chết con người ta. Tôi hiểu những điều chị nói: “Khi vết thương chưa được băng bó, lại chồng lấp vết thương thì khả năng lành càng khó; nhất là khi vết thương đó ủ kín trong sâu thẳm”.
Trên hành trình cuộc đời, ai cũng đến giai đoạn có một người lại gần nắm chặt lấy tay mình, rồi cả hai cùng tiến về phía trước. Ở một đoạn đường gập ghềnh, hai bàn chân họ không còn bám chặt mặt đất được nữa. Họ chao đảo, chơi vơi. Khi ấy, hai bàn tay buông lơi không còn tìm thấy nhau. Đến đoạn đường bằng phẳng khác, tay họ lại tìm đến nhau. Vòng tròn ấy lặp lại cho đến một lần, họ nhận ra mình dễ đi hơn khi buông hẳn tay nhau. Từ đó, việc nắm tay đối với họ trở nên vướng víu. *** Trong khu vườn chữa lành mà tôi tìm đến, cỏ cây hoa lá quyện theo từng bước chân. Tôi chỉ việc thì thầm điều mình cần chữa lành với lá trong khu vườn ấy. Ngả lưng trên nền cỏ mát mịn, tôi thấy từng sóng não mình giãn hẳn ra. Giờ đây, tôi nghe rõ tiếng lá: “Hãy đối diện với những tổn thương ai đó gây ra cho mình hay chính mình gây ra cho ai đó đã vô tình làm tắc nghẽn nguồn chảy hạnh phúc trong cuộc sống…”.
Một buổi sáng, ngày gió lạnh ghé ngang chung cư, người yêu tôi đến thăm. Lúc về, vội vàng điều gì đó, anh đã bỏ quên xấp tài liệu cần dùng đến trong ngày. Tôi bật tung cửa nhìn ra, nghĩ rằng anh còn chưa đi hết hành lang dài để quẹo xuống nhà xe nhưng lạ thay, không một bóng người trong tầm mắt. Có lẽ anh vội nên bước nhanh hơn. Tôi cầm theo xấp tài liệu chạy xuống nhà xe. Chiếc xe anh vẫn dựng nguyên chỗ cũ, cạnh cửa ra vào, nơi có khóm cây vào mùa lá biếc xanh đâm nõn.
Tôi đứng ngơ ngác nhìn. Những dấu hỏi ban đầu mơ hồ rồi dần hiện rõ khiến tôi lạnh như thể toàn thân vừa được truyền vào thứ nước đóng băng và dòng máu nóng trong cơ thể tôi bị đẩy hẳn ra ngoài, lạnh tê tái.
Căn phòng không để giày dép bên ngoài - trong đầu tôi vang lên câu nói như một mệnh lệnh. Tôi đi ngược lên cầu thang. Đoạn vừa qua bậc cầu thang để lên tầng một, từ xa tôi đã thấy bóng dáng anh và người đặt đôi giày ra khỏi bậc thềm cửa để bàn chân anh đặt vào là một cô gái. Cả hai đang trong tư thế lom khom cúi nên không thấy tôi. Tôi đã nhanh chân đi về hướng khác như một lời mách bảo trong vô thức.
Thật lâu sau, tôi mới trở về phòng mình. Tôi đi thật chậm nơi căn phòng duy nhất của dãy hành lang này. Nó dễ nhớ vì luôn đóng cửa và không để giày dép ở bên ngoài. Căn phòng ấy không phải lần đầu hút người đàn ông của tôi vào. Trước đó, một ngày đầu xuân khi tâm hồn tôi đang rạo rực nỗi mong chờ, cũng chính cánh cửa ấy hút trọn vẹn mọi niềm mong chờ của tôi. Đó là một buổi tối se sắt lạnh, lạnh từ trong lòng. Tôi lang thang giữa tiết trời mùa xuân còn sót lại chỉ để xóa nhòa hình ảnh mình vừa nhìn thấy. Tôi đi mãi cho đến khi những ngón chân rướm máu. Tôi tự hỏi liệu mình có chữa lành vết thương được không.
Chỉ vài ngày sau, vết thương ở chân tôi đã lành hẳn. Vết thương ở trong lòng bị tôi ém xuống thật sâu, thật kỹ, với ý nghĩ nó sẽ trôi vào vùng sâu thẳm của lãng quên. Từ đó trở về sau, mỗi giấc ngủ của tôi đều chìm vào mộng mị. Tôi luôn mơ thấy cánh cửa như một nỗi ám ảnh. Phải chăng tất cả những cơn ác mộng đều là hiện thân của một câu chuyện trước đó? Thỉnh thoảng, tôi mơ thấy mình rơi vào tình huống khó xử: không mặc quần áo giữa chốn đông người. Một lần, cô giáo tôi nói rằng hãy liên hệ giấc mơ với đời thường để tìm ra lý giải cho mình. Tôi chẳng hiểu gì. Tôi luôn mặc quần áo và có người thương bên cạnh nhưng nỗi cô đơn vẫn không ngừng xâm chiếm tâm can tôi, cả trong giấc mơ lẫn đời thực.
Tôi gặp Hoàng khi niềm tin về tình yêu chỉ còn là những chiếc lá mùa xuân khô héo chờ người ta gom gọn lại, đốt đi. Trong mớ tro tàn ấy, có cả những chiếc lá còn rất xanh.
Mùa xuân ấy trôi qua lạnh quá, bàn tay Hoàng có ấm áp mấy cũng chẳng sưởi ấm được. À, còn vì thứ nước chảy trong người tôi không nóng ấm như máu huyết mà là thứ nước đã đóng băng. Thứ nước ấy có một quyền năng ghê gớm. Nó làm dang dở cả chặng đường thanh xuân của tôi, kể cả sau này, tưởng đã ấm êm bên Hoàng. *** Nguyên nói: “Sao em không thắc mắc vì sao vợ anh chưa từng đập điện thoại của anh nhỉ?”. Tôi cũng thấy mệt với những ý nghĩ chạy trong đầu. Chờ cho cơn gió đi qua, tán lá không còn đập trên không trung thành những thanh âm của bão táp, tôi chậm rãi hỏi Nguyên: “Vì sao vậy anh?”. “Tụi anh ly thân ba năm nay. Thực ra là ly hôn nhưng thấy thủ tục ly hôn rườm rà quá nên cứ để vậy”.
Ngày trước, tôi từng có ý nghĩ tình cảm là thứ tự nhiên nhất, không cần phải cố gắng. Nếu ai đó là mảnh ghép của mình thì tự khắc khớp vào nhau còn nếu không thì một thời gian sẽ tự tách nhau ra. Mãi sau này tôi mới nhận ra, sẽ chẳng có mối quan hệ nào là tự nhiên khớp vào nhau. Để đi được đường dài cùng nhau, tình yêu cần được xây dựng, bồi đắp và cả chữa lành mỗi ngày để hai tâm hồn xích lại gần nhau hơn, vượt qua những bức tường vô hình ngăn cách họ bởi những tổn thương.
Vậy nên đến tuổi này, tôi nghĩ rất khác về tình yêu. Tôi hình dung nó giống như một chậu cây. Cây chỉ có thể xanh tươi khi bộ rễ được tưới tẩm dòng nước mát lành mỗi ngày chứ không phải chỉ xanh lúc mua về từ cửa hàng hoa, rồi sau đó héo rũ, tàn tạ dần theo thời gian vì chủ không biết cách chăm sóc.
Tôi định nói gì đó vui vui, cho cân bằng với thời tiết đang ảm đạm nhưng cuối cùng lại bật thành câu hỏi khác: “Anh có biết khu vườn chữa lành không?”. Nguyên trố mắt nhìn tôi, vẻ thảng thốt: “Em ổn không? Anh có nghe thông tin em đang theo học tâm lý phải không?”. Bình thường tôi sẽ đôi co với anh về việc tại sao anh nghĩ vì tôi bất ổn nên theo học lớp tâm lý. Tuy vậy, lúc này, bộ não của tôi lại chạy theo ý nghĩ khác, về lời của lá thì thầm trong khu vườn chữa lành: Chỉ khi nào con người hồn nhiên như cây lá mới mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho nhau.
Tôi chẳng nói với Nguyên về lời thì thầm của lá mà chỉ nhìn mây trời và chép miệng than: “Ngày gì mà trời nhiều gió quá, anh nhỉ?”.