Má biết anh Út sẽ lại nói bận, nên má nói phủ đầu trước. Má cười khà, tụi bây rảnh thì về không thì thôi, lo làm công chuyện cho xong đi. Năm nay tao có khách tới chơi đông lắm, hủ hỉ ba ngày tết cũng vui rồi - anh tưởng tượng bên đầu dây má đang cười móm mém, nghĩ vậy cũng đỡ thấy áy náy tự trách mình.
Anh có muốn đâu nhưng tết cũng là dịp bận rộn nhất. Mọi người nghỉ về quê ăn tết thì phải có người ở lại lo phần việc tồn đọng, nhất là công ty anh phân nửa vốn nước ngoài, họ đâu có nghỉ tết như mình. Anh xếp được việc này thì lại ló việc kia, xấp hồ sơ cần giải quyết trên bàn cứ dày thêm chứ chẳng chịu vơi, rồi làm sao về được.
Không về anh cũng buồn chớ. Tết mà, người người kéo nhau về hết rồi, công ty chỉ còn lác đác vài bóng người. Những người cuối cùng này lòng cũng nhen lửa nóng ruột mong xong việc cho rồi để còn co giò vọt về nhà sớm. Chỉ có anh, dù ráng cỡ nào cũng phải qua mùng Ba mới về được.
|
Ảnh: khắc HIếu |
Đứng dậy vươn vai vài cái cho đỡ mỏi, anh đi rót thêm ly cà phê. Cà phê đen đậm đặc mới sống sót nổi qua những đêm trắng chạy đua với số liệu cứ nhảy nhót đan cài. Nhấp một ngụm, chất đắng chát thơm nhẹ thấm vào người, anh cho phép mình nghỉ ngơi đôi chút. Anh liếc qua khung cửa kính, thấy bờ kè dọc sông bông kiểng đã chất lên đầy. Chợ bông vẫn họp ở đó như mọi năm. Những vạn thọ, cúc mâm xôi, mai, hướng dương… như gom nắng của nhiều ngày lại, bừng sáng cả góc đường trong đêm. Hồi nhỏ, anh hay đòi má mua một cặp vạn thọ đặt trước nhà, để được bận áo đẹp ra tạo dáng chụp hình. Nhớ lại thấy mắc cười gì đâu, sao hồi đó mình ngộ quá xá ngộ.
Gõ gõ tay vào tấm cửa kính, anh thấy sự náo nhiệt ngoài kia cách mình quá xa. Kể cả cơn gió bấc đang chảy riết róng ngoài đó, có thể đang áp rất gần cửa sổ, anh cũng không chạm được. Trong phòng chỉ có cái lạnh nhân tạo thổi phà phà từ máy điều hòa, muốn thì tắt đi nhưng ở trong cảnh cô đơn này cũng gợi ít nhiều chao chát. Anh nhấp thêm ngụm cà phê, quyết định gọi hỏi mấy anh chị coi có ai về ăn tết với má không. Anh gửi tiền mua vài cái áo ấm cho má, nghe nói năm nay lạnh hơn.
Anh thở dài, ai cũng trả lời chưa biết, để coi sao. Nghe y chang năm ngoái; nghĩa là ai cũng bận, không về. Hình như năm ngoái nữa cũng y vậy. Bỏ má một mình ăn tết mà coi được đó. Vừa bực tức vừa xót xa, chợt anh tự hỏi khách của má là ai. Chắc là cô Tư, chú Ba, bác Sáu vòng vòng trong xóm. Mà nhiêu đó đâu gọi là đông. Với lại ngày nào họ cũng qua nói chuyện chơi với má, thân thuộc nếp nhà còn hơn anh, coi là khách hình như cũng đâu đúng lắm.
Nhớ có lần má nhắc mấy người bạn học chung hồi cấp III, chắc mấy người đó rảnh rỗi về thăm rồi ở chơi với má. Má cũng hay nhắc cô Năm Tửng nào đó, má quen hồi đi đám cưới bên An Giang, cô chỉ má mấy bài thuốc trị đau lưng hay tài tình. Còn ai nữa, ai có thể là khách của má? Anh lục lọi trong trí nhớ, mờ mịt những cái tên và gương mặt người phủ lớp sương dày. Bầy con của má lớn rồi, đâu còn chịu ngồi nghe má kể này nọ để kịp nhớ bạn bè của má là ai…
Có khách vầy kiểu gì má cũng bày vẽ nấu đủ món cho coi. Má sẽ làm củ kiệu lủ khủ, phơi ngập trong sân trắng ngời. Má sẽ sên mứt dừa, gói bánh tét, nấu một nồi thịt kho bự chảng ăn tới ra rằm tháng Giêng mới cạn. Biết cực đó, mà má vui. Anh tưởng tượng má cứ cười luôn miệng, khi mân mê cặp dưa hấu, chọn con gà mái, luộc chục hột vịt, cắn dây cột lá chuối gói bánh. Gặp ai má cũng níu lại, khoe nhà năm nay có khách. Không biết má có vui bằng một năm nào đó, anh chỉ còn nhớ mang máng, anh nói sẽ về sớm đón giao thừa với má. Mặt má có bừng sáng không, mắt má có hấp háy vui không? Chà, rồi ai sẽ chở má đi mua đồ, phụ má phơi củ kiệu, phơi chuối, lăng xăng đi cắt lá dứa, rọc dây?
Má sẽ một mình loay hoay với nhiêu đó việc, quen miệng kêu con Ba đâu lấy giùm má hũ đường, thằng Út đâu chạy mua cho má mấy ống vani. Để rồi nhận ra má chỉ có một mình, chới với cùng niềm vui đặt ở tương lai còn hiện tại thì quạnh quẽ. Với sự hớn hở đầy chờ mong đó, lỡ khách bận chuyện gì không tới, chắc má hụt hẫng dữ lắm. Ngôi nhà ê hề bánh mứt mà chẳng ai ăn càng đối lập với sự cô đơn của một bà lão lủi thủi. Như năm đó, anh chị hẹn về mà phút cuối lại xin lỗi vì bận, anh đã thấy má lén lau nước mắt.
Thấy anh cứ trầm ngâm đứng nhìn gì đó ngoài cửa sổ, thằng bạn phòng bên tới vỗ vai làm anh giật mình. Anh mải suy nghĩ không hay nó đứng kế bên từ hồi nào. Hỏi thăm vài câu bâng quơ, tự nhiên nó chuyển chủ đề sang chuyện ăn tết. Thằng khỉ, đã không được về nhà còn nói mấy chuyện này cho buồn thêm. Nó kể dưới quê giờ đa cấp hoành hành dữ lắm, có mấy ông bà già bị gạt bán nhà không còn chỗ ăn tết nữa kìa.
Anh ực hết ly cà phê, cố dập sự lo lắng đang cồn lên trong lòng. Không biết khách của má là ai… Tính má thiệt thà, sợ bị người ta dụ. Có khi những người khách của má là cả một nhóm đa cấp. Dám lắm, má nói đông mà. Anh cắn môi, suy tính. Có cách nào thu xếp để về nhà với má không?
***
Dù đã cảnh báo nhưng anh chị vẫn kiếm cớ đùn đẩy. Anh Hai nói chị Ba chắc rảnh hơn, chị Ba kêu chị Tư gần nhất dễ đi, chị Tư lại nói chắc anh Năm đang được nghỉ phép. Đổ trách nhiệm không được, họ chuyển qua trách anh, lôi câu “giàu út ăn nghèo út chịu” cũ xì ra nói. Thấy anh nổi sùng, anh Hai lẹ làng tìm lời vuốt giận, kêu anh thu xếp về coi má. Công việc lỗ lã gì anh chị bù cho, sẵn gửi thêm một mớ để sang năm chú Út còn đi hỏi vợ.
Cực chẳng đã, anh đành về. Sớm mấy chắc cũng chỉ kịp đón giao thừa với má, không sớm hơn được. Anh nhờ người đi mua áo ấm, bánh kẹo sẵn. Phải có thời gian, anh sẽ tự tay lựa mua đồ cho má.
Anh không cho má hay, định sẽ làm má bất ngờ. Về đột xuất cũng có cái bất tiện, nhà không lớn lắm, lỡ khách của má đông quá anh biết ngủ chỗ nào. Thôi kệ, chắc có nhà nghỉ gần đó, dù gì cũng sát thị trấn mà. Chủ yếu chỉ cần má vui là được.
Chiếc xe chở anh với lủ khủ đồ đạc đi thẳng về quê. Quẹo qua ngã ba có cây keo đã chết khô từ bao giờ, đi thêm vài cây số nữa quẹo lần hai là tới nhà. Giữa đường, anh thấy má khệ nệ bưng một bao chừng nặng lắm bước ra từ tiệm tạp hóa của dì Ba. Chắc má mua thêm gạo nếp, để dành tết nấu xôi chè đãi khách.
Tự nhiên anh muốn đi bộ theo sau má. Anh xuống đây được rồi, xách theo đồ đạc đi từ từ, giữ khoảng cách để má không hay. Hơi nặng một chút nhưng không sao, đường về nhà cũng ngắn.
Anh nhớ hồi còn nhỏ, anh hay lẽo đẽo theo má đi chợ như vầy. Lúc đi thì bước này rượt bước kia, lúc về đòi mua đồ chơi không được, giả bộ giận đi tuột lại xa tuốt đằng sau. Má làm như vô tâm không thèm ngó nhưng chân vẫn cố bước chậm để thằng con theo kịp. Đoạn nào vắng quá, má sẽ giả bộ la mấy câu, ai về trước được ăn chè, vậy là anh sẽ lại mừng rỡ co giò chạy. Còn bây giờ, có chờ ai đâu mà má vẫn đi chậm quá.
Lâu lắm rồi anh mới có dịp nhìn má từ phía sau. Thảng thốt, trong anh như có bầy tôm đang búng tanh tách, làm bụng buồn quặn. Má già đi nhiều. Tóc bạc hết mái đầu. Lưng má còng đi, lom khom như một dấu chấm hỏi, thể như đang hỏi mấy đứa con mình giờ đang làm gì, có khỏe không, chừng nào về… Anh nửa muốn đi riết riết lên phụ má, nửa muốn để vầy cốt giữ cho niềm vui bất ngờ của má được trọn vẹn.
Chợt, anh nghe ai đó kêu tên mình. Chết rồi, chú Năm đi ngược chiều nhận ra anh. Anh nháy mắt, khẽ đưa ngón trỏ lên miệng suỵt một tiếng, chỉ chỉ về phía má. Hiểu ý anh, chú Năm cười tươi quay đầu ngóng coi má anh đi khuất khuất rồi mới nói chuyện.
Sẵn có chú Năm, anh hỏi thăm coi hổm rày má ở nhà sao. Anh cũng hỏi dò coi chú có biết khách của má là ai không. Chú lắc đầu, đâu nghe má bây nói gì. Chú cũng nói không thấy má sắm sửa nấu nướng gì ăn tết, hỏi thì má kêu có ai ăn đâu mà nấu. Má nói mua chút bánh mứt, đặt hai đòn bánh tét, kho một nồi thịt nhỏ là đủ cho thân già này rồi. Chú Năm vỗ vai anh, kêu rảnh mai ghé chú nhậu chơi, lâu mới thấy về. Rồi chú vừa đi vừa hát, thẳng hướng dì Ba tạp hóa mua nước mắm giùm vợ, bỏ lại anh ngẩn ngơ với câu hỏi: “Khách của má là ai?”.
***
Anh gọi cho anh chị, kêu mọi người sắp xếp coi về ăn tết với má. Bận bịu gì cũng về, đừng viện cớ nữa. Anh Hai bực, nạt không phải má có khách tới chơi rồi sao. Chị Ba kêu chú Út lo giùm, chớ chị còn kẹt. Anh bực mình, cúp ngang không nói thêm gì nữa, gửi cho từng người hai đoạn video ngắn.
Đoạn đầu, anh bật camera bỏ trong túi, định quay gương mặt mừng rỡ của má lúc hay anh về cho anh chị coi. Nhưng đó là mấy phút sau, còn lúc đầu nó quay được trọn vẹn gương mặt khác của má, lạ lẫm ngó nhìn anh từ sau bếp, kêu tui đang lỡ tay, chú em chờ chút nha. Anh đứng chết trân lúc đó, má bước ra, tay chùi vô áo, kêu chú em kiếm con tui hả, tụi nó chắc hết mùng mới về, hôm qua chuột kêu báo nhà có khách thiệt linh ghê. Tới khi má tới đủ gần và anh nghẹn ngào kêu một tiếng “Má”, má mới nhận ra anh. Nước mắt má rớt xuống, tay chân run lập cập bước tới ôm chầm lấy thằng Út của má. Anh cũng khóc, vì nhận ra mắt má đã mờ đi nhiều. Đoạn video này, anh nhắn thêm đừng để mình trở thành khách trong chính căn nhà của má.
Đoạn video thứ hai, quay cảnh má chơi với mấy con mèo. Cái bao má đem từ tiệm tạp hóa về là thức ăn cho mèo, má gửi dì Ba mua trên tỉnh. Má kể tụi nó là mèo hoang, ban đầu có một hai con hà. Má đem cơm nguội chan nước cá kho ra cho ăn, chắc ăn được nên rủ bạn bè lại. Tụi nó ngoan mà khôn dữ thần, tới giờ cơm là chạy qua kiếm má.
Má đặt tên cho từng con, con này là bé Na, con kia là bé Xoài, con đốm đen là Mận. Còn năm con má cưng nhất, hay ở chơi lâu với má, má đặt lần lượt là Hai, Ba, Tư, Năm và Út. Má nói có tụi nó loanh quanh cũng đỡ buồn. Bữa đó trời sẩm tối, nhà chưa bật điện, ánh sáng hất vào chẳng đủ sâu. Má ngồi bên hàng ba, nửa trong ánh sáng nhập nhoạng buổi chạng vạng, nửa như lẩn khuất trong bóng tối, cho bầy mèo ăn. Má ngồi giữa mấy con mèo, rì rầm nói chuyện với chúng như thể nói chuyện với mấy đứa con mình.
Má vuốt đầu con lông xám tên Hai, kêu gió bấc về dày rồi, mày yếu trong người nhớ bận ấm ấm nha con. Má ôm con mèo tên Ba, kêu bên chồng có la rầy gì thì về kể với má, đừng ôm ấm ức khóc mình ên hoài. Anh Út vuốt nước mắt, quay đi trước khi nghe tới tên mình. Hình như cô đơn khiến má gửi gắm cả tâm tư nương nhờ những con mèo hoang. Đoạn video này, anh nhắn thêm: “Khách của má đó”.
Lát sau, cả bốn anh chị đều nhắn trả lời sẽ bắt xe về liền. Phải vậy chứ, tết là dịp sum vầy mà. Nhưng anh Út quyết định không nói với má. Anh giữ bí mật này, cho má trọn vẹn bất ngờ lần nữa. Lòng anh chấp chới vui, như bầu trời ngập cánh én, nắng ấm và mai vàng, khi tưởng tượng má ôm từng đứa con vào lòng, miệng cười móm mém.
Phát Dương