PNO - Hai thằng con trai đã đi gần nửa đời người, một đứa bỏ phố về quê, một đứa từ quê lên phố, giờ ngồi lại với nhau, nghe lòng nghẹn ngào nhiều thương tưởng.
“Nếu những điều ước đều thành sự thật thì thiên hạ ai cũng giàu, thế gian bỗng hóa thiên đường, làm gì còn hai thằng nghèo xất bất xang bang ngồi nói chuyện tào lao…” - Tịnh nói vậy vào một chiều lưng chừng xuân. Gió ngọt đong đưa trên mớ thủy liễu tím ngát triền sông. Sóng gợn lăn tăn. Sóng vỗ vào bờ lao xao. Sóng nhởn nhơ đùa cùng đám thủy liễu oằn mình sát xuống mép nước.
An đi bốn năm mới quay lại Cố Giang. Gương mặt vẫn lạnh lùng, ánh nhìn sâu thẳm, mớ tóc đen lòa xòa chải mớ ba mớ bảy được thay bằng cái đầu húi cua. An bảo hớt vậy cho mát. Đi mần công cho người ta chớ có phải đi chơi đâu mà điệu đàng rẽ ngôi láng lẩy như hồi ở quê. Duy chỉ có một thứ An chẳng đổi, là cái tánh ít nói. Hầu như suốt từ chiều tới giờ, An nhấc ly lên uống cái ót, thở cái khà ra chừng ưng ý rượu gạo Nha Mân rồi thôi. An cứ nhìn chiều chậm trôi, không hé môi kể bất cứ điều gì trong quãng đời lang bạt của mình.
Ảnh:Thanh Thảo
Hai thằng con trai đã đi gần nửa đời người, một đứa bỏ phố về quê, một đứa từ quê lên phố, giờ ngồi lại với nhau, nghe lòng nghẹn ngào nhiều thương tưởng. Nghe trong gió có tiếng cười rổn rảng của những ký ức tuổi thơ chạy dọc triền sông. “Ngót chừng hai chục năm rồi phải không An?” - Tịnh hỏi khi trăng bắt đầu nhô lên trên nền trời thẫm đen. Đêm lồng lộng những thanh âm réo rắt của đám cúm núm. Lòng An bỗng quay về những cánh đồng xanh mướt mạ non, những cơn mưa mù trời, những trưa trốn ngủ đi chơi, những lần quần thảo với đám bạn học lấm lem bùn… Những Tí, Tèo, Mít, Cam, Thiệt, Thà… của đồng bưng phù sa, theo con nước xứ này lớn lên rồi đi tuốt luốt. An thở dài, ngả lưng xuống chiếu, mắt dõi theo con trăng mờ đục chưa tròn vành. Cúm núm gọi bầy mùa nước ngọt gió đồng lao xao cả một khúc sông quê. *** Tịnh sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Ba má Tịnh gốc phù sa chín nhánh sông, long đong thị thành cho cuộc mưu sinh rồi dừng chân nơi phố xá hoa lệ. Mấy đứa con cũng từ đó thành người Sài Gòn. Ông trời chắc thương những kẻ cả đời lam lũ nên ngót chừng hai chục năm bôn ba, ba má Tịnh cũng có một mái nhà nho nhỏ trong cái xóm ngoằn ngoèo. Những ngày hè tuổi nhỏ, mấy anh em Tịnh được gởi về quê cho ngoại chăm, để ba má trên thành phố dễ bề bươn chải. Cứ vậy mà Tịnh làm quen với đám bạn quê mang mấy cái tên chất phác như châu thổ đồng bưng.
Mấy đứa nhỏ sàn sàn tuổi nhau nên cũng dễ làm thân. Sau mùa hè đầu tiên, tự khắc cái xóm nhỏ ven bờ kênh Hạ của con sông Cố Giang tụ thành một nhóm năm đứa trẻ khắng khít. Ngoại nói năm đứa phá như quỷ, phá nhất xóm, phá gì mà phá từ sáng tới tối. Ngoại nói vậy, rồi đung đưa võng, ngân nga mấy câu ca cổ. Nói là nói vậy chớ ngoại thương năm đứa nhỏ lắm.
