Truyện ngắn - Lưỡi dao

02/01/2024 - 08:46

PNO - Cô không ngán dư luận nhưng con của cô phải được hồn nhiên ngẩng cao đầu giữa đời này chứ không mặc cảm tủi thân vì không có tên cha trong giấy khai sinh.

Ai cũng khen Khoa con nhà giàu mà biết lo làm ăn chứ không công tử bột dựa dẫm. Thêm nữa, Khoa và cô đi bên nhau rất xứng đôi.

Nên ai cũng bất ngờ khi cô gật đầu với Luân. 

Ba má cô thở dài rằng tính cô ương bướng thích làm ngược. Bạn thân tỏ ra hiểu biết hơn thì bật mí rằng cô ghét sự cân đo thường tình. Hội nhiều chuyện nói cô nhiễm phim ngôn tình nên bỏ qua hoàng tử mà chọn chàng chăn bò. Đó là nói cho dễ hiểu chứ Luân không phải chàng chăn bò. Chỉ là Luân không quá giàu có và không tỏ ra mạnh mẽ như Khoa, công việc làm ăn của Luân chỉ là sau giờ làm việc công ty thì dạy organ lớp thiếu nhi ở nhà văn hóa.

Bà chị dâu quả quyết là Khoa khiến cô tự ái vì sự tự tin thái quá, cứ như thể đặt lên bàn cân thì Khoa nặng ký hơn nhiều nên vấn đề chỉ là thời gian.

Tóm lại, tên chú rể trên thiệp cưới là Luân.

***


Đúng là Khoa khiến cô tự ái. Nhưng nếu Khoa không tỏ ra tự tin thái quá thì sự lựa chọn của cô cũng không thay đổi. 

2 lần yêu và cả 2 lần đều bị phản bội khiến cô không tin nữa nhưng cô muốn có một đứa con do mình sinh ra. Mẹ đơn thân? Cô không ngán dư luận nhưng con của cô phải được hồn nhiên ngẩng cao đầu giữa đời này chứ không mặc cảm tủi thân vì không có tên cha trong giấy khai sinh. Cô không muốn con của mình thành đề tài đàm tiếu của những kẻ xấu tính.

Vậy nên cần có một người chồng để làm cha của con cô - một người chồng không khiến cô rơi vào dây mơ rễ má của việc làm dâu nhà gia thế và nếu có phải chia tay thì dĩ nhiên đứa con thuộc về cô. 

Luân vừa vặn với điều kiện đó.

Nói vậy không có nghĩa là cô tính toán lạnh lùng. Chọn Luân, còn vì dạy đàn cho thiếu nhi nghĩa là anh thích chơi với con nít. Người thích chơi với bọn nhóc thì chắc là không bao giờ làm đau con mình.

***

Không yêu, tâm trí cô không rơi vào tưởng tượng khi Luân điện thoại nói chiều nay công ty tiếp khách nên anh không ăn cơm nhà. Không yêu, khi Luân dè dặt nói thằng bạn thời đại học mấy hôm nay gọi điện bàn chuyện tổ chức họp lớp, cô tỏ vẻ chẳng nhớ gì Luân từng kể về mối tình đầu là cô bạn cùng lớp… Không yêu, không phải nghĩ ngợi hôm nay nấu món gì ngày mai đổi bữa món gì, không phải vướng vít hàng trăm thứ mà người phụ nữ trẻ nào cũng muốn làm cho chồng mình và biến 4 bức tường thành tổ ấm. 

Nói vậy không có nghĩa là cô luôn đặt cơm hộp và để nhà cửa bừa bộn. Cô cũng đi chợ nấu nướng, pha cà phê, giặt ủi áo quần, cắm hoa chưng phòng khách… Chỉ có điều, cô chưa bao giờ hỏi Luân thích ăn gì. Thói quen của cô là uống cà phê mộc thì giờ đây cô cũng pha mộc cho Luân, thích hoa cẩm chướng màu tím thì cô mua cẩm chướng tím về chưng.

Có lần Luân hỏi có phải cô thích màu tím vì tượng trưng cho sự chung thủy, ngay hôm sau cô mang về cẩm chướng hồng. Luân hỏi vì sao, cô nói không muốn anh bị trói buộc chỉ vì khái niệm chung thủy quá đỗi mơ hồ.

Khuôn mặt Luân đông cứng sau câu nói đó không khiến cô bận tâm. Cô có thai rồi. Cô sẵn sàng ký đơn một cách ôn hòa nhất nếu Luân đã chán yêu đơn phương hoặc đã thấm mệt.

***

Má từ quê lên chăm sóc cô nằm ổ với đủ thứ kiêng cữ rồi còn bày thêm một thứ nữa: cấm bà đẻ nghe điện thoại. Trước đó, má đã cấm cô đọc chữ với lý do sau này mau bị mờ mắt. 

Má nói phụ nữ mới sinh con thì chỉ được nói chuyện với người mà mình nhìn thấy rõ mặt mũi. Người tới thăm đang còn bên ngoài cửa mà cất tiếng hỏi han thì bà đẻ không được trả lời, huống chi nghe ba thứ tào lao từ điện thoại. Má nói cái tính ương bướng của cô nên biết sợ bởi lần này nếu cãi lại má thì sẽ bị nói lịu. 

Má bắt Luân cất điện thoại của cô vô hộc tủ và khóa lại.

Cô bật cười vì không ngờ có ngày mình phải chịu kiêng cữ kiểu này. Cô đành biến “nghịch cảnh” thành sự tận hưởng. Coi như thời gian nằm ổ mình được nghỉ ngơi hoàn toàn cũng được.

Sau 3 tháng 10 ngày, má cô về quê. 

Cô nói với Luân:

- Điện thoại của em anh cất đâu rồi?

Luân lắc đầu. Lần đầu tiên cô thấy chồng lắc đầu với mình, lại còn kiểu nói năng nghiêm khắc nữa:

- Em muốn cu Tý có bà mẹ nói năng lung tung hả?

Cô tự hỏi có phải Luân nhân cơ hội này để tỏ ra quyền hành với cô không. Nhưng dù sao thì cô cũng chịu lùi lại. Cô không tin bà đẻ nói chuyện qua điện thoại sẽ bị nói lịu nhưng cũng không muốn cu Tý của mình tủi thân vì có bà mẹ khác thường. Vì con, cô chịu lùi lại. 

Vẫn có cách khác để liên lạc với thế giới, cô xuống nước nhỏ nhẹ:

- Em trò chuyện bằng gõ phím máy tính thì được ha?

Luân lại lắc đầu:

- Má nói bà đẻ không được đọc chữ sớm, sẽ bị…

- Mai mốt mau mờ mắt - cô ngắt lời - Em thuộc rồi. Nhưng chữ trên màn hình điện thoại nhỏ xíu mới phải sợ, còn máy tính thì em sẽ bật cỡ chữ thật to. 

Cô vừa mở máy tính, ngay lập tức Luân bế cu Tý ra phòng ngoài với lý do “Khoa học nói không nên cho con nít tiếp xúc với ánh sáng màn hình điện tử”.

Chẳng hiểu sao cô bật ra:

- Vậy là anh lấy lý do nghe lời má không cho em xài điện thoại đâu phải vì lo cho em bị nói lịu mà chỉ vì sợ màn hình điện thoại bật sáng khi ở gần cu Tý phải không?

Luân nhìn cô bằng ánh mắt lạ lùng. Cô chợt nhận ra sự hớ hênh trong lý lẽ bắt bẻ của mình. Nghe như là cô ghen tỵ với cu Tý được Luân quan tâm lo lắng hơn.

Vẻ lạ lùng trong mắt Luân khiến cô tự cười mình. Suốt 3 tháng 10 ngày không được trò chuyện với mọi người nên như thể cô đang tập nói chuyện trở lại, khả năng tư duy như vừa được đánh thức sau giấc nghỉ dài, bị hớ là chuyện bình thường.

***

Cô bật máy tính. Tưởng rằng hân hoan gặp lại bạn bè chờ đón rủ rê mình vô dự án mới, nào ngờ nói gì một lát cũng quay qua chuyện chồng con. Có đứa bạn chụp hình ông chồng bế con mà bàn chân này của em bé mang vớ còn bàn chân kia thì không, kèm dòng chữ thở than: “Cha bế con mà rớt vớ lúc nào không hay”. Chẳng hiểu là quá ngao ngán ông chồng vụng về hay là “thương quá đi thôi chồng vụng về của em”…

Cô phát ngán. Cô đâu muốn tám chuyện kiểu đó, lại càng không muốn khoe chồng mình biết nấu ăn và biết bồng bế em bé…

Lấy cớ con khóc, cô thoát khỏi đám bạn và nhấp chuột tìm chủ đề khác mà không biết là mình đang muốn gì…

***

Ngay lúc này, nhìn ra phòng ngoài, Luân quay lưng lại nên cô không thấy rõ, có lẽ cu Tý đã ngủ vì không còn nghe ọ ẹ. Cô nhìn tờ lịch trên tường, ngày mai là thứ Hai. Cô bỗng thấy hơi hồi hộp, từ ngày mai chỉ một mình cô ở nhà với con… 

Cô đâu có yếu đuối như vậy. 

- Em có muốn anh xin nghỉ phép không?

Giọng Luân dịu dàng vang lên như thể nhìn thấu lòng cô.

- Không - cô bật ra ngay lập tức.

Trong một thoáng, cô nhìn thấy thân hình Luân chao nghiêng như vừa nhận một cú đánh. Mình vừa gây tổn thương cho Luân sao? Chỉ là mình không muốn lệ thuộc, Luân hiểu điều đó mà?

***

Sáng sớm, Luân đã dậy nấu cơm và thức ăn cho cả bữa trưa. 

Đúng như má nói, đi vệ sinh cô cũng vội vội vàng vàng vì sợ cu Tý ngọ nguậy khiến mấy cái gối chèn quanh bị xô lệch… Từ nhà dưới chạy lên nhà trên, cô cứ hình dung cảnh cu Tý lật người úp mặt xuống giường, thân hình nhỏ bé loi nhoi cố ngẩng đầu lên mà không được…

Chiều, Luân nhắn tin “Anh có chút việc nên về trễ” khiến cô hụt hẫng. Lẽ ra đã biết không có má giúp nữa thì Luân phải về ngay mới đúng. Lẽ ra phải nhớ là Luân chỉ nấu bữa sáng và trưa, không có người coi ngó thì sao cô dám để cu Tý một mình trên giường để xuống bếp nấu bữa cơm chiều. Lẽ ra… Lẽ ra… Và lẽ ra…

Nhưng không sao, không cần anh, cô vẫn xoay xở được. Cô biến cái bàn trong bếp thành cái giường, đặt cu Tý nằm lên đó và chèn gối xung quanh. Vừa nấu, cô vừa liếc mắt nhìn con vung tay vung chân. Đến lúc cu Tý đẩy được mấy cái gối lộ ra một khoảng trống để lật người lại thì cô đã xong dĩa trứng chiên và đặt nồi nước luộc rau lên bếp. Coi như xong.

Luân về, chở theo cái nôi màu hồng mà chân có gắn bánh xe. Cô không thích màu hồng, cô tính chọn màu kem sữa, mà Luân đã mua rồi.

- Anh tính Chủ nhật nhờ chị Hai tới chơi với cu Tý rồi chở em đi mua nôi nhưng đợi tới Chủ nhật thì lâu quá, từ đây tới đó một mình sao em xoay xở được, cho nên anh mua đại luôn. Em thấy được không?

Cô gật đầu:

- Màu hồng đẹp lắm.

Nói xong, cô tự hỏi mình sao lại khen. 

***

Cái nôi thật lợi hại. Cô đặt cu Tý vô nôi và kéo đi khắp nhà, dù thức hay ngủ thì cu Tý luôn ở trong tầm mắt của cô. An toàn.

Nhưng Luân thì không an toàn. Trên đường đi làm, chiếc xe chở container bị lật ngay lúc Luân chạy ngang qua.

Chấn thương sọ não.

Cô choáng váng. Cô luôn sẵn sàng cho việc sống một mình nhưng không phải theo cách này. 

Má cô lại khăn gói từ quê vào. Má chăm cu Tý để cô vô bệnh viện với Luân. Với Luân, tức là ngồi trên băng ghế trước phòng cấp cứu và chờ đợi…

1 ngày. 2 ngày. 3 ngày…

Có thể là không tỉnh lại được nữa, cô thoáng nghe cô y tá thì thầm với ai đó. 2 tai cô ù ù. Là Luân hay bệnh nhân nào khác? 

Má nói cu Tý nhớ cô nên khóc hoài mà cũng không chịu ăn, thôi để má vô bệnh viện, cô về với cu Tý không thôi nó đổ bệnh luôn thì khổ lắm.

Nhưng cu Tý chỉ chịu ăn và ngủ được trong ngày đầu tiên có mẹ bồng ẵm, qua hôm sau lại bỏ ăn và ngọ nguậy suốt đêm dù cô ôm ấp dỗ dành.

Cô khóc vì sợ cu Tý đổ bệnh. Cô sợ bệnh viện. 

- Sao bây giờ hả má? - cô hỏi trong nỗi hoảng sợ. 

- Hay là… lấy cái áo của ba nó làm mền đắp - má nhấn mạnh - Mà là áo chưa giặt đó.

Cô tự hỏi có phải má cũng bị mất bình tĩnh. Hít một hơi dài, cô nuốt nước mắt. Cô phải cứng cỏi, vì cu Tý.

Nhưng đúng là được ủ trong mùi mồ hôi của Luân thì cu Tý ngủ ngon lành. Cô thừ người nhìn đứa con bé bỏng của mình khi có mẹ ngay bên cạnh mà nó lại nhớ ba đến vậy.

Cô ôm con vào lòng, mùi của Luân cũng bay vào hơi thở.

Lần đầu tiên Luân hiện diện trong cô một cách trọn vẹn - vầng trán, đôi mắt, mũi, miệng, cằm, vành tai… và thoáng nheo mắt mỗi khi cô tỏ ra dửng dưng để rồi tỏa thành nụ cười chấp nhận. Hẳn là Luân tin tình yêu sẽ đến. Mà nếu không đến thì anh cũng vẫn vậy sao?

Không đúng như cô tính, không đúng như cô thường nghĩ…

Mà mình thường nghĩ gì? 

Có gì đó sai sai ở đây…

Là sai từ trước, từ trước nữa…

Từ khi mối tình đầu tan vỡ do người ta phản bội, cô đã để nó gây thương tích cho mình quá sâu. Lần thứ hai cũng vậy. 
Cô đã để kinh nghiệm nếm trải phản bội dẫn dắt cuộc đời mình. Cô chọn cách tự bao bọc cho mình để nếu có bị dao đâm lần nữa cũng không bị thương.

Mà Luân không phải là lưỡi dao. 

Trong cuộc tình này, cô chính là lưỡi dao, có phải không? Cô nhớ thân hình Luân chao nghiêng như nhận một cú đánh, mà không phải chỉ 1 lần.

Cu Tý ngủ ngon, cô thì mất ngủ…

Cô sợ Luân không tỉnh lại. Cô sợ mình không kịp nói với Luân một điều…

***

Tôi gặp cô trên chuyến tàu Sài Gòn - Nha Trang. Tình cờ sao tất cả những người trong toa đều là phụ nữ ở tuổi băm cho nên sau bữa cơm đầu tiên đã làm quen nhau, tám đủ chuyện trên đời và chuyền tay nhau trang báo hôn nhân - gia đình với chủ đề “Tình yêu đến sau hôn nhân, có hay không?”.

Chia làm 2 phe. Cô ở phe “có”. Và cô chứng minh bằng chính câu chuyện đời mình.

“Rồi… có kịp nói với Luân không?” - có lẽ ai cũng như tôi, muốn hỏi cô câu này mà không dám thốt thành lời…

Điện thoại của cô reo vang, bên kia nói gì đó, cô trả lời: “Ừ, mẹ nhớ con với em Bi nhiều lắm”, bên kia lại nói gì đó, tôi thấy cô đỏ hồng 2 má và nói: “Ừ, mẹ cũng nhớ ba nhiều lắm”. 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI