Truyện ngắn - Mẹ ở vậy được không?

27/09/2023 - 19:29

PNO - Nay mẹ 50 tuổi. Ba mẹ trục trặc từ năm mẹ mới 40, kéo dài cho tới lúc ly hôn cũng cả chục năm tròn. Mẹ đã già rồi, sao không ở vậy mà ham chi cái chuyện lãng xẹt, khi đã thành bà sui.

Nửa đêm, điện thoại Thùy đổ chuông, chữ “mẹ” hiện lên màn hình.

Thùy mở máy lắng nghe rồi tỉnh ngủ hẳn, bật dậy… Nhớ ra cô bạn cùng phòng đang nằm trên gác, Thùy ráng nén cả tiếng thở nhưng càng nén, lồng ngực càng muốn vỡ tung sau khi nghe những gì mẹ nói qua điện thoại. Vì bỗng dưng mẹ báo tin muốn… lấy chồng.

Thùy vội vã bỏ vài vật dụng vào túi xách rồi rời phòng trọ, chạy gấp về quê gặp mẹ, hỏi cho ra lẽ. 

Nay mẹ 50 tuổi. Ba mẹ trục trặc từ năm mẹ mới 40, kéo dài cho tới lúc ly hôn cũng cả chục năm tròn. Mẹ đã già rồi, sao không ở vậy mà ham chi cái chuyện lãng xẹt, khi đã thành bà sui. Nếu anh chị Hai của Thùy không bận làm ăn trả nợ mua nhà thì đã sinh con, mẹ thành bà nội rồi, còn tơ tưởng yêu đương như tuổi đôi mươi là sao? Trời ơi! Thùy tính giới thiệu với người yêu mình có người mẹ tuyệt vời, mà giờ thì nghẹn họng luôn. 
Thùy lái xe trong nước mắt, mấy lần suýt tông vô người đi trước khi dừng đèn đỏ, may mà thắng kịp. Về tới nhà, bỏ xe ngoài sân, Thùy xách túi ném lên bàn, ngồi phịch xuống ghế, òa lên nức nở. Mẹ từ nhà sau lên, nhìn Thùy khóc mà nín lặng, không vuốt tóc hỏi han như những lần Thùy tủi thân, uất ức, về khóc với mẹ trước đây. Ờ thì… mẹ giờ đã khác! 

Bà ngoại từ nhà sau lên hỏi có chuyện gì, Thùy vẫn khóc, mẹ vẫn im lặng.

Bà ngoại đoán được nguyên nhân, ngồi xuống, thủng thẳng nói:
- Ba con cặp bồ, ngoại tình khi đang sống với mẹ con, sao con không trách một lời? Nay mẹ con gặp được người thương, muốn gá nghĩa để có đôi có bạn, con lại khóc như mẹ con chết rồi là sao?

Nói xong, ngoại bỏ ra nhà sau nấu cơm, rồi chặt dừa làm mấy ly nước đem lên để đó. Ngoại không dỗ dành, không bênh vực Thùy như những lần Thùy bị mẹ la rầy lúc trước. 

Vậy là “họ” đã về cùng một phe rồi. Thùy cảm thấy mình rơi vào tận cùng tuyệt vọng. Quẹt nước mắt, Thùy đứng lên, xách túi ra lấy xe chạy về Sài Gòn. Từ lúc đứng lên cho tới lúc quay xe, đề máy, Thùy trông… mà không hề nghe tiếng mẹ hay ngoại kêu Thùy ở lại.

Hết thật rồi! 
***
Nhưng Thùy đâu biết khi Thùy vừa quay đi thì nước mắt của mẹ bắt đầu rơi. 10 năm trước, mẹ Thùy 40 tuổi, nhan sắc vẫn rực rỡ như cô thôn nữ ngày nào thì đã phải chịu cảnh phòng không gối chiếc. Mang tiếng có chồng nhưng tối nào chị cũng ôm gối khóc một mình. Chị giấu nhẹm để riêng mình chịu đựng, sợ nói ra cha mẹ đau lòng; các con buồn, ảnh hưởng việc học và quan trọng nhất là chị muốn giữ thể diện để chồng còn có thể quay về khi qua cơn say nắng với người tình, cũng là một người hàng xóm đang chồng con đề huề. 

Cây kim không giấu được trong bọc. Chị chịu đựng đến hết mức có thể thì cũng phải bùng lên cơn ghen. Mà hễ ghen lại bị chồng đánh cho lên bờ xuống ruộng. Chị vẫn còn giấu chuyện ăn đòn của chồng với ba mẹ và các con, chỉ vài hàng xóm gần nhà biết. Sau mỗi lần bị chồng đánh, chị phải qua năn nỉ người ta đừng nói với ai, vì “Ba má tui đều bệnh, nghe xong chịu không nổi đâu. 2 con tui đang đi học, lỡ biết chắc tụi nó nghỉ ngang”. Hàng xóm thương tình, hiểu hoàn cảnh nên cũng giấu giùm. Hễ đầu chị u một cục chảy máu thì nói sơ ý bị đụng đầu. Hễ mắt chị bầm tím thì… do bị đau mắt. Hễ chị trầy trụa thân thể thì… do té bờ té ruộng…

Cho đến khi chồng chị bán hết đất, chỉ còn cái nền nhà, đã vậy còn thêm gánh nợ ngân hàng vài trăm triệu đồng thì chị không còn giấu được ai. Mà cái sổ đỏ gán cho ngân hàng để vay là do chính chị về năn nỉ ba mẹ cho mượn thế chấp để vay vốn đưa chồng làm ăn. Đó là niềm hy vọng cuối cùng của chị, mong sự hy sinh này sẽ giúp chồng tỉnh ngộ tu chí, từ bỏ người đàn bà kia để trở về với gia đình. Nào ngờ chồng chị lại tiêu hết mấy trăm triệu đồng, còn lấy sổ đỏ của ba má bắt sang tên, để tự tay bán hết đất ruộng nhà. Chưa hết, chính má chồng còn đổ thừa tại chị ăn không ngồi rồi nên mới đổ nợ, phải bán ruộng nương. Không còn gì để cứu vãn, chị buộc nói ra sự thật, xin phép ba mẹ cho mình được ly hôn, trở về ở bên ba mẹ, đi làm thuê làm mướn sống qua ngày. 

Thương em gái âm thầm chịu khổ đã chục năm, chị ruột chị làm mai cho chị một người tử tế, trước giờ vẫn thường giao dịch làm ăn với chị ấy. Gặp “bà mai”, anh nói: “Tui thấy cái thương liền! Cổ hiền quá mà! Tui chỉ cần người vợ biết chăm sóc nhà cửa, lo giùm tui bữa cơm chiều”. Vậy là hợp ý, hợp tình rồi còn gì. Cả nhà đốc thúc, hối chị cưới mau bởi tuổi xuân của người phụ nữ không dài.

Chị muốn lấy chồng là vì muốn ba mẹ yên lòng về mình. Cứ ra vô trong nhà ba mẹ, chị dâu cũng không vui. Ba thì thở dài, mẹ thỉnh thoảng quay đi, lau nước mắt. Hơn nữa, người này cũng được. Ảnh lớn hơn chị 10 tuổi, không còn trẻ, chắc không sanh tật gái trai. Chỉ cần sống tử tế với nhau là đủ. Vậy nhưng chị không ngờ… Con trai thờ ơ: “Tùy mẹ nhưng nếu mẹ ở vậy được thì tốt hơn” còn con gái thì… như vậy đó. 

Tối, chị vô giường, trăn trở không ngủ được. Một lát, mẹ vén mùng vô, nằm kế bên. Để chị khóc thỏa thuê rồi mẹ từ tốn nói:

- Con ráng thêm chút thời gian cho con Thùy nguôi ngoai. Mấy anh chị con đốc thúc là vì thương con, muốn con sớm có đôi có bạn nhưng con Thùy phản đối cũng vì thương con, sợ con khổ lần nữa. Mẹ nghĩ đây cũng là thời gian con thử thách người ta đó. Mới quen, ai nói gì mình cũng thấy tốt đẹp nhưng thức khuya mới biết đêm dài.

Mẹ ôm chị vào lòng, vỗ về nhè nhẹ. 
***
Thùy trở về phòng trọ lúc mọi người đi học, đi làm chưa về. Dì Ba nhanh nhẹn bước qua, rầy:
- Bây đi đâu thì cũng phải đợi trời sáng, chớ đi gì lúc nửa đêm, rồi không thấy về. Dì Ba gọi điện thoại bây cũng không bắt máy làm dì lo gần chết.

Thùy nói trong nước mắt:
- Dạ, con về quê… rồi trở lên liền.
- Bây chạy xe giỏi dữ à! Đàn bà con gái mà liều quá! Mà về quê có chuyện gì gấp dữ vậy?

Thùy bật khóc:
- Con khổ quá dì Ba ơi! 

Giờ thì chỉ còn mỗi dì Ba có thể lắng nghe và đứng về phía Thùy bởi dì Ba cũng chia tay chồng khi mới 30 tuổi, ở vậy nuôi 2 con ăn học thành tài, rồi ki cóp góp nhặt mua đất, cất dãy phòng trọ dưỡng già. Vậy nên ai cũng nể, cũng quý mến dì, nhất là các con của dì Ba luôn tự hào về mẹ.

Vậy là Thùy ngả vào lòng dì Ba, như từng ngả vào lòng mẹ. Nước mắt ngắn nước mắt dài, xen kẽ những tiếng nấc vì uất ức, tủi buồn, Thùy kể hết cho dì Ba nghe. Cô kể cả những điều riêng tư về ba mà từ lâu Thùy giấu kín, chỉ nói là ba mẹ thôi nhau do không hợp tính tình.

Tưởng được an ủi nhưng sau khi Thùy dứt lời, một sự im lặng khiến Thùy bật dậy, mở to mắt nhìn dì Ba trân trối.
Dì Ba ngồi tựa vô vách tường, nhìn Thùy một hồi, cất giọng buồn buồn:
- Vậy theo ý con, mẹ con phải sống sao mới là phải?
- Dạ, thì con từng nói với mẹ rằng con rất ngưỡng mộ dì Ba. Con muốn mẹ phải sống tốt y như dì Ba. Như vậy, về già, mẹ con cũng được mọi người nể phục, quý mến còn tụi con cũng được hãnh diện như các anh chị con của dì Ba.
- Nhưng hoàn cảnh của dì Ba khác với mẹ con. Lúc đó, dì Ba có việc làm ổn định; có cha mẹ bảo bọc, hỗ trợ chăm sóc các cháu cho dì Ba đi làm; có đất đai cho dì Ba xây căn nhà để mấy mẹ con che mưa nắng; có các con luôn bên cạnh dì Ba từ nhỏ cho tới lớn. Ông nào léng phéng mà dì Ba có quý mến thì cũng không thể bỏ con mình theo người ta được. Còn bắt người ta ở với con mình thì lâu dài không biết có được yên ổn. Nên thôi, dì Ba ở vậy cho yên.
- Thì con cũng muốn mẹ con ở vậy cho yên.
- Mẹ con thì khác. Lấy chồng về, mẹ con chỉ biết lo nhà cửa, ruộng nương; không nghề nghiệp, trước giờ toàn nương tựa vào chồng. Khi chồng phủi tay thì mẹ con phải tay trắng quay về, mà nhà cha mẹ ruột đã thuộc phần anh trai và chị dâu. Nay mẹ con còn sức khỏe đi làm thuê làm mướn để tự nuôi thân. Mai kia mốt nọ lỡ ốm đau bệnh hoạn, ông bà ngoại con không còn, mẹ con biết nương tựa vào đâu?
- Còn anh Hai con, còn con…
- Anh chị con còn nợ tiền nhà trả cả chục năm nữa mới hết. Rồi anh chị còn sinh con, nuôi con ăn học. Con thì theo về nhà chồng, có rước mẹ theo với con được không?
- Nhưng chắc gì ông này thương mẹ con thiệt tình? Chắc gì ổng nuôi mẹ con tử tế? Chắc gì mẹ con hạnh phúc khi lấy ổng?
- Vậy mẹ con ở một mình đi làm thuê làm mướn cho tới già thì hạnh phúc lắm sao con? 
- Mai mốt con sẽ nuôi mẹ.
- Con mới thử việc, lương có vài triệu đồng, chỉ đủ con xài. Mai mốt lấy chồng sinh con, có tăng lương thì cũng phải nuôi con của con, chắc gì đủ nuôi mẹ con đâu mà nói như thiệt vậy? Như dì Ba nè… Mấy anh chị con toàn cử nhân với thạc sĩ cũng chỉ đủ lo cho cuộc sống gia đình tươm tất, chứ có đứa nào nuôi nổi dì Ba đâu?
- Con tưởng dì Ba bênh con, ai dè…
Thùy khóc lớn…
Dì Ba đứng lên nhìn Thùy rồi bỏ về.
***

Thùy thức dậy vì cơn đau bụng bất thình lình.

Cơn đau không chỉ làm Thùy tỉnh ngủ, mà còn đau thắt ruột gan, mồ hôi tuôn đầm đìa và sốt tới run rẩy…

Mấy tháng rồi Thùy đổi số điện thoại không liên lạc với ai. Anh Hai nói: “Mẹ thích gì thì để cho mẹ làm đi”, có vẻ anh chẳng quan tâm gì đến việc mẹ sống như thế nào, sẽ ra sao… nếu mẹ đi lấy chồng lần nữa. Con trai thật là ích kỷ, chỉ biết vợ con mình. Còn Thùy thương mẹ, lo cho mẹ và cần mẹ như vậy, mà mẹ nỡ lòng nào không nghe, quyết vì một người đàn ông xa lạ mà bỏ mặc con gái mình.
***
Thùy tỉnh dậy trong phòng hồi sức, sau đó được đẩy về phòng chăm sóc đặc biệt. Không biết đây là bệnh viện nào mà sang trọng và các y, bác sĩ đều nhẹ nhàng, chu đáo, tận tụy với từng bệnh nhân, chứ không phải riêng Thùy.
Thùy nhắm mắt. Tiếng mẹ thì thầm bên tai:
- Còn đau lắm không con? Con cần gì cứ nói với mẹ, mẹ lo cho.

Thùy muốn hét lên: “Con cần cái người đứng sau lưng mẹ biến mất kìa” nhưng không nói nổi. Như đọc được ý nghĩ của Thùy, người đàn ông nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng. Lúc đó, mọi ý nghĩ lộn xộn trong đầu, Thùy bật thốt:
- Mẹ về đi.

Mẹ Thùy đứng lặng một lúc lâu, rồi đặt cái bóp vải vào sát cánh tay Thùy. Mẹ nói, giọng nghẹn ngào:
- Con giữ tiền… thanh toán các thứ. Lát anh chị Hai vô với con.

Thùy lại mê man một giấc dài.

Khi tỉnh dậy, Thùy nghe giọng dì Ba đang kể lể với ai đó.
- Trời ơi! Người gì đâu mà hiền lành, tốt bụng. Nghe tui điện thoại báo con nhỏ đau lúc nửa đêm là chở mẹ nó từ dưới quê lên liền, trước đó còn kêu tui đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhất, không được đi xa. Tui nói chỗ này mắc tiền lắm cũng nhất định biểu tui ghé vô đây, cho mượn tiền đóng trước, lát ổng tới ổng đưa liền. Cũng may, con nhỏ viêm phúc mạc sắp bể rồi, chậm một chút nó bể ra là khó cứu. Giờ bao nhiêu tiền ổng lo hết đó. Tội nghiệp, ổng thu mua nông sản bán lại kiếm lời, kiếm tiền cực khổ chớ có sung sướng gì đâu, mà nghe con nhỏ bệnh, bao nhiêu cũng lo, hổng sợ tốn kém gì hết. Kiếm đâu ra cha dượng tốt như vậy chớ! 

Thùy muốn kêu lên: “Trời, ở đâu ra mà cha dượng chớ?” nhưng im bặt khi nghe giọng chị dâu đáp lại: 
- Dạ, con có nói với chồng con, mẹ thấy được thì cứ tiến tới, tụi con ủng hộ. Mà khi sống chung rồi mẹ thấy không như ý thì lúc đó tụi con rước mẹ về ở với tụi con.
- Bây nói vậy dì Ba chịu. Hổng ai nói chắc hễ đi bước nữa là sẽ khổ hay sướng. Thì cũng phải bước mới biết chớ! Chỉ sợ con cái giận bỏ luôn, rồi khổ mấy cũng không dám quay về, lại phải khổ suốt đời. Vợ chồng con lên tiếng cho mẹ con con đường lui, như vậy cho mẹ con vững lòng bước tới, dì Ba ủng hộ hết mấy mẹ con.

Thùy từ từ mở mắt, mấp máy môi:
- Mẹ đâu rồi? Con muốn gặp mẹ.

Ngoài ô cửa sổ phòng bệnh, màu nắng chiều chợt bừng lên, ửng hồng trên vuông kính. 

Nguyễn Thuỵ Diễm Chi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI