Đã nhiều năm nay Ngân manh nha ý định ly hôn.
Đấy là khi trên mạng có chị bạn vừa “thoát” khỏi cuộc hôn nhân khốn khổ, chia sẻ về cảnh độc thân đang hưởng. Ngân vào “còm” mấy chữ “Em ngưỡng mộ chị”, xong ngậm ngùi với ý nghĩ: để được tự do, người ta phải mạnh mẽ biết bao. Còn Ngân, vừa yếu đuối vừa hèn kém, chả trách bao năm cứ mòn mỏi chịu đựng.
Nói nào ngay, chồng Ngân cũng không phải là người đàn ông vũ phu, trăng hoa, lười biếng gì. Chỉ là, khoảng thời gian sống chung đã lâu, Ngân chẳng còn cảm nhận niềm vui, hạnh phúc nào cho đáng. Mọi thứ đều đều, tẻ nhạt, không rõ ngày mai có gì để chờ mong, náo nức nữa. Thêm cảnh đi sớm về trễ của anh, những vô tâm vô tình cứ xói mòn sự thân thiết yêu thương mỗi ngày. Ngân luôn cảm thấy cô đơn trong cuộc hôn nhân của mình. Đời được mấy tí mà ta phải chịu đựng kia chứ!
Hôm đó, Ngân đi làm về sớm, ngồi cà phê với hội chị em. Ai nấy thổ lộ về các vấn đề đang gặp phải, nhận lại vô số lời tư vấn tếu táo lẫn nghiêm túc đến khó tin. Tới lượt mình, Ngân bảo, em chỉ muốn bỏ đi cho nhanh. Đời càng ngày càng ngắn, mà chồng cũng càng ngày càng thờ ơ chán ngắt. Sống mà không thấy tương lai, mấy chị à!
Không lạ gì với các bất hòa Ngân sẽ “múa minh họa”, một chị phụ nữ có vẻ từng trải nhất trong bọn bỗng buông một câu:
- Hay là em thử cố gắng vun vén thêm một lần nữa xem sao?
Ừ nhỉ. Ngân cũng tự nhủ vậy khi chạy xe về gần hướng công ty chồng. Tấp vô lề, lấy điện thoại ra, Ngân gọi tới cuộc thứ hai mới thấy anh bắt máy:
- Có gì không em? Anh đang vướng việc.
Nói xong chồng cúp luôn. Ngân chưng hửng. Cái dự định hỏi xem chồng có bận lắm không, có muốn chuồn ra ngoài cùng ăn cái gì đó ngon ngon rồi nói chuyện với nhau tan biến. Ngân những muốn gào lên, đến khi nào anh mới biết trân trọng Ngân hơn. Hay đợi lúc mất rồi, anh mới hiểu rằng mình từng có?
Những suy nghĩ ấy chấp chới, khiến cho Ngân vừa chạy xe về nhà vừa rấm rứt khóc. Nước mắt từ đâu tràn ra, không cản được. Người đàn ông dịu dàng, tâm lý ngày xưa đâu rồi? Sao suốt ngày công việc, công việc, công việc thế này? Ngân đã làm gì sai, đã có lỗi gì mà phải chấp nhận cảnh sống tạm bợ, hờ hững, nhiều muộn phiền vô nghĩa mãi vậy?
Ngân vừa dỗ đứa con gái lên sáu ăn tô mì gói nấu với trứng gà, vừa lơ đễnh nhìn quanh căn hộ của mình. Một phòng ngủ, một nhà vệ sinh, một gian bếp kiêm luôn phòng khách đã lâu lắm chẳng có ai ghé thăm. Không hoa không nến không thảm không áo ngủ đẹp không hương thơm… Cuộc sống luẩn quẩn từ nhà tới cơ quan, ghé vào cái siêu thị ở tầng trệt, ngôi trường tiểu học của con, là hết.
Chồng Ngân đi làm từ sớm và về rất muộn, tối lại còn cặm cụi trên cái máy tính. Công to việc lớn gì đâu, ông này bà nọ đã mừng. Ngoài làm chuyên viên kỹ thuật ăn lương tháng, anh cũng chỉ hùn hạp mở một cửa hàng buôn bán nhỏ, mà sao anh chẳng biết cân đối giờ giấc, dành thời gian tâm trí cho vợ con nhỉ? Hay khi muốn người ta tìm cách, còn khi không muốn người ta sẽ viện cớ? Ngân mệt mỏi quá. Bao lần chỉ muốn nhanh chóng thoát ra. Hẳn đối tác chung nhà của Ngân cũng vậy, chỉ là không dám nói ra, chẳng muốn đối mặt mà thôi. Sao phải miễn cưỡng cơ chứ!
Tới đoạn này thì con bé ụa lên mấy tiếng đầy hăm dọa, trước khi ói tung tóe ra nhà, văng cả lên mấy thứ đồ chơi nó đang bày bừa trên sàn. Ngân ngao ngán đứng dậy dọn dẹp, tự hỏi chồng đã phụ mình chăm con được mấy bữa, có hiểu nuôi một đứa bé bị chứng trào ngược dạ dày nó vất vả tỉ mẩn kiên nhẫn bao nhiêu không. Lúc mở nước để xả giẻ lau, Ngân ngao ngán nhìn cái vòi đã lặc lìa không thể khóa chặt được, nước cứ rỉ rả chảy nhỏ giọt, tưng tưng xuống cái đầu đã quá nhiều thứ phải lo toan của Ngân rồi. Sao mà số mình khổ thế chẳng biết nữa…
Gần chín giờ mới thấy chồng về. Lúc đó, Ngân đang ngồi dựa lưng vào bức tường đối diện với bàn ăn trống trơn. Cảm giác rã rượi tới cùng cực. Ngay cả đèn lớn Ngân cũng chẳng buồn bật. Trong cái bóng tối lờ nhờ ấy, tiếng chồng Ngân vang lên khó chịu:
- Sao để nhà cửa tối thui vậy em?
Đáp lại, là một câu chẳng liên quan gì:
- Hay là mình ly hôn đi anh.
- Đang yên đang lành lại giở quẻ!
Mặc kệ Ngân với vẻ mặt ẩm ương, anh thản nhiên bỏ vào nhà tắm. Chỉ mấy giây sau từ trong đó đã vang lên giọng nhẽo nhượt của mấy cái clip hài rẻ tiền chồng Ngân hay coi giải trí. Ngân vô phòng nằm với con, cảm thấy lần này mình phải dứt dạt mới được. Ta không biết tự trân quý bản thân thì bảo ai có thể coi trọng mình cơ chứ!
Phải tới khi giấy gọi hòa giải của tòa gửi về tận cơ quan, chồng mới biết là Ngân chẳng đùa. Anh gọi cho Ngân. Chắc cũng lâu lắm cô mới thấy số điện thoại của chồng hiện lên trên máy mình. Bấy lâu, vợ chồng Ngân đã quen với các trao đổi ngắn qua tin nhắn, những câu chữ lịch sự, lặng lẽ, không âm sắc.
- Em lại gây gổ gì đấy? Chưa đủ bận rộn hay sao mà còn thế này?
Phải cả phút sau Ngân mới hiểu điều chồng đang trách cứ. Cô trả lời ngắn gọn:
- Em muốn được sống khác, chứ không phải thế này. Chắc anh cũng vậy. Chi bằng giải quyết sớm cho cả hai.
Chiều muộn hôm ấy, anh về sớm, lui cui sửa cái này lắp cái nọ. Vướng chân bên cạnh là đứa con gái đang mừng rỡ vì có ba chơi với mình. Thấy Ngân hiện ra ở cửa, anh cười giả lả:
- Anh có mua đồ ăn ấy, hôm nay mình khỏi nấu nướng, cho em đỡ nhọc…
Cảm giác nhất thời của Ngân là muốn bật khóc. Sao tới hôm nay, anh mới biết nói cái câu trễ tràng ấy kia chứ. Đàn ông lẽ nào luôn nghĩ, vợ đương nhiên phải đảm đương việc nhà, phải lo cho con, phải chu toàn mọi thứ? Vợ là sinh vật sống đơn giản lắm, ít biết buồn vui gì, chẳng cần quan tâm chăm sóc, thế nào cũng được, cảm xúc chai lì dần theo thời gian, thật ư? Ngân chua chát nghĩ.
Trên bàn bày món lòng heo phá lấu, thêm tô vịt nấu chao nóng hổi, toàn thứ Ngân ưa thích. Có cả xôi bắp, chè bà ba, bánh thập cẩm. Ngân lớn lên ở miền Tây, hảo ngọt, ưa các loại đồ ăn có vị beo béo của nước cốt dừa, của dừa tươi, của ngọt ngào đường cát.
Ngân không quen nổi với mấy thứ chém to kho mặn quê chồng. Thực sự, chồng Ngân vốn dễ ăn. Hồi mới quen nhau, anh bảo, cũng rất mê cái vị thơm ngon của thịt kho trứng ăn kèm dưa giá, của canh chua cá kho tộ. Thế nhưng, sau này chung sống, Ngân chưng hửng khi anh khá thờ ơ với các thứ Ngân kỳ công nấu nướng. Anh ăn ít, luôn kèm theo chén nước mắm nguyên dằm ớt và chan hẳn vào bát mỗi ngày. Ban đầu Ngân còn thắc mắc hậm hực. Sau quen dần, Ngân mặc kệ. Có quan tâm thì người ta mới nấu nướng ép nhau ăn. Mà đụng phải thái độ “ăn gì cũng chả biết” ấy, Ngân nản hẳn, không còn tha thiết nữa.
Những ý nghĩ chấp chới phía sau khiến Ngân giật mình. Hình như Ngân chưa từng hỏi xem chồng muốn ăn gì để cô nấu. Ngân còn bận giận dữ khi chồng chỉ húp một muỗng canh nấu ngót ngọt lừ rồi buông đũa hay uể oải trước các thứ quà bánh mà Ngân mang về từ miền quê của cô. Thời buổi đặc sản địa phương đâu khó kiếm, sao Ngân không nhớ ra để mua cho chồng cải thiện bữa cơm nhỉ!
Mà thôi. Giờ cũng là lúc nên kết thúc rồi. Quá muộn để sửa chữa cái sự vô tâm dành cho nhau. Ngân nên giải thoát cho chồng, để anh kiếm một chỗ khác đàng hoàng hơn, có thể chăm sóc anh đúng điệu. Đấy là cảm giác hờn dỗi trong Ngân mỗi khi thấy anh trầm trồ trước tô bún cá ngừ hay dĩa gỏi sứa trên ti vi. Ăn gì cũng chê, hầu gì cũng không hài lòng, đúng là văn mình vợ người mà!
Bữa tối nặng nhọc trôi qua. Ngân qua loa vài miếng. Thấy giận với cái tính dễ mềm lòng của chính mình. Chồng lăng xăng dọn rửa. Cũng lâu lắm Ngân mới thấy lại cảnh này. Xưa, thường sau mỗi dịp nhậu nhẹt bê trễ về, là hôm sau anh lại diễn cái tuồng chuộc lỗi này. Mấy năm gần đây, số lần bỏ cơm của anh dày hơn, nhưng mức độ thản nhiên mặc kệ cũng tăng tỷ lệ thuận.
Không còn huýt hoáy cằn nhằn, Ngân tự ngó cái bóng mình trên vách, trong căn phòng ngủ lặng lẽ chỉ có hai mẹ con với nhau. Riết rồi Ngân cũng quen dần, chẳng thao thức chờ đợi hay tức tối hậm hực nữa. Lâu rồi đời mình cũng qua là đây. Dù thi thoảng, Ngân vẫn muốn làm cái gì đó dứt khoát. Sống lờ nhờ thế này phí đời quá. Ngân thật chẳng cam lòng. Sao ta không thể mạnh mẽ thay đổi, cải thiện, trước khi tìm một lối đi riêng, quang đãng lạc quan sáng sủa hơn?
Cụ thể là em muốn làm gì? Anh vẫn đang cố gắng cày hằng ngày đây, em không thấy sao? Anh bực bội gạt ngang, khi Ngân quyết định thổ lộ cùng anh tâm tư của mình. Vài ba lần, Ngân bất lực xuôi xị hẳn.
Cái giấy mời thứ hai của tòa khiến cho chồng Ngân choáng váng thì phải. Anh lặng lẽ nhìn Ngân rồi buông lời:
- Tùy em quyết định vậy.
Câu nói ấy, với đàn bà mà nói, giống như một lời thách thức. Ngân nhớ là cô đã quăng mạnh mấy thứ lặt vặt trên bộ ghế ngồi xuống, tung tóe, trước khi gào lên vào mặt chồng. Tôi chịu đủ rồi, anh có biết không?
Ký ức bảng lảng lúc Ngân bước vào quán ăn hồi xưa họ từng hẹn hò. Liệu đây có phải là khúc cuối? Nhiều tháng dọn ra ở riêng “suy nghĩ thêm” theo yêu cầu của Ngân, anh gầy xọp hẳn. Tóc tai luộm thuộm, đôi mắt hoắm sâu khiến cho khuôn mặt vốn không nhiều da thịt càng thêm quắt lại. Sao tới tận hôm nay, Ngân mới nhận ra người đàn ông ấy trông già hơn tuổi nhiều thế. Chẳng bù với Ngân, bạn bè vẫn thường khen cô coi vậy mà trẻ lâu thật…
- Nhà này, em cứ ở với con. Phần còn nợ ngân hàng, anh sẽ góp tiếp. Anh chắc sẽ về quê, kiếm công việc khác. Bon chen ở đây lâu vậy, anh cũng mệt mỏi lắm rồi.
Ngừng một chút, rồi chồng Ngân nói tiếp:
- Dạo sau này cửa tiệm làm ăn cũng bết bát quá, bệnh dịch làm ảnh hưởng tới kinh doanh nhiều. Anh định sang rẻ lại, gom được chút tiền, đưa em để dành lo cho con mai này.
Ngân chưa bao giờ là một phụ nữ ủy mị mau nước mắt. Vậy mà trước những sắp xếp của thì tương lai ấy, Ngân bỗng thấy mình nghẹn ngào. Anh ra ngoài kiếm tiền chắc đủ nhọc nhằn rồi, về nhà sống với Ngân cũng không dễ dàng gì. Lẽ nào vì họ đã giải quyết các vướng mắc của hôn nhân bằng cách tặc lưỡi bỏ qua, chuyện này nối tiếp chuyện kia, khúc mắc này chồng lên bất hòa nọ? Chỉ là hai bên ít mở lòng chia sẻ với nhau, mới ra nông nỗi này?
Tại sao hôm nay Ngân lại hiểu ra điều ấy chứ! Một người đàn ông thực tâm tốt với mẹ con Ngân như vậy, mà hôm nay cô mới nhận ra. Thế gian ngoài kia, liệu có ai đó lương thiện hiền lành, nguyện ý yêu thương con gái cô nhiều như cha ruột của nó?
- Không sao đâu. Em đừng khóc lóc ở đây, người ta lại tưởng anh ăn hiếp em, họ cười cho.
Câu dặn dò hơi hướm trẻ trâu ấy khiến Ngân buồn cười. Tuổi nào rồi mà còn sợ những điều viển vông ấy chứ!
Dường như thời gian chẳng làm cho chồng Ngân thay đổi bao nhiêu, vẫn tồ tuệch đơn giản như cái lúc hai người gặp nhau. Thuở anh chạy cái xe Dream lùn, cầm chiếc điện thoại Motorola màu đen nay chẳng còn thấy đâu nữa, có mặt ở căn phòng trọ của Ngân mọi lúc rảnh rỗi. Đóng cái nọ, sửa cái kia, vác bao gạo thùng nước lên lầu cho cô. Tính ra, chừng ấy năm tháng, Ngân cũng ít khác đi là mấy, vẫn quen đón nhận, chẳng thích quan tâm tới các khó khăn của kẻ đồng hành…
Ngân quay sang hỏi phục vụ xem có món ăn gì của xứ ấy không. Xong thì bối rối nhận ra, hóa ra Ngân chưa từng quên thói quen, sở thích của chồng. Chẳng qua bấy nhiêu thời gian làm vợ anh, Ngân lo bực bõ tức giận, nên không thèm ngó ngàng tới thôi. Cũng tại chồng Ngân ỷ lại, vô tâm, mải miết đi trên con đường cô độc của anh ấy.
Để rồi may quá, hai vợ chồng Ngân cũng vừa kịp nhận ra người kia đều lạc lõng đáng thương giống như mình.
Thùy Lâm