PNO - Chị ở miệt sông, anh người xứ núi, mồ côi má, ba đi bước nữa, thành ra mấy anh em đều xất bất, hết dựa dẫm ông bà ngoại, cậu dì, rồi tự bươn chải nương nhau.
Bờ vai sụp xuống, dáng đi nghiêng nghiêng như gánh gồng sức nặng cả thế gian khiến chị se lòng. Bóng Luân khuất hẳn, chị vẫn còn tần ngần ngoài bậu cửa, tay mân mê vạt áo. Biết sao giờ, ăn bữa ngon chị cũng không đành, huống chi. Liệu Luân có hiểu cho chị, hay như người ta đã đi là đi một nước? Ý nghĩ đó làm chị muốn khóc.
“Chừng mô mình về ngoại hả má, Bảy nói ni là mùa nhớ nề, con trông kinh”, tâm trí mông lung, chị không để ý Sim đã dậy dụi mắt kiếm má từ ban nãy. Bất chấp gương mặt thất thần của chị, Sim vẫn tròn xoe mắt đợi chờ. Bà Bảy chủ trọ vẫn hay biểu tụi chị, tính chi tính, cứ tết thì ráng về với má. Trong tim Bảy, mỗi năm có tận năm mùa: “Tháng Chạp, tháng Giêng là mùa nhớ, không phải mấy tháng khác mình quên, mà bởi làm lụng toát mồ hôi thành thử cái nếp nhớ đành ghim vô lòng, tới mùa nhớ mới thoải mái bung ra”.
Chị từng nhủ thầm tết ni dẫn con về thăm quê, xa bảy năm rồi ít chi, phần nhớ nhà, phần khác là có chuyện hệ trọng cần thưa với ba má. Mà, coi bộ rất ngặt, tính ra đời chị quá ít đoạn suôn sẻ. Nhưng, chị biết cái cần nhất lúc này, dù chuyện Luân nói, thật lòng chị đã tha thiết mong dằng dặc từ tháng năm con gái.
Sim tiu nghỉu ngồi chồm hổm vốc nước rửa mặt, ý rằng nhìn biểu hiện của má là hiểu luôn rồi đó. Thằng bé mới chín tuổi đầu đã hay lo nghĩ, như chị. Có bữa, Sim chống cằm, tự mình rì rầm tháng ni hình như má bị trễ lương thì lấy chi đóng tiền học hè? Bữa khác, Sim dừng lâu lắc trước cửa tiệm giày thể thao, nhìn sâu vô bên trong tới độ anh chủ ra rầy: “Chỗ buôn bán nhóc ơi, qua bên kia chơi”. Và, một bữa khác nữa, mới đây thôi, hai má con ngồi coi ti vi trong nhà sinh hoạt chung khu trọ, Sim khẽ thở dài, cắc cớ hỏi: “Như rứa thì ngoại mình răng mà sống nổi má?”. “Răng mà sống nổi?”, câu này chị nghe bà con làng xóm rấm rứt cả trăm lượt, từ độ con nít.
Mỗi hình ảnh lướt qua màn hình lúc đó tựa sợi dây kéo chị về phía xa xăm. Chị như vẫn còn nghe tiếng mưa hú hét bên ngoài căn lều dựng tạm trên đồi sim, chú Sáu thả phịch người xuống bạt, nói mà như nấc: “Trôi hết trơn rồi Bốn ơi”. Bốn là ba chị. Chừng đã quen, ba chỉ mần thinh ngồi canh nước, nói bâng quơ: “Hắn mà lên tới đồi ni thì làng mình mất dấu”. Chị như vẫn còn thấy bóng má còm cõi, co ro, và lom khom tay trần cào cấu sục sạo lớp bùn non dày cả mét, hy vọng nhặt nhạnh được thứ gì chưa bị nước nuốt chửng.
Bọn chị, những đứa trẻ làng Nhơn Xuyên thường ngày hí hửng rủ nhau bày trò trốn học lên đồi hái sim, hái mâm xôi ăn đã đời, tới mùa lụt lại ủ ê thèm mùi lớp học, thèm thấy lại cái bảng đen trầy trụa có cô giáo Lựu cầm phấn nắn nót viết từng dòng ca dao dạy trò. Năm này quê lại lụt, nước lên nhanh tới độ bà con chỉ kịp chạy thoát thân, năm bảy phút ngoái đầu đã không còn thấy nhà cửa, ruộng vườn đâu nữa, chỉ một màu đục ngầu. Vậy cũng đỡ, còn mình còn của con ơi, má nạt ngang qua điện thoại, biểu chị khóc cái chi, cứ ở trong nớ sống thiệt vui là má an lòng: “Không chi con, ba má lo được”. Phải tâm can khi nào cũng “lo được”, mà cả đời ba má chị nhọc nhằn.
Hồi mới vô miền Nam làm công nhân, chị ôm gối khóc suốt, thương ba má có đứa con gái tệ nhất trần đời. Chị nghỉ học sớm, những buổi ngày xưa, độ mười sáu, mười bảy dong dong bóng nắng gánh nồi xu xoa bán dạo khắp từ Nhơn Xuyên qua Hà Phước, Mỹ Long. Nếu Hà Phước nức tiếng về gốm thủ công, Mỹ Long là xứ mây tre đan, thì Nhơn Xuyên của chị rặt mía với đường tán. Ấu thơ chị ngào ngạt mùi đường non sôi trong chảo gang, những cái bánh tráng nhúng đường óng vàng giòn rụm, ngọt thanh và beo béo vị gạo.
Bộ che(*) cũ từ đời ông bà ngoại má vẫn coi là báu vật. Nước lên, nước xuống, bất chấp, mỗi bận chạy lụt thể nào cũng tay ôm con, miệng hối hả sau lưng ba: “Bộ che anh ơi”. Lẽo đẽo theo coi người làng chặt mía, canh me xin quấn mớ đường non vô khúc mía gặm chơi rồi phụ sắp chén chờ đường ra lò, chị hí hửng khoe con tính rồi, mai mốt lớn cũng mần mía, bán đường nuôi ba má, thiệt luôn. Má bật cười thành tiếng, biểu thôi cô ơi, làm cái ni cực muốn chết, khéo lại long đong.
Má nói giỡn chơi thôi mà đời chị long đong thiệt. Thỉnh thoảng ngồi nghe mưa đập ầm ầm ngoài cửa sổ phòng trọ phố thị, chị hay hỏi lòng biết khi nào đường mình đi mới bớt quanh co. Các em còn nhỏ, chị nắng nôi xốc vác, má xót, nói chỉ mong chị sống đời bình thường, lớn lên yêu đương, hẹn hò người đàn ông thiệt dạ, cưới nhau rồi sinh những đứa con khỏe mạnh.
Với má, con cái là sự nghiệp vĩ đại nhất của đàn bà. Chị từng chống chế, miễn mình vui vẻ là được, có con hay không thì mắc mớ chi má hè. Chị chỉ đành hanh vậy, cho tới hồi gặp người đó. Anh về Nhơn Xuyên thu mua đường tán, hễ thấy chị gánh xu xoa đi qua là rối rít: “Vắng xu xoa cô Nhàn một bữa tui đứt ruột đứt gan”, nghe dị òm.
Chị thương người ta không đắn đo suy tính, đã vậy còn mường tượng cảnh siết tay nhau đi trên đồi sim mùa hè đỏ lửa, cái rạp cưới kết bằng tàu dừa, mảnh sân phơi nho nhỏ đặng phơi đường, phơi lúa, cu con lém lỉnh ngồi lọt thỏm một bên quang gánh cười nắc nẻ phô hàm răng sún tím ngắt. Phải chị mơ mộng nên tới đoạn tan vỡ thì một sống hai chết, má khóc chị nhiều hơn cả khóc cho đời mình bao nhiêu bận trắng tay vì lụt.
“Không chi con, ba má lo được”, vẫn là câu này, ngày chị phát hiện Sim đang tượng hình trong bụng mà người đó đã biệt tăm tích. Làng xôn xao dữ, trời đất, con gái Nhơn Xuyên ni có đứa mô chưa chồng mà chửa. Bởi, dạy con là dạy từ ở truồng tắm mưa chớ lơi ra xí hắn bôi tro trét trấu vô mặt mình như chơi. Cực lòng quá, con tròn tuổi, chị nhất quyết dứt áo bỏ mía, bỏ đường, bỏ gánh xu xoa, và bỏ luôn căn nhà dưới triền sông lộng gió, nhảy xe đò đi miền Nam. Má ôm Sim chấp chới dưới hàng cau, ba ngồi đốt thuốc ngoài lò dù mùa đạp mía đã qua lâu. Chị dặn mình đừng nhìn lại, sợ bóng hiu hắt của bậc sinh thành khiến trái tim nhũn ra. Chị phải chạy, để quên.
Bảy đón chị thân tình như đã quen lâu. Bà người gốc Quảng Nam, vô Sài Gòn hồi sau đổi mới. Vá víu từng gánh xôi đậu phụng ban sáng, xe đạp chòng chành chất đầy ve chai khi chiều tàn, vậy mà sau rốt đã mua được miếng đất cất nhà, làm khu vườn mướt xanh rau, trái.
Cả đời Bảy tảo tần, như ngoại, như má chị ở quê. Có khu trọ hai lăm phòng, tiền thu hằng tháng xài mệt nghỉ, nhưng Bảy vẫn nấu xôi, kêu tau quen tay mần, dứt ra thấy thiếu thiếu. Rời phân xưởng giày da, chị về vựa ve chai gần khu trọ ngồi phân loại, giấc khuya thì lại nhà Bảy phụ nấu xôi tới sáng chia hai phần, Bảy bày trước cửa, chị đạp xe vòng lên cổng khu công nghiệp đứng bán chừng tiếng thì vô ca. Bảy càm ràm, mình mần nghề cốt để sống mà răng tau thấy bây như gồng lên cho chết rứa con. Chị cúi gằm.
Lao lực mấy cũng chỉ ráng nhịn cơn nhớ được một năm, chị quày quả về quê, xin ba má cho đón Sim theo. Đêm, ba nằm trên chõng tre ngoài hiên, tay gác trán thở dài. Má lui cui dưới bếp bào nhuyễn tán đường ngào khoai lang trộn đậu đen, húng hắng ho ghìm tiếng thút thít giữa làn khói bếp: “Để con Nhàn cầm lên xe ăn chắc bụng”. Khoai ngào đường và xu xoa là hai món chị thích mê, nhưng từ độ người đi, cứ thấy miếng xu xoa đùng đục chị lại quay mặt. Út Trọng khẽ khàng: “Hai bị tâm lý”.
Mấy tháng đầu, Sim khóc nấc đòi ngoại, chị cũng khóc theo con. May có Bảy phụ dỗ dành. Hình như trẻ con dễ cảm hơi ấm người già, chị trộm nghĩ. Bàn tay Bảy nhăn nheo mát lành, mắt hãy còn tinh anh và miệng thì cười miết. Sim quấn quýt bên Bảy còn hơn chị, nhưng được gặp con mỗi ngày đã coi là an ủi.
Chị gọi điện cho má cách tuần, lần nào cũng tíu tít: “Bữa ni Sim vô mẫu giáo rồi má tề, coi ảnh đeo cặp táp ngồi chống cằm mà cười muốn ngất”, “Bảy tốt lắm, lo bữa tất niên rình rang quá chừng, còn cho mỗi phòng bịch mứt chà là với két nước ngọt”, “Con lãnh lương tháng ni khá, má cứ giữ, bệnh thì phải vô viện kiểm tra thiệt kỹ đặng chữa sớm”… Y rằng chuyện trò luôn có một khúc chùng chình, là khi má hỏi: “Chừng mô bây đưa Sim về, tau nhớ hắn hung rồi?”, thì chị lặng thinh, cố nén cơn nấc trước khi tắt máy: “Để thư thư má hỉ”.
Lý do tàu xe tốn kém chỉ là cái cớ chị cố vịn vô, cố neo đời mình ở lại xứ người lâu nhất có thể. Bởi chị sợ, những bữa ngang xóm chợ, ngang lò đường quê sẽ thấy nhoi nhói tim gan, nhớ cái người mà chị tưởng đã quên, đã giũ sạch trơn. Sợ tiếng làng rì rầm: “Con Nhàn rứa là ở một mình hả, không yêu đương chi nữa hè?”, “Ừ, cũng phải thôi, dại thêm bận thì chết”, “Có khi nó đi thành phố cố kiếm thằng nớ”, “Đàn bà đa mang con nít, dễ mà gặp được người cảm thông, rổ rá thì con anh, con tui lại tan nhà nát cửa”.
Luân tỏ lòng thương chị hồi năm trước: “Tui thương cả Sim”. Chị ở miệt sông, anh người xứ núi, mồ côi má, ba đi bước nữa, thành ra mấy anh em đều xất bất, hết dựa dẫm ông bà ngoại, cậu dì, rồi tự bươn chải nương nhau. Nhảy tàu, bám xe, ngày bán la-ghim, tối chạy bàn quán nhậu, một tay Luân cất nhà, dựng vợ gả chồng cho em, tới nhìn lại ai cũng ổn định thì chính anh cô độc, không tiền, không nhà, càng không người bầu bạn.
Luân tới khu trọ bà Bảy ba năm trước, gãi đầu cười cười: “Con bỏ quê xứ vì trống trải quá mà, phải có ai chờ mình thì cực kiểu chi cũng xong hết”. Hình như anh có chột dạ đôi ba phần trước sự hiện diện của Sim. Chị đâu quan tâm. Mình đã lỡ làng, lòng dạ chị ngó nghiêng. Chênh vênh qua nhanh, Luân xáp lại gần Sim trước tiên, y như anh cũng đâu thèm quan tâm cái sự khép lòng hờ hững của chị.
Luân tranh phần đưa đón Sim đi học, mua cho nó đồ ăn mỗi sáng. Tết thì chở thằng nhỏ lên đường hoa chụp ảnh, ngắc ngứ có hai người nên chưa thành khung hình gia đình. Bảy tấm tắc khen, cái thằng rứa mà được, phải lì mới thành. Chị nghe lòng chộn rộn, một nỗi thương mơ hồ trồi lên.
“Bộ che trôi mất rồi Hai. Nhà sụp một nửa. Mía ngã rạp có còn chi. Lò đường cũng mất tăm tích. Đừng nói em kể nghe, ba má cấm nhiều chuyện làm Hai cực lòng. Má nói kiểu chi cũng ráng bắt đầu lại, em thì quá chán nản” - út Trọng tuôn một thôi một hồi. Chị bấm bụng nhẩm tính, khoản tiết kiệm mở quán cà phê sách, và cho một mai khoác áo cô dâu đi bên Luân, có đủ dựng lại nhà, lấp bớt cay đắng má phải chịu qua bao mùa ngồi trên đỉnh lũ Nhơn Xuyên? Quê Luân cũng không khá hơn, nghe đâu nhà cửa, vườn cây quế của mấy đứa em đã nằm gọn trong ruột thủy thần. Thưa chuyện cưới hỏi lúc ni răng được, Luân làm thinh.
Bảy lại phòng, bưng theo thau khoai lang ngào đường: “Tau mần đó nghe, chia tụi bây ăn chơi”. Bảy nấn ná hồi lâu trước chị, biểu: “Tối đừng đi mô nghe con, có người thăm”. “Ai rứa Bảy?”. “Thì mi cứ chờ tới hồi là biết”.
“Ngoại ơi, ngoại biểu má lấy chồng đi. Chú Luân thương má lắm, chú hiền khô, Bảy còn khen nữa mà”. Chị giật mình đánh đổ tô khoai. Sim đang rủ rỉ điện thoại với ngoại, chị lúng túng chen vô: “Sim nói lung tung thôi má, có ai mô”. “Cháu má, má biết chớ. Đâu, sẵn tết ni đưa hắn về chơi con, miễn người ta thương con thiệt thì tàu xe, cưới hỏi chi ba má cũng lo được”. Chị bưng mặt nín khe, khi không cuộn lên cơn giận Sim hết sức.
Ngồi sát Bảy trên ghế phòng khách là hai người lạ mặt, Luân phía đối diện. Chị hơi ngần ngừ, lấp ló ngoài hiên. Bảy vẫy tay khích lệ: “Vô đây con, chào hỏi đi, anh chị ni người của phường xuống hỏi thăm bây. Ừ, thì chuyện quê nhà lụt lội, năm ni bệnh dịch dữ quá, tháng mần có mấy tuần chắc là ngặt nghèo, rồi thì cưới hỏi phải mần răng?”. “Cưới hỏi ai rứa Bảy?”. “Mi với thằng Luân chớ ai, tới nước ni rồi còn giấu, gặp đúng người đúng lúc thì cưới thôi, tiền bạc từ từ kiếm được mà con, hai bây đâu có biếng nhác”. Luân hơi cụp mắt, cười mỉm. Người của phường không hỏi gì nhiều, hình như đã tỏ tường thông qua Bảy, họ ý tứ sợ nhắc chuyện xưa khiến chị chạnh lòng.
Chị bấm số má giấc khuya, bà quýnh quáng hỏi: “Có chuyện chi hả con, răng giờ ni còn thức?”. Chị vân vê tờ giấy vừa được trao, ngừng một quãng thiệt lâu bắt lấy hơi thở nhẹ nhõm gọi: “Má ơi, má…”. “Ừ, má đây con, có chuyện chi rứa, bây hay thằng Sim bệnh hả? Nuôi con một mình nhọc lắm, má biết mà, có thiếu thốn cực lòng chi cứ nói má, má lo cho”.
Chị trách mình thiệt mít ướt, đã dặn lòng đừng có khóc mà nước từ phương nào cứ tuôn ào ào ra: “Má ơi, má, con gửi ít tiền về dựng lại nhà. Đừng buồn quá nghe má, thôi kệ, còn mình còn của, má dạy rứa mà. Anh Luân ảnh thương con thiệt, con cũng ưng. Hồi nãy người của phường mới xuống, họ hứa sau tết mần đám cưới cho tụi con, mần đàng hoàng, còn nhiều cặp khác nữa, đám cưới tập thể chắc vui lắm. Mai mốt con về, về ba người nghe má. Chừng ra Giêng rảnh rang, nhà mình đi Sài Gòn chuyến chơi má hỉ”.
Hừng đông, nghe tiếng Bảy cao và trong vọng vô: “Cha chả, không mấy bữa nữa là hắn bung vàng rực xóm mình cho coi”. Hình như, trên những cành khẳng khiu trước ngõ xóm, từng nụ mai vàng đã bắt đầu lách tách bung vỏ trấu báo hiệu tết tới thiệt gần rồi.
Thảo Nguyên
(*): một dụng cụ ép mía bằng gỗ ở Quảng Nam
Chia sẻ bài viết: |
Ngày 4/1, Ban chấp hành Hội Nhà văn đã rút lại quyết định bổ nhiệm Phó tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống đối với ông Lương Ngọc An.
Trong sáng 4/1, khá nhiều bạn trẻ có mặt tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM) để tham quan, tìm hiểu những thông tin lịch sử.
Cuộc đời à, hay là mình thử dịu dàng với nhau một chút được không?
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg công nhận 33 bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024). Vậy Việt Nam hiện có 270 bảo vật quốc gia.
Diện mạo văn chương có thể được nhìn thấy qua lý luận phê bình văn học.
Các kịch bản kinh điển "Đời cô Lựu", "Tiếng hò sông Hậu" và "Nàng Hai Bến Nghé" sẽ trở lại với diện mạo mới trong năm 2025.
Lễ hội đầu tiên mở đầu Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 là chương trình tái hiện lễ Thiết triều Nguyên đán thời Nguyễn.
Tuần lễ Văn hóa và Sáng tạo “Trống khởi cờ reo” chính thức khai mạc vào sáng 1/1/2025 tại Đường sách TPHCM.
Hắn có tất cả những gì năm 20 tuổi từng mơ ước. Hắn là giám đốc một công ty thương mại đang trên đà ăn nên làm ra.
Sau 2 năm thành lập, nhóm nhạc Nam Tộc đã có lượng khán giả nhất định.
50 cái tết, từ cửa hàng mậu dịch đến sàn thương mại điện tử là một bước tiến rất đáng tự hào của Sài Gòn - TPHCM.
Sau khi trao giải, TPHCM có kế hoạch dàn dựng, quảng bá các tác phẩm này đến công chúng.
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp thương tiếc khi hay tin anh Nguyễn Thành Nam - Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ qua đời.
2024 là năm văn hóa nghệ thuật cả nước nói chung và TPHCM nói riêng thăng hoa.
Từ vùng sâu vùng xa của thành phố, nay vùng đất này vươn mình thành cửa ngõ phía Đông hiện đại.
Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành trọn vẹn 3 năm để truy tìm hàng trăm bộ sưu tập ảnh xưa về Đà Lạt của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng...
Chương trình hoa nhạc chào năm mới của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM sẽ diễn ra vào tối 4/1/2025.
Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM trao giải thưởng và biểu diễn quảng bá tác phẩm dàn dựng năm 2024.