Tờ đơn nằm nguyên trong ngăn kéo, dưới khoảng mặt bàn Đông đặt ảnh gia đình. Mặt giấy đã phủ mờ vết bụi, chữ ký thanh thoát mà gãy gọn của Ngân bên góc trái. Có lẽ số lần Đông nhìn vật chứng cho thấy sự lạnh lẽo và quyết đoán trong trái tim cô nhiều ngang số lần Đông mắc lỗi với gia đình.
Những ngày đầu rạn nứt, khi những trận cãi vã xảy ra, anh tỏ ra bất cần, thậm chí thách thức, bởi anh tin cô không thể rời bỏ anh. Sao Ngân có thể sống thiếu anh được chứ? Ngay từ hồi mới cưới, nghèo kiết xác, căn phòng trọ trên gác xép của vợ chồng nóng hầm hập, đứa con gái èo uột luôn bệnh vặt, áp lực của tấm bằng thạc sĩ và đồng lương ít ỏi khiến anh luôn bực dọc… vậy mà cô vẫn luôn chịu đựng, dịu dàng theo sát anh. Chiếc bàn duy nhất trong nhà sứt sẹo, ban ngày là bàn ăn, tối trở thành bàn làm việc của Ngân với những chồng sách cô nhận về dịch để kiếm ít thù lao còm cõi thêm vào chi phí sinh hoạt cho gia đình.
Ngày đó, đến ánh đèn cũng khiến anh nhạy cảm, khó ngủ, thế là cô lấy báo cũ chụp lại, xoay ghế chặn cho anh dễ ngủ. Thậm chí cô cứ giữ mãi chậu sống đời anh tặng từ thời sinh viên thay cho hoa hồng ngày tình nhân. Đàn bà luyến chồng, “dưới cơ” chồng như vậy không thể nói bỏ là dứt áo mà đi; nhất là bỏ lại cả cơ ngơi bề thế mà có mơ cả đời cô cũng không thể kiếm được bằng cái nghề biên dịch.
Dựa vào đâu mà cô ấy dám rời bỏ anh chứ? Trong cơn nóng giận vì cảm thấy bị xem thường, anh từng lớn tiếng phân định về tài sản. Chính anh cũng không ngờ mình lại có thể phát ngôn tầm thường như thế. Ánh mắt dửng dưng, giọng Ngân nhỏ nhẹ mà rành rọt: “Em đồng ý. Tài sản anh làm ra, anh cứ giữ lấy. Chỉ con gái chúng ta thì em sẽ nuôi. Anh có thể thăm con nếu cuộc sống bận rộn của anh còn thời gian cho con. Ngoài ra, mẹ con em không cần gì cả”. Từ đó, dù anh cố tình tìm cách đấu khẩu mong có cơ hội làm hòa, Ngân không còn đáp lại nữa.
Đông càng nghĩ càng ấm ức. Rốt cuộc thì anh có tệ bạc gì với Ngân đâu. So với sếp và những gã đàn ông thành đạt khác, anh tử tế hơn hết thảy. Anh không đèo bòng vợ lẽ con thêm, không dính vào các tệ nạn thường thấy của những kẻ dư tiền. Chuyện rượu bia tiếp khách, đôi khi quá đà bóc bánh trả tiền cũng là lẽ thường trong cuộc sống làm ăn bây giờ. Ngân hiểu rất rõ anh không có ai khác bên ngoài mà. Sao cô ấy cố chấp và giữ rịt cái nếp nghĩ gia đình phải như cái thời thiếu thốn, bí bức và tù túng với những điều nhỏ mọn ngày thường? Sao cô ấy không thấy được những vất vả anh phải chịu đựng khi uốn mình theo guồng và kiểu làm việc phải giẫm đạp lên nhau, lên rất nhiều thứ và cả từ bỏ một phần bản thân để thành công?
***
Mưa sầm sập giữa chiều khiến khoảng đường phơ phất dải dây đỏ trắng trước nhà càng như buồn hơn. Khóm sống đời đã chết vì gần nửa năm nay cô không còn chăm nó nữa. Chậu cây cô nuôi nấng từ ngày con tim cô chính thức thuộc về cha của con gái cô, được cô xem như biểu tượng của sự vững bền vĩnh cửu. Gốc cây nhỏ xíu bắt những chiếc rễ trắng lan trên mặt nhúm đất trong chiếc gáo dừa sau chừng ấy năm không biết bao nhiêu lần ra hoa. Những chùm hoa sống đời như những chiếc chao đèn màu hồng, khiêm nhường và giản dị, nhưng trong mắt cô lại đẹp hơn cả những bó hồng vô hồn mà sau này anh mang về nhà cùng men rượu nồng nặc.
Anh từng nói cái cây nhỏ xíu đó do chính tay anh ươm từ cây thuốc bỏng đã cứu anh khỏi vết bỏng nhiễm trùng vì nhà không có tiền đi viện. Ngày đó, anh kể về một cậu bé mồ côi cha, lầm lũi bên người mẹ nghèo ở mảnh đất miền Trung gió Lào đầy cát và nắng cháy… Cô đã thổn thức vì sự chân thành rồi yêu anh, yêu cả mẹ và quê anh sâu đậm.
Mười năm yêu và kết hôn, khoảng đời Ngân âm thầm đi bên cạnh chồng như bong bóng mưa, vụn vỡ.
Đôi lúc, Ngân tự hỏi phải chăng chính mình đã sai khi sống hết lòng vì tình yêu và đặt trọn niềm tin vào chồng. Điều gì đã biến anh thành người ích kỷ và tự mãn đến vậy? Người con trai thông minh, đầy nghị lực, tràn trề nhiệt huyết của hơn mười năm trước đã biến thành người đàn ông tự tôn, cao ngạo và hợm hĩnh. Phải chăng cô cũng có lỗi khi cứ âm thầm ủng hộ anh mà không hề thay đổi bản thân?
Cô im lặng, nửa vì kiêu hãnh, nửa là chịu đựng vì tin anh biết điểm dừng trong khi anh lại coi đó là sự thỏa hiệp. Tiền bạc sau những phi vụ kinh doanh ào vào nhà cô nhiều bao nhiêu thì chồng cô xa rời cô và nếp nhà nhanh bấy nhiêu. Những bữa cơm với các món ăn hợp khẩu vị anh ngày càng nhiều lần lạnh tanh trên bàn chờ anh về. Những cuộc điện thoại báo anh đi tiếp khách không về đến vào giờ con gái cô đi ngủ. Những lần cô cố nuốt bữa tối chờ chồng bên bàn ăn nguội lạnh ngày càng nhiều hơn, ngôi nhà rộng ngày một tĩnh lặng… Cô dần nhận thấy mình như người thừa bên đời anh.
Gia đình cô từng là ước mơ và cả sự ganh tỵ của nhiều người giờ là cái tổ trống lạnh. Mỗi ngày trong đó, cô càng thấy mình cô đơn, nhỏ bé và đáng thương hơn. Mỗi ngày trôi qua, cô thấy tình cảm của anh đối với mẹ con cô càng nhạt dần. Trong khi đó, anh tin rằng tiền là thứ quyền lực thống trị tất cả. Anh ngày càng tỏ ra coi thường công việc của cô, coi thường những giá trị sống mà trước đây cả hai từng trân trọng…
***
- Mẹ ơi, ba bệnh rồi. Ba nóng lắm, cứ ngủ mê man.
Bé Mai vừa chạy từ trên lầu xuống vừa la hớt hải. Ngân bỏ khay giá đậu xanh đang gỡ dở xuống bàn bếp, theo con lên lầu. Từ ngày ly thân tới giờ, ranh giới phân định giữa anh và cô là cái cầu thang nối giữa hai tầng nhà. Mẹ con cô ở tầng trệt, cô dùng căn phòng nhỏ trước đây của người giúp việc để làm việc. Mình anh ở tầng trên. Đã hai tháng nay, khu phố bị rào cứng do số bệnh nhân COVID-19 tăng, đến thực phẩm cũng thiếu thốn và phải nhờ cán bộ phường mua giúp, Đông vẫn cố chấp không ăn cơm cùng mẹ con cô…
Phòng ngủ đóng kín. Đông nằm trên sàn phòng làm việc. Bộ chăn gối ố và bốc mùi cho thấy anh ngủ ở đây từ lâu rồi. Vỏ ly mì ăn liền lăn lóc khắp phòng. Chai nước gần hết vứt cạnh gối. Ngân chạm mu bàn tay vào cổ và trán Đông. Cô quay qua nói với con:
- Lấy giúp mẹ vỉ thuốc hạ sốt!
Bé Mai chạy đi, Ngân cởi nút áo sơ mi của Đông rồi lật anh nằm nghiêng, lần kéo chiếc áo ra khỏi cơ thể anh. Đông li bì rên nhẹ. Lòng Ngân nhoi nhói cảm giác vừa ngài ngại như xa lạ, vừa thương xót lẫn giận dữ. Đông gầy đi nhiều, chiếc áo rộng dễ dàng cởi ra. Cảm giác vừa thân thuộc vừa xa lạ qua nhanh nhường chỗ cho sự tức giận dâng lên rồi lắng xuống thành nỗi xót xa.
Ngay từ những ngày đầu giãn cách, cô đã nói với anh, dù tình cảm giữa hai người có thế nào thì anh vẫn nên ăn cơm chung với mẹ con cô nhưng anh chỉ im lặng lên lầu. Con bé Mai buồn hiu, mới hơn tám tuổi nhưng thông minh hiểu chuyện, buộc phải đứng lặng lẽ giữa sự xung đột của ba mẹ. Nếu anh cư xử người lớn hơn, con bé đã không chịu tổn thương như thế. Cô hiểu, anh cố tình làm thế để cô phải xuống nước vì thương con. Anh biết điểm yếu của cô và quyết giành chiến thắng. Mãi mà anh không chịu nhận ra chính điều ấu trĩ ấy của mình khiến sức chịu đựng và sự tôn trọng trong cô ngày càng bị bào mòn.
Ngân sang phòng ngủ tìm khăn mặt và nước ấm. Bụi mịn phủ lên đồ vật và ga gối còn y nguyên như ngày cô dời xuống ở phòng con. Có lẽ Đông cũng mang tâm trạng như cô khi nhìn căn phòng từng là nơi ghi dấu hạnh phúc của hai vợ chồng nên anh không ngủ ở đây nữa. Căn phòng ấm áp với những vui sướng hân hoan ngày đầu căn nhà được xây xong, những lời lạc quan về tương lai hạnh phúc, những kế hoạch cả cuộc đời bên nhau đều ghi dấu tại nơi này. Nước mắt Ngân rơi xuống mặn đắng.
***
Hơi ấm chạy luồn xuống cổ, có vị mằn mặn của thứ thuốc sủi hạ sốt. Tiếng bé Mai như vẳng từ xa tới. Đông cố hết sức mà mí mắt không mở nổi. Tiếng con lo lắng, tiếng suỵt khe khẽ thân quen…
Cơn khát tưởng như bị chìm đi được đánh thức bởi thứ nước cam tươi mát ngọt ngào thấm sâu xuống họng. Đông vô thức há miệng chờ những muỗng nước đổ nhẹ xuống miệng, nhưng rồi thứ nước thanh mát ấy không chịu đổ vào miệng anh nữa, thay vào đó là vị mằn mặn, ấm nóng, ngầy ngậy của cháo thịt. Nội tạng anh như phản chủ, kêu lục bục hân hoan đón thứ thức ăn nó đói khát từ rất lâu. Đông tỉnh táo hơn, mí mắt hi hí trước ánh sáng đèn bàn hắt ngược bóng lưng của Ngân đang cúi xuống bên anh. Khuôn mặt cô bình lặng trong bóng tối mang vẻ nhẹ nhõm. Bé Mai ríu rít bên cạnh anh mừng rỡ. Ngân cầm chiếc khăn mặt đứng lên thì bị bàn tay Đông nắm chặt:
- Anh xin lỗi, vô cùng xin lỗi em và con.
- Anh còn yếu, để sau hãy nói đi!
- Không, anh phải nói ngay bây giờ. Anh muốn xin lỗi em lâu rồi nhưng không biết phải bắt đầu thế nào. Ngân ơi, sao anh có thể sống thiếu em và con? Anh đã xấu hổ vô cùng khi lén xuống nhà, mở lồng bàn nhìn đồ ăn em cố ý để phần anh. Anh thấy cả thuốc men, kit test và tờ giấy em ghi những số điện thoại có thể trợ giúp…
- Vậy sao anh không ăn? Sao anh cố chấp hoài vậy? Anh có biết điều đó làm tổn thương con thế nào không?
- Anh xấu hổ. Anh rất xấu hổ vì những gì mình đã làm, đã nói với em, về cách anh nhìn cuộc sống khi mình thành công.
Anh đã không hiểu được rằng có bao nhiêu tiền đi nữa cũng vô nghĩa khi một cơn dịch bệnh hay một cơn bão lũ lướt qua… Tiền bạc cũng vô nghĩa trước cái chết. Quanh anh không còn ai cả. Anh không thể mua được cho mình đĩa cơm, ly nước; không có bất cứ sự quan tâm nào từ những kẻ thường xun xoe bợ đỡ anh cầu lợi hay những người anh dốc sức bán mạng cho họ… Anh… anh đã ăn thùng mì em cố ý để ở cầu thang. Gần tháng nay, khi chỉ ở trong căn phòng này, ăn dè thứ mì gói suốt bao năm anh không thèm ngó tới vì muốn phủi khỏi trí nhớ cái nghèo hèn thời xưa, anh hiểu ra mình đã đánh mất những gì. Anh đã ngu ngốc không nhận ra rằng em và con có ý nghĩa như thế nào với cuộc đời anh. Mong em tha lỗi cho anh. Hãy cho anh một cơ hội…
Nước mắt lăn trên khuôn mặt đầy râu, xanh xao, hốc hác của Đông khiến Ngân bật khóc. Người ta nói, đàn ông như đứa trẻ lớn xác với người yêu thương anh ta. Bàn tay còn lại của Đông vươn lên lau vệt nước mắt trên má Ngân.
Tiếng bé Mai lanh lảnh ngoài cửa vọng vào:
- Mẹ ơi, ba ơi, coi con có gì đây nè. Trời ơi, không tin được luôn nè.
Con bé quỳ xuống bên ba mẹ nó mắt còn ưng ửng đỏ, xòe bàn tay đang khum khum giữ ra trước mặt. Trong tay nó, phía trên nhúm đất xôm xốp, ba mầm cây với những chiếc lá bé xíu, xanh non đang vươn lên từ đoạn rễ bám rêu mốc. Cả Ngân và Đông cùng sững sờ trước những mầm cây sống đời với sức sống mãnh liệt lần đầu cả hai mới thấy. Họ đưa mắt nhìn nhau rồi nhìn con bé đang vui tíu tít. Không biết họ đang thầm cảm ơn cơn mưa cuối mùa hay phần nào đó, cảm ơn cả thứ dịch bệnh khủng khiếp nọ. Thứ không mong đợi nhất, khủng khiếp nhất đôi khi chính là phép thử để cuộc đời ai đó hồi sinh.
Ngân chợt nhận ra mình đang hòa tiếng cười thật thoải mái cùng con gái và Đông. Bàn tay cô ấm hơi ấm của chồng đang nắm chặt.
Nguyễn Thu Hà