Truyện ngắn: Lời muốn nói

30/06/2024 - 17:22

PNO - Bởi vì cuộc đời này quá ngắn, nếu cứ giữ mãi lời muốn nói trong lòng, biết đâu chẳng còn kịp nữa…

"Tôi muốn đặt 2 phòng”. Cô gái ở khu vực lễ tân khách sạn đón lấy giấy tờ tùy thân tôi đưa, rồi nhìn cả 2 chúng tôi. Ánh mắt cô ta trượt ra phía sau để xem còn người nào khác không nhưng chỉ thấy bóng nắng lấp ló sau giàn hoa bung nở dưới cái nắng chói chang mùa hạ.

"Nhưng khách sạn chỉ còn duy nhất 1 phòng trống thôi ạ” - giọng cô gái lễ phép. Tôi quay sang Phúc, anh cũng vừa hướng ánh mắt ra ngoài, vẻ như chẳng quan tâm đến cuộc trò chuyện giữa tôi và cô gái. Tôi ngập ngừng hỏi thêm: “Phòng 1 hay 2 giường?”. “Phòng đôi cho 2 người nhưng chỉ 1 giường”. Tôi đã không nghĩ đến tình huống trớ trêu này.

Hóa ra trên mảnh đất hình chữ S còn có những nơi như thế. Ở những nơi tôi đến, chỗ ở chẳng phải là điều để lưu tâm. Không ở chỗ này thì chỗ khác. Bất cứ ngóc ngách nào có dấu chân người đều sẽ có những dịch vụ thiết yếu.


Thời sinh viên, tôi, Phúc và Khánh cùng thuê 1 căn hộ chung cư gồm 3 phòng và phòng khách có kê sẵn bộ salon sang chảnh. Khánh không phải dân marketing nhưng đầu óc anh luôn có những “chiến lược” rất hay. Với túi tiền sinh viên, chúng tôi hơi rướn để thuê được căn hộ ngay trung tâm thành phố. Khánh nói đừng lo, anh sẽ có cách kiếm tiền từ căn hộ này.

Hôm đến nhận phòng, Khánh nói 3 đứa nên dành 1 phòng để cho thuê lại. Ý tưởng được triển khai ngay tháng đầu tiên đến ở.

Chúng tôi chọn căn phòng có view đẹp nhất, nhìn ra toàn thành phố. Mỗi sáng mùa đông, mảnh sương mờ ảo như tấm voan lửng lơ giữa không trung đẹp mơ màng. Trong căn hộ, chúng tôi tạo ra những góc riêng rất lãng mạn để làm hài lòng khách và cả thỏa mãn bộ óc luôn hướng đến vẻ đẹp của cả 3 đứa.

Những bức ảnh check-in từ khách đến ở lan tỏa trên mạng xã hội. Khách tìm đến thuê ngày càng nhiều hơn. Họ có công việc cần ở lại vài ngày; có cả những vị khách ở cùng thành phố nhưng muốn từ quận này sang quận kia “đổi gió” và cả tò mò với những bức ảnh quá chill nên muốn qua đêm nơi này. Dù sao giá cũng mềm, lại có thêm trải nghiệm. Rất nhiều lý do hợp lý để căn hộ của chúng tôi luôn đông khách.

Có những vị khách trẻ còn quay trở lại thăm chúng tôi vào dịp cuối tuần, như những người bạn, trên tay là chai vang hoặc túi trái cây. Những buổi tối đó, cả nhóm quây quần ăn uống, đàn hát rồi lăn ra ngủ đến sáng mà chẳng cần phòng ốc gì.

Vậy nhưng khi có khách thuê, 3 đứa chúng tôi phải linh hoạt sắp xếp chỗ ngủ cho phù hợp. Khi thì Phúc với Khánh ngủ cùng, nhường phòng cho tôi. Có khi 1 trong 3 đứa ra phòng khách ngủ. Nói chung, tất cả đều rất thoải mái, mà mỗi tháng lại có thêm thu nhập để trang trải. Chúng tôi đã đi qua thời sinh viên nhẹ nhàng mà chẳng lăn tăn gì về chỗ ở.

Khi chúng tôi ra trường được hơn 1 năm, chủ căn hộ ở nước ngoài trở về ở hẳn nên muốn lấy lại nhà.
Đêm cuối ở căn hộ, Khánh nói với 2 đứa tôi rằng Khánh chưa ở chung với ai được lâu như với chúng tôi. Có lẽ do hợp tính hay cũng chẳng va chạm gì nhiều để trồi lên những cảm xúc khó chịu về nhau. Hôm ấy, có chút hơi men nên Khánh nói hơi nhiều. Ánh mắt của Khánh trượt lên vầng trán tôi có chút là lạ. Anh nói: “Tụi mình đi đường dài được với nhau đến cuối đời thì tốt quá!”.

Thời buổi này, chẳng ai dám hứa hẹn điều gì. Vì chúng tôi “khôn” ra rồi hay bớt sến súa hơn thời xưa, cũng không rõ. Chỉ cảm giác lời hứa hẹn thốt ra nặng trĩu tâm can, tưởng như có vật nặng đè lên vai mình, khiến mỗi bước chân chẳng thể thanh thản tiến về phía trước. Thì thôi, ngồi được với nhau lúc nào cứ biết lúc đó.

Nhưng khi Khánh nói câu đó, Phúc đã dừng mọi ý nghĩ lại, chờ đợi phản ứng nào đó từ tôi.

Tôi ước mình có thể say, để nói một lời bay bổng nào đó nhưng tôi vẫn tỉnh.

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện xa lắc này là bởi vì khoảng thời gian đó đã chiếm trọn tâm trí tôi, từ khoảnh khắc nghe Phúc báo tin qua điện thoại, rằng Khánh mất rồi.

Phúc chỉ nói vỏn vẹn vậy. Có lẽ cổ họng anh cũng nghẹn cứng lại, giống như tôi. Thật lâu sau, Phúc nói với tôi: “Chừng nửa tiếng nữa Phúc đến đón Thùy, rồi mình về tiễn Khánh chặng đường cuối”.
***
Trong căn phòng chỉ có duy nhất 1 chiếc giường, tôi nói Phúc nằm chợp mắt chút đi, chạy xe chặng đường dài đã quá mệt. Sáng mai chạy thêm vài chục km nữa, nghe đâu còn phải đi đò một đoạn đường sông nữa mới đến nhà Khánh. Đường thì xa, lòng thì trĩu buồn nên càng xuống sức nhanh hơn.

Phúc ậm ừ rồi rời phòng. Lúc trở về, 2 tay anh nặng trĩu đồ. Tôi đoán là bia và chiếc chiếu chắc mượn từ chủ khách sạn.

Phúc đặt túi bia lạnh trên bàn, bảo phải có thứ này mới mong dỗ giấc ngủ được. Phúc khui 3 lon bia, uống 1, đưa 1 cho tôi và để 1 lon đó, cho Khánh. Anh trải chiếu, ngồi tựa lưng vào thành giường, lặng lẽ uống từng ngụm bia.

3 đứa chúng tôi cũng từng có những đêm gom lại ngủ chung như thế này, khi khách có nhu cầu ở thêm phòng. Một lần, khách đến ở là người khó tính, quá nhiều đòi hỏi cho 1 chỗ qua đêm, Khánh nói, mình có cần hy sinh như thế này không, mình cũng cần phải sống mà.

Tuy là nói vậy nhưng cả ba vẫn quyết định “hy sinh”, chịu cực một chút, đợi đến khi ra trường, có việc làm sẽ nghĩ cho bản thân nhiều hơn.

Rồi Khánh chuyển công việc tay trái, dẫn đoàn khách du lịch, cả trong và ngoài nước. Những lúc 3 đứa gặp nhau, Khánh gần như không nói gì, chỉ ăn và uống. Khánh bảo, dẫn khách đi ngày này tháng nọ, nói suốt, cười suốt không ngậm được miệng vì khuôn mặt Khánh mà không cười nhìn nghiêm, khó gần. Cứ vậy, Khánh nói, cười luôn miệng cho đến khi trở về nhà. Nhiều lúc cơ mặt chưa kịp thích nghi, một mình ở nhà vẫn cười, vào phòng tắm vẫn cười…

Một lần, Phúc hỏi Khánh đã tìm được ai để đi đường dài đến cuối đời chưa. Phúc cố ý dùng ngôn từ có chút văn chương vậy cũng là để nhắc với Khánh, anh từng nói câu đó trong lúc lòng hướng về tôi. Khánh cũng hiểu ra nhưng anh chỉ trả lời rằng công việc của anh như vậy, làm sao còn thời gian ở bên cạnh người yêu. Khánh là người chu đáo. Anh sẽ cảm thấy thật khó chịu nếu lời nói ra không đi kèm thực hành.

Anh chợt nói, thêm vài năm nữa có chút vốn rồi nghĩ tới chuyện vợ con cũng chưa muộn.

“Vài năm sau” của Khánh đang là thời điểm này. Xã hội, con người có phát triển, tiện nghi ngút trời đến đâu đi nữa, không có nghĩa là mọi tính toán, sắp xếp của mình đều có thể thành hiện thực.

Uống đến lon cuối cùng, Phúc đột nhiên quay sang tôi: “Không còn Khánh thì Thùy có chịu làm người yêu của Phúc không?”. Tôi ngỡ ngàng nhìn Phúc. Ánh mắt ngỡ ngàng ấy tràn ngập nỗi thất vọng, chứ không đơn thuần là ngạc nhiên hay bất ngờ nữa. Giữa chúng tôi đã có biết bao trải nghiệm cùng nhau để hiểu nhau, quý mến nhau hơn cả thứ tình yêu mà mọi người khát khao có được. Thứ tình cảm thuần túy giữa con người, của tình yêu thương vô điều kiện đối với tôi còn quý hơn rất nhiều so với tình yêu bởi nó có thể hàn gắn những vụn vỡ trong cuộc sống đời thường, mang lại nguồn năng lượng góp phần chữa lành cho thế giới này. Tôi đã nghĩ vậy nên quá đỗi thất vọng, nhất là khi Phúc thốt ra điều đó ở thời điểm này.

Phúc cũng nhận ra nên không chờ đợi câu trả lời từ tôi. Anh lặng lẽ ngả lưng xuống lớp chiếu mỏng, mắt nhắm nghiền. Bên ngoài, có lẽ màn đêm âm u, tịch liêu lắm.

Nửa đêm, tôi nhường cho Phúc tấm mền mỏng, vì nằm dưới đất sẽ bị lạnh. Tôi lấy chiếc áo gió to xù của Phúc đắp lên người, cố nhắm mắt vỗ về giấc ngủ.
***

Gần trưa, chúng tôi mới đến được nhà Khánh. Đám tang trong căn nhà nhỏ ở bìa sông buồn hiu hắt. Khách đến viếng chủ yếu đi đường đò. Con đò nhỏ xíu, chở vài người thôi, nước đã lên sát mép đò. Phúc lên bờ ngoái lại nhìn còn sợ xanh mặt. Cảm giác như chỉ cần thở mạnh là con đò sẽ chòng chành rồi chìm mất hút dưới lòng sông.

Đón chúng tôi là em trai Khánh. Cậu bé độ tuổi học trò cấp III có đôi mắt sáng và nét mặt tươi tắn nói khi nào anh chị về, để em gọi đò nhà bạn em chở, đò đó to hơn, chỗ ngồi rộng hơn để anh chị còn thảnh thơi ngắm cảnh sông nước quê em… Nghe cậu nhóc nói vậy, tôi và Phúc cùng nhìn nhau. Cậu ấy giống Khánh quá.

Mẹ Khánh ôm vai Phúc, hỏi đi hỏi lại làm sao một thanh niên rắn rỏi, thân hình vạm vỡ, chăm thể thao như Khánh lại có thể xụi lơ sau 1 giấc ngủ. Bà không thể nào tin được. Đây chỉ là cơn ác mộng thôi phải không?…

Tiếng chó sủa, tiếng kinh cầu, tiếng mưa và tiếng thở than rền rĩ của người mẹ hòa thành thứ âm thanh của tang tóc. Buồn đến thê lương.

Dường như tất cả những người đến đám tang đều xuýt xoa xót thương cho người nằm xuống còn quá trẻ, mới ngoài 30. Tấm ảnh thờ của Khánh là tôi với Phúc chụp, hôm 3 đứa chúng tôi đi lòng vòng thành phố vào dịp cuối tuần, cốt là để Khánh thực hành thuyết trình dẫn tour du lịch. Khánh gọi đó là ôn bài. Không ngờ bây giờ, tấm ảnh đó được đặt ở vị trí này.

Họ nhìn tấm ảnh chàng trai trẻ, rồi nhắc nhau cuộc sống ngắn ngủi lắm, nhiều khi lời biệt ly còn không kịp nói với người thân. Vậy nên giận hờn nhau làm gì, dành thời gian đó mà yêu thương nhau, yêu thương bản thân và sống thật vui vẻ có phải tốt hơn không?

Nhưng chút không khí tang thương của đám tang ấy chẳng thể lay chuyển lối sống mỗi con người. Chỉ sau thời gian ngắn là đâu lại vào đấy. Điều này tôi còn lạ gì.

Chúng tôi theo đoàn linh cữu dự lễ đám tang trong nhà thờ, để hoàn thành nguyện vọng “đi với nhau đến cuối đời” mà Khánh từng thốt ra với cả 2 chúng tôi.

Vị cha xứ trong trang phục linh mục màu tím giảng rằng mỗi chúng ta đều phải dọn lòng để chờ cái chết trong tâm thế sẵn sàng nhất. “Dọn lòng” ở đây là sống sao cho trọn vẹn, việc gì làm được nên làm ngay, lời yêu thương nào cần nói thì hãy nói ra, vì sự sống và cái chết chỉ cách nhau làn hơi thở mong manh. Với tâm thế đã dọn lòng đó, mình đón nhận quy luật sinh lão bệnh tử bất cứ khi nào nó đến, một cách nhẹ nhàng mà không phải hối tiếc…

Hôm ấy, trời nhiều mây và hẳn cơn mưa sẽ kéo tới. Không gian nơi đây như tối sầm lại. Nhưng rồi chỉ lát sau, bầu trời sáng dần, cảm giác như có ai đó vừa kéo tấm màn xám xịt, để lộ nền trời với những áng mây bềnh bồng…
***
Về gần đến thành phố, Phúc nói với tôi, giọng tỉnh táo và rành mạch: “Chuyện đêm qua…”. Tôi lập tức cắt ngang, nói rằng mình không để tâm tới nữa. Có lẽ dư âm từ đám tang vẫn còn và trong lòng tôi vẫn ngập tràn ý nghĩ buông bỏ, chẳng giận hờn trách móc làm gì cho thêm muộn phiền.

Nhưng Phúc vẫn khăng khăng nói: “Thì Thùy cứ để cho Phúc giãi bày đi” - giọng Phúc hiền khô. Tôi gật đầu lắng nghe. Hình như Phúc đang cố sắp xếp những câu từ cho phù hợp. Những thanh âm đó cũng chẳng khác gì mấy, so với đêm qua: “Lý thuyết thì Phúc nghe nhiều rồi nhưng khi Khánh bỏ tụi mình đi, Phúc mới thấy rõ cuộc đời sao mà ngắn quá, nên… Phúc cũng chỉ muốn nói ra hết những điều mình còn giữ trong lòng bấy lâu nay. Vậy thôi!”.

Điều ấy, chỉ mới đêm qua nghe, tôi cảm thấy tràn ngập nỗi thất vọng. Nhưng đến giờ thì khác bởi vì đơn giản tôi biết Phúc cũng chỉ đang “dọn lòng” mình - như lời cha xứ nói, điều gì cần nói, nên nói thì nói ngay. Bởi vì cuộc đời này quá ngắn, nếu cứ giữ mãi lời muốn nói trong lòng, biết đâu chẳng còn kịp nữa…

La Thị Ánh Hường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI