Truyện ngắn - Là nhà…

27/09/2020 - 12:39

PNO - Người ta coi gia đình là cộng đồng gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc giáo dục.

Anh gắt gỏng, giáng cái tát vào mặt em, quát lớn tiếng đủ khiến cô giúp việc hoảng hốt, chen lời: 

“Em con mới bị đánh, sao con còn đánh nó?”.

“Nếu em bị người ta đánh mà không đánh lại được, thì em chỉ có què quặt, thua thiệt thôi! Chứ em không xứng đáng là em anh!” - anh bỏ đi. Mặc kệ em đang khóc nức nở. 

Phút chốc, anh định thần lại, không hiểu sao mình lại nổi giận và hành xử như thế với một đứa con nít. Anh thẫn thờ với nỗi ân hận muộn mằn. Quay trở vào, em vẫn còn sợ bợt bạt, cơ thể nhỏ rúm vẫn run lên từng chập. Anh biết, cỡ em mình không thể làm được điều anh răn. Anh ôm em vào lòng, không kìm nén nổi, đành khóc theo. Ký ức năm nào xẹt ngang. 

“Kẻ to đầu” đã nghĩ ra cách xử lý. Chuyện nhỏ! Hôm sau, em chỉ mặt kẻ bắt nạt, lao thẳng tới. Mặt lạnh tanh, anh nói: “Giới thiệu cho em biết, đây là em trai của anh. Nếu như anh biết em ăn hiếp nó lần nữa thì anh sẽ đưa em về nhốt tại nhà anh” - một đòn tâm lý thúc mạnh vào trí của đứa trẻ háo thắng, trước giờ không biết sợ gì, nay đã khiếp vía trước người đàn ông lạ. 

Buổi tan trường hôm sau, em trở về với nét mặt hân hoan, trên tay cầm bịch bắp rang bơ, rối rít khoe: “Bạn em tới làm lành, lại còn mua bắp cho em nè!” - anh nhìn em hồn nhiên, mỉm cười. Nó đã mang đến niềm vui giản dị. Trẻ con hình như không có ký ức vướng bận. Mới trải qua trận đánh mang thương tích, mếu máo trở về, khóc gào, những tưởng được chở che nào ngờ tình thế đã thay đổi hoàn toàn. 
***

Trước đây, lúc bằng em bây giờ, anh thấy mình có cả thế giới nhỏ hay ho. Nhà buôn bán giày dép, đi học về, anh phụ trông coi tiệm. Anh tự học bài, lang thang góc này góc kia hoặc ngồi trong nhà kho. 

Anh nhớ Sài Gòn có mùa chò nâu xoay tít theo chiều gió rồi hạ cánh xuống đất. Đám con nít thi nhau gom từng đám chò nâu ôm vào đầy lòng, rồi tung lên không trung, ngắm nhìn say sưa. 

Hay mỗi khi phố xá chìm vào giấc 10 giờ tối cũng là lúc cha mẹ dọn hàng. Anh giăng mùng ngủ trên chính chiếc thùng đựng giày cao chưa tới 8 tấc, ngủ chung với đám mèo cùng canh chuột. Đúng 6 giờ sáng, anh tức tốc thức giấc để dọn hàng. Giữa cuộc giao thời, dù nhà còn nghèo khó nhưng vẫn luôn đầm ấm. 
***

Anh bắt đầu thấy buồn vì vẻ bề ngoài lẫn tính khí của mình. Có những ngày đi học, anh bị bạn đuổi đánh, bỏ chạy. Anh bị chọc ghẹo liên miên vì quá trắng trẻo, quá hiền lành. Cứ thế, anh lại càng dễ gây sức hút tới đám con gái, còn đám con trai thì nom anh chỉ thấy chướng mắt. Anh quan sát tất thảy chúng bạn và tự nhủ, anh không có nhu cầu kết bạn. Anh trở nên khó gần, lầm lầm lì lì. 

Cho đến một ngày định mệnh, không chịu nổi sự ăn hiếp triền miên của lũ bạn, anh ra tay. Chỉ đến lúc đó, anh mới phát hiện ra, mình đánh lộn cũng cừ lắm. Chưa khi nào anh thấy hào hứng xen lẫn cơn tức giận nổi lên gằn gặt như lần này. Một lần cho mãi về sau… 

Sau đó, anh không thể thoát khỏi cảnh phải đối diện với việc mời phụ huynh tới gặp giáo viên. Anh run sợ phát khiếp khi phải báo tin đó. Trên đường về nhà, anh tưởng mình sắp ngất, vì cha vốn rất nghiêm khắc. Hôm đó, mẹ gặng hỏi, cha chỉ bảo đó là chuyện con nít gây với nhau thôi.

Mãi về sau, cha mới kể lại sự tình: “Con tôi vốn hiền lành, không gây hại ai. Nhưng một khi nó đã phải kháng cự ai đó, thì mong quý vị xem lại. Tôi dám bênh vực, vì tôi hiểu con mình là người như thế nào. Nếu nó không bị áp bức tới mức phải phản kháng thì không có chuyện này xảy ra” - thật bất ngờ! Có vẻ cha hài lòng về trận thắng năm đó của anh, nếu xét cả về tình lẫn lý. Anh nổi tiếng vào năm lớp Bảy. Cũng từ đó, anh không còn bị ăn hiếp. 

Năm 17 tuổi, một lần nữa, anh phẫn nộ khi thấy em trai mình bị ăn hiếp, cơn tức giận lại dâng trào đỉnh điểm, thôi thúc anh phải ra tay, để em mình được bình an, vui vẻ khi đến trường.
***

Thời gian thấm thoắt trôi, sang đến những năm 90, gia đình anh bắt đầu khá giả, bắt đầu cảm thấy thoải mái. Và em chào đời. Song, cha mẹ anh vẫn cuốn mình theo guồng quay buôn bán. 

Anh vẫn nhớ nguyên tình tiết hồi em mới năm tháng tuổi ba mẹ đã giao cho anh ẵm bồng. Anh bất đắc dĩ trở thành anh nuôi chăm bẵm đứa em thơ toàn thời gian. Anh bối rối không biết dỗ dành đứa con nít hay khóc vì thiếu hơi mẹ. Em cứ lẽo đẽo theo anh. Tới khi có trí khôn thì em biết thể hiện tình cảm qua việc mua đồ đôi hay cái gì cũng đòi phải giống anh. Khoảng cách 10 tuổi không là vấn đề. Nhớ năm nào, em còn nhảy tót lên chiếc xe Honda, ôm lấy anh thật chặt từ phía sau, rồi gục mặt vào lưng anh, tiếp tục cơn ngủ còn đang ngái. Nghe bình yên dâng trong tâm hồn. 
***

Người ta ham kiếm tiền theo thói quen vì nếu không có tiền, chắc chắn cái khổ sẽ đeo bám. Nhưng khi có tiền rồi thì chưa chắc hoàn cảnh sẽ đưa con người ta cập bến hạnh phúc, mà có thể là những ngã rẽ không ngờ khác. 
Cha trở thành con người khác, say xỉn, chửi bới, đánh đập… Cũng từ đó, dẫu chung nhà nhưng thân ai người nấy lo. 

Có những đêm khuya, sau cuộc buôn bán lam lũ, mẹ con anh đành phải chịu chia cắt. Em trai tinh ý, khi nhận ra tiếng còi xe của bạn nhậu chở cha về, nó hớt hải chạy ra đón cha, vì cha thấy nó sẽ bớt quậy. Từ nhỏ, em đã biết hy sinh cho sự bình an của mẹ và anh. Cũng có nhiều đêm, cha nhậu xỉn về sớm, hai mẹ con anh bị nhốt ở ngoài, phải đi ngủ nhờ. Tới nhiều năm sau này, anh vẫn còn bị ám ảnh mỗi khi nhìn thấy căn nhà nào có ban-công. Anh nhớ mãi hình ảnh em trai đứng trên đó, mếu máo nhìn người thân ở dưới mà không dám khóc thành tiếng. 

Hình như cũng rất lâu, ba mẹ con anh đã không còn yên ổn dưới cái nơi gọi là mái nhà. Cũng từ lâu, anh không chấp nhận hoàn cảnh trên. Nhiều năm, anh dai dẳng thuyết phục mẹ - người đàn bà cam chịu.
***

Sau ngần ấy năm chịu đựng hết nổi, anh kiên quyết ép cha mẹ ly thân để chấm dứt khổ đau cho tất cả.

Ngần ấy năm, vẫn đi đi về về thấy nhau nhưng họ không có nhau. Rất nhiều khoảnh khắc trong đời, anh nhìn cha và tự hỏi, người này liệu có thương mình không và ngược lại. 

Suốt nhiều năm, cha cứ năm ngày một trận quậy nặng, ba ngày một trận quậy không hề nhẹ. Anh và mẹ phải trốn tránh trong mệt mỏi, đớn đau, muôn đắng ngàn cay. Còn em lại hay bị đem ra gây áp lực.

Anh không làm gì được cha. Thậm chí, có những ngày chạy xe trên đường, anh đinh ninh, hôm nay mình sẽ phải trái rõ ràng với ông. Nhưng rốt cuộc, anh không làm gì được. Chỉ cãi tay đôi, lớn tiếng vì quá nhiều điều vô lý từ người cha vô tâm. Chuyện cũng phải đành, anh sang nhượng tiệm giày cho người ta, rồi làm nhân viên văn phòng. Ngày đi làm, tối về lại chứng kiến cha phá đám. Nhiều đêm, anh xách xe đi lang thang, cho hết đêm dài. 
***

Dành dụm, tích cóp, rồi ba mẹ con cũng sắp mua được căn nhà riêng, thoát kiếp ở chung đọa đày. Đó là một niềm vui trong mùa cuối năm. Cũng trong năm đó, cuộc ly thân thành công. Chỉ riêng cha anh hình như buồn. Cha lên cơn quậy triền miên như không muốn sống thiếu mẹ con anh. 

Anh từng là niềm hãnh diện để cha kể trên bàn nhậu. Anh được học bổng Pháp và bày tỏ nghiêm túc về nguyện vọng du học. Cha chốt, chỉ “đầu tư” cho anh 1.000 đô la rồi qua bển tự sinh sống. Anh cay cú bỏ qua học bổng. Anh hận cha lắm!
***

Một buổi sáng, đang chuẩn bị đi làm, anh nghe tiếng rên trên lầu. Chạy lên thì thấy cha đã giật méo miệng, liệt nửa người. Anh gồng mình cõng cha xuống. Đó là lần đầu tiên, anh thấy mình gần gũi với cha nhất trong cuộc đời này. Anh kêu xe cứu thương nhưng cha nhất định không chịu. Cha cũng không cho anh đón taxi mà đòi anh chở bằng xe máy cho đỡ tốn kém. Cha ôm lấy anh sát rạt và thật chặt dọc đường đến bệnh viện. Nghe như có tiếng thở dài phía sau…

Tới bệnh viện, bác sĩ liền phán: “Lại là anh P. à, đưa ổng vào giường nằm đi. Mọi khi ổng nhậu xỉn, tự vô đây hoài” - hóa ra cha anh đã nhiều lần say xỉn đến độ bác sĩ quen mặt, quen bệnh tình rồi. Họ kêu, chỉ cần truyền nước biển là được. 

Cha mở mắt, nhờ anh mua cho hộp sữa, rồi dặn: “Về đi con. Chuẩn bị sửa sang nhà cửa, coi thợ họ mần sao cho kịp để Noel, tết nhất năm nay có nhà mới” thì anh cũng dạ vâng, tròn vai đứa con, ra về. Mẹ vào thay anh. 

Cuộc gọi từ phía nhà thầu xây dựng, hỏi ý kiến anh, có nên chuyển ngày thi công, vì thấy nhà anh đang có chuyện. Anh thản nhiên đáp, cứ thi công cho kịp. 

Chuông điện thoại vang lên. Mẹ báo tin, cha đã hôn mê sâu, đứt mạch máu não. Anh lập tức chạy vào bệnh viện thì đã tới đoạn phải ký thủ tục xác nhận để nhận cha về. Ông hưởng dương 49 tuổi.

Hôm đó, em trai đang thi học kỳ, không thể để lộ tin, vì sẽ khiến em rối bời. Cho đến khi cha được đưa về tới nhà, anh mới lặng lẽ tới trường báo tin cho em. Khi em về, mọi sự đã xong, em cũng không khóc ra tiếng, vì bàng hoàng. Có lẽ, nó thương cha nhiều hơn cả. Còn mẹ anh suy sụp hoàn toàn. 

Anh không nghĩ mình có thể quán xuyến bình tĩnh đến vậy. Những ngày tang tóc, anh bị người ta quở trách, rằng vô tâm, máu lạnh, bất hiếu… Anh hận.

Điển hình, anh vẫn hận cha cho đến tận ngày giỗ đầu. Mãi đến năm đó, anh mới hiểu, mới vỡ lẽ ra nhiều chuyện, mới ân hận. Đó là quá trình biến đổi kỳ lạ song cũng cần sự lý giải, từ các manh mối thân thuộc. Cha cũng giống như anh, nhịn nhục, cực đoan, không đủ khôn khéo, không bày tỏ được nỗi lòng… Cha ôm tất cả vào lòng để rồi biến thành con người khác, chối từ yêu thương.

Hóa ra, mọi chuyện khi đã vượt qua được, ta không còn sân hận như vẫn nghĩ. Giữa oán hận và tha thứ, ta phải chọn một.
***

Hai năm sau, chính anh là người ép em trai đi du học. Vốn ngoại ngữ của em chưa đủ nên em rất sợ. Em mếu máo nói với mẹ, con đậu tới ba trường đại học, sao anh bắt con phải đi nước ngoài. Nỗi sợ trong em lấn át. Nhưng anh lấn át em, đẩy em đi, để em phải lớn!

Anh gác lại công việc cả tháng trời để giúp em “làm quen” với việc du học. Anh dạy em từng kỹ năng để biết cách sống ở xứ người: đi tàu điện ngầm, đi siêu thị, nấu nướng, giao tiếp cơ bản… Lúc đó, em vẫn lẽo đẽo theo sau khiến anh phải gắt lên: “Em 18 tuổi rồi, đã đến lúc phải buông anh ra. Đừng để người ta nghĩ em giống anh! Em phải độc lập”.

Anh nhớ buổi chiều cuối. Em đứng trên ban-công tòa nhà, dõi theo. Anh đoán em đang khóc lặng. Ngồi trong taxi, anh cũng vội đưa tay lên mắt gạt đi mấy giọt nóng hổi. Bóng dáng em cứ nhỏ dần rồi mất hút. Gần 20 năm cuộc đời, lần này, em biết mình bị bỏ rơi thật rồi. Yếu đuối phải dồn nén xuống, để can đảm trồi lên, song hành. 
Anh đã thay em quyết định đúng đắn. Em đã vâng lời anh, không sai một bước. Tại môi trường mới, em sống hòa hợp, được mến thương, học hành “tới bến”, dốc tất cả say mê, hiểu biết vào lĩnh vực theo đuổi.
***

Một dịp, em về nước, trở về nhà xưa với mẹ, với anh. Em vẫn như trẻ thơ, nhảy tót lên xe cùng anh ra phố. Mẹ mắng yêu: “Sao không xuống đẩy xe phụ anh mà leo lên cho nặng?” - em chỉ cười khì, dụi đầu vào lưng anh: “Anh hai còn khỏe mà, mẹ cứ để anh lo cho con chứ!”.

Đó là khoảnh khắc dễ thương hiếm hoi trong đời mà khi đã ngoài 30, anh mới cảm nhận được sau cả một phần đời nhịn nhục, cực đoan, tiếc nuối, không bày tỏ được nỗi lòng…

Người ta coi gia đình là cộng đồng gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc giáo dục. Nhưng các mối quan hệ trong gia đình anh, tưởng như từng đứt lìa giữa những quãng đời. 

Anh chỉ thầm nghĩ, mình có nhà - nơi cuộc sống bắt đầu và vốn tình cảm căn nguyên nhất vẫn được hình thành, triển nở… 

Như lòng anh rồi cũng thấy bình an, khi về đến hiên nhà mình, thấy người mình thương. 

Trần Duy Thành 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI