Truyện ngắn - Mưa miền Cố Giang

10/07/2021 - 16:06

PNO - Tám Đò nói với má, nó sẽ lên Sài Gòn lập nghiệp. Một chiều Cố Giang thẫm tím sóng nước phù sa, chái bếp hiên sau khói um mờ, má nhìn dòng sông, khẽ ờ một tiếng rồi thôi.

Cố Giang là nhánh rẽ qua Nha Mân của dòng sông Tiền. Người ta nói xứ này hổng thuận trời nên cứ sáu tháng mặn thì sáu tháng chua. Mùa màng cũng thất bát quanh năm, lâu lâu được mùa nhờ năm nước lớn thì lại bị thương lái o ép. 

Dân xứ mình đổ đi đâu hết rồi má? Bữa Tám Đò hỏi, má ngơ ngác. Giọng nó say mùi rượu gạo Nha Mân nghe chừng như muốn khóc. Hết xóm dưới thì làng trên. Hổng con gái thì con trai. Hết đàn ông thì đàn bà. Cứ vậy mà từng đợt ra đi. Biền biệt. Xóm giềng ngơ ngác, chợ búa thưa thớt, ruộng vườn héo mòn. Đồng trơ mạ non. Mấy ông bà già đi không được thì ở lại giữ đất giữ nhà. Sớm mơi tựa cửa ngó đồng. Chiều hôm ra bến ngó sông. Đôi bữa gặp nhau lại hỏi thăm con có điện về không, rồi nó làm ở đâu… 

Qua Bắc An Hòa, xuôi con đò máy theo triền sông um tùm cà na chừng mấy chục phút mới tới được Cố Giang. Cách có một con sông mà sao nó xa mù khơi. Kiểu như nhắc tới Cố Giang, người ta nghĩ ngay tới miệt mút chỉ cà tha của xứ này.

Ảnh: Khắc Hiếu
Ảnh: Khắc Hiếu

***
Đợi cầm tờ giấy điều động về nhận lớp trong Cố Giang. Trường tiểu học nghèo nhất tỉnh, xa nhất tỉnh, mấy ai thèm về. Đùn đẩy qua lại, trà bánh bao thư, mấy đứa cùng khóa, đứa thì may mắn huyện nhận, đứa thì ngon lành dạy ở tỉnh. Chỉ mình ên Đợi phải về Cố Giang. Điều động luân phiên bốn năm thôi mà! Ờ, dạy ở đâu cũng là dạy, học trò ở đâu cũng cần con chữ. Càng xa càng nghèo thì lại càng cần con chữ. 

Trường tiểu học vỏn vẹn năm lớp, mỗi lớp chừng chục học sinh. Biên chế thầy cô vừa đủ năm người. Hôm đầu nhận lớp, thầy hiệu trưởng trẻ măng cười tươi rói chào đồng nghiệp. Tưởng hiệu trưởng phải già, ít ra cũng tầm ngoài bốn chục, hóa ra thầy hiệu trưởng mới về công tác bốn năm. Bữa cơm đầu tiên trong chái bếp sau trường, năm gương mặt non choẹt nhìn nhau với niềm hy vọng “chỉ bốn năm thôi”. 
***

Thằng Tám Đò hồi xưa của Cố Giang lên thị thành xa hoa mới chừng tháng thì bị chê cái tên quê trớt. Lên đây rồi, hổng ấy tên Đò đổi thành tên Đoàn nè, bỏ cái thứ tám của mày đi. Lấy tên Tuấn Đoàn nghen! Trời, cái tên như nghệ sĩ vậy đó. Tám Đò lừng khừng uống cạn chai bia rồi gật gù. Cơn mụ mị cùng mớ tiền lương hơn năm triệu bạc vừa nhận làm nó lâng lâng. 
Mới đi làm công được ngót một tháng, Tám Đò được chủ thương, vừa cho giữ xưởng lại bao cơm nước. Người ta nói cái thành phố này ráo hoảnh đãi bôi, cạnh tranh lừa lọc, tham sân si gì đó… Tám Đò chưa thấy. Chỉ thấy người ta thương nó quá chừng. Chân ướt chân ráo xin vào làm chân bốc vác mà mới tuần hơn lại được bà chủ cho học bào học tiện. Đám thợ làm chung cười hề hề. Thằng này coi vậy mà ngon đó, chớ bả khó gần chết. Mấy mẹ góa chồng hay lên cơn sảng. Ở đây ai cũng ớn.

Tám Đò khật khưỡng về cái gác ọp ẹp trong xưởng. Tắt đèn đóng cửa xong, nó nằm nghe mưa gõ đều trên mái tôn. Bữa Tám Đò gọi điện thoại kể má nghe nó được chủ thương, lâu lâu được thưởng đôi ba trăm. Chủ cho chiếc cúp cũ. Chủ biểu đi đâu thì đi đó. Để dăm ba tháng gom đủ tiền con về sửa nhà cho má. Má à ừ tốt quá bây. Bởi, mình cứ sống tử tế thì ông trời trả lại mình nhiều điều tốt lành. 

Đêm đó Tám Đò nghe mưa thị thành mà cười. Giấc ngủ dẫn Tám Đò theo dòng Nha Mân về căn nhà đã khang trang mùi vôi tường gạch.
***
Mưa triền miên cả tuần. Thượng nguồn xả đập hồi sáng, tới chiều lũ về, tối thì ngập lút cán. Trường nằm ngay khu trũng, nước cứ vậy mà cuộn thành dòng. Mấy thầy cô giáo kê bàn ghế, cứ kê miết cho đến khi nước lên tới nóc căn nhà giáo viên. Ai đó la lên cúp điện. Mất sóng điện thoại luôn rồi. Mấy cây đèn pin lia qua vùng tối. Tiếng hét kêu cứu rân trời. Tiếng đò máy rẽ sóng nước chạy đến. Thầy hiệu trưởng với tay đẩy mấy cái áo phao cho đồng nghiệp rồi nắm tay kéo từng người xuống đò. Con đò chao nghiêng theo sóng nước đang xiết. 

Bỗng có tiếng la. Ai đó từ nóc căn nhà bước hụt chân. Đèn pin rọi cả khúc sông khuya. Đợi. Là Đợi thầy ơi. Thầy hiệu trưởng nhảy ngay xuống dòng nước đen, trồi lên lặn xuống. Người trên đò nín thở. Dăm tiếng nấc nghẹn ngào. Nước theo dòng trũng, cuộn quanh, xiết mạnh hơn bao giờ hết. Con đò xoay vòng. Trời vẫn mưa. Dòng đen vẫn thâm u đáng sợ. 

Tích tắc sau, thầy hiệu trưởng trồi lên, ra hiệu cho ông trưởng làng đưa đò lại gần. Đợi đây rồi. Nhờ ơn trời Phật, Đợi còn sống. Thầy hiệu trưởng cố xốc, ấn ngực cho Đợi, hà hơi thổi ngạt. Đôi tay thầy run run.

Hình như cái lập cập đó không hẳn chỉ vì lạnh mà còn bởi đây là lần đầu trong đời bàn tay thầy mới chạm ngực một người con gái. Như có một luồng điện xẹt qua lúc môi thầy chạm vào môi Đợi. Mà thật ra, trước đây thầy đã ngờ ngợ rằng có thứ tình cảm khác lạ đang khẽ nảy mầm trong lòng mình. Đó là khi thầy nhận ra mình bỗng dưng bối rối, lúng túng trước người con gái này.

Đợi tỉnh rồi. Đêm đó, con đò máy xuôi theo triền sông, chở thêm vài người còn đu bám trên mấy mái nhà rồi mới tập kết ở khu tránh lũ của làng.

Thầy hiệu trưởng lại đưa đò đi tiếp. Nhà bà Chín, nhà thím Bảy, nhà chú Năm… cứ vậy mà chiếc đò đi rồi quay về chở thêm năm bảy người nữa. Trời tờ mờ sáng, mưa ngớt. Ông thầy nằm lăn đùng ra thở dốc, tay chân ngâm nước nhăn nheo, mặt tái xanh. Má thầy lần mò bắc nước, nấu gói mì tôm. Hồi chiều nó có kịp ăn cơm đâu, nước lên là lật đật xách xuồng chở tui ra đây, rồi cứ vậy mà đi. Má thầy phân bua. Ai nấy cũng quặn lòng. Đợi ngồi đó thẫn thờ, môi mằn mặn, sống mũi cay xè.
***

Thầy đâm đơn nghỉ sau cơn lũ chừng hai tháng. Trường lào xào, làng bàn tán. Xã kêu rồi huyện gọi, lên cả tới tỉnh, thầy vẫn lắc đầu. Chiều lao xao con sóng, thầy ra ngồi gốc cà na. Đợi cũng ngồi cạnh bên, nghe đám chim về tổ lúc tàn ngày. Sóng nước xứ này thấy vậy mà nghiệt. Người dân xứ này tứ bề cùng khổ. Đợi không phải người xứ này, thôi thì làm đơn chuyển đi sớm, tui còn mươi ngày tui ký. Chứ tui nghỉ rồi, tui đi thành phố, hổng ai ký cho Đợi đâu.

Hồi Đợi ghé bến Cố Giang, đám cà na vẫn chưa ra trái. Giờ Đợi bắt đầu biết thương đồng bưng miệt thứ nghèo xác xơ mà thấm thía nghĩa tình này thì cây cà na ra trái. Hơn hai chục tuổi, Đợi cứ cắm đầu vào học, học xong đi dạy, chưa một lần biết thương nhớ, chưa nắm tay ai, cũng chưa từng chạm môi với người con trai nào.

Giờ lòng Đợi bắt đầu biết mong chờ mỗi sớm mai thức dậy để nhìn thấy người ta, biết vui buồn theo tâm trạng của người ta, vậy mà người ta đi. Hổng lẽ nói với người ta, nụ hôn đầu đời của tui là thầy lấy rồi đó. Chưa hết, thầy cũng là người đàn ông đầu tiên chạm vô ngực tui đó. Tui… tui lỡ thương thầy rồi. Giờ thầy tính sao?

Mà Đợi đâu dám nói toạc lòng ra như vậy, chỉ lén nhìn thầy hiệu trưởng tư lự chục buổi trời ngoài gốc cà na rồi dò hỏi đồng nghiệp: “Biết sao thầy làm đơn nghỉ hông?”. Ai cũng lắc đầu. Nào giờ ổng sống kín tiếng nên đâu ai dám hỏi. Chỉ biết thầy thay đổi từ bữa ông trưởng phòng của sở xuống thăm trường, rồi thầy dắt đi thăm làng, giới thiệu xóm giềng. Nghe đâu sau bận đó, có lệnh điều động thầy về sở. Mà chỉ là nghe lóm vậy thôi chứ kỳ thực chính xác hay không đâu ai biết.

Đám lục bình cứ trôi theo chiều. Hồi mới lớn, Đợi hỏi tía sao đặt cái tên con nghe buồn hiu. Phải tía đặt bởi tía mong chờ má về hông? Tía cười buồn, lấy đờn ra gảy một khúc não nùng. Tía nhấp ly rượu cái ót rồi cười khùng khục. Tại tía nghèo quá, nuôi vợ con hổng nổi. Má bây sang đò khác bữa mưa tầm tã bên sông. Con đừng buồn tía, từ hồi con đỏ hỏn tới giờ tía vẫn còn nghèo. Tía đưa bây cái địa chỉ, chừng bây lớn lên thì tự đi tìm. Đợi vẫn cứ đợi hoài trên bến. Đợi đến hồi tía về với sóng nước phù sa do căn bệnh xơ gan. Đợi cho đến lúc theo nghiệp dạy về Cố Giang cũng hổng có ai tới tìm.

Không lẽ cái tên nó vận vào đời? Không lẽ cả đời này Đợi cứ phải mong chờ những điều xa xôi?
***

Tui nói là tui thương Tuấn Đoàn thiệt lòng. Tui nhìn tui biết Tuấn Đoàn là người có ăn học. Cái cách cư xử cùng lễ nghĩa nền nếp, người có học người ta ăn nói đâu đó rõ ràng. Nội cái nét chữ ghi hóa đơn tui nhìn cũng biết. Duyên đời long đong, hổng ấy ghé lại bến này luôn đi. Tui không ham hố gì nhưng tui cũng mong chờ một người đàn ông tháo vát, siêng năng gánh gồng cái xưởng gỗ này. Ổng mất chục năm rồi. Tui cũng mỏi mòn. Tuấn Đoàn cứ suy nghĩ nghen!

Bà chủ xưởng xuống căn gác gỗ rồi mà Tám Đò vẫn nghe tim mình đập thình thịch. Mới bảy tháng trời chân ướt chân ráo lên thị thành, nó nhìn cái hộp gỗ đựng mớ tiền dành dụm, tính qua mùa nước nổi về sửa sang nhà cửa, rồi nó mông lung nhìn lại đời mình. Hồi đó, người ta vì giàu sang mà bỏ rơi nó, giờ nó phải giàu sang đặng về cho người ta thấy. Nó không cần cái lời hứa hão huyền của người ta nhưng nó cũng muốn má nó sống một đời sung túc đủ đầy.
***
Hôm người ta mang danh ông trưởng phòng xuống nói lời chia sẻ với trường qua cơn lũ rút, Tám Đò cảm ơn rối rít. Dễ hơn bốn năm trời đi dạy nó mới gặp được vị sếp lớn từ sở xuống tới cái trường khỉ ho cò gáy này. Ông trưởng phòng vỗ vai khích lệ thầy giáo trẻ, nói sở thương trường vùng sâu lắm, lại thương cậu là hiệu trưởng trẻ nhất xứ này.

Rồi ông trưởng phòng đi phát quà sau lũ cho bà con Cố Giang. Ổng kể chuyện hồi xưa có thương một cô gái Cố Giang. Tình đầu dang dở nhưng nhớ hoài hổng quên. Tới chừng ông trưởng phòng ghé thăm nhà Tám Đò, má nó đứng sượng trân, khẽ chào ông trưởng phòng rồi quay vội ra sau bếp lau nước mắt. Ông trưởng phòng đứng nhìn theo rồi để đoàn đi phát quà còn ổng ở lại gặp người xưa. Ổng nói một tràng:

“Thằng nhỏ năm xưa đây phải không. Trời ơi, tui có lỗi với bà lắm! Thôi thì tui bù đắp hết. Tui rút nó về sở, tui cho nó làm trợ lý của tui. Từ nay bà sẽ không còn khổ. Cho tui chuộc lỗi đi. Năm xưa, ờ thì cái chuyện năm xưa…”.

“Nước trôi qua cầu rồi mà ông. Tui con gái đồng bưng gả về thị tứ nên vụng về hổng được lòng cha mẹ chồng, âu cũng lỗi tại tui. Ông còn tương lai rộng mở mà. Giờ ông yên bề. Tui qua một lần đò thì về với Cố Giang này cũng không còn nặng lòng với chuyện xưa. Kể cũng như mưa xứ này. Mưa to hay nhỏ rồi cũng thấm vào đất, cũng trôi ra sông. Cái buồn nó lắng xuống thành phù sa…”, má nhẹ nhàng. 

Tám Đò đứng đó, lòng ngổn ngang. Thì ra người ta vì ham vinh hoa mà bỏ má con nó. Ờ thì phù sa còn bên bồi bên lở huống chi lòng người thời buổi kim tiền.

Bây giờ, nghe bà chủ xưởng bày tỏ tấc lòng, Tám Đò nhắm mắt lại, không dưng gương mặt Đợi hiện ra, cái hà hơi của đêm lũ khiến môi Tám Đò mấp máy như mới hôm qua.
***
Chiều hè rải nắng. Phía ngoài xưởng gỗ, bóng ai đó thấp thoáng hỏi tên bà chủ. Đám thợ bàn tán nói nghe đâu đó là đứa con gái bỏ lại dưới quê hồi bả theo ông chủ lên Sài Gòn. Nay cổ tới kiếm. Cũng hai mươi mấy năm trời. Bả vài lần về dưới nhưng rồi công việc lu bu nên mười năm đổ lại bả không về nữa. Bà chủ xưởng đi ra, nhìn con nhỏ nhà quê có đôi mắt ướt nước, có cái bớt bên má phải lan dần đến trái tai. Bà chủ khóc nghẹn con ơi! Tám Đò chạy ra sững người. Đợi đang đứng vân vê tà áo bà ba.

Đợi chỉ ghé hỏi má nó sao lâu nay hổng về để tía nó in hằn nhớ thương vô cái tên nó. Đợi nhìn Tám Đò, hỏi sao anh hổng về, cà na vừa đâm lá biếc. Rồi Đợi bỏ chạy. Phía sau, tiếng bước chân Tám Đò đuổi theo. Đám thợ nhao nhao đỡ bà chủ xưởng đang ngắn dài nước mắt nhìn ra phố.

Qua Bắc An Hòa, xuôi dòng Nha Mân, dọc triền sông cà na um tùm là rẽ về Cố Giang. Mùa này đồng bưng mưa mù trời. 

Tống Phước Bảo

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI