1.
Thùy ngỡ ngàng nhìn hai vạch dần rõ nét trên que thử thai. Cô tựa hẳn vào vách tường nhà vệ sinh. Thùy là người mạnh mẽ nhưng trong lúc này, cô cần một điểm tựa để bàn chân mình không chênh chao trên mặt đất. Một tay cô đưa lên phần bụng vẫn còn nhỏ nhắn của mình, sờ trong vô thức.
Giọt máu mới vừa hình thành chưa mang lại bất cứ xáo trộn nào cho cơ thể Thùy nếu như trên tay cô không có chiếc que thử thai hai vạch càng lúc càng đậm màu kia, như chực chờ kéo cô về thực tại. Ngoài trời, gió ầm ào báo hiệu một cơn mưa. Bây giờ là mấy giờ, là mùa nào và Thùy đang ở đâu? Trong phút chốc, cô như người mất phương hướng không còn định vị được bất cứ điều gì.
-Có con à, càng thích!
Lâm - chồng Thùy - nói với Thùy khi cô vừa báo tin. Cô không soi gương nhưng hình dung ra khuôn mặt mình nhợt nhạt và những triệu chứng ốm nghén như vừa chụp lấy cơ thể gầy yếu của cô mà nhào nặn, bào mòn, những cơn nôn thốc tháo mật xanh mật vàng như đang đứng trước mặt cô chờ đợi với thái độ đầy ngạo nghễ.
- Nhưng làm sao mình nuôi được con ở hoàn cảnh này, trong khi anh thì thất nghiệp mà em sức khỏe cũng hạn chế, hai đứa con mình còn chưa tốt nghiệp cấp III?
- Lo gì!
Lâm chỉ nói vậy rồi tiếp tục dán mắt vào màn hình điện thoại, có thể anh đang chơi game, nhắn tin với bạn bè hay chỉ là đọc một thông tin nóng hổi nào đó.
Có con là niềm vui mà biết bao nhiêu người ngày đêm trông mong, chờ đợi, nhưng với Thùy thì ngược lại. Nếu nói rằng kinh tế gia đình Thùy có khá lên, lo gì chuyện không nuôi được thêm một đứa trẻ, cũng đúng. Bây giờ mọi thứ đã ổn định so với hồi Thùy có con đầu lòng.
Xung quanh Thùy người ta cũng không lo đến chuyện thiếu ăn, vì cả những người nghèo nhất ngoài kia cũng chưa ai phải đói. Nhưng bây giờ nuôi một đứa trẻ cũng không còn đơn giản chỉ lo ăn, lo mặc như trước. Đủ thứ nỗi lo trở thành gánh nặng oằn trên vai người phụ nữ. Mới nghĩ thôi Thùy đã thấy đuối sức.
2.
Thùy tạm đóng cửa hàng. Cô vào phòng, chốt hẳn cửa trong để tránh bị làm phiền. Cô đưa ngón tay đếm xem nếu đứa trẻ ra đời thì khi nó lên đại học, cô bao nhiêu tuổi. Khoảng gần 60. Mẹ Thùy cũng vậy, khi Thùy vừa tốt nghiệp đại học, còn hoang mang giữa dòng đời thì bố rồi mẹ lâm bệnh. Bố, mẹ lần lượt mất khi Thùy đang ở cái tuổi chỉ biết lo cho bản thân mình, cái tuổi vừa thoát ra khỏi những gò bó của trường lớp, sách vở, gia đình; cái tuổi bị hấp dẫn bởi những chuyến đi, chỉ muốn đi thật xa khỏi nhà, đâu hay biết bố mẹ ngày ngày mòn mỏi trông mình về.
Ở thời khắc sinh tử, giữa những tình thân có sự liên kết gì với nhau không? Thùy đã hỏi mình câu đó hàng trăm lần. Sao khi lúc bố qua đời, Thùy vẫn cùng nhóm bạn thân sau giờ làm việc ngồi quán lề đường ê a mấy bản boléro cùng ngón đàn bập bẹ của cậu bạn đồng nghiệp chưa nhận biết hết vị trí các nốt nhạc trên dây đàn. Sau đó, Thùy về phòng trọ ngủ thẳng cẳng mà tim chẳng nhói lên bất cứ nhịp nào lúc bố qua đời. Cả cái điện thoại tắt nguồn nằm im bên cạnh, không có bất cứ giấc mơ nào đi ngang đêm ấy cho đến sáng hôm sau. Khi Thùy về thì bố đã được tắm rửa, thay áo quần mới, hai tay bố để ngay ngắn trước bụng, đầu ngón chân được cột lại với nhau. Nếu tấm vải trắng đắp lên người bố thay bằng mền thì Thùy còn nghĩ bố đang ngủ.
Sau cái chết của bố, Thùy đã rút kinh nghiệm. Thùy muốn được nắm tay mẹ, đưa mẹ đi hết đoạn đường cuối cùng của cuộc đời. Thế nhưng cuộc đời như một thước phim mà nỗi buồn là mạch chủ đạo. Khi Thùy hối hả trở về nhà, chị gái nói với Thùy rất nhẹ: “Tay mẹ còn ấm đó em!”. Thùy nắm chặt lấy cánh tay còn ấm, hơi mềm của mẹ, cho đến khi cả tay của Thùy và mẹ đều cứng lên. Một bàn tay đã dìu Thùy ra nơi khác, để những thủ tục khâm liệm được diễn ra bình thường.
Thùy câm lặng và tự hỏi mình rằng, mẹ có đang trách Thùy không, khi mà Thùy chẳng thể nắm lấy tay mẹ ở giây phút cuối cùng? Một người họ hàng an ủi Thùy: “Là vì bố mẹ cố ý tránh con gái, để ra đi cho nhẹ lòng thôi. Con đừng nghĩ ngợi nhiều”. Thùy mong đó không chỉ là câu an ủi giúp cô bớt đau buồn với nỗi mất mát không có gì thay thế được.
Thùy đã mất bao nhiêu thời gian để bình tâm trở lại, đi tiếp đoạn đường chông chênh không còn cả bố lẫn mẹ ở cái tuổi ngoài 20? Rồi đứa trẻ trong bụng Thùy được sinh ra cũng sẽ phải một mình vò võ như vậy. Thùy hoàn toàn không muốn tình cảnh ấy lặp lại với chính đứa con vừa tượng hình trong bụng cô.
Thùy thả trôi suy nghĩ với những câu hỏi không tìm ra lời đáp của mình cho đến khi chiều chầm chậm buông thì chợt nhớ còn phải đi đón con, một đứa học bán trú và một đứa học Anh văn ở trung tâm. Trước khi đi, Thùy còn tranh thủ cắm nồi cơm điện, lấy ít thực phẩm trong tủ lạnh sơ chế, để lát hai đứa về, trong lúc chúng tắm rửa thì Thùy đã nấu xong bữa cơm chiều nóng hổi cho cả nhà.
3.
Thùy rời khỏi bệnh viện với cái hẹn sẽ trở lại sau hai tuần. “Lúc đó mới làm được” - vị bác sĩ nói với Thùy mà chẳng kịp nhìn vào mặt cô vì quá bận. Mà cũng chẳng nhìn làm gì, một ngày phải giải quyết bao nhiêu trường hợp tương tự, chẳng còn chỗ cho tâm tư, tâm trạng. Thùy vẫn thấy có chút hụt hẫng, cô còn mong vị bác sĩ kia cầm lấy tay mình mà vỗ về gì đó, hay chỉ là hỏi: “Em suy nghĩ kỹ chưa? Em nên cân nhắc…”.
Trước khi đến bệnh viện, Thùy đã nghĩ đến mẹ chồng. Liệu có nên báo cho bà một tiếng không? Rồi bà sẽ khăng khăng cản Thùy, không cho Thùy làm cái việc mà cả Thùy cũng thấy là nhẫn tâm kia. Rồi Thùy sẽ phải nói sao? Chẳng lẽ nói toạc ra: “Phải chi chồng con chịu đi làm, có nguồn thu nhập thì con đã không phải nhẫn tâm như thế này…”.
Bà sẽ nghĩ, à thì ra nó suốt ngày trách móc chồng như vậy, giờ làm cái việc thất đức còn đổ thừa cho chồng, có người vợ nào như vậy không? Thùy đã phải mất bao lâu để làm quen với việc bất cứ người mẹ nào cũng lăn xả ra mà bênh con mình. Dù nó có sai, có lười biếng, có bất tài đến đâu chăng nữa, họ vẫn tìm ra những ưu điểm để bênh con. Nhiều lần tủi thân Thùy nghĩ, may mà bố mẹ Thùy không còn chứ nếu còn, họ sẽ đau lòng nhường nào khi thấy Thùy của hiện tại.
Nhưng thôi, nặng lời với nhau làm gì, hơn thua nhau có được gì? Mẹ chồng Thùy cũng lớn tuổi, như ngọn đèn trước gió chưa biết tắt khi nào. Thùy có chịu thiệt một chút cũng vì chồng, vì con Thùy chứ ai đâu xa lạ.
Thùy trở về nhà, mang theo mớ ngổn ngang trong lòng khiến cô chẳng thể tập trung làm gì. Thùy chẳng buồn mở cửa hàng, cô tranh thủ sắp xếp đồ đạc cho gọn lại. Trong lúc Thùy đang khom lưng dọn dẹp mấy cái tô, chén Lâm ăn khi sáng còn chưa dọn thì Hằng tới. Bao giờ câu hỏi đầu tiên của Hằng cũng là: “Anh Lâm vẫn ở nhà vậy à?”. Nhưng đó đã là câu hỏi dễ chịu nhất của Hằng từ trước đến nay. Câu lúc trước của Hằng là: “Thùy vẫn chưa bỏ lão đó à?”.
Thỉnh thoảng hai đứa cãi nhau đỏ mặt tía tai về đề tài những ông chồng, mà chủ yếu là chồng Thùy. Thùy hiểu Hằng xót Thùy, chỉ muốn cô mạnh mẽ lên một lần để dứt khoát với Lâm. Sẽ chẳng có bất cứ ông chồng nào vô tâm như Lâm ở trên đời nên cho dù sau này Thùy cùng đi với ai, người đó cũng sẽ hơn Lâm gấp vạn lần - Hằng luôn nhấn mạnh với Thùy điều đó.
Thùy biết và tủi thân nhiều chứ. Bất cứ người phụ nữ nào cũng mong có người đàn ông bản lĩnh, sâu sắc và biết yêu thương ở bên cạnh, nhưng biết trách ai khi chính Thùy đã chủ động ký vào tờ giấy kết hôn chứ nào phải ai khác. Lâm cũng không phải một đứa trẻ để Thùy có thể uốn nắn hay thay đổi. Vả lại, sống với nhau lâu, không thể nói bỏ là bỏ được. Nếu mọi thứ có thể rạch ròi như vậy thì tốt quá. Lâm luôn tự hào kể về vợ với mọi người, cả trước mặt lẫn sau lưng Thùy, với nét mặt hớn hở của một đứa trẻ ôm trong lòng món quà mà nó quý. Thùy không nỡ nhẫn tâm tước đi món quà đó trong nỗi hụt hẫng của một đứa trẻ.
Thùy quyết định không nói với Hằng về giọt máu đang hình thành trong bụng mình. Cô không muốn Hằng tiếp tục phải lo lắng cho cô. Cái cảm giác không thổ lộ được với ai khiến Thùy bức bách tột độ.
Một ngày nắng hanh hao, Thùy đưa tay xé tờ lịch cuối cùng của cái hẹn hai tuần.
4.
Thùy thấy mình đi sâu vào một khu vườn, càng đi càng có cảm giác quen thuộc. Có một lối đi rẽ đôi khu vườn với những vết chổi chà vừa mới quét hoặc quét đã lâu nhưng chưa có bàn chân nào xóa dấu. Căn nhà trong ký ức tuổi thơ hiện lên, phía cuối khu vườn là những chạng ba của nhánh ổi, nơi mà ngày còn nhỏ Thùy hay ngồi chơi rồi ngủ quên trên đó. Mọi thứ vẫn còn nguyên sơ, cả cơn gió thỉnh thoảng xào xạc trên những tán lá, làm thành giai điệu của thiên nhiên, vỗ về giấc ngủ Thùy mỗi buổi trưa hè.
Đi thêm một đoạn, Thùy đến mảnh vườn rau củ mà hồi còn nhỏ, mỗi lần tìm mẹ là Thùy chạy thẳng đến góc vườn này. Khi đó, mẹ đang khom lưng nhặt mấy nhánh cỏ mọc xen kẽ những luống rau, bẻ đậu hoặc hái những trái cà chua vừa kịp ngả sang màu đỏ trong cái nắng vàng óng ả…
Lần này mẹ chỉ ngồi, vẻ như đang đợi Thùy tới. Khi ấy, Thùy đã kịp hình thành thói quen đưa tay xoa bụng mình, dẫu bụng cô vẫn chưa đủ thời gian để gồ lên. Có phải mẹ đã biết rồi không? Thùy chờ đợi mẹ lên tiếng trước nhưng bà chỉ nhẹ nhàng nắm lấy tay Thùy, nhỏ nhẹ: “Cháu của bà đến với con không đúng thời điểm, vậy thôi để cháu đi với mẹ”. Mẹ nói nhẹ tênh, như một việc bàn giao mà không cần tranh cãi hay đắn đo. Khi ấy, Thùy cũng nhẹ nhàng gật đầu như thể đó là sự lựa chọn duy nhất.
Thùy còn ngồi với mẹ thêm một lát nữa. Cả hai chẳng ai vội vàng gì, cũng chẳng còn những thắc mắc mà cô đau đáu đi tìm câu trả lời khi mẹ mới qua đời, cả nỗi nhớ thương mẹ mà bao năm nay Thùy canh cánh bên lòng, cô cũng đã thấy nhẹ tênh.
Thùy choàng tỉnh sau tiếng chuông báo thức. Hôm nay, con gái Thùy đi thi sớm, cô phải dậy để chuẩn bị kịp bữa sáng đủ dinh dưỡng cho con. Bên cạnh Thùy, Lâm ngủ say sưa, điện thoại vẫn cầm hờ hững trên tay.
5.
Vị bác sĩ thốt lên kinh ngạc:
- Không hề có dấu hiệu mang thai.
Rồi ông ngả người hẳn ra chiếc ghế đệm. Những câu hỏi muốn bật ra nhưng kịp ở lại bên trong vẻ ngoài của một người đĩnh đạc. Bằng đó năm trong nghề, ông ít khi nào có những chẩn đoán sai hay những lầm lẫn tương tự. Vậy thì vì đâu? Ông nhìn qua Thùy, Thùy cũng đang chìm đắm trong giấc mơ lạ lùng đêm qua.
Rất nhanh, cô giữ lại vẻ bình thản vốn có của mình. Nét mặt của Thùy khiến ông phần nào bớt hoang mang khi nhìn qua cô. Nhưng Thùy cũng không hiểu được vợ bác sĩ đang nghĩ gì, chỉ biết là ông vẫn trong trạng thái hoang mang, chưa có tinh thần để mời bệnh nhân kế tiếp. Dường như có điều gì đó đã xảy ra, làm ngưng đọng lại mọi thứ.
Thùy đi như lướt qua những dãy người chen chúc trong bệnh viện, những thanh âm ở lại phía sau. Tất cả đều nhẹ tênh, như cách mà con rời xa Thùy, cũng nhẹ tênh đến độ tim cô chẳng kịp nhói lên bất cứ nhịp nào ở thời khắc ấy.
La Thị Ánh Hường