Vậy mà bụng bà vẫn đau đáu lo khi nhìn cánh đồng mùa này sâu phá nhiều, khi nhìn cây cột nhà mọt đục lỗ lớn, khi nhìn trời đất phủ mây đen kịt, khi nghe phong thanh tin thằng con đua xe té gãy giò. Bà chỉ có thể thở phào khi nó vác cái thân tàn tạ về. Thôi thì nó về là được.
Thằng Kiệt không về một mình. Nó dẫn theo một con nhỏ tóc nửa vàng nửa đen, kêu là vợ. Bà Tư ngầm phân tích, tóc nhuộm vầy có vẻ không đàng hoàng, nhưng chân tóc trổ đen quá nửa, lâu không nhuộm lại chứng tỏ có ý định sống tốt lên. Mà không chịu cũng phải chịu, coi cái bụng lùm lùm của con nhỏ kìa. Con mình làm thì mình phải chịu trách nhiệm chớ.
Từ ngày thằng Kiệt về, bà Tư thấy con mình khang khác. Tức là nó ngoan hẳn. Nhìn thằng con biết chẻ củi, gánh nước, đi chợ mua cám về cho má nuôi heo, nhiều lần bà chưng hửng. Như bữa nay, nó còn biết mua bánh da lợn - món quà vặt bà khoái nhất - về cho bà ăn. Bà Tư nhìn dĩa bánh óng dầu trên bàn, tần ngần chưa muốn ăn. Bà cảm thấy có điều gì đó không thật. Một nửa, bà muốn nhìn ngắm dĩa bánh thật lâu, thứ bằng chứng hùng hồn rằng thằng con đã biết nghĩ cho má nó. Nửa lý do còn lại, bà chột dạ nhớ lời ông bạn già hàng xóm. Chơi thân mấy chục năm, chính ổng dìu bà dậy trong ngày chồng bà bỏ cuộc đời đi về miền xa thẳm, hổng lý gì lời ổng vô căn cứ. Ổng kêu coi chừng con bà giả bộ.
Ờ, thằng Kiệt diễn kịch nhiều rồi. Nó tài. Bởi vậy nó mới móc tiền của bà được hoài, sau mấy trò ỉ ôi khổ sở. Hồi nhỏ thì đi thăm thầy thăm bạn bệnh, lớn thì đòi làm ăn mua bán với người ta. Toàn lý do chính đáng hết, người mẹ nào nỡ lòng từ chối.
Riêng lần này, bà Tư thấy lạ nhất. Thằng Kiệt chưa đòi gì hết. Nó im im, ngoan ngoãn làm hết chuyện này chuyện kia, lui cui đợi ngày vợ đẻ. Bằng sự mỏi mệt chừng đó năm của một bà mẹ từng khóc hết nước mắt vì con, bà nhen nhóm niềm tin lần này con bà thay đổi thiệt. Nếu không thiệt thì còn lý do gì nữa chớ?
***
- Nó có điều bí mật. Nhìn cái kiểu thậm thụt đó là tui biết - ông Chín, bạn già của bà Tư, ra bộ nghiêm trọng.
- Giỏi dữ mà con gái bỏ nhà theo trai không biết?
- Rồi bà qua chơi hay qua kiếm chuyện? - ông Chín liếc bà một cái, cầm miếng bánh in ăn cho đỡ quạu.
- Qua hỏi chuyện thằng Kiệt nè. Tui cứ thấy lo lo. Tui cũng nghi vợ chồng tụi nó có gì giấu tui.
- Đi kiếm ai giỏi mà hỏi, tui có giỏi đâu.
- Trời đất, già sắp xuống lỗ hết rồi bày đặt giận hờn!
- Nói chớ… Không giỡn nữa. Nhà bà còn gì quý giá không, coi chừng nó về ăn trộm đem bán như lần trước - ông Chín đổi qua giọng nghiêm chỉnh.
- Có. Nhà tui có cất cục vàng bự lắm! Tận bốn mươi chín ký lô. Là tui nè! - bà Tư cười sằng sặc.
- Bà già mất nết! Trưa rồi về ăn cơm với tụi nó đi kìa! - ông Chín bật cười theo.
Lúc trước, bà Tư làm gì được thong thả đi chơi như vầy. Cả ngày quần quật hầu thằng con trời đánh. Tưởng lần này thêm vợ nó, bà mệt gấp đôi, ai ngờ con Linh, vợ thằng Kiệt, cũng là đứa biết chuyện. Nó hậu đậu, nhưng chịu khó. Canh mặn, cá kho bị tanh, cơm khô, bà góp ý là nó lắng nghe, lần sau sửa liền. Nhìn bàn tay trắng muốt của con Linh, bà biết nó không phải kiểu con gái quen chịu cực. Vậy nhưng đôi mắt con nhỏ lại thể hiện sự cực nhọc khác của tinh thần. Mắt gì nhìn đau lòng chết đi được, cứ rười rượi buồn.
Biết đâu lần này thằng Kiệt thay đổi thiệt. Suy nghĩ đang ngon ơ như chiếc xe chạy băng băng trên quốc lộ mới trải nhựa bỗng sụp ổ voi. Bà Tư đi nhẹ nên con dâu không hay, để lọt một câu qua vách lá:
- Mình giấu má vầy có nên không anh?
***
Con gái ông Chín về nhưng ông không vui. Bà Tư đem qua cho ông món chuối chưng béo ngậy nước cốt dừa bà tự tay làm cũng chẳng giúp ông tươi tắn chút nào.
- Làm gì rầu như bị giựt hụi vậy ông già? Ủa con Nhí đâu? - bà Tư tự xuống bếp, kiếm tô đổ chuối chưng bưng ra.
- Đừng có nhắc nó nữa. Chắc lục không được nó chán lại đi rồi.
- Lục cái gì? Đừng nói kiếm mấy tấm hình đẹp đẹp của ông để kiếm má hai cho nó nhe.
Ông Chín cười không nổi với trò giỡn lạt nhách của bà bạn già. Ông kể lại chuyện sáng nay ông bắt gặp con gái ông lục lọi mấy ngăn tủ thờ. Thấy ông, nó hoảng hồn, mặt tái mét, nói kiếm đồ cột tóc. Đồ cột tóc nào ở trỏng, nơi ông cất giấy tờ quan trọng suốt mấy chục năm qua.
- Chắc nó kiếm sổ đỏ. Nó đâu có nhớ tui đem ra ngân hàng lâu rồi, lấy tiền trả nợ cho nó - ông Chín cười như mếu.
- Thôi ăn miếng chuối chưng tui nấu cho ngọt lòng. Số ông với tui khổ vì con cái mà - bà Tư thở hắt.
- Tui buồn thôi mắc gì bà buồn hùa? - ông Chín ăn thử, mùi vị thân quen làm ông thấy tâm trạng khá lại chút đỉnh.
- Tui buồn chuyện nhà tui - bà Tư chầm chậm kể lại chuyện hôm qua bà nghe được.
Hai ông bà già im lặng ngồi bên nhau. Người ngó ra sân chỗ bàn ông thiên, người ngó lên bàn thờ, cả hai cùng nhìn theo khói nhang như muốn gửi theo ước nguyện của mình. Bà Tư còn nghĩ, chắc tới khi thằng con nói chuyện với mình bằng nhang khói, mình mới thấu rõ lòng nó.
- Thôi bà ráng theo dõi coi tụi nó giấu bà chuyện gì. Biết đâu không phải là chuyện xấu - ông Chín an ủi bà bạn già.
Bà Tư ừ hử, đứng lên chào rồi về. Ra tới cổng, bà ngoái đầu lại, kêu vọng vô:
- Chết quên, tụi nó kêu tui mai mời ông qua ăn cơm.
- Chết hôn! Tụi nó biết tui xúi bà theo dõi âm mưu của tụi nó, tính bỏ thuốc vô cơm thủ tiêu bịt đầu mối nè - ông Chín vỗ đùi cái đét.
Bà Tư ha hả cười, lẩm bẩm, càng già ổng càng khùng dữ.
***
- Lỡ má biết thì sao anh? - Linh bần thần.
