PNO - Én ngồi chù hu trước ông Táo, chăm chú nhìn con Mướp đang cuộn mình trên đống tro kêu gừ gừ trong cổ. Én ngắm con mèo, rồi xoay đầu ra sân ngó bà nội, xong quay vào nhìn con mèo.
Thiệt khó nghĩ, bà nội vừa nhờ Én nhóm lửa, mà con Mướp lại đang ngủ ngon. Đây là việc trọng đại, dễ chi có bữa bà nội cần Én giúp đỡ. Thương Mướp lắm nhưng đâu thể phụ sự trông cậy của bà, Én đành vỗ sè sẹ lên mông con mèo, đuổi nó ra khỏi bếp.
Sau khi xếp mấy khúc củi chụm đầu chéo lên nhau, Én rút mấy cọng lá mía khô từ bó lá được nội chất đống ở góc bếp, quẹt thùng diêm mồi lửa. Con bé đã thấy bà nội làm bao nhiêu lần rồi nên quen thuộc như lòng bàn tay. Én chạy ra sân í ới khoe bà nội, khuôn mặt lem nhem bụi tro hệt mặt con Mướp vẫn không làm giảm đi sự hớn hở hồn nhiên.
Ảnh: Nguyễn Ngọc Trương
Cứ hè với gần tết được nghỉ học là Én xin ba má cho về quê chơi với nội. Cha Én muốn con có tuổi thơ trọn vẹn như mình hồi xưa nên gửi gắm Én cho nội. Má Én lại mừng quá đi chớ, bởi không phải canh chừng con nhỏ quậy phá để rảnh tay đi lấy tin cho tòa soạn. Thành lệ, cứ thấy Én là biết mùa hè nắng cháy rực rỡ đã tới hoặc mùa tết ấm cúng rộn ràng sắp về. 22, 23 tháng Chạp, nhà nội còn chưa đưa ông Táo về trời, đã thấy Én lù lù ngay đầu ngõ.
Căn nhà và khu vườn vốn yên tĩnh, chỉ có hai ông bà già và lũ chim chóc líu lo, lá cây xào xạc. Én đã khiến mỗi ngóc ngách trở nên chộn rộn hẳn. Ông nội tra cây câu liêm dài ba mét để giựt móc xoài xanh cho Én chấm mắm đường. Bà nội càm ràm Én cả ngày. Tới giờ ăn, Én vẫn ham đào cút đất, thổi cát bụi bay tung tóe. Sáng bảnh mắt, mặt trời lên ngọn cau, bà kêu như gọi đò, Én cũng chưa chịu dậy. Én còn trốn ngủ trưa để đầu trần phơi nắng rồi tối ho sù sụ. Đàn vịt xiêm sợ Én lắm. Tụi nó bị Én rượt chạy quanh vườn quạt cánh phành phạch, chọc chó sủa um lên. Thiệt, Én quậy y đúc thằng Hai cha nó.
Mỗi lúc bị bà nội nhằn, Én le lưỡi cười. Vậy nhưng con bé cũng giỏi lắm. Nó biết phụ cắt lá mía khô gom cột thành bó, lượm củi dương liễu cho nội để dành chụm lửa mùa mưa bão. Hay như bữa ni Én lúi húi chổng mông thổi lấy thổi để, bếp lửa mới rực đỏ. Quê nội đang mùa lạnh, ngồi bên bếp lửa ấm hong đôi bàn tay thích phải biết, chưa kể nghe tiếng củi cháy tanh tách rất vui tai. *** Bà nội cắt thịt heo thành từng khổ vuông vức, bỏ vào nồi nước, bắc lên bếp luộc. Én ngồi bên bếp đăm đăm canh lửa. Phần củi vừa cháy xong thành than là con nhỏ dùng đũa sắt cời ra ngoài liền, đẩy khúc củi thêm vào bên trong bếp. Mới nãy bà nội la Én mặc quần áo mỏng dính rồi đưa cái áo len bự tổ chảng của bà cho Én tròng vào người. Áo dài tới đầu gối. Én thấy không cần thiết lắm, hơi lửa tạt qua đủ ấm rồi. Dù trông rất mắc cười, con bé vẫn thích thú chui vào cái áo sờn màu của nội, cảm giác mình lớn hơn một chút.
Một hồi sau, áng chừng thịt đã chín, nội vớt ra rổ cho ráo nước. Tiếp đó, nội lại đặt nồi mới lên bếp, đổ nước mắm vô nồi, thêm mấy vá đường cát trắng, mấy trái ớt và hành tím đập dập, vài củ gừng xắt lát mỏng. Nội dùng vá nhẹ nhàng khuấy nồi nước mắm ngược chiều kim đồng hồ, đường tan thì múc xí mắm đưa lên miệng nếm thử. Chừng như chưa đủ, nội lại cho tiếp mấy vá đường. Rồi khuấy, rồi nếm, lại khuấy. Đợi nồi mắm đường sôi, mùi thơm mặn mà dậy khắp chái bếp, nội mới nhắc nồi xuống chờ nguội.
Thịt heo luộc được nhét chặt trong bốn thẩu thủy tinh lớn. Nội đổ mắm đầy thẩu thịt, lấy củ sả chèn ngang miệng thẩu, không cho thịt trồi lên trên mực nước mắm. Cuối cùng, nội vặn chặt nắp, đặt trên đầu tủ chén. Bà nội đã bận bịu, mấy bữa nay lại mọc thêm hai “cái đuôi”: con Mướp cọ cọ đầu quấn chân, con Én đứng bên hông hỏi đủ thứ trên trời dưới đất. *** Ông nội nhìn hai bà cháu trong bếp rổn rảng nói cười, gật gật đầu ra chiều hài lòng. Có đứa con nít trong nhà, không khí chừng như bớt lặng lẽ. Hôm bữa bác sĩ trả kết quả xét nghiệm, ông bàng hoàng khi biết tin có lẽ vợ ông sẽ về với ngàn năm mây trắng sớm hơn ông.
Vợ ông bình thản đón nhận, biểu tui sống đủ lâu rồi. Một đời vất vả cũng tới lúc thảnh thơi. Con cái cưới vợ gả chồng gia đình đề huề công việc yên ổn cả, còn chi tiếc nuối nữa. Ở tuổi này, ông bà đi đám ma đám giỗ nhiều hơn bất kỳ đám tiệc nào khác. Đã bao đợt đưa tiễn bạn bè cũ thành quen, quy luật cuộc đời đâu ai làm trái được. Ở tuổi này, việc ra đi cứ như rút thăm, người được chọn trước không biết là xui xẻo hay may mắn. Nói là nói rứa, chớ ông biết bà vẫn canh cánh nhiều thứ trong bụng. Tỉ như mấy năm rồi họ chưa có được bữa cơm gia đình đông đủ thằng Hai, con Út và vợ chồng, con cái tụi nó.
Tấm lòng của người cha người mẹ nào cũng như nhau. Lúc con còn nhỏ dại thì mong tụi nó lớn lên khỏe mạnh, cầu chúng vững đôi cánh bay khắp các phương trời khám phá những vùng đất mới. Tới khi con cái trưởng thành thoát khỏi vòng tay bảo bọc rồi, ước mơ duy nhất của họ là mong ngóng con quay trở về.
Hôm bữa ông nội gọi điện biểu ba Én năm ni về nhà ăn tết nhưng thằng con đầu không chịu. Căn nhà ở thành phố mới là nhà của nó. Vợ thằng Hai đi trực tòa soạn, còn đứa con trai lớn ở đó, thằng Hai đâu thể bỏ về quê.
Ông trách thằng Hai, đừng nghĩ cứ gửi con Én ở đây chơi với ông bà nội là đủ rồi. Mùa xuân nào trọn vẹn được nếu thiếu đi bữa cơm đoàn viên gia đình. Rồi ông thở dài.
Dù thằng Hai không về, năm nào bà cũng bày vẽ muối thịt, ngâm dưa kiệu, đặt chục đòn bánh tét. Đợi ra Giêng, bà gói ghém mấy món đồ quê gửi vô cùng chuyến xuôi Nam của Én. Mấy con gà ta đã làm thịt nhổ lông, vài thẩu thịt heo muối, chuối chần, rồi đậu tây, nén, khoai lang, su su… đầy ắp. Tưởng như ở phố thiếu thốn lắm nên bà gửi trăm thứ cho con trai, con dâu, cháu nội. Thực ra phố thừa mứa những thứ đó, chỉ là thiếu chút vị quê mà thằng Hai luôn thèm thuồng.
*** Trong cuộc gọi với ba, Én thỏ thẻ xin tổ chức tiệc sinh nhật cho bà nội. Mấy bữa nay trời lạnh, nội nhức chân và ho khan, mặt xụ xuống buồn miết. Én đã kiếm chuyện chọc nội nhưng bà không cằn nhằn Én như trước nữa. Mua bánh kem về gắn đèn cầy lên cho nội thổi chắc là nội sẽ vui lại, ba hỉ.
Ban đầu, thằng Hai thoáng nghĩ sao mà con nhỏ Én bày vẽ đủ thứ. Ai đời đi tổ chức sinh nhật cho người già. Ngẫm một lúc lâu, Hai mới chợt nhớ ra, má tuổi Mão, năm sau đã hơn bảy chục mùa xuân rồi. Hồi nhỏ má cưng Hai hết nước hết cái, cho rằng nhờ đẻ Hai cùng tuổi mà má ăn nên làm ra, làm chi cũng đều thuận lợi.
Từ nhỏ tới lớn, má chưa từng tổ chức sinh nhật cho thằng Hai. Lúc thôi nôi chỉ cúng xôi chè, thằng Hai đang ẵm ngửa trên tay, đã biết chi bánh trái. Suốt tuổi thơ nhà nghèo, chạy ăn từng bữa, lấy đâu ra tiệc sinh nhật. Hai lớn lên rồi đi học xa nhà hay lúc cưới vợ, cũng chỉ nhậu với bạn bè những dịp thêm tuổi mới. Được mấy năm yêu đương, vợ Hai có mua bánh kem hoặc nấu món chi đó ngon ngon cho Hai ăn.
Má không biết tới sinh nhật mấy đứa con nhưng mỗi năm má đều lên chùa nào cầu an, nào xin bùa, nào tụng kinh niệm Phật. Má luôn cầu nguyện cho thằng Hai, con Út được bình an mạnh khỏe. Mỗi bận năm tuổi đến, má sẽ tất bật chuẩn bị mâm cúng giải hạn. Hai không thích cái cách mấy người già ở quê hay tin vào thần thánh nhưng luôn để má làm vì biết bà chỉ mong muốn mọi điều tốt đẹp cho mình. Mỗi năm, vừa từ chùa về, má lại gọi điện dặn Hai đủ điều, từ đi lại, tiền bạc, sức khỏe, các mối quan hệ… rằng phải chú ý cái ni, dè chừng cái nọ.
Rứa mà, chừng đó năm trời, chưa một lần Hai từng quan tâm năm tuổi của má đã trải qua như thế nào. Bây chừ nghe Én nói, Hai mới nhận ra, bao lâu ni nó đã thờ ơ với bà nội con bé cỡ mô.
Hai đang suy nghĩ miên man thì đầu hẻm vang lên bản Gánh mẹ. Trước đây, cứ mỗi lần nghe, Hai thường cười ai đó đã hát dở lại cứ suốt ngày rên rỉ. Gánh mẹ từ trưa nắng gánh tới tối mịt, gánh từ mùa hè qua tới mùa đông vẫn chưa thả mẹ xuống. Cũng bài hát đó, không dưng bữa nay từng câu chữ lại như cứa vào tim Hai. “Mẹ già lá sắp xa cây. Lỡ đâu lá rụng tội này gánh sao?”.
Bây chừ Hai hiểu rồi, câu nói chua chát mà ông nội Én nhắc đi nhắc lại. Hai đã sống hơn nửa đời người mà thua cả đứa con gái mới 8 tuổi đầu. Én còn biết là phải tổ chức sinh nhật cho bà nội. *** Ông nội bật ti vi nghe cải lương, bị Én chê rầu đời khó hiểu. Con nhỏ năn nỉ nội mở sang nhạc xuân cho rộn ràng. Cuối Chạp, đã thôi những cơn mưa dầm nặng hạt, mặt trời bắt đầu treo nơi ngọn cau trước ngõ. Cơn gió đông cuống quýt, tưởng như để làm một cuộc chuyển giao nhiệm vụ cho cơn gió xuân. Mấy búp mai nhú dần cánh vàng trên cây chắc sẽ kịp nở bung rực rỡ vào ngày đầu năm. Đó là nhờ công Én bắc ghế nhón chân phụ ông nội bứt lá mấy hôm trước.
Ở quê thích nhất là khoảng thời gian này, khi nắng mới về hong khô mọi thứ sau những ngày mưa ủ ê ẩm ướt. Én thấy lạ lắm, nắng lên rồi mà trời vẫn lạnh tê tái. Mà như rứa mới có cơ hội để Én diện cái áo khoác lông, đeo khăn quàng cổ, đội nón len.
Bà nội đem mấy thẩu thịt muối ra phơi nắng. Dưới cái nắng giòn, màu mắm bên trong đỏ au, nhìn rất thích mắt. Thỉnh thoảng, Én chạy vào góc bếp ngắm nghía kiểm tra hũ dưa kiệu của bà nội mới bữa trước còn khô quắt queo, nay đã ngấm mắm nở ra màu đẹp lắm. Đu đủ ngà ngà, củ kiệu trăng trắng, cà rốt đo đỏ, chắc là ngon lắm đây. Hai bà cháu lui cui trong chái bếp, nấu mấy món đơn giản. Ông nội cặm cụi lau dọn bàn thờ, xếp mâm cơm cúng rước ông bà tổ tiên.
Mâm cơm vừa dọn xong, ngoài ngõ đã nghe tiếng xe, tiếng vali kéo rộn ràng. Ba má Én tay xách lỉnh kỉnh bánh mứt, tổ yến, rượu vang, đi thật nhanh vô nhà. Én mừng quýnh, chạy lại ôm chầm lấy má trong khi ba nó đang dụi dụi đầu vào vai bà nội. Cuối cùng thì mùa xuân của ông bà nội đã về. *** Bữa cơm chiều 30 ồn ã hơn thường ngày. Én khoe với ba má rằng nó đã làm được bao nhiêu là việc, nào nhúm lửa, chụm bếp, tưới rau, bứt lá mai, ru con Mướp ngủ, đấm lưng cho bà nội. Hạnh phúc ngập tràn đáy mắt cô bé 8 tuổi. Từng lời nói ra mang đến những tràng cười vang nhà.
Trước đó, thằng Hai đã bàn với con Út, đợi mùng Hai tết khi Út về tới sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho bà nội Én. Lần đầu nhiều lóng ngóng, hai anh em không biết chuẩn bị những gì. Chắc là cần phải có bánh kem. Tết nhất không ai bán nên để vợ thằng Hai vào bếp trổ tài. Út sẽ nấu mấy món đơn giản má thích ăn.
Năm ni, thay vì gửi tiền mừng tuổi, thằng Hai đã đặt may cho má bộ áo dài nhung đỏ đính đá lấp lánh. Út vừa đan xong chiếc khăn quàng cổ. Còn quà cho ông nội Én, thằng Hai nhờ bạn mua giùm chai rượu sâm Ngọc Linh gửi từ Trà My. Ra Giêng, hai anh em nhất định sắm cho ba má bộ ghế mát xa xịn để giảm đau nhức mỗi lúc trở trời gây nhức mỏi xương khớp. Chỉ mới bàn tính thôi, thằng Hai con Út đã thấy nôn nao trong lòng.
Ăn cơm xong, thằng Hai chở ông nội Én đi lựa thêm mấy chậu tắc kiểng cùng vài chậu bông thược dược về chưng tết. Trong lúc Én phụ bà nội xếp bánh mứt hột dưa vô khay, con nhỏ thỏ thẻ bên tai. Nội biết sao ba má con về không, ba má con sẽ tổ chức sinh nhật cho nội đó. Bà nội cười sằng sặc. Tổ cha bây, nội già như ri rồi mà sinh nhật chi nữa. Bày vẽ sắm mấy thứ bánh ngọt bánh kem ăn xí là ớn tới cổ.
Nói là nói rứa, chớ kể ra được ăn miếng bánh cho biết mùi sinh nhật nghe có vẻ cũng hay ho. Nói như Én, bà nội chỉ việc thổi đèn cầy cầu nguyện, còn bánh cứ để Én ăn giùm. Cầu chi vào tuổi mới năm mới bây chừ, chắc lại là lời nguyện cầu phước lành mạnh khỏe cho cả nhà. Chút mong mỏi đó đã bao nhiêu năm qua vẫn không hề thay đổi. Đời bà chẳng cần chi ngoài cả gia đình được bình an.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.