Truyện ngắn - Lở bồi sông Thương

09/08/2024 - 14:38

PNO - Hơn 10 năm về trước, một ngày mưa gió nhòe nhoẹt, bố bỏ mẹ con nó đi khỏi căn nhà bên bến sông Thương.

Đã rất nhiều lần mẹ nó tìm đến bố trên thị trấn, cầu xin ông quay trở lại với 2 mẹ con. Nhưng, bên cạnh bố có người đàn bà cổ và các ngón tay đeo đầy vàng, mắt kẻ chì đen, phả thứ nước hoa nồng nặc sặc mùi con buôn lắm tiền. Bố dứt khoát không trở lại, mẹ nhếch nhác dắt nó về căn nhà vừa bay mất mái che, gió lùa tứ phía…

Ngày chum gạo vét tới hạt cuối cùng, nó theo mẹ trở về nhà bà ngoại. Nhà bà ngoại gần bãi tha ma, có cây nhãn to trước cổng. Mắt bà đục mờ, lần trong mớ ruột tượng rách nát chẳng có nổi một đồng tiền lẻ. Cậu Hoan bị câm điếc bẩm sinh, ngày ngày đi bắt tôm bắt cá ở mé sông để đổi lấy bữa rau bữa gạo nuôi bà. Từ ngày mẹ đi lấy chồng, cậu Hoan vất vả hơn nhiều. Mẹ nó hiểu, bà ngoại cũng quá nghèo để cưu mang mẹ con nó.

Trong lúc mẹ con nó chẳng biết đi đâu về đâu thì gặp bác Thoan xóm Đặng. Thấy 2 mẹ con mếu máo giữa đường, bác gặng hỏi:

- Chị sang lái đò cho tôi, tôi đang tìm người.

Mẹ mừng vui ra mặt, mắt sáng lên như bắt được vàng:

- Vâng, được thế thì tốt quá, việc ấy em làm được. Trước đây, chồng em từng lái đò cho khách ở bến đò Nạm rồi nên em biết.

Ngôi nhà ven sông được lợp lại từ những viên ngói thừa nhà bác Thoan. Bác giúp mẹ con nó có chỗ che mưa che nắng. Thỉnh thoảng gặp bác Thoan ở bến đò, nó len lén nhìn khuôn mặt đầy sẹo của bác, lòng thầm biết ơn.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***

Dòng sông Thương êm đềm khi buổi hoàng hôn dần tắt nắng. Sông lại rực sáng, thướt tha như dải lụa mềm mỗi buổi bình minh ló dạng. Ngôi nhà bên bến sông chỉ đủ kê vừa chiếc giường cho 2 mẹ con nằm ngủ nhưng nó thấy khoảng trời sông nước mênh mông bao quanh nó thật đủ đầy. Bên kia bãi bồi phù sa là nương ngô xanh mướt, con đường ngoằn ngoèo lên bờ đê lối rẽ vào xóm Đặng. Những đêm trăng sáng, trăng rọi ánh vàng mênh mang xuống mặt sông lấp loáng.

Cuối chiều, mẹ nghe tiếng người gọi đò từ bên kia sông. Nó nhìn theo con đò rời bến…

Đoàn khách mẹ chở là một gánh chèo về làng Đông biểu diễn. Nó líu ríu chân sáo mà đi theo đoàn chèo, mặc cho mẹ nó nhờ người gọi về thổi cơm cho mẹ. Nó bị hớp hồn bởi câu chèo tập dượt của cô diễn viên. Miệng nó mấp máy hát theo, tay nó đưa lên cao vô thức thành điệu múa.

“Đào Liễu có một (í i) mình. Em đi đâu hỡi cô nàng ơi? Đào Liễu có một (í i) mình…”.

- Này cháu, có muốn theo đoàn chèo không? Bác sẽ dạy cháu.

Một người đàn bà trung niên, khuôn mặt phúc hậu, đôi môi như khuôn trăng đang cười đứng trước mặt nó. Đôi mắt nó mở to hấp háy. Đầu nó gật gật như thể nếu không đồng ý lúc này, người đàn bà đó sẽ biến mất. Nhưng rồi nghĩ đến mẹ, nó vội nói:

- Cháu phải hỏi mẹ cháu đã. Nhà cháu chỉ có 2 mẹ con.

- Vậy đưa bác về nhà gặp mẹ nhé.

Mẹ nó cắm cái mỏ neo vào bờ. Chuyến đò cuối ngày vừa dập dềnh cập bến trong chiều hoàng hôn lác đác sợi nắng thưa. Tiếng gà xao xác gọi nhau lên chuồng nằm ngủ, lúc này chẳng có khách sang sông. Người đàn bà đứng đó, mỉm cười chào. Mẹ nó nhăn mặt, mắng:

- Mẹ bảo về nấu cơm mà sao con chạy đi chơi miết để bác phải cất công đưa về thế này?

- Không, tôi tới đây là có chuyện muốn thưa. Tôi là Hoài Thu - Trưởng đoàn chèo Bắc Giang. Đoàn đang có chương trình đào tạo diễn viên nhỏ tuổi. Tôi thấy cháu nhà chị có tố chất nên muốn xin cháu về đoàn. Chị đồng ý không?

Mẹ nó thoáng vui, nhìn nó rồi hỏi:

- Mai, con muốn học hát chèo không?

- Có ạ! - nó lập tức trả lời.

Mẹ hiểu vì sao nó thích hát chèo. Nó lớn lên từ những làn điệu chèo mẹ ru trên cánh võng từ khi nó còn đỏ hỏn trên tay. Mẹ yêu hát chèo từ ngày xưa. Xưa nữa, bà ngoại từng là diễn viên của một gánh chèo ở Thái Bình. Không biết chuyện gì đã xảy đến mà bà ngoại lại bỏ gánh chèo, đem theo 2 đứa con trôi dạt về làng Đông này. Bà nhất định không kể cho bất cứ ai về quá khứ của mình. Chỉ có câu hát chèo của bà cất lên bên chiếc chõng tre dưới gốc nhãn. Tiếng hát như làn gió lả lơi cùng trăng, như sóng đùa mặt nước sông Thương lấp loáng.

“Thầy tiểu ơi! Muốn trồng cây cải cho xanh. Thài lài rau dệu tán thành bờ tre. Này chị em ơi tôi nói cho mà nghe…”.

Mẹ đồng ý để nó đi theo bác Thu học hát chèo. Nhà bác Thu ở bên kia sông, cách làng Đông không xa lắm. Chỉ cần sang sông và đi ba quãng đê là tới. Lúc nó khăn gói chuẩn bị theo bác Thu, mẹ cầm tay dặn:

- Con là hy vọng duy nhất của mẹ. Dù thế nào cũng phải cố gắng học hành cho thật tốt. Mẹ chỉ mong một ngày nào đó, bố sẽ phải hối hận vì đã bỏ rơi mẹ con mình.

Nhắc tới bố nó mới nhớ, bao lâu rồi nó hận người đàn ông đó - người đã bỏ mẹ con nó mà đi không thương tiếc; người đã làm cho mẹ nó khóc mòn đôi mắt, khóc đến nỗi nó sợ mẹ cũng bị mờ mắt như bà ngoại. Nó đi mang theo nỗi nhớ về mẹ, mang theo đau đáu hình ảnh bến đò Neo bên bờ sông Thương. Chẳng hiểu sao khi sang sông, đi khuất bờ đê, dòng sông Thương chìm dần phía sau lưng, tự nhiên lòng nó đau đến quặn thắt, tê dại. Chưa bao giờ nó phải đối diện với nỗi nhớ thương về mẹ ghê gớm như cơn bão lốc cuồn cuộn trong lòng lúc ấy.

***

Nhà bác Thu như một không gian nghệ thuật thu nhỏ. Bác từng là nữ chính với chất giọng âm vang, thanh thoát. Nó có chất giọng thanh, trong nhưng hơi chói nên rất thích hợp cho các vai nữ lệch. Nó say sưa trong những lời hát từ trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa, Xúy Vân giả dại… Cùng tập với nó có vài đứa trẻ từ các nơi khác về đây, sống chung trong căn nhà ngang nhỏ bé nhưng ngăn nắp và kỷ luật.

Nó thích nhất là những ngày đầu tháng, mẹ nhờ bác Thoan lái đò rồi lóc cóc sang thăm nó. Mẹ sẽ đóng cho bác Thu tiền học, tiền sinh hoạt và ít gạo để nó ăn học ở đây. Nhìn dáng mẹ gầy, đôi gò má hốc hác nổi cao, nó thương mẹ đến da diết. Chẳng phải vì nó mà mẹ vất vả đến thế này sao? Mẹ như quên cả bản thân để chăm lo cho nó, chăm lo cho hạt mầm một ngày nào đó nảy nở xanh tươi.

- Con ở đây nghe lời bác Thu và cùng các bạn học tập cho tốt. Không phải lo lắng gì cho mẹ.

Nó lại nhớ da diết bên sông Thương, nhớ những chuyến đò mẹ cần mẫn chở khách qua sông. Người ta sang sông rồi tỏa đi khắp chốn, còn mẹ chỉ quanh quẩn nơi khúc sông ấy, lặng lẽ và quạnh hiu như cuộc hôn nhân buồn thiu của mẹ.

***

Thời gian mải mê trôi như con sông xuôi dòng chảy mãi về phía hạ nguồn. 8 năm qua, nó lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp, hát hay. Để được làm diễn viên chính thức của đoàn chèo, nó thi tiếp vào trường văn hóa nghệ thuật. Mẹ thêm phần vất vả vì nó. Có lần, vì chi hết tiền cho đám tang bà ngoại, mẹ chẳng thể nào chạy vạy đủ để gửi cho nó tiền học và tiền thuê nhà. Nó trở về phòng trọ với khuôn mặt rệu rã khi đã hỏi vay bạn bè nhưng không được. Bỗng một người lạ mặt tới, đưa cho nó một phong bì được gói ghém cẩn thận. Nó mở ra. Lần đầu tiên nó thấy số tiền lớn như thế, đủ để nó đóng tiền nhà trọ nửa năm và cả năm học phí.

Nó đi hỏi khắp nơi để tìm chủ nhân của món tiền ấy. Bạn bè nó cũng nghèo, ai có nhiều tiền mà còn bí mật giấu tên gửi cho nó hào phóng thế? Tất nhiên càng không phải mẹ bởi vừa chiều mẹ bảo còn phải chạy vạy thêm vài nơi. Nó gọi hỏi bác Thoan. Bác cười vô tư ở đầu dây bên kia:

- Bác mà có tiền thì sẽ cho mẹ cháu vay ngay chứ sao phải giấu?

Nó mỉm cười, chợt thấy thật ngốc khi hỏi bác Thoan. Bác ấy đã giúp mẹ con nó bao lần rồi. Chỉ có việc yêu thầm mẹ là bác chưa bao giờ nói ra. Mẹ cũng chẳng bao giờ dám mạo hiểm để tin vào đàn ông thêm một lần nữa. Bác ấy sống độc thân từ ngày vợ mất. Có những lần đứng đợi mẹ nơi mé sông, dáng bác ấy như hóa bến đợi chờ ở nơi đây cả trăm năm.

***

Nó chẳng biết làm gì và tìm ai để hỏi cho ra ân nhân giấu mặt. Đang cần tiền nên nó liều dùng trang trải dần việc ăn, việc học. Chuyện học hành và đi diễn ở nhiều tỉnh thành đã cuốn nó trôi theo thời gian, như vết chân trên cát bị sóng liếm đi chẳng còn dấu vết.

Thêm mấy năm trôi qua, nó trưởng thành và trở về bên mẹ; bỗng thấy sống mũi cay cay khi mẹ vẫn đứng đó, bên căn nhà xô lệch nơi bến sông. Bến đò Neo vẫn còn nhưng mẹ chẳng còn là cô lái đò ở khúc sông Thương năm nào. Nó đã kiếm đủ tiền để xây cho mẹ một căn nhà mới khang trang hơn. Cậu Hoan sống cùng mẹ mà không cần phải lặn lội bắt tôm bắt cá như ngày xưa.

Tiếng hát bay xa, nó theo đoàn đi diễn khắp mọi miền đất nước. Ai cũng biết tới nó - cô diễn viên chèo có giọng hát trong sáng, ngân nga. Làng Đông mở hội, nó cùng đoàn chèo trở về làng vào một buổi chiều. Lúc đi qua góc chợ quê, nó giật mình khi thấy bố bán quần áo cũ ở đó. Nó tưởng bố đã đi xa lắm. Vật đổi sao dời thế nào bố lại quay về làng Đông này? Nó hừng hực trong lòng, chân bước xuống xe của đoàn. Trong bộ quần áo lụa là, nó đứng trước mặt bố. Bố nhận ra nó ngay:

- Mai… con!

- Tôi không phải là con ông. Ông bỏ mẹ con tôi đi, có khi nào ông thèm nghĩ lại?

- Bố… xin lỗi! Bố sai rồi.

Bố cúi mặt xuống đất, không dám nhìn nó. Bỗng nhiên nó cảm thấy đau lòng. Bao năm qua, nó ước có được giây phút này, được hiên ngang đứng trước người đàn ông đã bỏ mẹ con nó mà gửi ánh mắt sắc lẹm cho thỏa nỗi căm hờn. Nhưng bây giờ, nhìn mái tóc bạc, đôi vai run run của bố, sao nó chỉ muốn nhào vào ông mà ôm ghì…

Có lần, khi nó đến một ngôi chùa cổ, sư thầy nói một câu làm nó nhớ mãi: “Nếu ta đọc được lịch sử bí mật của kẻ thù, ta sẽ thấy rằng trong cuộc sống của mỗi người, phiền muộn đã đủ nhiều để xóa bỏ tất cả thù ghét”. Nó từng đóng vai nữ lệch rất nhiều lần. Nhờ thế, nó hiểu thêm về nỗi niềm điên dại của Xúy Vân, hiểu thêm về khát khao trong tình yêu của Thị Mầu. Ai cũng là con người. Ai cũng muốn rời bỏ khổ đau để đi về phía người ta cho là hạnh phúc dù con đường họ đi có thể đúng, có thể sai.

Lúc này đây, nó vẫn chọn bỏ lại người đàn ông từng là bố nó để bước lên xe trở về đoàn diễn. Tối nay, nó lại hát trên sân khấu. Những khúc hát chèo đã ăn sâu vào máu thịt chảy tràn trong từng tế bào của nó: “Lẳng (ư) lơ tiếng cũng chẳng mòn. Chính (ư) chuyên cũng chẳng còn son để thờ…”.

Tan buổi diễn, nó đem chuyện gặp bố chiều nay về kể cho mẹ nghe. Tiếng mẹ thở dài, phả vào đêm đen đặc quánh:

- Con biết không, số tiền bí mật năm xưa là bố dành dụm để gửi cho con đấy!

Nghe mẹ nói, nó lặng im như hóa đá.

Hôm sau, nó đi khắp làng Đông tìm bố mà chẳng thấy. Góc chợ nơi bố bán hàng đã dọn đi không còn dấu vết. Nó chạy ra bến đò Neo, dòng sông Thương vẫn trôi êm đềm như dải lụa mềm. Nó tự nhủ, nếu một ngày nào đó gặp lại bố, nó sẽ không chìa ra ánh mắt sắc lẹm của Thị Mầu mà thanh thản gửi một nụ cười tha thứ…

Thanh Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI