PNO - Ai cũng thích mân mê gì đó, mình nói, nhỏ cháu cố mình chơi mưa thôi mà, cha mẹ nó lo chi quá. Ngoài ẩm ướt ra, mưa vô hại. Nó mềm mại, không sắc nhọn, ngạnh gai, cũng chẳng ngấm ngầm mang độc chất hay bệnh truyền nhiễm, chỉ là chơi lâu thì mùn mưa ngấm vào người, gây cảm lạnh đôi ba bữa. Chơi một thứ sẵn từ trời, không mất tiền mua, sao phải lo?
Ai cũng mân mê thứ gì đó, mình nói, mình không thể ngừng nói, nhất là khi lưng tra vừa khít vào lòng ghế bập bênh quen thuộc. 2 đứa em kế mình hồi nhỏ mân mê bất cứ thứ gì ăn được, 1 cái trứng gà luộc, nửa củ khoai vùi tro, hay chỉ con cá khô kèo nướng tụi nó cũng cưng nựng cả ngày, thương không nỡ bỏ bụng, cứ giữ trong tay, lâu lâu liếm một cái. Riêng em út mình ghiền góc khăn, là tấm khăn đắp nó hồi mới chào đời. Khăn được cắt từ vải mùng thô, má may tay 4 mép nhằm giữ bìa khăn không sút sổ (nghe nói bên nhà má nhỏ xài toàn khăn lụa, bóng mướt như những bộ đồ bà thường mặc, nên phần lớn thời gian ba mình ở bên đó, thi thoảng mới về qua. Ý nghĩa của những lần ghé thăm nhà chớp nhoáng, mình ngờ là để cho má mang bầu, trói bà vào chuyện đẻ những đứa con và nuôi nấng chúng). Những cái khăn vải mùng ở nhà mình, của đứa chị chuyền tới đứa em, nhưng khăn đắp em út mình thì may mới, nồng nặc mùi khói. Bởi, ở cữ, má mình luôn giữ mẻ than thiêm thiếp đỏ dưới giường, trong căn buồng kín bưng, tối và nóng đến héo lả mọi thứ bên trong nó.
Em mình cũng héo, da em bong tróc, mốc mốc. Em không phải là đứa trẻ đẹp đẽ, lúc bà mụ vườn lấy nó ra khỏi má, thì đã bong tróc mốc mốc vậy rồi. Cả khi ra tháng, thoát khỏi căn buồng tối nhưng em vẫn héo hắt, khắng vào da thịt sơ sinh mùi khói, mùi vỏ tỏi, mùi lá xông (sau này, là mùi thuốc am-pi ở mọi lỗ chân lông, trong nước tiểu, hơi thở, ánh nhìn). Da em nhăn xếp nếp, sóng mũi em quá xẹp đến mức mình hay ngờ là không biết có lỗ không, nếu không thì em thở bằng tai hay mắt, sao âm thanh hơi thở như bị rách.
Minh họa của họa sĩ Lê Lam
Mình không chơi với em, mình còn phải đi tưới trầu, làm cỏ vườn, gánh nước, chị Hai cũng không, chị quá giang ghe hàng bông trốn vô rừng lâu rồi, chị Ba thì đi ở mướn cho một tiệm mì Tàu ngoài chợ, anh Tư đi theo ba qua ở luôn nhà má nhỏ (anh mân mê mộng đổi đời, nhiệt độ của khao khát đó khiến cái cơ thể thanh mảnh của anh lúc nào cũng như đang lên sốt, anh nói chỉ cần ra khỏi nhà này là tao được ở nhà lầu, đi ăn tiệm, ngồi xe hơi. “Mày nghĩ coi tô hủ tíu thì có mấy miếng thịt?” - anh nói, trong lúc chờ tàu đò, trông có vẻ anh đang vuốt ve những lát thịt nạc xắt mỏng nổi trôi trên nồi nước lèo mỡ màng, thứ mà mơ ước giàu sang hóa hình). Và thằng Sáu, con Bảy cũng lu xu bu, chúng mải mót lúa rày, đào khoai rạng, lùng kiếm chùm nguội chín cây. Bé út em mình, mỗi nó trên bộ vạc giữa nhà, miên mải góc khăn, má cũng không rảnh đâu chơi với con, bà phải làm lụng cho 5 miệng ăn.
Má mân mê sợi dây vải, những ngày tháng cuối đời. Không, chính xác là những mối gút, của sợi dây vải trói cườm tay phải má, đầu dây còn lại buộc vào thanh chắn giường. Lợi dụng sự lỏng lẻo từ lòng trắc ẩn của đứa con, và lời căn dặn của bác sĩ rằng “xiết chặt quá sẽ cản trở lưu thông máu”, má kéo dây căng hết cỡ, sao cho những ngón dài gân guốc chạm được vào nút thắt, vân vê nó, tìm cách cởi trói bằng chính bàn tay bị trói. Tay và cả chân trái má đã đứt liên lạc sau cơn đột quỵ đầu tiên, đến lần 2 thì hết hy vọng kết nối. Nửa trái theo chiều dọc đã lưu vong, hệt như cách anh Tư rời bỏ má, hồi nào. Chỉ là mình không chắc, bởi lúc bôi thuốc vào vết loét phần lưng phía bỏ đi đó, má lim dim.
Chỉ lúc đó má mới dịu một chút, thời gian còn lại má gầm gừ với bất cứ ai lảng vảng quanh giường, “buông ra”, “đi mà”, ánh mắt hoặc van vỉ, hoặc thù nghịch, hoặc trống rỗng không biểu cảm gì. Cả khi tháo dây trói rồi, má vẫn kêu buông ra. Đi mà. Như thể những nút thắt gút vô hình vẫn chưa được mở. Buông ra. Đi mà. Mình toàn phải giả vờ bước ra khỏi buồng để má thôi ném ra 4 từ nghẹt thở đó, rồi lồm cồm bò trở lại, lén lút ngồi ngay bên cạnh giường, nghe má dùng sức trì kéo khiến thanh chắn giường căng ra, những cái vạc oằn đi, tấm chiếu xoắn vặn dưới lưng bà, âm thanh như thể một con trăn đang cuộn xiết con mồi sống.
Thằng Sáu vào những cơn ngủ rũ với lủ khủ chiêm bao. Hay làm phiền cơn chìm sâu đến mê mệt của Sáu là thằng nhỏ chị Hai gửi ra từ trong rừng, đứa trẻ hay sờ soạng, nhào nặn khoảng da cùi chỏ của bất cứ ai ở cạnh nó. Từ mình bỏ chồng đem con về luôn bên nhà, mình ngủ giữa 2 đứa nhỏ. Đứa bên trái ngủ mớ khóc như bị đòn, đứa bên phải măn cùi chỏ suốt đêm. 1 trong 2 đứa chừng như không lớn lên, bởi có cao vượt lên rồi, thằng nhỏ vẫn mê man, mất lý trí trước vùng da chùng nhão trên cánh tay. 17 tuổi, một bữa đi học về thằng nhỏ đòi cưới vợ, một cô bán bún cà ri gần trường, tròn trịa (nếu phải nói tránh chữ “béo ú”), nhưng da cùi chỏ cổ mát khó tả, thằng nhỏ nói trong con lũ nước miếng, như thể chỗ đó luôn được chườm nước đá.
17 tuổi, ờ, tuổi đó mình cũng lấy chồng, mình nói, không thể ngưng nói, khi mà mưa đang trùng điệp ngoài kia. Chồng thích tỉ tê tóc mình, bảo như chạm vào nước (chúng là thứ khiến chồng chấm đúng mình, trong cả ngàn nữ sinh). Cơm trưa thường trễ là bởi vậy. Ở trường về, chồng mình ngã vật ra, đến giày còn chẳng cởi, không nói lời nào, vỗ vỗ vào khoảng giường trống ngay bên cạnh, ý bảo mình nằm vào. Bàn tay dính dấp phấn của chồng xỏ vào tóc mình, đong chúng giữa các kẽ tay. Tóc mình nhiều, lúc nào cũng có mớ chuồi đi, nếu chỉ với một tay, chồng cách nào cũng không nắm trọn. “Nó muốn thoát khỏi tôi hay gì” - chồng mình nói, giọng trở nên bực bội.
Những lúc vậy, mình tìm cách lảng đi, bảo chắc mình đói rồi, để em dọn cơm. Nhưng chồng ít khi nào lạc hướng, ổng chồm lên, tóc mình bị nắm chặt không buông, mình không thể không nghĩ mình là con ngựa không móng sắt, vó trần phi trên đường dày đặc thứ đá nhọn sắc. Cái sự không bị che mắt nhân đôi đau đớn của mình lên, khi bên đường là cỏ non, những đụn rơm sau mưa, những vũng nước ướt sũng, những thứ mình không thể với tới. Lúc mình chỉnh áo xống rời giường, thể nào cũng ngó vào chút tóc đứt ra đan gài lại trong những kẽ tay chồng. Sau này, trước lúc dắt con trai đi, mình cắt tóc để lại trên bàn, đúng cái đoạn chồng từng nắm lấy nhằm cố định mình, lúc vào ra và khi tát tay, lên gối.
Những sợi mưa thì ánh bạc. Cháu cố mình, nó có thể tỉ tê hàng giờ, cho tới khi mùn mưa dính đầy trên tóc, lông mày. Nó mới hai tuổi rưỡi. Ở tuổi đó khó mà ngăn con nhỏ khỏi mưa, vốn trập trùng từ tháng Tư tới cuối tháng Mười một. Sểnh cái là nó ra thềm măn mưa. Chỉ mơn man bằng những đầu ngón tay hồng, nó không chạy ra sân vầy nước, dầm mình như những đứa nhỏ khác. Mẹ nó lo lắm, kêu nhà này đâu có người bị vậy, không biết con nhỏ giống ai.
Chồng mình cũng từng nói câu in hệt, vào bữa đầu bắt gặp con trai đầu lòng mân mê mưa bên cửa. “Giống cái thứ nào đâu”, chồng cười đanh, “cô chắc thấy an ủi lắm”. Ánh mắt vằn tia máu của chồng chém vào lưng mình lúc ra ôm con kéo vào nhà. Thằng nhỏ vô âu lo dùng đôi tay móp ôm lấy 2 bên má mình, truyền vào mình hết thảy ẩm ướt của những cơn mưa quá vãng. Mình nói, giọng khoa trương tới ngoài thềm còn vang tiếng, “Hư quá, từ rày về sau không chơi mưa nữa, nghe không”, nhưng mình biết không thể nào ngăn cản được đứa nhỏ, như không thể ngăn chồng sẽ vụt vào sinh thể non nớt đó bằng dây thắt lưng, thước bảng sau những lần đánh, tát nó bằng mắt.
12 tuổi, thằng con mình mới hết khóc mớ nửa đêm. Nhưng cái tư thế nằm co rúm, 2 tay ôm che lấy đầu thì đến giờ vẫn vậy. Tư thế chịu đòn. Từ nó thôi vuốt ve mưa, mình không thấy nó ghiền gì khác. Mớ sắt thép nó nắn nót mỗi ngày ở xưởng tiện không tính là mân mê, bởi thiếu vắng thứ gọi là đắm chìm, tan chảy. Thầy dạy Pháp văn trường Quảng Xuyên cũng ghiền mưa vô phương, nhưng bằng mắt. Ông thầy duy nhất có thể ngừng giảng bài một lúc, để ra cửa lớp ngó mưa. Khác với những thầy cô từ nơi khác đổi tới, thầy không nhìn chân trời. Mình thấy an ủi, chứ nhìn chân trời kiểu gì họ cũng sẽ rời đi. Ngắm mưa hoài thầy không chán sao, mình có lần hỏi, run rẩy vì ghen tị.
Thầy nói trông thế thôi chứ không cơn mưa nào giống mưa nào, sợi mưa, cũng vậy, dày mỏng khác nhau. Thầy nói khó mà xác định rõ cuộc đời của mưa bắt đầu từ hơi nước trong ao hồ biển cả bay lên ngưng tụ trong những đám mây, hay nó chỉ ngắn ngủi từ rơi khỏi mây, đến khi chạm đất. Thầy nói sợi mưa khó mà lấy tay ngắt lìa ngắt đoạn, bởi ngó mưa dai lắm. Những lúc đó, nhìn vào mắt thầy, thấy đầy mưa trong ấy, chừng như nó đã chiếm đóng hết thảy cơ thể thầy, thể tích thầy không còn chứa được bất cứ thứ gì khác. Nhưng mình tin một người đàn ông chỉ được lấp đầy bởi đàn bà, mưa bao nhiêu cũng không đủ. Những buổi chiều ở lại cho thầy phụ đạo thêm, thay vì vò đầu bứt tóc phân loại danh từ giống đực/giống cái như tụi bạn, mình chỉ âm ỉ nghĩ coi cách nào lấp mình vào thầy. Rồi bữa nọ, mình gõ cửa căn trọ thầy với thân thể dát đầm đìa mưa tối.
Ai cũng mân mê gì đó. Bà đầm dạy thay chỗ thầy sau hè ấy, hay vân vê cái mùi soa xám kẻ nâu đẫm mồ hôi, mà bà thường nhét nó trong khe ngực. Giờ Pháp văn của năm lớp Mười một, mình nhìn ra cửa lớp. Dõi khoảnh khắc những cái bóng đổ dài bởi nắng sớm lướt qua thềm khoảng hành lang trước khi người hiện ra, mình chơi trò nhìn bóng đoán người. Không có cái bóng mà mình đợi.
Mưa khiến con hẻm chính dẫn tới chỗ trọ ngày trước ngập nước, mình phải bươn qua cái ngách không đèn, rờ rợ những ánh nhìn đói khát của đám đàn ông cợt nhả tục tằn. Căn gác đón mình bằng bóng tối. Tháng Mười một, thầy dạy luân lý và công dân giáo dục - người sau này là chồng mình - vẫy mình ra cửa lớp, trao bức thư từ xa gửi về, với vẻ mặt cứng đờ (sau mới rõ ấy, bởi cái lớp xót thương được tráng quá mỏng, nên người ta sợ cử động của cơ mặt dễ làm vỡ vụn, lộ ra bên dưới biểu cảm hả hê). Trong thư người mê mưa viết rằng ông nhiễm bệnh vàng lá, nên phải chuyển tới sống nơi nào nhiều nắng. “Chìa khóa chỗ trọ mà em đang giữ hãy cứ liệng bỏ, không cần trả cho chủ, đằng nào thì họ cũng thay ổ khóa cho khách trọ mới chuyển vào”.
Mình lật ra phía sau tờ thư, rồi giũ nhẹ mong có mớ chữ kẹt lại đâu đó sẽ xổ ra. Chữ thầy Pháp văn khô, giấy hơi cong mép, dưới đáy phong thư có lẫn chút cát trắng. Thầy giờ ve vuốt nắng, mình nghĩ vậy, mình hồi cuối năm 17 tuổi không thể không nghĩ vậy, khi thả phong thư vào đụn lá khô đang được ông già bảo vệ mồi diêm đốt. Một ông già ưa mân mê khói, hễ rảnh tay là om một vài cây khói lên, vân đi vê lại những cuộn xám trong lúc chúng lên trời.
Và nọng cằm, miếng vàng lá, gáy sách, hộp quẹt, phím gẩy đàn, vũng nước đọng lại dưới đế ly trà đá, mùi tóc cháy, nùi giẻ ướt. Ai cũng mân mê thứ gì đó - mình nghĩ. Một ông nhà văn kể rằng ổng rờ rẫm những ý tưởng trong đầu cho tới khi nó tròn lẳn, nhẵn nhụi. Mình tin là ý nghĩ cũng có hình khối, độ ẩm, mùi hương. Ký ức, cũng vậy. Anh Tư từ vô lính hay mân mê cò súng. Con trai mình, cái thằng vẻ như không còn mân mê gì sau trận đòn rách thịt da hồi 3 tuổi, đứa coi mưa chỉ là hiện tượng tự nhiên xảy ra do việc ngưng tụ của hơi nước, vào cái khuya tân hôn của nó, đã bước qua buồng mình, gằn hỏi, “Má nói tui nghe, nói sự thật đi, ba tui là ai?”.