Cô có thói quen tự thưởng cho mình những ngày cuối tuần thong dong. Từ ban công căn chung cư cũ kỹ nhìn ra phía đại lộ sầm uất, cô đặt một chiếc ghế lười, kê cái bàn nhỏ và ấm trà. Những chiều nắng còn rắc mảnh vàng xuyên qua mấy chậu hoa treo nơi ban công, cô mở vài bài tình ca xưa xa, châm ấm trà rồi đọc sách. Có lần Nhất bảo cô trái khoáy. Ai đời vừa đọc sách vừa nghe nhạc.
Có lần Nhất thắc mắc hỏi cô làm sao tập trung khi mắt nhìn về một hướng, tai lại dõi theo một hướng. Mấy lời ca lào xào trong đầu, mấy con chữ nhảy múa trong suy nghĩ - thế làm sao cô cảm được nhạc, làm sao cô hiểu được sách? Nghe vậy, cô chỉ cười nhẹ tênh. Tất cả đều bằng tâm. Đơn giản vậy thôi. Kiểu như người ta cứ hít hà bên nồi lẩu thập cẩm với rất nhiều thứ trộn lẫn trong đó. Những lần đó, Nhất tỏ vẻ chẳng hiểu nổi thế giới của cô. Nhất bình thản đứng tựa vào ban công nhìn mây bay, nhìn xe chạy, nhìn nắng và chờ gió - những cơn gió hiếm hoi của thành phố này. Thành phố nơi họ sống luôn hừng hực nhịp sống. Ở đây, mọi thứ quay cuồng đến chóng mặt, chỉ một người lơ đãng và chầm chậm sống. Đó là cô.
***
Đôi khi qua những cuộc điện thoại ở một nơi xa lạ nào đó, Phong thường bảo với An rằng Phong nhớ Sài Gòn. Phong bày ra đủ thứ kỷ niệm với thành phố mình đã sống những tháng ngày thanh xuân rộn ràng nhất. Bây giờ đã qua 30, cái tuổi người ta cần lắng lại nhìn về một bến đỗ bình an, có khi Phong ở Đà Lạt khoe hình đám hoa đào nhuộm hồng Mộng Đào Nguyên, triền núi Đan Kia phủ đầy sắc hồng quyến dụ; có lúc Phong ngụp lặn giữa trời mây Nậm Pung bên những thửa ruộng bậc thang với điệu xòe Thái, với tiếng khèn gọi tình và cả những đêm ngủ thăm…
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Phong cứ đi, ruổi rong bằng những chuyến miên di chẳng định ngày về, thể như tới một tuổi nào đó, những vật chất xa hoa phù phiếm mà người ta dành cả quãng đời trẻ trai để góp nhặt cũng không níu nổi lòng mình. Phía xa xăm mù khơi vô định ấy có an lành hay không chẳng ai biết được. Thế nên mỗi lần nghe đâu đó có lũ quét hay giông bão nổi cơn, mọi người lại nháo nhác hỏi nhau Phong đang nơi đâu. An lành của Phong đôi khi lại chính là thứ thấp thỏm của những người ở lại.
Có lần sinh nhật cô, Phong bảo sẽ về, rằng cô hãy chờ Phong với những chùm mác noạng đang mùa chín quả. Cô đợi mòn mỏi. Khi bạn bè, gia đình đã đủ đầy thì… cô nhận được cuộc gọi của Phong qua Facetime. Hình như Phong đang trên một cánh rừng nào đó ở Cao Bằng, những chùm mác noạng đen tuyền trong lớp áo đỏ bầm được Phong tách ra cẩn thận rồi bỏ vào nồi luộc. Phong cười thật tươi còn cô giận tím mặt và tắt ngay điện thoại. Bữa tiệc chẳng trọn vẹn. Nhất bảo cô đợi chi cái thằng ất ơ nhất nhóm, lúc nào cũng ham chơi phiêu du đây đó. An cũng tức tối, bừng bừng nét mặt. Tiệc gần tàn, có người giao đến một gói quà, mở ra cô thấy những trái mác noạng nóng hổi, chín vàng. Cô chẳng màng đụng tới.
***
Trong lớp đại học hồi ấy, nhóm cô như đại diện cho “thành phần bất hảo”. An thì chúa chổm nợ học phí. Tiền An lận đầy túi có thể mời bạn bè ăn uống phủ phê hay có thể lấy ra hào sảng cho Nhất mượn đóng học phí, riêng mình thì kệ. Chuyện An trốn học với những lý do trời ơi đất hỡi đã trở nên quá quen thuộc. Có thể hôm ấy má đứa bạn nhập viện, chẳng ai chăm sóc. Có thể bữa đó đứa em họ đột nhiên bỏ nhà đi biệt nên An phải phụ người dì đi tìm. Có khi An theo đoàn từ thiện đâu đó tuốt miền Trung. Có lần thì vì lý do tào lao nào đó mà cả đám chẳng kịp biết. Chỉ biết sau hôm ấy, trên mạng lan truyền đoạn clip thằng con trai trắng trẻo xinh xắn giả gái thi hát lô tô chi đó. Tốc độ lan truyền của mạng xã hội nhanh đến mức cả trường rần rần. An vẫn cười hì hì. Bữa đó tao kiếm được 3 triệu đồng ngon ơ. Hỏi tiền đâu, nó chỉ thẳng ra bà bán bò bía trước cổng trường: “Bả bị ung thư đang vô thuốc trong Bệnh viện Ung bướu đó”.
Nhất thì lãng đãng phiêu diêu với cây đàn guitar. Học đâu chẳng thấy, cứ thấy Nhất ôm đàn hết tụ này đến quán kia. Có hôm được vài trăm ngàn đồng. Có khi chỉ đủ tiền tô phở đêm. Có bận, Nhất đập cửa phòng trọ Phong xin mì gói. Vậy mà Nhất vẫn nghêu ngao. Chuyện Nhất bay đêm để giao lưu hội guitar tỉnh này, nhóm nọ rồi chẳng còn sức mò lên giảng đường riết chẳng cần phải hỏi. Cứ sáng nào Nhất vắng mặt thì đám bạn mò vào trang cá nhân trên mạng xã hội khắc biết lý do.
Trong lớp, Phong nổi tiếng cục mịch, ham đánh đấm. Có hôm, Phong vào lớp mặt sưng húp. Thì ra Phong mới chạy theo giằng co với gã côn đồ giựt túi xách trước cổng trường. Có hôm, chân Phong băng bó trắng toát, phải đi với cái nạng gỗ. “Có gì đâu, đám thu tiền bảo kê bà bán mì gõ ngay đầu hẻm khu trọ tao mà. Chuyện chút xíu, vài ngày lại xong”, Phong xua tay khi được hỏi thăm. Vài ngày của Phong là hơn tháng đứa bạn này chở đi học, đứa kia lo thuốc thang. Cô lắc đầu ngao ngán. Ba thằng bạn ngồi cười khùng khục.
Cô cũng bị vạ lây bởi một lần bị một nam sinh cùng trường áp sát trêu ghẹo. Ba đứa con trai chung lớp bỗng xuất hiện giải vây cho cô. Lần đầu tiên cô cảm thấy thích nhóm này. Tuy nhiên, việc chọn chơi chung đồng nghĩa với việc cô là thành viên của nhóm. Cô mặc kệ. Cả bốn cứ vậy mà đi qua những năm tháng đại học đầy buồn vui. Là trong quãng đời thanh xuân đó có cả nỗi buồn lẫn niềm vui, cả những cái nắm tay và buông lơi, cả những ngày hoa kèn hồng theo gió rơi lả tả trên con phố quen… Chưa lần nào cô được ba thành viên còn lại tặng hoa dẫu đó là ngày 8/3 hay sinh nhật. Vào những dịp đó, ba gã trai lại kéo cô ra quán, hát hò đến say mèm rồi nhìn cô cười tươi rói. Sau những câu đùa tếu táo luôn là những tràng cười giòn giã. Tiếng cười vọng lên từng mái phố, lan ra từng ngõ hẻm, chấp chới nhiều cung đường ăm ắp kỷ niệm.
***
Căn hộ chung cư cũ ấy được cô mua lại từ một người quen của bố mẹ. Đó là khoảng thời gian cô cần một góc riêng cho mình - khoảng thời gian Phong đi. Cô không hỏi vì sao Phong lại lựa chọn sự rời đi này, chỉ tiếc ngẩn ngơ lần về chung đêm mưa đó. Cô siết chặt vòng tay vào eo Phong. Cô áp má mình vào lưng Phong. Cô nghe hơi ấm nồng nàn tỏa quanh mình. Nước lạnh khi ấy chẳng làm cô rùng mình. Cái rùng mình đó chẳng qua là cảm giác khi cô nhận ra mình đang yêu.
Phong dừng trước cổng nhà cô. Phong bảo cô đừng chờ. Phong đã cố nhưng Phong chẳng thể. Hóa ra việc yêu một người làm Phong cứ chênh vênh. Phong sợ mình chẳng đủ bền bỉ mà đi trọn cuộc đời cùng cô. Phong cũng chẳng đủ vững chãi để làm chỗ dựa cho cô. Phong mới ra trường, bấp bênh và đầy hoài bão. Nếu được chọn lựa, thà ngày ấy đừng cho nhau cơ hội để bây giờ phải ngại ngùng đến vậy. Nhưng, dù thế nào, Phong vẫn mong cô sẽ là người bạn gái duy nhất của Phong.
Cô lặng thinh. Phong dầm mình trong cơn mưa đêm ấy. Ngọn đèn đường vàng vọt xuyên màn mưa ngả bóng Phong thành vệt dài. Căn phòng trọ ba thằng con trai hôm đó cứ chòng chành. Phong chỉ bảo sẽ đi. Tuổi trẻ là những tháng ngày dài khám phá. Phong chẳng thể dừng lại một nơi nào đó quá lâu. Trạm kế tiếp biết đâu còn nhiều điều hay ho hơn nữa. Trong cơn say, Nhất chỉ lảm nhảm được vài câu mắng Phong khùng điên. An cũng chẳng thể nói điều gì, chỉ rít qua kẽ răng những nghĩ suy, lo lắng về đứa con gái duy nhất trong nhóm: “Rồi nó sẽ ra sao?”. Căn phòng đặc quánh vì hơi thở, đặc quánh cái chênh vênh của tuổi trẻ. Những gã trai chênh chao trước ngưỡng cửa vào đời bỗng chốc cùng chung nỗi băn khoăn: “Hạnh phúc là gì?”.
***
Cô đánh chìa khóa ra làm vài bản. Khi buồn, ba kẻ kia cứ ghé sang, chán đời phòng trọ thì cứ tự do mà đến đây trú ngụ dăm hôm cho khuây khỏa lòng mình. Căn hộ chung cư có hai phòng. Cô một phòng. Phòng còn lại luôn có khách. Bố mẹ tỏ vẻ không hài lòng. Cô cười nhẹ tênh. Nếu “có gì” thì những lần cô say bí tỉ, mấy gã bạn thân xốc nách lôi về căn hộ này muốn làm gì tha hồ làm. Thế mà sáng ra cô vẫn thấy mình nguyên vẹn. Bữa thì Nhất càu nhàu: “Làm ơn mà lấy chồng đi cho nó lo”. Thế nhưng những lúc xao xác nhất với đời, Nhất lại ghé về căn hộ cũ nhìn Sài Gòn xanh đỏ, ôm đàn khảy mấy bản tình ca.
Hay như An có bữa hậm hực lao vào nhà oang oang “kể tội” ông sếp nơi công ty. Xong, An lại ra ban công nhìn đám hoa mướt rượt mà lặng im. Dù gì đó cũng là chuyện mưu sinh. Sau giấc ngủ dài, ngày mai An vẫn phải đến công ty, vẫn phải theo sau ông giám đốc.
Gió vẫn thổi. Nắng vẫn nhún nhảy trên cái ban công cũ kỹ. Tiếng nhạc du dương. Tiếng tra chìa khóa lách cách. Cô ngoái người từ ban công xem thử là An hay Nhất. Có khi là cả đôi ấy, hễ giận hờn nhau lại lôi nhau đến cho cô phân xử. Lần này không như cô nghĩ, là Phong. Phong bụi bặm trong chiếc quần jeans bạc màu, chiếc áo thun xám. Phong cười, nụ cười khét nắng. Phong đến cái ban công cũ ngồi cạnh bên cô, ngập ngừng móc ra từ chiếc ba-lô chùm trái mác noạng được kết thành vòng, lặng lẽ đeo vào cổ cô.
Một chiều nào đó vẫn còn như gió vô định, Phong nhận được tin nhắn của An và một tấm hình. Là hình An và Nhất chụp chung. Hóa ra ngày đó chỉ là cô ướm thử áo cô dâu rồi chụp bức ảnh kỷ niệm với Nhất. Chứ kỳ thực, hôm đó An và Nhất chụp bộ hình đôi, chuẩn bị cho một buổi lễ ấm áp. Phong chưng hửng. Vậy cái hôm Nhất ôm cô thì sao? Phong ngỡ đó là…
An thở dài rồi nói rành rọt, đó chẳng qua chỉ là lần Nhất giãi bày tâm sự thầm kín cùng cô. Cô như điểm tựa để Nhất mạnh mẽ hơn, dám sống với tình yêu của mình. Tình yêu nào cũng vậy. Như Phong yêu cô. Như cô yêu Phong. Như Nhất yêu An. Như An yêu Nhất. Tất cả mọi tình yêu trên đời này đều bắt nguồn từ trái tim. Có khác chăng là ánh mắt chúng ta soi vào tình yêu và tự cho mình cái quyền phán xét. Lời An nói khiến Phong thon thót lòng mình.
Trong ảnh, An và Nhất thật hạnh phúc. An bảo đúng ngày lễ tình yêu, cả hai sẽ tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ bên bờ biển để kỷ niệm, đánh dấu ngày chính thức chung đôi. Phong đã đi quá lâu, liệu Phong có về? Người ta chẳng buộc nổi một cơn gió mà cũng chẳng ai đợi hoài một cơn gió. Gió có thể đi hoang, gió có thể đi lạc nhưng người ta biết mình luôn có một nẻo về.
Vậy là Phong về. Về để sum vầy hay về để từ nay chẳng còn đi lạc nữa. Mọi chuyến rong ruổi của tuổi trẻ đều phải dừng lại khi bản thân nhận ra đâu mới là nơi ấm áp nhất. Tấm hình của cô gửi, Phong đã xóa. Phong hiểu lời nhắc nhớ của cô. Ngày Phong rời vùng núi đồi Cao Bằng, quả mác noạng vừa chín tới. Người miền cao nói rằng hễ đôi lứa yêu nhau, nếu chàng trai kết chùm mác noạng đeo vào cổ cô gái thì đó chính là lời ký thác cuộc đời mình cho cô gái đó. Là sẽ mãi mãi gắn trọn phần đời còn lại với người con gái mình yêu. Nếu cô gái ăn một trái mác noạng của chàng trai, là phải nhận lời yêu. Liệu cô có ưng lòng ăn mác noạng của Phong?
Cô lặng yên nhìn chiều trôi chậm qua thành phố. Gió cuối xuân vẫn thổi nồng nàn. Chiếc va-li cô đang chuẩn bị cho chuyến đi biển dự lễ theo lời mời của An và Nhất có vẻ sắp chật chội rồi vì một người nào đó sẽ lại mở ra và để thêm đồ vào. Cô cười nhẹ nhàng: “Sao không luộc trái mác noạng lên mời người ta ăn?”.
Câu hỏi của cô tan vào gió. Gió tan vào phố. Phố bỗng xôn xao tiếng lòng của gió.
Đồng Bằng