PNO - Ở đời này, mấy ai được như cô: bị đứa em trời đánh đề đóm rượu chè lừa bán sạch sẽ đất đai mà vẫn hiền từ dạy cháu gái phải biết thứ tha, đã là người thì ai cũng từng có phút giây lầm lỗi…
Nhà đang ì xèo tiếng dao thớt lẫn tiếng cười nói rộn rã bỗng lặng phắc khi nhác thấy gương mặt người về. Chỉ Diệp tỉnh rụi, già cái đầu còn vọc nước, dửng dưng ngồi bệt trên cầu ván thả cặp giò đung đưa đá nước dưới bến sông. Bây giờ đang là mùa hè, bông sao trắng trời mượn gió rong chơi rồi nhẩn nha sà xuống lấp lánh mặt nước đang dềnh lên ở thời khắc mặt trời gác bóng.
Có chị bạn là khách của chị Hai Hường về dự đám cưới ra hỏi: “Chớ ủa nhà có người thân đâu như ở xa mới về kìa, sao cưng không vô chào?”. Tưởng con nhỏ mải chơi hổng biết, bà chị mới chạy ra báo tin. Ai dè Diệp phủi đít đứng lên, ánh mắt không gợn chút xúc cảm, đáp gọn hơ: “Ổng là Tư Chơi, em ruột cô Hai em đó chị”.
ẢNh: Phùng Huy
Đêm. Nằm xếp lớp như cá mòi giữa hội bạn đồng nghiệp của chị Hai Hường đang phì phò ngủ, mắt Diệp cứ chong lên thao láo. Tự dưng nó khó nghĩ quá. Thiệt má cũng kỳ. Đâu còn dính dáng gì tới con người đó nữa mà chiều nay một tiếng má gọi “ảnh” hai tiếng lại “anh Tư em”. Đã vậy cách nay hai tuần lễ, má còn mua vải cho thợ may bộ đồ tây. Số đo má thuộc nằm lòng. Sao má biết chớ, người ta đâu có về thường, lỡ mập lên hay ốm xuống? Về nhà má còn giặt phơi đàng hoàng. Mới hôm qua, má còn biểu nó đem ra ủi lại cho thẳng thớm để người về kịp có mặc. Nó vùng vằng: “Ủi cho ổng thì đừng hòng”.
Chị Hai Hường đi lấy áo cưới về, bỏ phịch rương đồ xuống, nhỏ nhẹ: “Út không chịu ủi thì để Hai”. Nhìn lén chị Hai Hường, Diệp hoài nghi. Chỉ cũng từng hận ổng thấu trời xanh mà sao nay đi ủi áo cho ổng. Nó bỏ ra bờ sông, không biết giận ai mà ngồi bẻ vụn miểng dừa chọi xuống mặt nước. *** Cái bóng đèn ngủ cà na màu vàng không làm màu đêm bớt đen đặc. Diệp hết nhìn lên trần nhà lại nhìn ra phía cửa sổ có bụi chuối già hương án ngữ, những bẹ chuối cứ đu đưa. “Hẳn là trời đang giông. Mình nằm đây không một hơi gió lọt qua chứ đâu biết ngoài kia là bão tố. Cũng may là mưa đêm, chớ mai đưa dâu mà dầm dề vầy chắc buồn chết” - nó nghĩ.
Có tiếng vặn cửa rón rén. Diệp vờ ngủ, trùm mền kín mít quay mặt vào tường. Cô Hai Khem ngồi xuống bên nó, luồn tay vào mái tóc mượt như tơ thơm mùi bồ kết của nó, thủ thỉ: “Chớ sao ba về mà con hổng hỏi?”.
Im lặng. Vậy nhưng cô Hai Khem biết con nhỏ còn thức. Cô cười gượng, cái miệng móm mém bởi hàm răng đã rụng gần hết nhỏ giọng: “Con phải coi ra mừng ba, chớ cứ lạnh nhạt vậy ba con buồn là mai mốt nó không về nữa”.
Buồn? Diệp nhếch mép, cay đắng với cái ý nghĩ sao ngày xưa bỏ vợ bỏ con đi bạc bài bù khú ổng hổng thấy buồn. Có chăm bẵm mấy đứa con được ngày nào cho mến tay mến chân mà bây giờ đòi thân mật gần gũi. Diệp bịt tai lại. Cô Hai Khem vẫn kiên nhẫn. Ở đời này, mấy ai được như cô: bị đứa em trời đánh đề đóm rượu chè lừa bán sạch sẽ đất đai mà vẫn hiền từ dạy cháu gái phải biết thứ tha, đã là người thì ai cũng từng có phút giây lầm lỗi…
Cô nhắc đâu đâu về những ngày mấy chị em cô còn nhỏ. Cha mẹ mất sớm, đứa lớn dạy đứa nhỏ. Rồi cô khóc. Tại cô. Cô lớn mà không dạy được em cô. Bốn đứa hết thảy mà chỉ mỗi thằng Tư lạc đường. Có phải vì nghĩ là lỗi của mình mà cô ở vậy bấy nay; em cô bày thì cô dọn, nó đạp đổ thì cô xây lại? Diệp cũng thương cô. Cô có tội tình gì đâu nhưng cỡ gì Diệp cũng không thể tha thứ cho người đó.
Giờ này ngoài đồng con chim dù dì dầm mưa đi ăn đêm. Nó cất tiếng kêu như những tiếng nấc rời rạc. Loài bay một mình là loài mạnh mẽ. Loài có hình dáng đáng sợ là loài cô đơn. Tội nghiệp, giờ ba con như con chim mặt ác lạc nhà, chỉ dám chui rúc vào bóng tối để nương nhờ, cô năn nỉ lắm ba mới chịu về, dù gì cũng là ngày gả chồng con ba. Rồi cô lau nước mắt, vỗ vào lưng Diệp nhè nhẹ: “Cáo chết còn quay đầu về núi. Con trâu bao năm vẫn nhớ chuồng. Cho nó cơ hội đi con. Phải thăm hỏi, nói chuyện với ba nhiều lên cho có tình phụ tử”.
Tới đây thì Diệp chịu hết nổi. Nó tốc mền, gào lên: “Con hổng quen”. Rồi nó tấm tức khóc. Bao nhiêu tủi hờn chịu đựng bấy lâu bỗng chốc tràn đồng như con nước tháng Mười. Ai có ba mà lại không cần? Nó thèm lắm tiếng “ba” thân thương. Có lần tan học, đạp xe qua cánh đồng xa xa, nghe tiếng đứa nhỏ nào gọi “ba ơi về ăn cơm” mà nó dừng lại đưa tay bưng mặt. Nó thèm tới đứt ruột cái tiếng ba từ lâu dội ngược, khi có lần chị Hai Hường ước: “Phải chi ba mình như người ta chắc hai chị em mình được cưng dữ lắm”.
Ước rồi tự hai chị em rùng mình. Trong đầu hai đứa là cái nhân ảnh gầy quắt queo luôn luôn vắng nhà, mà nếu có nhà thì thường là buổi chiều nhập nhoạng đi đâu đó về, đôi dép tổ ong mòn gót cặp nách, chiếc quần dài bạc thếch ống thấp ống cao, cái sơ mi ngắn tay màu trắng đã ngả vàng, một vạt bên trong, một vạt bên ngoài, chai rượu trắng cầm tay chỉ còn một nửa. Người đó sẽ huýt sáo nếu chiều ấy bao lô được một con huề vốn hoặc dư ra vài ba chục. Ngược lại, ổng sẽ xối xả chửi rủa từ cổng rào dâm bụt, bước đi xiên xẹo, loạng choạng, thường sẽ xộc thẳng vào chái bếp giở hết nắp nồi.
Hai đứa nhỏ sợ quéo, hễ thấy bóng ba về là đứa chui gầm giường, đứa tọt vô tủ thờ trốn. Mình má chạy ra: “Anh Tư mới về” rồi đỡ cái xác đó vào võng. Cái xác nằm chưa nóng chỗ đã bật dậy đòi rượu thịt, tiền nong: “Tao quyết phải đeo con này, tuổi thằng Tám Khỉ vừa mới chết vì say rượu mà gan trời lội qua bờ kinh xáng mới múc. Cái thằng tới số. Chớ như ông đây cũng lội ngang sông hoài mà hà bá có dám bắt”.
Má không nói không rằng, lặng lẽ bỏ mùng. Người đó cứ hỏi lằng nhằng đủ thứ chuyện. Má im lặng tưởng cho yên nhà yên cửa nào dè bị kết tội: “Mày khi dễ tao phải không? Khi dễ tao nè! Cho mày chết”. Mỗi câu người đó gằn xuống là đầu tóc má rối bù, hai chị em Diệp không dám nhìn. Mùng mền theo đó đứt dây, đồ đạc từng món loảng xoảng bể vụn. *** Dù sao lúc đó chị em Diệp vẫn còn cái nhà bên đằng nội để ở và cả đất nữa. Đất xanh những mạ, vàng những hạt lúa thơm mùa gặt, chị em Diệp vẫn thường chân trần rủ nhau chạy trên cánh đồng. Chị Hai Hường hay bứt cỏ gà để hai chị em chọi chơi. Sau vụ xuân thì Diệp theo mấy đứa nhỏ trong xóm đi thả diều. Chờ mùa nắng hạn qua, cơn mưa đầu mùa trút xuống, những con cua con ốc tránh nóng lâu ngày trồi lên, hai chị em sẽ xách xô ra đồng bắt. Nước mưa trong, lắng bên dưới là tro rạ đốt đồng rửa bàn chân hai chị em trắng phau. Diệp yêu những khoảnh khắc đó vô cùng cho đến một ngày người ta tới nhà đòi đất: “Đây đây, thằng chả lăn tay điểm chỉ đàng hoàng. Mấy người coi sao dọn đi để người ta còn lên liếp canh tác”.
Diệp không bao giờ quên cái cảm giác chơ vơ vô định khi ba người chỉ toàn đàn bà con gái phải dắt díu nhau đi làm kẻ không nhà. Nó khóc nức nở đến nỗi chị Hai Hường phải dỗ dành: “Nín đi em, để má dẫn mình về ngoại, em chịu hôn?”. Nhưng, ngoại đâu còn. Nhà cậu thì nghèo. Mà biết đi đâu, nhờ vả gì anh chị em người đó khi nhà nào cũng khổ? Thì thôi dù gì cũng máu mủ chung dòng, má về tá túc cậu, từ từ có sở làm rồi dọn đi. Cậu nhìn má tiều tụy héo gầy, hai cháu nhỏ thập thò cùng với nỗi hoang mang mà xót xa: “Thôi, chị về ở với em, nhà mình có gì ăn nấy rồi tính tiếp”.
Nhiều khi thức cùng má bên ngọn đèn tàn, Diệp thấy số má sao mà cực dữ. Má biểu má cực nhưng không khổ. Khổ hay không là ăn thua mình. Lòng rộng hay chật cũng là ăn thua mình. Nghĩ thoáng ra cho đời nhẹ bớt.
Việc gì má cũng chịu làm, từ làm cỏ, cấy lúa tới giúp việc cho người ta. Khuya khoắt má còn nhận cườm về kết dưới ánh đèn vỏ chai cháy phập phồng, từng mũi kim lên xuống thoăn thoắt. Nhiều lần má lỡ xỏ vô đầu ngón tay, máu ứa ra. Diệp khóc. Má nhìn con khóc rồi má cũng khóc.
Thương má, chị Hai Hường ra tỉnh học hành tấn tới. Sợ chị một mình ở xa thiếu thốn không nhờ vả ai được, má nhịn ăn nhịn mặc, tuần nào cũng điện hỏi: “Có thiếu gì nói má gởi, nghe không con?”. Chị Hai Hường đáp gọn bâng: “Tiền má cho tháng trước còn, má để dành mua cho má hay Út Diệp tấm áo mới nghen má”. Đó là khi trong túi chị Hai Hường còn đúng chín ngàn đồng đủ mua bảy gói mì giấy cho cả tuần.
Rồi chị Hai Hường ra trường, lên phố làm, cái nền nhà mọc ra theo từng giờ tăng ca của chị. Từ nền mọc lên cái nhà. Từ nhà mọc lên cái sân nhỏ. Diệp với mấy đứa con cậu vẫn thường ngồi trước khoảnh sân con đếm chim trời buổi chiều bay về tổ, thấy hằng bao cơ cực của ba mẹ con trôi qua cái vèo. *** Hồi mới lên phố, ông xui bà khiến gì mà người đó tới tìm chị Hai Hường. Nhìn cái cảnh người đó thân tàn ma dại, đứa con gái cầm không được nước mắt, biểu: “Thôi, ba đừng đi đâu nữa, về phòng trọ con mà ở, để con đi làm nuôi ba”. Được một hai bữa thì người đó biểu để ba đi bán vé số phụ thêm chớ nhìn con đi sớm về khuya cực nhọc ba chịu không được. Gom hết tháng lương đầu, chị Hai Hường đưa hết cho người đó làm vốn. Vậy mà người lại đi biệt. Ai cũng đồn thằng chả mới thua độ, báo hại chị Hai Hường ăn mì gói cả tháng trời.
“Cha con tình nghĩa gì với ổng nữa phải không chị?” - Diệp rúc đầu vào ngực chị Hai Hường thỏ thẻ. Chút xíu nữa thôi, đoàn rước dâu sẽ rước chị về cồn. Tờ mờ sáng Diệp đã chạy qua chui tọt vào nằm bên chị. “Bậy nè. Lá rụng về cội, con nước xuôi dòng. Dù tốt dù xấu cũng là ba mình. Út à!” - chị nói. Diệp tức tối: “Sao mà chị giống in hệt má”. Chị Hai Hường ôm em thật chặt, biết con nhỏ vẫn còn để bụng nhiều chuyện chớ dễ gì quên cho được.
“Hồi hôm lúc lạy xuất giá, ba đeo cho chị cặp bông tai. Kiểu cọt nhìn quê mùa thấy mồ mà chị vui quá chừng” - Hai Hường kể. Diệp vùng ra khỏi chị, ngầm ý trách chị dễ thỏa hiệp. Người lớn đúng thiệt gì kỳ.
Chị Hai Hường bẹo má em, mặt chị buồn nhưng đôi mắt thì vui, mà hình như có nước trong đó. “Út biết hôn, ba nói nhỏ với chị: “Đôi bông này là đồng tiền trong sạch, là ba đạp xe đi bán từng ổ bánh mì mua cho con chớ không phải tiền đề đóm bạc bài đâu. Con đeo cho ba mừng. Chừng nào ba đi con tháo ra cũng được” - Hai Hường tiếp.
Cái con người đó, nói năng gì đâu kỳ cục. Mà tự nhiên mắt Diệp cũng cay xè. Má mở cửa, vòng tay ôm lấy hai chị em: “Mấy cái đứa này, nhà chồng cách có một chuyến phà thôi… Còn con nữa, chị Hai đi lấy chồng là chuyện vui, có gì mà khóc”. Miệng thì nói vậy, chớ má tường ý nghĩa những giọt nước mắt của hai chị em. Con má mà, sao má hổng hiểu chớ?
“Thì cũng phải để cho người ta biết chị Hai bây cũng đủ cha đủ mẹ. Sống mà không thông cảm cho nhau sao đặng?” - lời của má nhẹ hẫng tưởng có thể theo gió mà bay đi. Hai chị em Diệp vừa khóc vừa cười. Má rầy: “Thôi thôi mấy cô thay lẹ áo xống giùm tui, đàng trai người ta tới bây giờ”.
Buổi sáng hôm đó cổng nhà kết hoa, rộn ràng tiếng nhạc. Đàng trai giăng thành hai hàng dọc chờ được đàng gái cho phép nhập gia, ai cũng quần là áo lượt. Má trong buồng dẫn chị Hai Hường đi ra, đôi giày cao gót năm phân lâu ngày không mang lựa giờ sút đế. Người đó cúi xuống tháo giày cho má, biểu: “Ca này dễ ợt, để anh lấy keo dán sắt dán lại cho em nghen. Để lâu không xài nên lờn keo chớ vẫn còn tốt lắm”.
Tự nhiên lòng Diệp thấy nhẹ nhõm. Là nó nghĩ đến câu nói của má mà nhẹ nhõm. Ờ há, chớ sống mà không thông cảm cho nhau sao đặng?