Truyện ngắn:

Mùa hoa cải trắng

14/09/2020 - 12:00

PNO - Huy từng nghĩ vào một mùa hoa đẹp nhất, sẽ nói cho người ta nghe, rằng Huy thương người ta như thương những bông hoa cải trắng.

1.

Mẹ điện thoại giục giã trong sự thấp thỏm, dịch đợt thứ hai này có vẻ bất an, hay là con dọn về nhà ở tạm cho qua cơn rồi tính sau. Một chiều tháng Tám vắt ngang phố, những tia nắng còn sót lại của ngày xen tán me xanh rì con đường Nguyễn Du, từ ô cửa kính của một quán cà phê hiện đại, tôi nhìn dòng người thưa vội lướt ngang qua phố. Ai cũng che chắn kỹ càng bằng lớp khẩu trang. Tan tầm hối hả. Phút chốc nữa thôi, khi những con phố hắt ánh đèn vàng, dòng người vắng ngắt. 

Chưa bao giờ thành phố lạ lùng đến vậy. Nơi này vốn dĩ được mệnh danh là thành phố không ngủ. Ngày cũng như đêm, cuộc sống cuốn con người vào guồng quay miệt mài. Cho dù đó là lưu dân gốc thị thành hay người từ phương xa về đây gá phận đời. 

2.
Năm ba mươi tuổi, tôi xin phép bố mẹ dọn ra ở riêng. Mẹ cực lực phản đối. Chị hai năm lần bảy lượt điện thoại hỏi tôi có chuyện gì, chừng như chẳng thể thuyết phục được tôi thì chị cầu cứu đến anh ba. Tôi nhớ, đó là lần đầu tiên hai anh em chúng tôi ngồi cùng nhau. Một đêm ở Chill Bar, tôi cùng anh nhấm chai vang từ vùng nho Médoc trứ danh. Thứ rượu màu đỏ sóng sánh, vị chát thanh dịu của giống nho Cabernet Sauvignon làm cả hai chếnh choáng. 

Tôi kể anh ba nghe về những ước mơ tự do, chẳng thích sự ràng buộc, một không gian riêng tư đủ để tôi bình lặng nghỉ ngơi sau những rong ruổi của mình. Tôi kể anh ba nghe về tuổi trẻ và hoài vọng. Trong suy nghĩ xanh màu mây trời này, chưa lần nào tôi nghĩ về chuyện lập gia đình. Hình như trong cơn say, tôi đã hỏi anh mình rằng hai đường thẳng song song giao nhau ở điểm nào. 

Anh ba trầm ngâm nhìn tôi một đỗi, rồi ngả người vào thành ghế. Ban nhạc Philippines chơi một bản nhạc đồng quê của dân cao bồi viễn Tây. Anh chàng ca sĩ có mái tóc xoăn tít đang thả những ca từ da diết của bài hát trong bộ phim Brokeback Mountain. Tôi khẽ mấp máy môi, nhắm nghiền mắt lại. Sau hôm đó, chẳng biết anh ba nói gì, nhưng bố gọi điện thoại cho tôi, giọng trầm đục: kiếm căn chung cư nào đó an ninh chút rồi mua, thiếu bao nhiêu thì bố bù cho. Chiều đó, tôi lang thang một mình trên phố mưa bay. Nước mưa khi ấy không dưng có vị mặn lạ kỳ. 

Chung cư mới xây ở khu đông thành phố, tầng mười tám. Từ ban-công, tôi có thể nhìn thấy tòa nhà Búp Sen, có thể xem pháo hoa bắn phía bên bờ Thủ Thiêm, có thể nhìn ráng chiều đỏ ối. Những sáng mai tinh mơ, tôi lặng nhìn mặt trời nhô lên tựa trái cam. Cuối cùng, tôi cũng có một không gian riêng như mình hằng khao khát. 

Tôi kê cái bàn nhỏ cùng chiếc ghế lười để uống trà, đọc sách mỗi khi lòng mình tĩnh lặng. Tôi trồng dàn dây leo xanh rì quấn quanh ban-công. Tôi thả những chậu hoa dại li ti đỏ vàng lên các móc treo. Tôi trồng riêng một chậu hồng nhung kiêu kỳ.

Chẳng hiểu sao đám bông dù chỉ được tôi chăm bón khi rỗi rãi trở về sau những chuyến đi mê mải, vẫn cứ ưỡn ngực mà căng tròn biếc xanh, cây hồng nhung cứ dăm ba tháng lại ra một hai bông đỏ chon chót. Nhưng, có một thứ tôi cố tâm vun tưới, thậm chí còn đem về nhà nhờ bố chăm sóc mỗi lần đi xa, lại chưa một lần nở hoa. Đám cải trắng tôi đem từ triền dốc Tu Tra về vẫn cứ ương bướng như chính chủ nhân của chúng. 

3. 
Huy đến, ngày Sài Gòn ẩm ương, đám mưa bụi lấm tấm đọng trên gương mặt u hoài. “Mới vừa cách ly mười bốn ngày xong”, Huy nói rồi buông cái ba-lô hững hờ xuống ghế, thả người nhắm nghiền mắt lại. Mái tóc bết dính như thể năm ba bữa rồi chẳng tắm gội. Tôi biết Huy chẳng ngủ. Đôi khi người ta vẫn hay nhắm mắt bởi chẳng muốn nhìn thấy vài thứ nào đó trong cuộc đời khiến mình mỏi mòn. Hoặc đôi lúc, người ta vẫn dùng cách nhắm mắt, để soi cho rõ một điều gì đó. Cuộc đời này, nhiều khi dùng lòng mình để nhìn, lại ngộ ra lẽ thật hơn bao giờ hết. Có lần Huy nói với tôi như thế.

Đó là hồi tháng Mười của một năm chúng tôi vừa tròn hai mươi. Giữa đồi Tu Tra, hoa cải trắng ngút ngát cả khoảng không sâu thẳm. Đêm đầu tiên của hành trình về miền lạnh, sao trên trời chi chít, tôi nằm ngửa, thấy bao la mênh mông trên nền đen là ước mơ của mình - được vẽ những nét đầu tiên. Tôi thích đi. Những chuyến lang thang đây đó luôn làm tôi háo hức. Với một đứa luôn phải ủ ấm đời mình trong sự chăm bẵm của gia đình, thì đất rộng trời cao luôn là khát khao. 

Tôi ngồi yên trên chiếc ghế lười, nhìn ánh nắng bắt đầu lên trên những mái nhà cao tầng của thành phố. Huy vẫn nhắm mắt. Chậu hồng nhung nở hai đóa hoa rực rỡ. Tôi biết Huy chẳng ngủ. Mùi cà phê thoáng vờn khắp căn phòng.

4. 
Chúng tôi gặp nhau giữa năm đầu đại học. Ba đứa được phân vào một nhóm thực tập tìm tư liệu của Sài Gòn để dẫn tour. My nhỏ nhắn, xinh xắn như búp bê với mái tóc ngắn, dân miền Tây sóng nước. Huy vạm vỡ, màu da sạm nắng của một thằng con trai miền núi quanh năm nương rẫy. 

Quăng quật cả ngày từ Dinh Độc Lập sang đến Thảo Cầm Viên, tối chúng tôi lại về bến Bạch Đằng ngồi nhìn bên kia Thủ Thiêm. Những tòa nhà cao tầng bắt đầu mọc lên, Huy bảo rồi thành phố này chỉ là những tòa nhà, con người ta gói trọn đời mình vào cơm - áo - gạo - tiền thôi. Vậy nên, lúc mình còn trẻ, hãy đi, đi đến tận cùng đam mê, để ngày về sẽ là những ngày an nhiên mà sống trọn vẹn. Mãi sau này, tôi mới hiểu hết những gì Huy nói. 

Huy chỉ có mẹ, lớn lên giữa đại ngàn rừng núi cũng chỉ một tay mẹ chăm bẵm. Mẹ gùi những thứ rẫy nhà trồng được xuống chợ để nuôi Huy. Mẹ leo lên những triền dốc thoai thoải để đi qua đời con gái. Mẹ chính là người nhất quyết bắt Huy về xuôi học chữ. Mẹ bảo chẳng thể nào ở mãi thế này với Huy. Ngoài kia bao la hơn cái thung sâu hoang lạnh này. Huy cứ đi, đi thật xa, chừng nào thấy mình đủ sức gánh vác mọi thứ trong đời thì hãy quay về. Mẹ bên hiên nhà vẫn đợi. Nhưng mẹ quên mất một điều, mà cũng có thể mẹ cố tình quên để Huy yên dạ, rằng mẹ chẳng còn mấy thời gian.

Người ta báo tin mẹ về với Giàng, về với rừng thiêng núi cao vào một hôm Huy đang dẫn tour bên Thái Lan. Năm đó Huy vừa tròn hai tư tuổi. Tôi vội vã trở về Tu Tra khi vừa nhận tin nhắn của Huy. Một tay thu xếp mọi thứ cho đám tang mẹ Huy. Qua một ngày hơn, Huy mới về kịp, đôi mắt đục ngầu và đỏ hoe. Đêm Huy say rượu ngô, ôm chầm tôi mà khóc. Đời Huy đi xa quá chừng. 

Tôi nhớ những năm tháng đó, My và tôi vẫn cạnh bên Huy. Giáng sinh ấy, Huy khẽ rụt tay lại khi My nắm lấy. Huy bảo Huy còn phải đi, Huy chưa thể chôn đôi chân mình ở đây được. Ngoài kia đất rộng trời cao. Ngoài kia gió vẫn thổi, mây vẫn bay và mùa lá xanh vẫn biêng biếc cành. My ngơ ngác đợi.

Những lần đi xa, Huy hay đem theo hình của mẹ. Huy bảo người phụ nữ đầu tiên trong đời mà Huy muốn dẫn đi cuối đất cùng trời là mẹ. Mẹ cả đời gian lao. Hôm giỗ đầu của mẹ Huy, tôi bạo miệng hỏi thử về cha Huy. Bên ánh lửa bập bùng, Huy cười khùng khục. Người ta nói mẹ tao bị hại, tao là con hoang. Đứa con hoang duy nhất của thung sâu hiền lành này. Đêm đó, Huy nói mớ trong cơn mơ, Huy gọi mẹ ơi, Huy với tay giữa thinh không. Tôi thảng thốt nhìn sâu vào đôi mắt nhắm nghiền kia, hình như lấp loáng nước. 

Tôi nắm lấy tay Huy, ủ ấm đôi tay ấy. Tiếng thở bắt đầu nhẹ hơn. Huy ngủ thật hiền. Đời Huy bao mùa hoang lạnh rồi? Tôi nghe từng cơn gió rít qua thung sâu. Hai mươi lăm tuổi, tôi bắt đầu biết buồn. 

5. 
Ngày My cưới, Huy chẳng về được, hỏi ở đâu, Huy bảo xa lắm. Ba mươi tuổi rồi, con gái có thì, My chẳng thể đợi hoài một cánh chim thiên di. 

Có lần ngồi ở Rêu, quán cà phê nằm ngay đường ray xe lửa, góc quán quen thời sinh viên ba đứa hay ngồi chung mỗi lần bùng tiết, My kể hôm Huy đưa My về nhà sau tiệc mừng khai trương công ty du lịch của tôi, Huy bảo với My, hình như Huy yêu một người, gần bên nhưng lại xa xôi diệu vợi. Người đó có nụ cười như những bông hoa cải trắng, sáng bừng cả một thung sâu.

Huy từng nghĩ vào một mùa hoa đẹp nhất, sẽ nói cho người ta nghe, rằng Huy thương người ta như thương những bông hoa cải trắng. Nhưng My ơi, hai đường thẳng song song chẳng bao giờ có thể giao nhau. Hình như Huy khóc. Lặng lẽ ngồi thật lâu rồi mới đứng lên ra về. Đêm đó, My biết Huy chẳng bao giờ là của My. Huy đã chọn cho mình một tình yêu khác mất rồi. 

6. 
Huy mở mắt ra khi tôi đang đọc dở một truyện ngắn trên tờ báo cuối tuần. Rõ ràng là Huy chẳng ngủ. Cặp mắt vẫn cứ trĩu sầu như bao lần tôi nhìn vào đó, tựa thể thấy cả thung sâu Tu Tra với những mùa cải trắng cô đơn nao lòng. Huy lang bạt đâu đó chừng sáu bảy năm trời. Rẫy nhà cho người ta thuê. Những chuyến về ngày càng thưa dần. Thảng khi Huy chỉ nhắn tin cho tôi nay giỗ mẹ tận Paris, cho mẹ đi coi nhà thờ Đức Bà, dắt mẹ đi dọc sông Seine, cho mẹ ăn gà nướng Pháp. Kể từ bận đó, tôi cũng chẳng về lại Tu Tra. Những mùa hoa trắng ngần cứ vướng víu vào trong giấc mơ mướt mát mồ hôi. 

Huy ngồi tựa lưng vào tôi, với tay nâng hai bông hồng nhung rực rỡ lên. Huy về luôn rồi. Bữa Huy đang ở Úc, nằm mơ thấy mẹ mặc bộ đồ trắng tinh. Mẹ vuốt đầu Huy, mẹ kêu Huy về đi, có người đang đợi. Sáng đó, Huy đang dẫn khách đứng chụp hình nhà hát Con Sò, một con chim bồ câu trắng bay đến đậu lên vai Huy, chừng chốc lát nó bay đi mất tiêu. Người thuê rẫy nhà vừa báo, họ dời ra huyện, nên trả lại cho Huy. Mòn gót phiêu du, mới hay cái thung sâu đó vẫn là nơi mình cần phải về. Cánh chim thiên di nào rồi cũng cần một tổ ấm để quay về ấp ủ yêu thương. 

Rồi như nhớ ra điều gì, Huy chồm người ngồi dậy, kéo tay tôi bảo thay đồ về nhà bố mẹ gấp. Khi tôi còn đang ngơ ngác vặn vẹo Huy tại sao phải quay về nhà vào một trưa cuối tuần ngoài kia đang gắt nắng như muốn vỡ đầu, thì đã thấy mẹ ra mở cổng. Mẹ tôi ngỡ ngàng, Huy cười nhẹ nhàng rồi ôm chầm lấy mẹ. Huy chìa ra cho mẹ tôi cành hồng nhung vừa cắt vội lúc tôi đang thay quần áo. Sáng nay con đi taxi từ sân bay về, thấy mấy cái chùa người ta tổ chức cúng Vu Lan. Cả đời con chưa một lần tặng gì cho mẹ. Giờ chỉ còn mỗi bác là thương con. Cho con tập hiếu thảo một lần, cũng coi như là mẹ của mình, nha bác. 

Mẹ khóc, rồi Huy cũng khóc. Bên hiên nhà, bố đứng lặng thinh. Hình như, bao năm qua cũng chưa một lần tôi nhớ đến mùa báo ơn. Chưa bao giờ tôi tặng cho mẹ cành hoa hồng nào. Đôi khi những đứa con ương bướng cứ thả trôi đời mình về những miền mộng ảo. Chỉ khi đã mất mát một thứ gì đó, mới sực tỉnh mà quay về nhặt lấy những trân quý thân gần còn sót lại. Thế nhưng, có đứa quay về kịp, còn phần lớn thì đổi cả vạn trùng thương tưởng cũng chẳng có được bóng mẹ hiền. 

Bữa cơm trưa đó, Huy vào bếp, bày biện đủ món Tây món ta. Cả nhà cứ bố - mẹ - con, mặc tôi ngồi ngoài rìa, hóng chờ được ăn. 

7. 
Tôi theo Huy về lại Tu Tra, giữa tháng Chín đổ hanh khô lên những triền dốc thoai thoải. Tu Tra vẫn xanh lành. Mùa này, cải trắng chưa trổ bông. Đêm đêm, đom đóm phát sáng giữa thâm u. Chúng tôi căng lều ra ngủ trước hiên nhà. Trời vẫn chi chít sao như hồi chúng tôi tròn hai mươi. Tôi vẽ lên nền đen kịt một đường thẳng. Tôi mơ ước bình yên.

Sau những ngày dịch đi qua, tôi thấy mọi bôn ba được mất hóa ra cũng chẳng thể bằng một sự an ổn trong cõi lòng. Huy vẽ lên một đường thẳng. Sau những rong ruổi thỏa chí tang bồng, mọi con đường đều xa lạ, chỉ có đường về nhà là mãi mãi thân quen. Cuộc đời ai rồi cũng phải học cách quay về từ nơi bắt đầu. Huy sinh ra từ thung sâu trắng ngần hoa cải thì chỉ có thung sâu tươi đẹp này mới có thể níu chân Huy trọn đời. 

Huy bảo hai đường thẳng song song có thể giao nhau ở vô cùng. Tin Huy đi, vào một mùa hoa đẹp nhất, hai đường thẳng chúng tôi vẽ sẽ giao nhau. Tháng Chín rồi sẽ qua, những mùa hoa cải trắng sẽ sáng ngần thung sâu Tu Tra. 
Huy nhắm mắt. Chẳng phải lời nói mớ, vì tôi biết chắc, Huy vẫn thức. 

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI