Truyện ngắn: Hương khói

20/07/2021 - 18:45

PNO - Khói bếp bay vô mắt bà. Thứ mùi khói thơm thơm khiến người ta hổng khóc mà xốn con mắt.

Bà Hai Bông buông chén cơm còn hơn nửa xuống mâm, gác đôi đũa lên rồi bước sang bộ ván trà, kéo cái bình tích hãm khổ qua rót ra ly, uống từng ngụm nhỏ. Cơm canh vợ Hai Sơn nấu ngon lành, hợp khẩu vị bà với món canh chua tép bông so đũa và cá bông lau kho tộ mà miệng bà hôm nay như nhai rơm đắng, nuốt hổng vô. Từ chiều qua tới giờ, lòng bà nóng như có lửa. Thằng Ba Khía lắc lắc cái đầu ngăn ba nó đang định cất tiếng cằn nhằn bà lại bỏ bữa, bà thấy hết.

Bà biết, sự bồn chồn khiến bà ăn không ngon miệng, ngủ không ngon giấc làm cả nhà buồn lây. Nhưng biết làm sao khi bà thương con Thủy còn mắc kẹt trên thành phố. Mấy nhà quanh ấp, con cái cháu chắt người ta về đủ. Chỉ có nhà bà… Tất cả tại anh em nó. Đứa nào cũng cố chấp mà thành sứt mẻ, không thèm dòm mặt nhau gần chục năm trời. Ở tuổi bảy mươi như bà, còn gì đáng buồn hơn chứ!

Bà với chiếc quạt mo cau cuối giường, tiện tay lật đầu chiếu lấy ra tấm hình gia đình con gái bà chụp bữa tết. Thằng con rể bà bản tính lầm lì ít nói, bữa đó cười toe toét khi với được cả chùm vú sữa chín nứt bà giữ để dành chờ nhà nó. Hai đứa nhỏ cười ngoác mang tai, ăn vú sữa mà như đang thưởng thức sơn hào hải vị. Con gái bà ngời ngời hạnh phúc. Mắt bà cay cay. Bà nhớ tụi nó quá! Mà bà cũng ngại nên đâu dám ỉ ôi kêu tụi nó về. Bà ngại cái nhà tắm gác lá dừa nước, có bể nước giếng chưa lọc khiến tụi nó ngại tắm. Bà ngại mâm cơm gia đình dọn ra mé hiên chiều nước lên gió ngược đồng, ruồi vo ve khiến bọn nhỏ sợ… Bà ngại ngần nhiều thứ lắm mà bà giữ trong lòng. Nỗi nhớ với nỗi ngại ngần cứ xâu xé khiến bà ăn ngủ không yên.

Thằng Ba Khía ồ ồ với cha nó ở nhà ngoài, bà nghe tiếng được tiếng không nhưng vẫn hiểu hết ý thằng nhỏ. Cái thằng lanh khôn rắn rỏi sáng trí y như cô nó. Không có nó hiểu ý bà, không có con Bần lúc nào cũng tò tò một tiếng nội ơi, hai tiếng nội à với bà thì bà chẳng thèm dòm thằng cha chúng rồi. Sao mà nó có hai đứa con y chang ông bà. Có tụi nhỏ vậy mà nó cố chấp không chịu hiểu lòng bà chứ. Cái quạt mo cau cứ đập phành phạch vô đầu gối dù bà không thấy nực. Bà nghe tiếng ti vi nhà ngoài đang hát tuồng Hương cau quê ngoại. Giọng Lệ Thủy như vuốt ve gan ruột bà, ru bà chập chờn vô giấc ngủ mỏi mệt.
***

Hai Sơn ngồi bệt trên thân cây dừa đuông phá mới đốn mé ao. Tiếng côn trùng đón mưa lớn hơn thường khi. Lâu lâu, có tiếng búng nước mé bìa trồng môn của lũ chàng hiu. Mới mưa có hai cơn mà đám môn tốt um. Ngó môn nấu cháo bò bằm, thêm xíu mắm ruốc lúc còn bốc khói là món con Thủy khoái nhất. Mỗi lần về, thế nào nó cũng nhắc rồi nuốt nước miếng, làm như ở phố nó đói dữ lắm, làm như ở trển hổng có thứ đặc sản nào qua được cái món quê mùa đó.

Anh nhớ cái năm nó đậu thứ nhì trường Ngoại thương, má mừng hết lớn kêu hạ con heo thịt tính chờ giỗ ba làm cơm mừng nó. Lúc đó, con nhỏ gạt đi, đòi anh Hai nấu món cháo môn thịt bò mà phải có đuôi bò hầm chung. Nó đã ăn nồi cháo đó trong hai ngày trời, nói để cho ngán đi, cho mỗi khi nhắc tới cháo môn bò bằm nó sẽ không còn thèm thuồng nữa trong 5 năm đi học. Anh thừa biết nó muốn giữ bằng được con heo để làm giỗ ba mà không để má và anh áy náy.

Nó đi Sài Gòn, biền biệt thân gái quê mới lớn trên đó mà hổng hiểu anh Hai nó vừa thương nó vất vả, vừa lo nó không được an toàn, vừa xót nó cực khổ đi mần gia sư rồi làm bưng bê quán ăn tự kiếm tiền học hành sinh hoạt. Làm như nó chê anh quê mùa hổng hay hổng biết mấy ở trển, cái khổ cực nhịn nhục, nhịn miệng mà mỗi lần về chớp nhoáng nó toàn lẻo mép khoe nó có dư tiền biếu má vậy. Nó kiên quyết không nhận tiền anh đưa, nói nó biết anh thương Tư Xuyến lâu rồi, còn không lo tiết kiệm mà cưới người ta, lỡ ai giành mất đâm hận đời rồi dẫn má lên chùa ở là nó mất gia đình. Anh đành thua cái tính ngang bướng của nó.

Khi nó học năm ba, anh cưới Tư Xuyến. Lúc nó học năm cuối, thằng Ba Khía ra đời. Rồi nó đi làm, ở lì trên trển, năm về đôi lần thì lớp lo quà cho cháu, lớp lo cho má, lo cả tiền sắm lại bộ nữ trang y bộ nữ trang cưới má đã bán đi làm tang ba. Anh mỗi ngày một tủi thân và thấy có lỗi với nó hơn, lại càng xa nó hơn khi chẳng giúp được gì cho em gái. Rồi cái nhà ba cất đến lúc cần thay đổi.

Con Bần ra đời, cần cái nhà tường chắc chắn thay cho liếp vách. Anh và vợ lẳng lặng vay mượn rồi làm, không cho má nói với nó mà không hiểu sao nó lại hay, đem tiền về đưa anh trả nợ. Hổng biết anh ăn phải giống gì mà hôm đó anh la nó thậm tệ. Không rõ do mặc cảm anh không bằng được em gái hay cảm giác có lỗi vì thiếu trách nhiệm với nó nhiều hơn. Con nhỏ bỏ về thành phố sau khi nói đúng một câu:

- Hai mần nhà này là mần cho cả nhà mình hay mần cho riêng Hai mà chê tiền của tui? Bộ Hai hổng muốn tui về ở nhà này nữa sao mà làm vậy? Hai ngon thì mần sao cho má vui, chị Hai và hai đứa cháu tui có nhà chắc chắn để ở nhưng đừng bắt họ lo vì món nợ thiên hạ. Còn hổng thích cho tui ở chung thì từ nay tui hổng về nữa, mai mốt tui về rước má lên trển với tui đó.

Nó nguây nguẩy đi, má khóc dữ một trận buộc anh phải mang số tiền nó đưa đi trả nợ liền. Con nhỏ lanh như quỷ, nó tính sao vừa y nên khi mần nhà xong, anh thảnh thơi phơi phới. Lứa heo trúng, anh mua được đồ đạc trong nhà đầy đủ. Cuối năm dỡ vụ cá lại trúng mùa măng cụt, anh chớp cơ hội mua thêm miếng ruộng kế miếng ruộng của nhà để cấy đầy hai vụ… Cứ vậy rồi khi nó dẫn thằng chồng về ra mắt, anh cũng chưa lo được cho nó thứ gì. Vậy nhưng nhà thì không còn thiếu hụt, má khỏe ra và hay cười hơn.

Vận tốt không ở lâu. Liên tiếp ba vụ cá và heo cùng bệnh dịch ngay lúc bụng nó lùm lùm đứa con đầu. Anh kiên quyết không nhận thêm một đồng nào từ em gái nữa. Có lẽ nó hiểu anh nên không ép mà tìm hướng gỡ cho anh lúc bí bằng cách hướng dẫn vay ngân hàng lãi suất thấp và tìm đầu ra trên thành phố bao thầu toàn bộ gà vợ anh nuôi. Nó chỉ cả cách tranh thủ nuôi thỏ và vịt trên vuông vườn. Năm đó, nhờ năng suất cao và các vật nuôi xuất chuồng nhanh, quay vòng liên tục, vợ chồng anh không những trả hết nợ mà còn dư chút ít. Vợ anh một tiếng cô Út, má anh một tiếng con Thủy khiến anh càng mặc cảm với em gái hơn.

Rồi nó dẫn chồng con về ở thường hơn, từ đây lòi ra cái sự nếp sống quê - phố giờ trùng trùng khác biệt khiến anh khó chịu. Mấy đứa nhỏ ở phố chân hổng quen mùi đất, da hổng quen nước giếng. Nhà nó về là rần rần bữa đầu, bữa sau bí xị. Ngay cả nó cũng không còn quen nếp quê nữa. Nó bàn với má và vợ anh xây thêm chái nhà, lắp cái điều hòa phòng mấy ngày nắng gắt để má và mấy đứa nhỏ nằm ngủ, tiện xây cái nhà vệ sinh như trên thành phố dính liền nhà tắm vòi sen gắn máy nước nóng má tắm cho khỏe. Má và vợ anh rất vui còn anh thì chạnh lòng quá. Phần vì thấy mình thụ động kém cỏi, phần vì thấy như nó đã không còn là đứa em gái bé bỏng ngày nào.

Mấy lời thằng Ba Khía mới nói khi nãy làm anh suy nghĩ. Thằng nhóc hỏi anh có biết nhà trên phố họ mở cửa như thế nào không. Rồi nó tả cho anh rằng chỉ cần cầm tấm nhựa như cái thẻ ngân hàng của vợ anh quẹt qua miếng kim loại có gắn cái gì kêu cái tít là cửa mở; còn khi đi ra ngoài, chỉ cần kéo cửa cho phát ra tiếng nhạc là nó tự khóa. Rồi nó hỏi anh về đám rờ-mốt hôm anh lên nhà Út Thủy thấy xếp một hàng trên bàn, anh có biết hết cái nào làm gì hông.

Tổ cha thằng ranh, nó hiểu anh không thể nhớ những thứ cả đời anh chưa từng rờ tay thì mần chi biết được. Rồi nó hỏi tiếp, ba thấy ba mà ở nhà cô Út thì ba có dễ chịu hông. Đương nhiên Hai Sơn không thể ở nổi hai ngày, bởi anh có quen được cái gì đâu. Bí bách, tù túng và phụ thuộc mấy vật dụng hiện đại như vậy, thà anh về nằm phè bờ ao hay nhảy xuống ao lưới cá còn sướng hơn. Thằng nhóc ma lanh, nó nói mai mốt lên Sài Gòn, ở nhà cô Út, nó cũng khổ sở vậy đó. Nó cứ chọc ghẹo cha nó tưng tửng mà anh hiểu ra, em gái anh mười mấy năm ở nơi đó đã quen, chẳng thể bắt nó trở lại như thời anh còn cõng nó lội đìa chụp cá. Hơn nữa, cả chồng và con nó sinh ra ở nơi đó, sao bắt ép tụi nó sống như anh và lũ nhóc nhà anh được. Anh đã quá vô lý rồi.

Bước trở vô nhà, ngang chỗ thằng Ba Khía đang coi cải lương với má nó, anh nói nhỏ:
- Chạy qua bác Tám nề, kêu ổng qua đây liền để ba bàn chuyện. 

Quay qua vợ, anh nói:
- Sài Gòn giờ đang giãn cách, ai ở yên đó. Mình điện cho con Út, nói chừng nào hết đợt giãn cách vợ chồng nó đưa mấy đứa nhỏ về liền cho má an tâm. Trong khi chờ tới ngày đó thì nhắn nó chịu khó gọi cho má mỗi ngày.

- Ngay giờ ha mình? Trễ rồi, hay để mơi đi. Với lại không dưng kêu cổ về mà nhà mình thì…

- Tui biểu thì làm đi! Gọi liền, không nó ở trển ngày nào má lo ngày đó. Kêu nó không có mua bán chi hết, tiếp xúc đâu an toàn nữa. Dưới này món gì nó cần cũng có hết, thiếu gì cứ nhắn vợ chồng mình gởi lên.

- Dạ, em gọi liền. Mà sao mình hông gọi cho cổ? Bộ mình mắc cỡ hả?

- Mắc chi mà mắc! Giờ tui phải gặp Tám nề, kêu ổng xây cái nhà vệ sinh, sẵn Út Thủy về thì coi ý cất sao để nó quyết. Ba Khía, thôi lấy xe chở ba đi gặp bác Tám cho lẹ.

Tư Xuyến cười hinh hích. Thằng Ba Khía nháy mắt với má nó rồi ra theo ba. Cả hai mẹ con đều biết Hai Sơn cố chấp y như trái quách già. Khi chưa đủ chín, có đập cũng hổng rụng mà khi chín rồi tự rơi ào ào. Cái vỏ ngoài xù xì xấu xí mà cái ruột mềm xèo ai nạo cũng ra. Hai má con bàn nhau khích ba nó đúng lúc bà nội buồn lo dịch COVID-19 đã lan tới Sài Gòn. Lúc này là lúc thích hợp nhất để ba nó làm hòa với cô Út, là lúc hai cái đầu cùng cứng y chang nhau trở lại nhu hòa như xưa.
***

Tiếng đào đất thụp thụp làm bà Hai Bông tỉnh hẳn. Chèng ơi, mới cỡ bốn giờ sáng mà đứa nào đã động thổ ngay kế buồng bà. Đèn bên ngoài hắt vô, lố nhố bóng mấy đứa đàn ông mình trần rồi tiếng thằng Hai rổn rảng:

- Anh Tám coi kỹ thuật cho chắc nhen. Tính cho kỹ để khi nối tường phòng má tui ra là cái toa lét này nằm giữa hai phòng và tính cái mé tường nào lắp máy lạnh hợp lý nhất.

Trời ơi, bà nằm mơ cũng hổng nghĩ thằng con cứng đầu lại lên cơn mần nhà cái một như vầy. Bà không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Đúng là trời sinh tánh. May mà nó còn biết câu máu mủ, biết dọn cái tự ái cao như núi y chang cha nó hồi xưa là bà mừng.

Mới hửng sáng mà con Xuyến đã chộn rộn bếp núc. Thấy bà ra, con Bần cười ngoác tận tai, chỉ tay ra vạt dừa bên hông vườn. Cha nó đang khoèo dừa khô, nghe đâu để gói bánh dừa gởi lên cho cô Út bởi bữa gọi điện cho cô, bà nội cứ chép miệng: “Tội nghiệp con nhỏ than thèm đủ thứ, thèm từ cái bánh dừa quê mình”. Bà Hai Bông cứ như đang mơ. Bệnh dịch như đang xa lắm. Lòng bà đang mong ngóng giờ phút đón gia đình con gái về sau mùa dịch bệnh.

Nắng đã lên cao. Bà giục con Bần vô phòng lôi mấy bộ đồ bà ba cũ của anh em nó ra soạn lại. Cỡ hai đứa cháu ngoại bà giờ bằng y hai đứa cháu nội hồi đứa mười, đứa tám tuổi. Mặc bộ đồ này rồi bốn đứa thoải mái mà lội đìa bắt cá, leo cây. Đợt dịch này, tranh thủ cho hai đứa nhỏ Sài Gòn quen với đất với vườn, cho tụi nhỏ biết nhớ gốc gác nguồn cội, quê hương.

Khói bếp bay vô mắt bà. Thứ mùi khói thơm thơm khiến người ta hổng khóc mà xốn con mắt. Mùi khói rơm đó, con gái bà lần nào điện về cũng nhắc:
- Má ơi, con thèm mùi khói rơm trong cơm của má. Nhớ má quá à, má ơi! 

Nguyễn Thu Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI