Hai bên đường, cánh đồng lúa bốc lên mùi rơm rạ đang dần mục rữa. Đi hết đường làng, ngược theo triền sông một đoạn nữa là đến bến đò. Ông lái đò già ngồi gà gật trên bến chờ khách, nghe tiếng gọi choàng tỉnh. Vài người đàn bà đi chợ sớm đã ngồi đợi ở bến, quang gánh, thúng mẹt xếp quanh chân, những cặp mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ nhìn bà cháu tôi.
Bà cầm chặt tay tôi, dắt tôi bước xuống đò. Tự dưng tôi bật cười. Bà nhỏ bé, cao chưa đến mét rưỡi, lưng đã hơi còng nên nom càng thấp bé lại dắt tay đứa cháu gần 30, to cao hơn mét bảy. Thế nhưng, tôi vẫn để yên cho bà dắt. Có lớn đến đâu, tôi vẫn là cháu nội của bà. Cũng như mẹ tôi… Bà bảo dù thế nào mẹ tôi vẫn là con dâu của bà.
Bà dắt tôi đi đón mẹ về.
***
Mẹ tôi đi lấy chồng ở ngôi làng bên kia sông từ hơn chục năm trước. Năm ấy, tôi lên mười. Sang cát cho bố xong, mẹ chào bà nội, hôn lên má tôi một cái rồi sang sông làm vợ người khác.
Thi thoảng, tôi vẫn mơ thấy ngày cưới của mẹ. Một ngày hè oi bức, mẹ mặc chiếc áo mới may. Chiếc áo màu xanh nhạt xa dần rồi lẫn vào màu xanh ngắt của những rặng cây um tùm phía bờ bãi bên kia sông. Tôi đứng trên bờ sông nhìn theo mãi. Chẳng biết tại trời trưa oi nồng làm mồ hôi chảy cay xè mắt hay tại những lời trêu chọc của lũ bạn kéo một đoàn rồng rắn phía sau lưng mà trong lòng tôi nảy lên những hờn tủi. Ngày ấy, tôi đã trách bà nội sao lại đồng ý để mẹ tôi đi lấy chồng. Bà ôm tôi vào lòng, nhẹ nhàng bảo khi nào lớn lên cháu sẽ hiểu. Mùi trầu cay nồng phả ra từ bà dỗ tôi vào giấc ngủ còn nghẹn những tiếng nấc.
|
Ảnh Internet |
Bà tôi dọn căn phòng ngày trước mẹ vẫn ở. Căn phòng có cửa sổ nhìn ra khu vườn bốn mùa xào xạc gió. Mẹ ngồi tựa vào thành giường nhìn ra. Chẳng biết mẹ nghĩ gì, còn tôi nhìn mẹ đau xót. Mẹ gầy quá.
Tự nhiên tôi nghĩ đến M. Giờ này, em đang ở góc nào trong thành phố ngột ngạt? Em có trách khi tôi hèn nhát không dám dũng cảm đối diện với tương lai của hai đứa?
Chẳng biết vì những lời thủ thỉ của bà nội hay bởi mẹ tôi vẫn giữ sự kết nối với bà và tôi trong những năm mẹ đã làm dâu nhà khác mà từ lâu, tôi chẳng còn giận mẹ. Có thể cũng vì người đàn ông mẹ lấy làm chồng rất hiền lành, chất phác. Ông ít xuất hiện ở nhà bà cháu tôi nhưng tôi và bà nội vẫn biết đến ông qua những câu chuyện của mẹ cùng những món quà ông gửi cho bà khi người làng tôi qua bên ấy làm thuê. Có khi là ít lá vối khô để bà pha nước uống, khi là chục trứng gà so. Ngày giỗ ông nội, giỗ bố tôi, mẹ tất tả trở về từ sáng sớm, đi chợ, nấu cơm cúng. Những ngày bà nội bị ốm, chẳng biết ai báo tin, mẹ về, chăm sóc bà, chờ bà khỏe hẳn mới lại sang sông về bên nhà chồng. Hơn mười năm mẹ sang sông, căn nhà của bà cháu tôi vẫn lưu lại dấu vết của mẹ. Chiếc gương soi nhỏ, cái lược sừng lên nước đen bóng, cây chanh năm nào cũng sai trĩu quả tự tay mẹ trồng trước sân, cả cái nón mẹ hay đội đi làm đồng về treo trên chiếc đinh đóng bên hiên nhà. Mẹ đi lấy chồng nhưng những bước lớn khôn của tôi vẫn có mẹ bên cạnh.
***
Ngày chồng mẹ mất, bà nội ra bưu điện gọi tôi về. Tôi theo bà sang tiễn đưa ông ấy đoạn đường cuối cùng. Mẹ tôi như người mất hồn trong chiếc áo tang, bước thấp bước cao trên bờ ruộng. Chẳng biết có ai bên nhà chồng mẹ bảo nhìn mẹ gò má cao nên có tướng sát phu. Hai đời chồng đều mất đột ngột. Bố tôi đi làm thuê gặp lũ, đất sạt lở vùi xác cả nửa tháng, mãi đến lúc tạnh mưa, lũ rút mới tìm được. Người chồng sau của mẹ đang khỏe mạnh tự nhiên đột quỵ, ra đi không lời trăng trối. Bà nội tôi cũng nghe những lời không hay người ta dành cho mẹ. Khi xong việc, bà bảo riêng mẹ:
- Nếu không sống được ở bên này thì về nhà với mẹ.
Mẹ tôi nghẹn ngào không đáp. Tôi chẳng biết phải an ủi mẹ thế nào, đành lặng lẽ theo bà nội về nhà.
Lời bà tôi nói thành sự thật. Khi người chồng sau của mẹ còn sống, mẹ tôi còn chỗ dựa. Ông và người vợ trước có hai người con trai, đều đã cưới vợ ra riêng. Khi những đứa cháu nội của chồng mẹ ra đời, mẹ chăm sóc, cưng nựng chẳng khác cháu ruột của mình. Mỗi lần về thăm bà nội, tôi thấy mẹ ríu rít kể chúng đã chập chững những bước đi đầu tiên, biết bập bẹ những tiếng ngọng nghịu đầu tiên. Kể chuyện về chúng chán, mẹ lại than thở với bà chẳng biết đến khi nào tôi mới lấy vợ. Mẹ về, ríu rít với bà nội như đứa con mới đi đâu xa về thăm nhà chứ không phải đứa con dâu đã đi lấy chồng khác. Tôi thấy mẹ hạnh phúc. Hạnh phúc của một người đàn bà được chồng yêu thương, chiều chuộng và được hai đứa con riêng của chồng chấp nhận, tôn trọng - ít nhất là ngoài mặt.
Thế nhưng khi người đàn ông gánh vác, che chở cho mẹ không còn nữa, hai người con trai riêng bóng gió xa xôi về căn nhà. Họ cho rằng đó là tài sản của cha họ, phải chia đều cho ba người. Mẹ muốn ở lại phải trả tiền. Từ bóng gió xa xôi, họ nói thẳng. Họ đã chẳng nhớ những lúc vợ chồng họ đi làm ăn xa, con họ một tay mẹ chăm sóc. Họ đã quên những lúc vợ họ sinh nở, mẹ tận tình như một người mẹ ruột. Rồi mẹ đổ bệnh. Bác sĩ kết luận mẹ chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa. Họ gọi người vào bán nhà, tính đuổi mẹ đi. Bà nội nghe tin, dẫn tôi sang sông đón mẹ về.
Tôi buộc tóc cho mẹ. Có cơn gió ngoài vườn đưa vào hương hoa chanh thơm dịu. Mẹ nhìn tôi, mỉm cười:
- Sắp ba mươi đến nơi rồi, bao giờ mới tính chuyện vợ con đây?
Thấy tôi không đáp, mẹ cũng chẳng hỏi nữa. Chỉ có tiếng gió ngoài vườn thổi vào xào xạc.
***
Tôi có một đứa bạn học cùng lớp ở làng bên. Nó cũng giống tôi, mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng, ở với bà nội. Có lần qua nhà nó chơi, thấy bà nội nó cầm chiếc làn của mẹ nó vứt ra ngoài rồi đóng cổng, cấm mẹ nó bước vào nhà, tôi về hỏi bà sao không ngăn cản mẹ tôi lấy chồng mà vẫn đối xử tốt với mẹ như thế; bà không đáp, lặng lẽ quết vôi lên lá trầu rồi ngồi bất động. Mãi đến khi vệt vôi trắng trên lá trầu xanh ngắt khô lại, bà mới thở dài:
- Khi nào lớn cháu sẽ hiểu.
Tôi đã chờ đợi ngày mình lớn lên để hiểu bà, hiểu mẹ. Lần đầu tiên biết yêu, tôi nghĩ đến tình yêu, trong lòng bật lên câu hỏi không biết mẹ tôi yêu bố tôi hơn hay yêu người chồng sau này hơn. Trải qua vài mối tình, tôi tự tìm ra câu trả lời cho mình. Ở từng thời điểm, mỗi người sẽ có một người phù hợp với mình, có một người mà mình yêu sâu sắc. Tôi đã từng thầm lặng thương K. suốt những năm cấp III. Tôi thương mà không dám nói, cũng chẳng thể giãi bày cùng ai. Để rồi cuối cùng, niềm thương đau đáu ấy đọng thành một vết sẹo trong lồng ngực, đến giờ tuy không còn buốt nhói nhưng vào thời điểm đó đã khiến tôi nghĩ rằng nếu yêu một người khiến mình đau đớn thế thì có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ yêu ai nữa.
Mẹ than thèm bánh đúc, thứ bánh đúc chính tay bà nội làm, có vị chát chát, nồng nồng của nước vôi trong, quệt với mắm cáy chứ không phải thứ bánh đúc nhạt nhẽo người ta cho thêm đủ thứ biến tấu như bây giờ. Bà lụi cụi cả buổi trong bếp. Tôi ngồi cạnh bà, cẩn thận lau từng tàu lá chuối cắt từ vườn nhà, đặt vào chiếc mẹt tròn khói bếp hun lên nước bóng loáng. Bà đổ bánh vào lớp lá chuối, dàn bánh mỏng kín cả chiếc mẹt, chờ bánh nguội rồi cắt. Tôi nhón một miếng, đưa lên miệng. Bà nhìn tôi cười:
- Ngày xưa, bố anh mê món bánh đúc này lắm đấy! Lấy bố anh, mẹ anh cũng nghiện món này. Lúc có anh, mẹ anh chỉ nghén bánh đúc.
Giọng bà tự nhiên nghẹn ứ lại:
- Mấy hôm nay chẳng ăn uống được gì, giờ lại tự nhiên thèm bánh đúc…
Miếng bánh đúc vướng víu trong cổ họng tôi. Có cái gì đấy chua xót dâng lên từ lồng ngực. Từ lúc theo bà đi đón mẹ về, tôi đã chuẩn bị cho những điều mà tôi biết chẳng thể nào tránh khỏi. Dẫu biết thế mà vẫn thảng thốt. Vọng qua hàng xóm tiếng ai ru con “Mấy đời bánh đúc có xương…”. Tiếng ho của mẹ từ trên nhà vọng xuống ám khói căn bếp đã tàn lửa, mờ tối.
***
T. đã kéo tôi ra khỏi mối tình câm lặng không thể nói với K. Năm ấy, tôi học năm cuối đại học. T. cho tôi thấy tôi không phải là đứa lập dị. Ít nhất, T. giống tôi. Chúng tôi yêu nhau lặng thầm, không dám nắm tay ngoài đường, ngồi quán uống một ly cà phê cũng phải nhìn trước ngó sau sợ gặp người quen. Tôi ngột ngạt trong mối quan hệ với T., chẳng biết rồi sẽ đi đến đâu nhưng vẫn cố chấp yêu. Cho đến khi bắt gặp T. dẫn một người con gái khác đi thử đồ cưới trong chính tiệm váy cưới tôi làm thêm để mua tặng T. món quà sinh nhật mà T. mong ước từ lâu. Thoáng lúng túng, rồi T. thản nhiên nhờ tôi lấy hộ đồ để cô dâu tương lai của T. thử. Chỉ một dòng tin nhắn giải thích nhà cô dâu có gia thế, sẽ hỗ trợ T. trong công việc.
T. nói vẫn yêu tôi, lấy vợ chỉ là bình phong, chúng tôi vẫn sẽ yêu nhau trong bóng tối. Tôi xin nghỉ làm, đổi số điện thoại, cố gắng hoàn thành nốt những môn học cuối để tốt nghiệp rồi chuyển đến một thành phố khác sinh sống, tự gặm nhấm vết thương của mình, nghĩ sẽ chẳng thể nào mở lòng ra để yêu thương thêm bất cứ ai khác.
Bởi vì nghĩ như thế nên tôi trở nên khắt khe với chính mình và với cả M. Tôi nghĩ M. chỉ coi mình như một người để dựa vào giữa thành phố xa lạ khi em trải qua cú sốc mất người thân. Còn tôi, tôi coi M. như người thế chỗ trống T. để lại. Chúng tôi gặp nhau vào một đêm đầy gió, khi em say khướt, ngồi khóc trước cửa căn nhà cũ kỹ có giàn dây leo nằm tuốt trong con hẻm nhỏ tôi thuê để ở. Lúc ấy, tôi vừa tan ca. Mệt mỏi và trống rỗng sau những ngày dài vùi mình vào công việc, nhìn cậu nhóc gục đầu khóc, tự nhiên tôi thấy mình cũng đầy ứ nỗi buồn. Sau này em kể, căn nhà nhỏ có dây leo là mong ước của hai bà cháu hồi bà M. còn sống nên lúc say em nhìn thấy giàn dây leo trước cổng căn nhà tôi thuê mà nhớ bà và khóc. Tôi chẳng phòng bị, ngồi xuống cạnh M.
Cứ thế, chúng tôi bước vào đời nhau và chẳng muốn nghĩ gì xa xôi. Vậy nên khi quyết định rời thành phố, tôi đã không trả lời câu hỏi “Còn em thì sao?” của M. Tôi bỏ ngỏ cả ước mơ được trở về thăm bà, thăm mẹ cùng tôi; bỏ quên khát khao có một người thương bên cạnh, cùng sẻ chia vui buồn của M. Tôi cố không để ý đến những xao động trong lòng mình, cố quên đi cảm giác mỗi ngày tan làm háo hức trở về cùng M. Tôi cố tình không hiểu bằng tình yêu dịu dàng của mình, M. đã xoa dịu những tổn thương trong tôi.
Bên em, tôi cười nhiều hơn, ngắm nhìn cuộc sống nhiều hơn và tôn trọng chính mình. Vậy mà tôi vịn vào vết thương T. để lại cho mình để trốn tránh M. Lúc bà gọi điện, tôi hiểu mình chẳng thể sống ích kỷ cho riêng mình. Mẹ chỉ có một mình tôi, bà nội cũng chỉ có một mình tôi. Tôi không đủ dũng cảm để lựa chọn bên M. Mẹ tôi còn bao nhiêu ngày tháng. Bà nội tôi còn bao nhiêu ngày tháng. Tôi chỉ có thể trở thành một kẻ nhẫn tâm, đối xử với M. như cách T. đã khiến tôi bị tổn thương.
Tôi mất mẹ vào một chiều mùa đông ảm đạm. Mẹ nằm giữa cánh đồng mênh mông gió, lòng tôi trĩu nỗi niềm của một đứa mồ côi. Tấm lưng bà như càng thấp xuống, trĩu nặng. Trước khi mất, mẹ cầm tay bà nội, xin kiếp sau được làm con gái của bà. Mẹ nhìn tôi, bảo chỉ cần tôi hạnh phúc. Đêm đưa mẹ ra đồng, tôi gọi cho M., khóc như một đứa trẻ. M. lặng im nghe tôi khóc. Hình như em khóc cùng tôi.
Bà nội kể cho tôi nghe câu chuyện bà giấu kín nhiều năm về trước. Bà góa chồng khi còn trẻ. Có người đàn ông làng bên thương bà, muốn cùng bà xây dựng gia đình, hứa sẽ chăm sóc con riêng như con ruột. Bà cũng thương ông ấy nhưng lo bố tôi bị ảnh hưởng nên không đồng ý. Người đàn ông ấy bỏ làng lên mạn ngược, bao năm rồi chẳng có tin tức. Sau này khi đã có vợ, có con, bố tôi vẫn tự trách mình là nguyên nhân khiến bà không dám bước theo hạnh phúc. Bởi vậy, khi mẹ tôi đi lấy chồng, bà mừng vì mẹ tôi đã tìm được hạnh phúc, mừng vì mẹ tôi đã không coi bà nội và tôi là gánh nặng cản trở ước mơ có một mái ấm trọn vẹn.
Bà nắm tay tôi, thủ thỉ:
- Bà vô tình nghe được cuộc điện thoại mấy đêm trước. Bà đã mất ngủ. Nhưng, cũng như lúc mẹ cháu đi lấy chồng, bà mong cháu đừng coi bà là gánh nặng. Mẹ cháu cũng mong cháu sống thật hạnh phúc.
Tôi gục đầu vào lòng bà, thấy mình thơ dại và hồn nhiên trong mầm thương bà gieo trồng, vun xới.
Đào Thu Hà