Truyện ngắn - Mưa chiều

05/12/2021 - 06:31

PNO - Năm đó, một trong những lý do khiến ông ra đi là vì mối tình tuyệt vọng, bế tắc với một người, nếm đủ cả thương yêu, thù hận…

Cơn mưa bắt đầu từ lúc xong bữa cơm trưa. Con gái dọn bàn, mang chén bát bỏ hết vào trong bồn. Ông nói: “Lên nghỉ đi, để đó bố rửa”. Thanh toán xong các thứ trong bồn rửa chén và lau sạch bóng cái bếp, ông kéo cái ghế dựa ngồi ngó ra bên ngoài. 

Đây là cửa sau nhà nhìn xuống khu vườn hàng xóm. Chủ nhân căn nhà đó là bà cụ Việt kiều Pháp, ông đoán tuổi khoảng 80, vóc gầy, thấp, trông còn nhanh nhẹn lắm. Sáng sớm nào từ bếp nhìn ra, ông cũng thấy bà cụ loay hoay bên những khóm hoa, tỉa tót, ngắm nghía. Trong nhà còn có cô giúp việc quét dọn, tưới cây. Vườn trồng toàn hoa hồng, công phu chăm sóc nên luôn đẹp tươi, hơn hớn sắc màu. Cạnh khu vườn có miếng đất trống, bốn bề tường xây thấp vuông vức. Thỉnh thoảng, ông thấy có đôi vợ chồng trung niên đi ô tô đến dòm ngó miếng đất một chút rồi về. 
***
Hồi ông mua miếng đất này, lúc ấy nơi đây còn là vùng trũng, ruộng rau, cây hoang dại. Vào mùa bông lau, cây cao quá đầu phủ kín như rừng, bông nở trắng trời. Ông không hề biết đây sẽ là vùng được quy hoạch thành khu đô thị mới, có giá trị rất cao như bây giờ. Một lần, ông đọc rao vặt trên báo thấy thông tin người ta mở bán đất ruộng hoang, cho trả góp trong vòng 10 năm; nếu thanh toán một lần hay rút ngắn thời gian trả góp sẽ có giá tốt hơn. Với đồng lương cố định của hai vợ chồng, mỗi tháng chỉ dư ra nhiêu đó, ông nhắm có thể xoay xở được bèn chơi trò mạo hiểm, đúng là có hơi liều. Hơn 20 năm trước, chưa nhiều người nghĩ đến việc đầu tư bất động sản ngoại trừ những người, một là có mắt nhìn xa trông rộng, hai là nắm bắt thông tin từ vị trí công việc hay do bạn bè mách bảo. 


Đúng 10 năm ông mới thanh toán hết số tiền mua đất. Khi đó, vùng trũng đã được nâng lên cao ráo, hạ tầng dần hoàn chỉnh. Rồi biệt thự mọc lên, người có tiền khắp nơi túa về. Trường quốc tế, văn phòng các công ty nước ngoài ngày càng nhiều. Vùng đất hoang vu sình lầy ngày xưa nay thành một khu đô thị khẳng định đẳng cấp, là nơi ở của những người giàu có, thể hiện cuộc sống sung túc.

Năm năm sau, ông bán nhà trong phố cũ, vay mượn thêm, xây lên ngôi nhà khang trang, bề thế, có cả hầm để xe. Họ hàng, bạn bè nhìn ông thán phục, nói ông có con mắt tinh đời. Ông chỉ nghĩ rằng hay không bằng hên. Tính ra hồi đó mua miếng đất 300m2 này đâu có bao nhiêu so với giá trị “khủng” bây giờ. 

Mưa lâm râm thong thả, bầu trời thấp chùng lại bởi những đám mây xám bùng nhùng, không chút hứa hẹn sẽ sáng sủa hơn. Gió nhẹ nhàng mơn man lũ hoa hồng. Trên bãi cỏ sót vài con chim sẻ lơ láo, ngơ ngác. Hai con chó của bà cụ Việt kiều thỉnh thoảng chạy ra vườn, vô nhà rồi kêu ẳng ẳng, trông chúng như lấn cấn, muốn bày tỏ điều gì đó.

Rồi mưa vội hơn, nặng hạt. Bụi mưa lấm tấm nhảy vào chỗ ông đang ngồi nhưng ông không muốn đứng lên đóng cửa và như thường lệ là giấc ngủ trưa. Ông ngoái nhìn đồng hồ. Ba tiếng nữa, ông có một cái hẹn đã định hồi tháng trước. Từ nhà ông đến chỗ hẹn phải đến 20 cây số. Mưa thế này, đi hay không đi không phải là câu hỏi cần đặt ra với một người nghiêm túc như ông, để vướng vào cái tâm lý chần chừ, e ngại. 
***

Từ khi nghỉ hưu hai năm trước, ông ít ra đường. Con gái bảo vệ xong luận án tốt nghiệp thì ông thấy chẳng còn lý do để ra khỏi nhà nữa. Hơn 20 năm lèn lách ngoài đường mỗi ngày, đồng hành trường lớp với các con quá đủ để ông không còn phải bận tâm về những chuyện phố xá, kẹt xe, ngập nước, triều cường, lấn chiếm vỉa hè… 

Thật ra, ông không “úm” con đến mức vậy nếu không có một lần, vào năm thứ ba đại học, con gái ông bị một gã say rượu chạy xe máy kéo lết đi cả chục mét khi con bé dừng xe đợi đèn đỏ. Từ đó, chiếc xe máy của con ông phủ bụi và hai cha con lại tiếp tục cùng nhau, chuyện trò vui vẻ như ngày xưa trải dài từ mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp. Quen việc đưa đón con cái nên mưa, nắng, khuya, sớm với ông không thành vấn đề mà ngược lại. Ông yêu mưa, thích nắng, thân thiết với đường phố và quen cái dòng xe cộ xuôi ngược ồn ào. Ông chẳng bao giờ phải bận lòng về thời gian chờ con trước cổng trường. Đó là lúc ông được quan sát, ngẫm ngợi, nhìn dòng chảy cuộc sống trôi đi với bao vui buồn, được mất, hơn thua. Cuộc đời đáng quý và trân trọng bởi tất cả mọi thứ đều chuyển động, là sự thay đổi vị trí trong không gian, theo thời gian, điều tất yếu của cuộc sống để xã hội phát triển. Chuyển động mọi nơi, mọi hoàn cảnh và luôn linh hoạt tìm ra giải pháp cho mọi khó khăn chính là chuyển động tích cực.

Từ rất lâu rồi, ông nhìn đời qua kính lọc. Con người sống ở đâu, tại sao phải sống nơi đó, làm gì, khi nào, sống với ai… không quan trọng. Ý nghĩa cuộc đời cần thiết nhất là sống thế nào để hạnh phúc. Ông quý trọng và chú tâm việc lo lắng cho con cái, với ông, là niềm vui, là lẽ sống. Ngược lại, vợ ông luôn cảm thấy thoải mái trong công việc của bà ngoài xã hội. Không hẳn ông hài lòng vì có một gia đình êm ấm, nhà cửa khang trang, công việc ổn định cho đến ngày nghỉ hưu. Theo ông, đó chỉ là điều kiện cần cho một bài toán có đáp số đẹp. 

Lan man những ý nghĩ như thế, ông thiu thiu lúc nào không hay cho đến khi con gái từ trên lầu xuống, lay ông: 
- Bố có cuộc hẹn với người bạn cũ ở quê vô, phải không? Bố hẹn mấy giờ? Sao bố chưa đi? 

Nhìn ra bên ngoài, mưa ầm ào, mù mịt, ông nói với con gái:
- Nửa tiếng nữa bố đi. 
- Bố có ăn cơm chiều không?
- Chưa gặp làm sao bố biết. Con cứ nấu đi, bố không về kịp thì cất thức ăn vào tủ lạnh mai hâm lại. 

Con gái kể với ông là cô vừa xem một phim rất hay, nói về một cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai người ngày xưa là tình nhân. Ông cười hỏi lại: “Cuối cùng thế nào, con?”. Con gái cười to: “Tiếc là cả hai già hết rồi và họ đều có gia đình riêng hạnh phúc”. 
- Vậy thì có gì mà hay?

Con gái nói trước khi quay bước lên lầu:
- Khi nào bố xem đi, hay ở chỗ lời thoại diễn tả những giằng co nội tâm, cân nhắc, đắn đo hiện tại, quá khứ, tương lai. 
- Để khi nào rảnh bố coi rồi bố con mình sẽ bàn luận về chủ đề này nhé!
***

Ông rời khỏi nhà trong cơn mưa tối trời tối đất. Mưa quất vào mặt ông ran rát suốt quãng đường 20 cây số cho đến khi ông gặp bà - người bạn cùng lớp thời ở trường sư phạm, sau đúng 40 năm. 

Lúc bà hồn nhiên ôm chầm lấy ông vui mừng, òa vỡ thì ông có chút ngượng nghịu. Thế nhưng, cảm giác ấy thoáng qua nhanh. Ông hơi sững sờ khi thấy bà chẳng khác gì hồi ấy, một nét đẹp vĩnh cửu, ngoài sức tưởng tượng của ông, từ gương mặt đến dáng hình - say đắm, cương nghị, đảm đang, đôn hậu. 

Mưa đang rất to. Ngồi trong gian lễ tân khách sạn, bà kể hết chuyện này đến chuyện khác, từ chuyện con trai cả vừa lập gia đình, đám cưới đãi 400 khách, tiền bạc con trai chủ động hết, không để bà phụ đồng nào… Mà bà cũng không có nhiều tiền lo cho con một đám cưới lớn như vậy. Có vẻ bà rất tự hào về anh con trai. Rồi bà kể chuyện cháu ngoại, mối quan hệ sui gia… Bên ấy người ta quý cháu nội trai nên rất thương con gái bà dù nó chẳng giỏi giang gì, chỉ khéo nịnh. 
Ông nhìn gương mặt bà không giấu vẻ hạnh phúc ngời ngời, vừa mãn nguyện vừa tự hào. Ông nghĩ, bà đúng mẫu phụ nữ quê, hồn nhiên, chân chất, dễ gần. Mục đích và niềm vui cả đời bà có lẽ chỉ là con cháu, cái nhà, vuông sân, mảnh vườn. Hẳn bà sẽ khó hòa nhập và dễ lạc lõng nếu bị bỏ vào nơi đô thị sầm uất. 

Mưa ngớt dần rồi lất phất bụi mỏng. Bà ngồi lên xe, rất tự nhiên vòng tay ôm lấy bụng ông, kiểu như phản xạ bình thường của thói quen ngồi sau xe máy trong tư thế an toàn. Thế nhưng, ông lại cảm thấy khác lạ như có chút gì đó trìu mến, yêu thương. 

Giọng bà thật sát, gần gũi: 
- Em nhận ra anh ngay dù gương mặt anh bị che trong mũ áo mưa. Anh vẫn vậy, không thay đổi chút nào từ dáng đi, giọng nói, cả cái cách đánh tay trong lúc nói chuyện. 

Ông không nói gì, cảm thấy lòng thật vui, dễ chịu - một cảm giác đã từ lâu lắm rồi ông mới có lại.

Trời lại ào mưa. Lần này mưa thật to, như thác lũ, hứa hẹn dai dẳng. Ông vội tấp xe vào một quán cà phê. Họ ngồi đó trong cơn mưa chiều lạnh lùng, giằng co, sấm chớp nhưng ấm áp, nhẹ nhàng. Bà kể ông nghe quãng thời gian ông rời quê vào thành phố. Năm sau, bà lập gia đình. Ông quay ngược đồng hồ. Lúc đó, ông vẫn còn long đong lận đận, tương lai tối mù, nhìn đâu cũng thấy ngõ cụt. 10 năm sau nữa ông mới gặp vợ ông bây giờ, khi mọi thứ tương đối ổn định. 
Bà không khẳng định có hạnh phúc với người chồng là bạn học thời cấp III hay không nhưng vì ông ấy đã mất rồi nên bà thấy không cần phải kể lại chi tiết cuộc sống hôn nhân.

15 năm nay, một tay bà lo toan cho ba đứa con học xong đại học, dựng vợ, gả chồng rồi bà có hai cháu nội, ngoại để chăm. Bà đang chờ thằng cháu nội đích tôn ra đời là nhiệm vụ chu toàn. Mai sau về gặp chồng, bà sẽ nói được câu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thay ông ấy. Bà thấy cuộc sống như thế là ổn. Thú giải trí duy nhất của bà là xem phim Hàn Quốc và bà không mong gì hơn. Vui miệng, bà hỏi ông có thích phim Hàn Quốc không, nhiều phim hay lắm, cười thì cũng cười dữ mà khóc thì cũng khóc ghê. Tuy nhiên, bà không coi được nhiều vì phải trông cháu, khi cháu ngủ mới coi. Đôi lúc đến chỗ hay mà cháu thức dậy thì đành ngậm ngùi tắt mà tiếc.

Ông nghe giọng bà thật vô tư, hồn nhiên, kiểu tính người hiền, vị tha, không để bụng chuyện ai hay chấp nhặt lỗi phải người khác. Ông nghĩ đó mới thật là người hạnh phúc. Lúc ông hỏi bà có tính đến việc tìm một người nào đó nương tựa cuối đời, bà chỉ cười nói, bây giờ mọi thứ đang yên lành, tốt đẹp. Vả lại bà già rồi, nghĩ làm chi đến điều quá khó ấy, rắc rối lắm!

Họ nói với nhau nhiều chuyện, ông nhắc kỷ niệm nào bà đều kể lại vanh vách, không sót một chi tiết. Năm đó, một trong những lý do khiến ông ra đi là vì mối tình tuyệt vọng, bế tắc với một người, nếm đủ cả thương yêu, thù hận… Đã có lúc ông còn nghĩ đến việc kết thúc cuộc sống. Bà là người biết rõ nhất chuyện của ông. Bà đến với ông sau cuộc tình thất bại đắng cay ấy. Bà muốn đem lại làn gió mát, cơn mưa nhỏ làm dịu tâm hồn cô đơn, hoang mang, ngổn ngang những tổn thương của ông. Nhưng, bà đã không làm được. 

- Lần em đến nhà anh, thấy anh tóc tai bù xù, râu không cạo, thất thần, suy sụp, tiều tụy, em ứa nước mắt. Khi ấy gần tết, trong lúc mọi người trong nhà anh bận tíu tít việc ngoài chợ, việc nhà thì anh ngồi lặng lẽ, yếu ớt, cảm giác như đuổi con ruồi không bay. Tết năm đó, ngày nào em cũng đến nhà lôi anh đi chơi mà trông anh như cái xác không hồn - bà nói.

Ông nhớ lại thời thanh niên bi lụy ấy. Nếu không có bà vực ông lên, không biết ông sẽ mắc sâu trong đau đớn, u uất đến khi nào. Rồi ông nhìn bà, cảm giác yêu thương trìu mến tỏa lan nhưng không phải tình yêu mà là sự cảm kích. Phải có lòng nhân và một tình yêu cao cả mới giúp được người khác vượt qua những cơn lầm đường lạc lối, mất phương hướng, bế tắc trong đời. 

Mưa chiều đỏng đảnh, lúc ầm ào thác đổ, khi lắc rắc kéo dài đến tối. Ông chở bà đi ăn rồi họ chia tay. Lúc đưa trả lại ông chiếc mũ bảo hiểm, bà nắm chặt tay ông, giọng mềm, nhẹ, chân tình, tha thiết: 
- Ngày ấy, giá mà anh để lại cho em đứa con thì em đã không đi lấy chồng… 

Đào Thị Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI