Truyện ngắn: Hơi ấm mong manh

15/11/2021 - 18:59

PNO - Anh trở về dưới cái gió hun hút. Không có mưa mà sao mắt kính anh cứ nhòe đi. Mùa đông năm nay hình như đến sớm…

Anh vừa dạy xong tiết cuối thì có tin nhắn. Anh hối hả đến trường con gái. Vừa thấy bố đỗ xe trước phòng bảo vệ, con bé ào ra như thể đã đợi sẵn từ lâu, mắt ngân ngấn nước, mũi đỏ hoe sụt sịt. Lâu lắm rồi anh mới đón con. Chẳng phải vì anh vô tâm hay bận rộn đến mức không có thời gian, cũng chẳng phải vì có ai đó không muốn anh làm điều này mà có lẽ anh đang cố tàn nhẫn với chính mình. Một chút mặc cảm, cả một chút tự ái nữa dù anh biết con sẽ vui lắm khi được bố đón. Đứa con gái bảy tuổi luôn khiến anh bất ngờ mỗi lần gặp. Phải chăng vì không được sống gần con nên anh luôn có cảm giác bất ngờ trước mỗi sự trưởng thành của nó? 

***
Hơn một năm qua, chưa bao giờ con hỏi anh tại sao không đưa đón nó như hồi trước. Cũng chưa bao giờ con nằn nì đòi ở lại với bố thêm phút nào nếu mẹ đã đứng đợi ở cổng. Chỉ có cái ngoái đầu rất lâu và ánh mắt trong veo của nó khiến anh cứ day dứt mãi.

Có lần, anh thử ướm hỏi con bé tại sao không xin mẹ ở lại với bố lâu hơn, nó cười khanh khách: “Bố chẳng hiểu mẹ gì cả. Mẹ ghét nhất ai năn nỉ. Càng năn nỉ mẹ càng không cho. Con phải theo mẹ về ngay thì lần sau mới được đến chơi với bố chứ”. Câu nói ngây thơ của con bé khiến anh chột dạ. Nó tinh tế, nhạy cảm hơn anh tưởng. Nó già dặn hơn cái tuổi lên bảy nữa.

Người phụ nữ ấy anh đã gắn bó gần 20 năm qua, là bạn thân suốt thời cấp III, yêu nhau từ năm thứ nhất đại học, cùng nhau nếm trải mấy năm vất vưởng trong những căn phòng trọ chật hẹp, bạc mặt đi làm gia sư khắp các ngóc ngách ở Hà Nội rồi mới quyết định về quê lập nghiệp. Vậy mà anh vẫn chưa hiểu nổi điều đơn giản ấy. Phải chăng vì thế mà anh đang phải gánh chịu nỗi cay đắng của sự đổ vỡ chia ly này?

Đây là lần đầu anh đưa con về nhà mới của mình. Ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn sâu trong con hẻm nhỏ, phía trước có cái hồ dày đặc bèo tây, nhìn xa về phía bên kia là những đồi chè xanh mượt. Con bé reo lên khi anh kéo cái then cổng bằng inox sáng loáng: “Cửa nhà bố mở dễ quá. Không giống cửa nhà mình trước kia, chiều nào mẹ mở cũng kêu ken két, có lần mẹ vội giật mạnh nên bầm cả tay”. Anh cười gượng vì sự ngây thơ của con đã khơi gợi lại cái tội vô tâm của anh. Trước đây, nhiều lần vợ anh từng phàn nàn về cái then cổng sắt hoen rỉ ấy. Anh ngụy biện rằng cứ để tiếng mở cổng ken két như tín hiệu để người trong nhà biết có người khác vào. Cho đến khi hai người ly thân, anh quyết định ra đi hôm trước thì hôm sau cô ấy gọi thợ đến thay cổng mới và lắp thêm chuông điện. Để rồi có lần anh đến đón con về giỗ bà nội, khi anh đứng ngoài cổng dè dặt nhấn chuông, con bé chạy ào ra ngay, thì thầm vào tai anh: “Nghe tiếng chuông con biết ngay là bố, không giống chú Tuấn lần nào đến đón mẹ cũng bấm liên hồi inh ỏi”.

Con bé bước vào nhà, ngó nghiêng căn phòng bé như tổ chim câu. Nó rón rén bước đến giường ông nội, rụt rè nắm lấy bàn tay nhăn nheo của ông, ánh mắt vừa lấp lánh yêu thương, vừa vương nỗi sợ sệt con trẻ. Sau giỗ đầu của mẹ anh đúng một ngày, bố anh bị đột quỵ. Anh đã phải bán nốt căn nhà ngói và mảnh vườn để chữa chạy cho bố nhưng bố vẫn nằm liệt như thế. Ba người chị của anh đều lấy chồng xa. Anh đưa bố về ở trong căn nhà nhỏ xíu này, xa trường anh dạy hơn nhưng gần trạm y tế xã. 

Anh ra hiệu cho con để yên cho ông nghỉ rồi dẫn con ra bàn sách. Con bé reo lên hào hứng khi thấy tấm ảnh hai bố con được anh phóng to treo phía trên. Nó đòi bố bật máy tính để xem YouTube. “Máy tính của bố mở dễ thế! Máy tính của mẹ thì có mật khẩu, con muốn xem chiến cơ siêu hạng toàn phải sang nhà cô Huyền xem nhờ”. Anh thoáng ngạc nhiên: “Con gái ai lại xem chiến cơ siêu hạng, sao con không xem phim công chúa Bella?”. Con bé lại cười khanh khách: “Con thích chiến cơ siêu hạng từ lâu rồi. Mẹ cũng bảo con gái xem cái đó để rèn cá tính, mai sau không sợ ai bắt nạt. Bố ơi, thế cá tính là gì hả bố?”. Anh chưa kịp trả lời thì nó đã nhún nhảy theo điệu nhạc phát ra từ cái loa máy tính nhỏ xíu, giọng lại trong vắt hồn nhiên: “Cái ti vi nhà mình hỏng rồi bố ạ. Hôm trước bị sét đánh cháy. Con nhắc mẹ mang đi sửa nhưng mẹ bảo chú Tuấn sẽ mua cho cái mới”.

Anh chợt thẫn người tiếc nuối, rõ ràng không phải tiếc cái ti vi mà tiếc điều gì rất mơ hồ nhưng cũng thật đau đáu, da diết. Cái ti vi ấy là kỷ niệm tháng lương vào biên chế đầu tiên của anh. Anh nâng niu bởi nó đánh dấu sự ổn định đầu tiên trong đời mình. Đợt thi công chức ấy chỉ mình anh được tuyển. Khi con bé tròn hai tuổi, vợ anh quyết định làm hồ sơ học cao học. Có cái bằng thạc sĩ, ắt sẽ có lợi thế hơn trong đợt thi tuyển tiếp theo, vợ đã quyết tâm vậy anh cũng không muốn cản. Cô ấy thi đậu với số điểm khá cao sau hai tháng ôn luyện miệt mài. Kỳ học đầu tiên bắt đầu vào tháng 11, cô ấy nhập học và ở lại luôn Hà Nội. Quãng đường ngót 70 cây số về Hà Nội trên những chuyến xe khách gập ghềnh từng là quãng đời thanh xuân lãng mạn nhất của hai đứa, giờ hóa thành những chiều cuối tuần ngóng đợi mỏi mòn của hai bố con.

Những đêm nằm ôm con, anh rỉ rả kể con nghe về những mùa đông Hà Nội; những món ăn vỉa hè rẻ tiền mà thú vị; những đêm bố đón mẹ đi làm gia sư về, chia nhau bắp ngô nướng nóng hổi thơm phức, mẹ ngồi sau xe bố khe khẽ hát. Cả hai đã cùng nhau vẽ ra bao viễn cảnh với quyết tâm bám trụ lại Hà Nội bởi yêu mùa đông nơi đây. Cô ấy từng bảo thích nhất là cảm giác được đứng trên tòa nhà cao tầng nghe tiếng gió ù ù lồng lộng, nhìn xuống dòng xe tấp nập lấp lánh sáng như dải ngân hà, thấy mình như được bay lên, nhẹ bẫng, không còn cảm giác ngột ngạt bức bối khi chen chân trong đám tắc đường mà điện thoại của trung tâm gia sư cứ rung lên không ngớt. Đêm mùa đông Hà Nội mang vẻ đẹp nên thơ đến mê đắm khiến bất cứ ai cũng thấy xao lòng huống chi là một nữ sinh văn khoa lãng mạn. 

Thế nhưng, ước mơ cũng giống như ánh đèn đường, chỉ thi vị và ấm áp về đêm, lấp lánh trong những giấc mộng phù du và bỗng hóa bẽ bàng trước cuộc sống bon chen gấp gáp khi bình minh lên. Khi có con, anh phải về quê đón mẹ xuống. Mẹ anh vốn đã yếu sẵn vì bệnh hen, chỉ trông được cháu mà không thể chăm cháu như ý vợ anh muốn. Sau một lần phải đưa con vào bệnh viện cấp cứu vì viêm phổi cấp, anh biết không thể đánh cược tính mạng của con với những ca dạy xuyên từ chiều tối đến đêm, thế là cả nhà bồng bế nhau về quê. Viễn cảnh bám trụ ở Hà Nội đành xếp lại, mờ nhạt dần như ánh đèn đường trước mỗi bình minh. Anh đùa vợ là không sống được ở thủ đô ngàn năm văn hiến thì ta về với thủ đô gió ngàn. Dù vậy, anh biết trong sâu thẳm, giấc mơ về chốn phồn hoa của cô nữ sinh mơ mộng ấy vẫn không thôi lấp lánh. 

Thời gian đầu, cô ấy đi xe máy, khi đi mang theo lỉnh kỉnh nào lá trà xanh, bánh sắn, ngô tươi để bán cho cánh sinh viên trong khu trọ, cuối tuần mang theo bao quần áo lỗi mốt mua ở chợ đêm sinh viên về giao cho mấy chị bán hàng may sẵn. Nhìn cô ấy lọt thỏm trong cái áo phao to sụ, khăn len kín mít loay hoay chằng buộc đống đồ lên chiếc xe máy cũ mua từ khi mới ra trường, anh trêu: “Trông em giống như bà buôn hơn là cô thạc sĩ văn học đấy”. Cô ấy thủng thẳng: “Nếu có tiềm lực thì chẳng ai muốn lót đường bằng những cái nhếch nhác thế này. Vất vả không chết, chỉ có sĩ diện hão mới chết thôi”. Bỡn đùa vài câu cho vui vậy, chứ anh thấp thỏm không yên từ lúc cô ấy đi đến khi tối muộn xuống đến Hà Nội an toàn và gọi điện về. Thương đến thắt lòng những giấc mơ ngược đường thông thốc gió, anh chỉ biết chăm cô con gái nhỏ xinh như nuôi dưỡng đức tin cho tổ ấm của mình. 

Kỳ học sau, cô ấy không đi xe máy nữa mà đi taxi ghép với đám sinh viên, tiền xe tính ra rẻ ngang với xe khách mà lại được đưa đón tận nơi, anh cũng thấy yên tâm hơn. Cô ấy bảo: “Sinh viên giờ sướng thật, chẳng như bọn mình ngày xưa đi bộ mấy cây số ra quốc lộ bắt xe”. Gã lái taxi tên Tuấn, người huyện bên, bảnh trai và bẻm mép, lần nào cũng đưa vợ anh về đến tận cổng và hôm sau đến đón sớm nhất. Cô ấy vẫn gom hàng quà quê mang xuống Hà Nội nhưng không mang quần áo lỗi mốt về quê nữa. Cô ấy bảo đã tìm được mấy mối gia sư tin tưởng và ở lại lâu hơn, có khi mấy tuần liền không về khiến con bé vì nhớ mẹ mà không ngủ được. Đêm đông Hà Nội là điều tuyệt diệu nhất trong thanh xuân giờ lại là những viên gạch trải đường cho tương lai của cô ấy, hà cớ gì anh không thể bao dung cho cô ấy được tận hưởng điều đó. 

Xem xong một tập phim hoạt hình, con bé lăng xăng vào bếp. Góc bếp của gã đàn ông độc thân sắp xếp đơn giản. Con bé mở vung nồi cơm điện rồi nhíu mày: “Sao còn nhiều cơm nguội vậy bố? Trưa nay sao ông và bố ăn ít vậy ạ? Bố làm món cơm rang trứng cho con đi”. Anh chợt chạnh lòng khi nghĩ trẻ con đứa nào chẳng thích ăn ngon, phải ăn đồ ăn “tái tạo” như thế này chỉ là bất đắc dĩ. Nhìn con vừa xúc thìa cơm ăn ngon lành vừa tấm tắc khen: “Bố phi hành khô nên cơm thơm quá”, anh thấy cổ họng mình nghèn nghẹn. Lại nhớ về những hộp cơm rang khô khốc mà hai đứa ngồi ghế đá Bờ Hồ tranh thủ ăn cho kịp ca dạy tối ở khu phố cổ. Chiều đông muộn, bên khung cảnh lãng mạn nên thơ của hồ Gươm, anh thấy nhỏ bé và bất lực như thể mình là hạt bụi vô duyên bám vào chiếc áo choàng xa hoa rực rỡ. Cảm giác ấy ám ảnh anh mãi, ngay cả lúc này…

- Mẹ sắp chuyển con về Hà Nội rồi bố ạ. Hôm trước, mẹ đến trường gặp cô giáo, cuối giờ cô nói với cả lớp rằng con sắp trở thành học sinh thủ đô rồi.

- Sao mẹ chưa nói gì với bố nhỉ?

Anh nói như hụt hơi, toan hỏi con thích về Hà Nội hay ở lại quê nhưng lại thôi. Chẳng nên để một đứa trẻ bảy tuổi phải đưa ra sự lựa chọn, nhất là điều ấy còn khó khăn với cả người lớn bởi có lựa chọn nào mà không phải đánh đổi. Anh đã đánh đổi giấc mộng thanh xuân của người phụ nữ anh yêu, đánh đổi mảnh vườn rợp bóng cây của bố để có được sự ổn định cho cái nghề mình lựa chọn. Anh đã chấp nhận lùi lại để cô ấy có cơ hội viết tiếp những ước mơ cho mình, những ước mơ vì nhu cầu chính đáng nhưng ai ngờ lại tiềm ẩn nguy cơ tan vỡ. Khi cầm tấm bằng thạc sĩ trở về, cô ấy đã buộc anh phải lựa chọn. Thực ra anh đã mơ hồ nhận ra những viên gạch trải đường của cô ấy đã bớt gập ghềnh hơn từ khi cô ấy “đi taxi ghép”. Anh từng năn nỉ và vẫn cố hy vọng ánh mắt và giọng nói trong trẻo của con gái sẽ níu chân cô ấy. Song, Hà Nội lấp lánh ánh đèn mới là tương lai của cô ấy, cũng là những gì tốt đẹp nhất mà cô ấy muốn dành cho con gái. Cô ấy đã nắm được cơ hội trong tầm tay chứ đó không còn là mơ ước viển vông nữa. Chỉ có anh lực bất tòng tâm, không đủ sức giữ cô ấy ở lại, cũng không đủ dũng khí để ra đi. 

Gần chín giờ tối, anh nhận được điện thoại của vợ. Con bé đang nằm trong chăn đọc truyện tranh, tần ngần đứng dậy: “Bố đưa con về đi. Con muốn ở lại với bố nhưng con không dám năn nỉ mẹ”. Con gái ngồi sau xe ôm bố thật chặt, mặt nó áp vào lưng bố, bàn tay nhỏ xíu rúc vào túi áo bố. Anh yêu cái cảm giác này biết bao. Nó ấm áp thân thương như bàn tay của cô ấy trong những đêm đông Hà Nội hai đứa đưa nhau về. Những con đường ký ức lung linh ánh đèn giờ bỗng cồn lên trong anh bao nỗi xót xa. Anh thì thầm với con mà như nói với chính mình: “Hãy hiểu cho bố và đừng thôi ước ao về những điều tốt đẹp. Dù sắp tới bố không được ở gần con nhưng vẫn luôn yêu con”. Anh đưa con về đến cổng, con bé rướn chân bấm chuông rồi quay lại vẫy tay: “Chúc bố ngủ ngon”. Anh trở về dưới cái gió hun hút. Không có mưa mà sao mắt kính anh cứ nhòe đi. Mùa đông năm nay hình như đến sớm… 

Tạ Thị Thanh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI