Cha mẹ tôi có 2 con trai. Mẹ mất sớm, cha một mình nuôi 2 đứa con đang tuổi ngốn tiền với tính nết ẩm ương, nổi loạn. Nghe nói hồi đó có mấy cô thương cha, muốn phụ cha nuôi dạy chúng tôi nhưng cha từ chối. Cha nói mình cha lo được. Cha lo cho con là lẽ thường tình, để người ngoài lo giùm sao được!
Chúng tôi đi học xa và thoát ly gia đình từ đó. Cha vẫn ở một mình, buồn thì lôi mấy đứa cháu trong họ về chăm giúp cha mẹ tụi nó. Người làng còn đùa, nói cha không làm thầy giáo thật phí. Cha thương đám con nít. Khi rảnh, cha lùa đám trẻ cả trai cả gái xuống ao làng dạy tụi nó bơi, dạy vài thế võ phòng thân. Chúng tôi nói cha sao không nghỉ ngơi cho khỏe, ôm đồm làm gì, cha nói cha đang chơi đó, làm gì khiến người ta vui thì mình cũng vui.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Trong 2 anh em, anh Hai kinh tế khó hơn, do chị dâu cũng con nhà nông. Chị dâu lại sinh đứa thứ ba. Lúc này, sức khỏe chị không còn tốt, con bé sinh ra đã mang bệnh, bao tiền của công sức đều dồn vào nó. Cha gọi tôi về nói căn nhà cha đang ở mai kia sẽ chia đôi cho 2 anh em. Nay cha ở trên phần đất sẽ là của tôi, phần còn lại cha bán để chữa bệnh cho bé út nhà anh Hai. Tôi nói con từ chối phần thừa kế đó, cha làm gì tùy thích.
Vợ tôi biết tin thì khó chịu. Vợ nói cha cho thì tôi cứ nhận, tôi đâu có tranh cướp của ai. Tôi nói miếng đất đó bán được hai ba trăm triệu là cùng, vợ nói nay hai ba trăm nhưng năm mười năm nữa sẽ thành tiền tỉ. Mình chưa bán, cứ để cha ở thì mình vẫn có quyền và tiếng nói mình có trọng lượng.
Tôi không nói gì. Tôi không muốn có quyền với người thân, là cha và anh mình. Tôi giờ ăn bữa cơm có giá cả chục triệu đồng vẫn không quên được củ khoai lang ai làm rớt trong chiều mưa to, anh Hai lượm được mang về ủ trong tro bếp. Mùi khoai nướng thơm lừng. Anh bẻ 2 đầu giữ lại phần mình và đưa tôi phần giữa tròn căng, nói hên ghê nay cha về muộn, mình lại lượm được khoai. Cha về, hỏi 2 anh em đói chưa, tôi khoe anh Hai nướng khoai cho con ăn, khoai thơm lắm. Tôi mải khoe khoai ngọt thơm trong khi anh thành thật kể 2 anh em nhặt được củ khoai ở bờ mương. Chắc do mưa nên người ta vội về. Tôi híp mắt cười chìa cho cha miếng khoai tôi đang ăn dở, cha ghé miệng vào cắn một tí xíu hoặc có khi còn chưa cắn. Cha cầm cái chóp củ khoai to hơn đầu đũa anh bỏ dưới dĩa cho vào miệng rồi cười: “Ừ, khoai thơm ghê”. Cha và anh không biết miếng khoai trong miệng tôi nghẹn ứ, mắt tôi cay xè.
***
Ra trường, như bao chàng trai tỉnh lẻ khác, tôi phải bươn chải giữa thành phố để tìm một công việc đủ nuôi sống bản thân bởi không thể về quê, không thể chết đói. Tôi có việc làm sau nửa tháng rải đơn. Có việc làm nhưng tôi vẫn đi làm thêm. Khi ấy, tôi làm đến 3 công việc khác nhau, quần áo có đúng 2 bộ, mặc bộ này giặt bộ kia. Có người cười cợt chế giễu nhưng tôi không có thời gian quan tâm ai nói gì. Khi ấy, chị dâu mới sinh bé Dủ Dẻ. Tháng lương đầu tiên tôi dành phần cha mẹ và anh chị, nhờ cha đi thăm cháu nội, mua sữa cho con bé.
Những ngày đó, tôi không biết vợ đã chú ý mình. Vợ là gái thành phố, xinh xắn, gia đình “có điều kiện”. Ngày tôi đưa vợ về thăm nhà, dù tôi đã dặn cô ấy ăn mặc giản dị nhưng cha vẫn nói nhỏ: “Cô đó không hợp với con. Người ta dân thành phố khó mà chịu cực cùng con được”. Rồi chúng tôi cũng lấy nhau vì tôi nghĩ tôi có cực nữa đâu mà cần vợ chịu cực cùng.
***
Khi ấy, tôi chưa đủ chín chắn nên nghĩ đơn giản. Vợ tôi cũng không làm gì quá đáng; giỗ chạp, tết nhất, lễ lạt, sinh nhật mọi người, cô ấy đều gửi quà về. Tôi nói giỗ chạp tết nhất thì cần, còn sinh nhật thì thôi. Cha với anh thậm chí không nhớ mấy ngày đó. Vợ nói không tốn kém bao nhiêu nhưng mọi người vui là được. Nói thế nhưng sau đó vợ cũng thôi vì con gái tôi chưa khi nào nhận được quà sinh nhật từ ông nội và 2 bác.
Vợ tôi cũng chưa một ngày làm dâu, anh chị Hai ở gần cha hơn nên hay về thăm. Thỉnh thoảng ghé thăm vợ chồng tôi, anh chị thường đem theo tôm cua cá tép cha bắt ở đồng làng, những con cá còn sống, những tôm tép tươi trong nhưng vợ tôi nói không biết làm. Vợ tôi quen mua tôm cá trong siêu thị. Chúng được người ta cắt khúc làm sạch, có khi còn ướp sẵn. Sau vài lần thấy vợ mang cho hàng xóm hoặc để cá chết tôm ươn, tôi nói anh chị đừng đem lên nữa.
Khi con gái được 5 tuổi, chúng tôi có ý định sinh thêm đứa nữa, vợ nói nhà nhỏ thế này sao ở nổi. Một ngày, mẹ vợ nói chúng tôi sửa lại ngôi nhà của cha mẹ mà ở, cha mẹ chỉ có mình vợ tôi là con, sau này nó là của chúng tôi chứ của ai. Và tranh thủ sinh đi, bà còn khỏe bà chăm cháu cho.
Tôi bán ngôi nhà nhỏ để xây nhà lớn. Khi đó, bạn bè tôi có người thở dài nhưng tôi không hiểu. Ở trong ngôi nhà lớn, tôi lấy làm may mắn vì chúng tôi chưa kịp có thêm đứa nữa, hẳn là linh cảm, hay đứa nhỏ biết không ổn nên chưa chịu về. Nhà xây xong, mẹ vợ đưa bạn bè về chơi, tôi nghe mẹ vợ và các bạn mẹ hể hả: “Con cái là của để dành nay đem ra xài. Được con cái báo hiếu thế này thì còn gì bằng!”.
Khi ấy tôi mới nhận ra mình dường như đã bước sai rồi. Ngôi nhà trong con ngõ hẹp kia dù nhỏ cũng là giang sơn của riêng tôi. Còn ngôi nhà này rộng rãi ngay mặt tiền nhưng là nhà tôi ở nhờ. Tôi sực nhớ lại tiếng thở dài của bạn bè, nghĩ khi nào cha mới dùng đến của để dành là tôi.
***
Nay, tôi không biết phải làm sao khi muốn đưa cha lên ở cùng. Tháng trước cha bị tai biến may mà cứu kịp. Dù vậy, cha yếu hẳn, đi đứng khập khiễng, nói năng chậm chạp. Đó giờ cha ở một mình không sao, nay không thể để cha một mình được. Nhà anh chị thì nhỏ, tới 3 đứa con, bé út lại ốm đau, cha ở với tôi là đúng nhất.
Vợ nhíu mày: “Anh Hai còn đó, đâu tới lượt anh nuôi cha?”.
Tôi không biết trả lời vợ làm sao. Vợ là con một, mọi thứ tốt đều của vợ và vợ chưa khó khăn thiếu thốn bao giờ. Ngày nhỏ, tôi là em, thứ gì ngon lành anh trai đều dành cho tôi đầu tiên. Sao giờ khó khăn anh cũng phải là người gánh?
“Em không hiểu anh nghĩ gì luôn. Cha chồng chung nhà mẹ vợ, thiên hạ nghĩ gì? Em không biết, anh làm sao thì làm. Nhà em đó giờ ở đây chưa khi nào làm mất lòng hàng xóm hay có điều tiếng gì. Anh đừng làm mẹ và em mất mặt”.
Tôi không biết chuyện con trai chăm cha thì có gì để mất mặt. Còn chuyện con rể ở cùng mẹ vợ chắc vinh quang? 3 năm nay, vợ chồng con cái tôi phải theo quy định của mẹ vợ. Bà không chịu lên lầu ở mà ở tầng trệt. Bà nói bà khó ngủ nên tôi không được về nhà sau 10 giờ rưỡi tối; những nồi cá kho riềng, cá vụn kho dưa hay canh cá nấu mẻ đều không được xuất hiện trong gian bếp của bà. Món gì mà cứ kho đi kho lại! Bà ăn món nào là hết món đó, ăn không hết thì bỏ chứ không có lệ cất vào tủ rồi mai đem ra ăn tiếp. Bà nói mấy món đó quá nhiều mùi và bà không chịu được. Bà quen ăn cá hồi áp chảo, cá thu xốt cà, cá lăng nấu măng chua…
Bà nói bà vì chúng tôi, toàn dân lao động trí óc thì phải biết bồi bổ bằng những thực phẩm nhiều vitamin, protein; rằng mấy con cá lòng tong cân cấn bắt ở ruộng đồng sông ngòi đầy thuốc trừ sâu chỉ độc chứ béo bổ gì. Tôi không dám nói với bà tôi lớn lên từ những con cá lòng tong cân cấn ấy. Tôi càng không dám kể với vợ và mẹ vợ có những buổi tiếp khách, chúng tôi đã vượt 20 cây số tìm đến quán tre nứa ở ngoại thành để được ăn cá vụn kho dưa cải, canh cua cà pháo mắm tôm, cá diếc kho khế, tép bạc kho khế…
Cửa vợ đã kẹt thì cửa mẹ vợ hẳn càng khó. Tôi đau đầu vì lo lắng. Mấy hôm nay trời mưa liên tục, anh Hai phải nghỉ làm về ở với cha. Hôm qua, anh nói cha nhắc đến củ khoai nướng chiều mưa năm đó, cha khen tôi dễ nuôi, cho gì cũng ăn, miễn no là được. Vậy mà tôi lại không sao nhớ được mùi khoai nướng ngày đó, không biết do lâu rồi tôi không ăn khoai hay do tôi bắt mình quên. Anh nhắc đến củ khoai càng làm tôi sợ. Tôi sợ cha bỏ chúng tôi mà đi. Tôi sợ mình chưa kịp báo hiếu. Tôi sợ miếng khoai năm xưa nghẹn hoài ở cổ. Nhưng tiền tôi đã dồn vào để xây ngôi nhà không phải của tôi. Tôi nhớ đến lời cha khi tôi đưa vợ về thăm nhà. Tôi đã tưởng mình sẽ chẳng có ngày nào khó khăn nữa.
Lúc này, tôi bất lực và tuyệt vọng hơn cả thời gian tôi vừa ra trường, vì khi ấy cha tôi còn khỏe, anh chị còn sung sức. Bây giờ, thời gian cha dành cho tôi đâu còn nhiều. Anh Hai nói hay là bán ngôi nhà ở quê đi, anh chị thế chấp cái nhà đang ở được thêm một ít, lên thành phố mua trả góp căn chung cư để cha thấy mình đang ở nhà mình mà yên tâm chữa trị. Tôi không đồng ý. Cha lên thành phố là cực chẳng đã, dù nhà đứng tên cha, cha cũng không coi đó là nhà mình, của mình phải do mình làm ra, như anh em tôi là của cha, hoàn toàn và không bao giờ thay đổi. Bán ngôi nhà ở quê, cha sẽ như cái cây bị mất gốc, mất đường về, mất bạn bè, sẽ rất kinh khủng với người nông dân cả đời quanh quẩn ở làng như cha.
***
Tôi quyết định nói chuyện với mẹ vợ. Tôi thưa chuyện ngôi nhà chúng tôi ngày trước có một nửa là cha và anh tôi cho. Chúng tôi bán đi để xây ngôi nhà này mà không hề lăn tăn hay nghĩ ngợi. Nhưng giờ cha tôi cần nơi ở để chữa bệnh, cần tôi báo hiếu, nên tôi xin phép mẹ vợ sẽ dọn đi. Mấy hôm nay tôi đã để ý và chọn được căn hộ chung cư gần đây có công viên rộng, sáng sáng có nhiều người già tập thể dục, sáng mai tôi sẽ về quê đón cha lên. Sở dĩ tôi muốn tìm thuê nhà gần đây vì nếu vợ không muốn theo tôi ra ở trọ thì cứ ở lại nhà mẹ, 2 nhà cách nhau chừng cây số, chạy qua lại cũng dễ. Và quan trọng là tôi biết cha thương con cháu, cha sẽ được ở gần cháu nội.
“Ai nói là ông nội bé Chíp không thể ở đây?” - mẹ vợ đột nhiên hỏi khiến tôi ú ớ. Vợ nhìn tôi rất nhanh rồi ngồi im. Tôi nói do tôi tự nghĩ, cha tôi là ông nông dân, ở nhà sang trọng thế này không quen, vả lại cha đi đứng khó khăn lên cầu thang cũng không tiện. Chưa kể ngày 2 lần sẽ có người đến giúp cha tập vật lý trị liệu mà mẹ lại không quen có người lạ ra vào nhà.
“Vậy là anh lường hết mọi chuyện rồi?” - mẹ vợ hỏi.
Tôi dạ. Mẹ vợ vẫn gọi tôi là anh từ ngày tôi về làm rể.
“Tôi không biết tôi có nói hay làm gì khiến anh hiểu lầm không. Tôi chỉ có 1 đứa con gái, cái nhà này trước sau sẽ là của anh chị, tôi nói được làm được. Tôi cũng không phải người cạn nghĩ. Trong khi tôi đang sống cùng con gái con rể sao lại cấm cản con gái báo hiếu cha chồng? Anh phân tích tôi thấy hợp lý, tính tôi xưa nay khó hòa hợp với ai. Anh tìm nhà khác cho ông nội bé Chíp là đúng. Nhưng tôi yêu cầu vợ chồng anh chị đều chuyển sang đó ở cùng ông. Ngay lập tức thì tôi chưa đủ nhưng tôi có thể gửi lại anh chị một phần số tiền anh chị xây nhà này. Thay vì thuê bên ấy thì anh chị mua trả dần. Người già phải ở nhà thuê sẽ không thoải mái…” - lời mẹ vợ như dằn dỗi nhưng tôi nhận ra sự quan tâm. Vợ tôi trước sau ngồi im bấm điện thoại, lúc này mới ngẩng lên: “Em đặt xe, giờ vợ chồng mình đi luôn, ghé qua đón anh chị cùng về, sáng mai mình có thời gian chào hỏi bà con hàng xóm nữa. Lần này cha đi, không biết khi nào mới về…”.
Nguyễn Thị Thanh Bình