Sáng tờ mờ, ngoại đã ra chợ mua năm gói xôi để dành lỡ năm đứa nhỏ có đói bụng sau một buổi chạy đồng thì có cái lót bụng. Trưa nắng chang chang, chỉ cần chạy vô chái bếp ngoại thì có ngay nồi chè đậu xanh phổ tai hay cái bánh bò thốt nốt… Riết xóm giềng hay méc bà Sáu Lệ đám nít quỷ hái trộm ổi, đám nít quỷ đá banh dập mớ rau càng cua trước thềm nhà… Hay có lần bà Tám cô đơn xách tai An lôi xềnh xệch tới trước thềm nhà ngoại la làng: “Bà Sáu coi sao chớ mấy thằng quỷ nhỏ nhét cái giấy gì tào lao vô xe nước mía của tui. Tui già rồi mà nó còn hổng tha nè”. Bà Tám méc thì ngoại cười hề hề: “Con nít mà Tám! Kệ đi, chừng tụi nó hổng phá thì xóm mình buồn hiu. Xóm này giờ đi hết trơn, chỉ toàn người già tụi mình giữ đất giữ vườn. Thôi tui đền cho Tám. Coi tụi nó như con cháu mình mà thương. Còn mấy đứa nhỏ để thấy xứ mình còn có người sống. Người sống là sống như đất, như cây, như bông, như trái - biết lớn lên, biết cựa quậy, biết xanh màu xứ quê. Chớ già như tụi mình, nói thiệt, đâu phải là sống, là chờ đợi mà thôi”.
Bà Tám cô đơn buông tai An ra, kéo cái cửa rào vô thềm nhà ngồi. Mấy đứa con nít quỷ lại nhảy xuống sông tắm. Không biết ngoại nói gì Tám hay Tám than thở gì ngoại, chỉ biết sau bận đó, mỗi ngày ngoại thường cho mấy đứa nhỏ tiền ra mua nước mía. Tám cũng không còn la làng khi mấy đứa nhỏ chạy nhảy đụng vô mấy cây mía của Tám. Duy có một điều, đám con nít quỷ không kể ngoại nghe về bức thư ai đó viết gởi Tám. *** Năm đứa con nít quỷ của ngoại gồm Tịnh, An, hai anh em sinh đôi Hưng và Thịnh, thêm con Mén. Bốn thằng con trai phá đã đành, con Mén cũng phá trời thần. Má nó cấn bầu với ai đó sau quãng đời bôn ba tuốt Bình Dương làm công nhân. Chừng cái bầu lớn, bà về xứ đẻ nó. Con Mén chưa thôi nôi, má nó đã nghe mai mối đi lấy chồng Đài Loan để lại nó cho ông bà ngoại chăm. Con nhỏ da ngăm, tóc cắt sát ót như con trai, suốt ngày chạy nhảy quậy phá. Mén nhỏ xíu, ốm nhom nhưng lanh lợi và nhanh nhẹn. Tụi con trai đu cây hái trái trộm, chừng nghe tiếng chó sủa là thấy nó mất dạng. Tới khi định thần lại là nó leo tuốt lên gần ngọn cây. Mén bơi giỏi, như rái cá, thả cái bè chuối xuống lội vài phút là tự khắc học theo đám bạn bơi.
Hai anh em sinh đôi thì mồ côi ba má sau một tai nạn hút trộm cát sông. Một đêm của tuổi lên tám, hai anh em bỗng thành trẻ mồ côi rồi còn bị cả làng nhìn ngang ngó dọc, chỉ trỏ con của “cát tặc”. Hai thằng sinh đôi lủi thủi sống với ông bà nội ở cái nhà lá nghèo xơ xác cuối xóm, lâu lâu ngoại có gì đó ngon thì ghé cho. Không ai thèm chơi với hai thằng sinh đôi, trừ An. An giải thích: “Người ta nói tao là con hoang, con lượm ngoài cổng đình nên tao có danh giá gì mà sợ để không chơi với tụi bây”.
Đám nít quỷ năm đứa như ngoại nói là có duyên mới tụ lại với nhau. Đâu ai sanh ra mà lựa chọn được số phận. Ruổi rong kiếp này đôi khi là nhân duyên kiếp trước. Cứ còn vui thì mình cứ vui bây ơi. Chừng lớn rồi, niềm vui này mới chính là thứ khiến mình sống trọn vẹn. Năm đó, ngoại nói khi tụi con nít bắt đầu bể giọng dậy thì. Tịnh và An cùng mười sáu, hai anh em sinh đôi mười bốn. Riêng con Mén trổ giò thon gọn, ngực cau nhú lên sau làn áo mỏng, môi chúm chím hồng, nước da bỗng trắng bóc. Ngoại nói gái Nha Mân đẹp nức tiếng Cửu Long, điều đó hoàn toàn ứng với con Mén.
Mấy đứa trẻ vẫn băng cơn mưa đồng rồi về lại triền sông có đám thủy liễu bông tím biếc. Tịnh chia tay đám bạn để về Sài Gòn. Ba má Thịnh đã không còn cho con về quê những tháng hè. Cấp III rồi, phải học thêm, chưa kể còn lo chạy mấy lớp luyện thi đại học. An nhìn Tịnh rồi hỏi khi nào về lại châu thổ. Con Mén ngắt mấy chùm bông thủy liễu kết thành cái kiềng đeo cổ. Cái kiềng đó sau này Tịnh hong khô treo trước cửa sổ phòng như nhắc chính mình ký ức về một miền ấu thơ đẹp ngời ngời.
Ngày Tịnh quyết định về lại châu thổ chín nhánh sông khi cầm tấm bằng kỹ sư nông nghiệp thì không gặp đứa bạn nào. Sóng nước xứ này vẫn biền biệt trôi. Chín cửa sông nay chỉ còn bảy cửa bởi xâm thực, hạn mặn. Chỉ mỗi ngoại vẫn bên thềm nhà, tóc bạc màu sương mai cùng mấy câu hát Loan phụng hòa minh xưa cũ. *** Có lần, mấy đứa nhỏ không thấy xe nước mía của Tám cô đơn đâu hết. Ba ngày liền, đám trẻ chạy ra rồi chạy về hỏi ngoại biết bà Tám đi đâu không. Ngoại cười hềnh hệch: “Tám đi thăm chồng”. Tụi nhỏ thắc mắc: “Ủa, sao kêu bà Tám cô đơn mà có chồng vậy ngoại?”. Ngoại múc chén chè chuối cốt dừa cho mấy đứa nhỏ rồi thở dài: “Tám đẹp lắm, đẹp như bao đứa con gái Nha Mân. Nhưng, hồng nhan thì bạc phận, cũng y hệt bao đứa con gái Nha Mân này. Cũng có người trầu cau dạm hỏi, chừng sau mới hay người ta hỏi Tám về làm lẽ do bà lớn không sanh nở được…”.
Hồi đó Tám khổ, tía má của Tám đâu có công ruộng nào để mần, ai kêu gì làm đó, cái nghèo đeo miết nên mấy đứa con cũng nheo nhóc ốm yếu. Có đứa sốt bại não nằm một chỗ. Có đứa tong teo xanh rờn do thiếu ăn. Tám là con gái lớn trong nhà nên bàn tía má thôi thì người ta đặt tiền nạp tài cũng sửa lại được cái nhà, mua được công ruộng và chí ít phận con cái thì báo hiếu. Chữ hiếu nặng hơn bất cứ chữ nào. Chừng Tám làm tròn bổn phận đẻ đứa con trai cho chồng thì bà lớn tìm cách hắt hủi.
Tám quay về đây mà nương tựa mảnh đất nhà. Chuyện xưa lắc nhưng nỗi đau còn đó. Tám không qua thêm lần đò nào nữa bởi xứ này người ta cứ sang đò qua Cố Giang thì biền biệt không về. Người về lại ghim chi chít trong lòng mình những nỗi đau. Cái đau thể xác ba ngày năm bữa thì hết, còn cái đau tâm can thì ngàn năm vẫn âm ỉ. Sóng nước Cố Giang chẳng bao giờ cuốn trôi được mấy nỗi đau đời của người xứ mình. Chưa có ai quay về Cố Giang bởi thương đất này. Người ta nói về tình Cửu Long như sóng nước châu thổ. Vậy nhưng nhắc tới Cố Giang, người ta lại ví cái đợi mỏi mòn như ruộng đợi phù sa.
Mấy đứa nhỏ ngồi nghe mới sực nhớ bức thư của thằng nhỏ tuổi trạc tụi nó một chiều lấp ló ngoài xe nước mía bị năm đứa nít quỷ bắt gặp. Thằng nhỏ xứ khác quá giang chuyến xe tìm về, lận trong túi quần lá thư bằng giấy học trò. Nó nói có người nhờ đưa bà nước mía nhưng đừng nói ai nghe. Hứa đi, hứa là phải ngoéo tay lại thề. Thề độc nếu ai nói ra thì cả đời linh đinh như phù sa nơi chín nhánh tình này. Phù sa lặn vào sông là cả đời ẩn mình dưới lớp nước châu thổ. Mấy đứa con nít luôn tin và giữ lời thề như tin vào cổ tích. *** Một ngày, Tịnh nói với ba má sẽ về với ngoại, sẽ chăm mảnh vườn, sẽ làm nông dân trên chính xứ quê mà ba má đã rời xa. Ngoại già rồi, sống đâu có bao lâu, có con bên cạnh, ba má cũng đỡ lo lắng. Ba lặng nhìn Tịnh rồi gật đầu. Má khóc như mưa Sài Gòn dầm dề tháng Ngâu. Tịnh biết có những người vẫn thương Cố Giang nhưng đâu phải cứ thương là về được. Tỉ như ba má: công việc, nhà cửa, con cái, trăm thứ quấn lấy nên đường về xứ cứ hun hút tầm mắt.
Xứ quê cơ cầu đâu ai chịu ở đến bạc đầu. Người ta qua đò rần rần nên đám bạn Tịnh cũng thử một lần tìm về thị thành mong cuộc đổi đời. Đời chưa kịp đổi thì con Mén sa chân vào quán karaoke ôm, nghe nói phải đi “học tập” vài năm. Hai anh em sinh đôi càng lớn càng thấm nỗi đau miệng đời nên bỏ đi biệt xứ. Lần cuối cùng về, tụi nó rước nội lên thành phố luôn. Thị thành chen chúc nhưng đâu ai biết quá khứ in hằn nỗi đau của anh em tụi nó.
Ngoại thở dài khi Tịnh hỏi An: “An à? Mấy năm rồi nó đâu về. Ông bà mất, nó khép cửa nhà rồi lang bạt đâu đó không ai biết”. Cố Giang muôn đời ôm vào lòng những cũ kỹ đợi chờ. Tịnh cũng như sóng nước xứ này, ôm vào lòng những vọng về thương tưởng. Những ngày gió ngọt nước đồng, Tịnh hay chạy băng đồng ngơ ngác rồi lủi thủi tìm về triền sông cũ, ngồi nghe sóng nước hát, nghe thủy liễu rủ mình ôm sát mép sông, nghe cúm núm gọi bầy mà xao xác lòng. Mùa tết sau cơn dịch, Tịnh không còn chạy băng đồng, không ra triền sông cũ thì An về. Giang hồ lang bạt vậy chứ nhốt mình với cô đơn trong căn phòng trọ, nghe mùi bánh tét chín thơm nức giữa chiều ba mươi tết của Sài Gòn, An chịu không nổi, liền quảy ba lô chạy một mạch về xứ.
Đêm gọi trăng về, An nhắc chuyện Tám cô đơn. Tịnh kể thì ra vẫn có cổ tích giữa đời này: “Thằng nhỏ bữa nhét thư cho mình gởi Tám là con Tám đó. Cuối đoạn đường đời của Tám, thằng con quay về rước Tám, đền chữ hiếu mà khi nhỏ nó không cách nào báo đáp. Bữa đó nắng mai non…
Cũng mùa nắng mai non này mày về. Tao vẫn tin những mùa nắng mai non như ngoại nói. Nắng mai non là nắng đầu Chạp - thứ nắng lạ lùng không gắt chẳng dịu, vừa đủ rấm rứt để không lóa mắt mà thấy đường về. Mùa nắng mai non tới, biết đâu con Mén về, biết đâu hai anh em thằng kia cũng về. Cạn cùng cuộc đời ai rồi cũng tìm thấy nắng mai non cho mình…” - Tịnh vẫn nói. An vẫn nằm im re. Tịnh bất giác hỏi An nhìn gì giữa thâm u. An quay qua chỉ thẳng giữa trời đêm cuối xuân: “Mày thấy không, giờ này cũng có nắng mai non nè”.