- Hay mình bỏ trốn? Để anh cạy tủ lấy chút vàng của má - Kiệt vò đầu.
- Đừng anh! - Linh đứng lên, cầm lấy tay Kiệt. Cả hai đều thinh lặng, ánh nhìn rớt xuống tay nhau.
Còn một người nữa không nói gì, là bà Tư. Bà đứng sau bức vách thật lâu, tới khi lòng thôi cồn những cơn gió chướng. Đến lúc thấy mặt đất ngừng chao đảo, bà lại nhón chân rời đi, như lúc âm thầm tới.
***
- Tính sao giờ ông? - bà Tư chờ đợi ý kiến từ ông bạn già. Câu hỏi bàng hoàng trong lòng.
- Quan trọng là bà nghĩ sao về chuyện đó?
- Tui… không biết nữa…
Bà Tư đã biết được bí mật của thằng con. Điều đó nằm ngoài dự đoán của bà. Cái sự thật đó trượt ngoài những điều được truyền lại.
- Bà chọn sao cũng được, tui ủng hộ bà. Miễn bà không hối hận với quyết định của mình - ông Chín đưa tay nắm bàn tay bà bạn, hơi ấm truyền qua bà Tư. Đôi bàn tay già riêng lẻ thì run mà phủ chụp lên nhau lại vững vàng, bình thản lạ.
- Ừ, tui muốn suy nghĩ thêm.
***
Thật sự bà Tư cũng mệt mỏi nhiều. Ngày coi Linh là con dâu, bà đã gồng sẵn vai chờ gánh những đàm tiếu. Đứa con gái giang hồ là món mồi ngon cho những câu chuyện lao xao. Họ hàng cũng đâu chịu để yên. Bà Tư không hiểu sao người ta cứ thích dòm ngó chuyện người khác và hả hê trước những đau đớn của nhau. Tại sao rứt một chiếc lá nhà họ thì họ nhảy đổng lên mà họ lại nỡ vặt trụi cành nhà người cho vui tay?
Cũng kệ. Đôi vai chai sần của bà Tư đã quen gánh gồng. Những gánh hàng trĩu nặng mối lo cho chồng con. Những đơm đặt chì chiết đổ lên, ngày thằng con bắt đầu gây chuyện. Nội và ba nó chiều nó, có cho bà nghiêm khắc dạy dỗ nó đâu.
Họ đã nuôi nó như nuôi một con thú kiểng, để rồi khi họ đi, mọi thứ xung quanh nó đều trở nên đáng sợ như rừng. Bà biết thằng Kiệt nổi loạn chỉ để khỏa lấp những xô lệch méo mó trong tính cách. Nó chỉ là một bụi dây leo không được uốn tỉa, hung hăng leo phủ trên sự chiều chuộng xung quanh. Hàng rào mất, nó đổ nhào. Bà nghiêm khắc hơn chỉ vì sợ tương lai nó không còn một chỗ dựa đàng hoàng mà làm lại. Thương con, vai bà gánh hết. Thương dâu, bà cũng cố gượng. Song chồng thêm một sự thật nữa, bà không biết mình trụ được không.
Bà Tư ghé qua căn nhà cũ. Gật đầu chào mấy đứa cháu, bà thắp nén nhang cho má. Má trong khung hình lúc nào cũng dịu dàng, lúc nào cũng mỉm cười ân cần với bà. Chưa bao giờ má phân biệt thương đứa này hơn đứa kia. Tình thương của má san đều, cho cả con vịt lẻ loi trong bầy gà con.
Bà Tư là con nuôi của má. Má giấu kín điều đó, cho bà một tuổi thơ lành lặn. Má nghiêm với tất cả, hiền với tất cả. Má nuôi đàn con tốt tới mức khi bầy gà nhận ra con vịt, tất cả đều coi như hiển nhiên. Đám em vẫn gọi bà Tư là chị, vẫn coi như ruột rà, không có gì khác.
Bà Tư nhớ má quá. Bà không biết nếu lúc đó má không lượm bà về nuôi mà bỏ mặc bà nằm khóc oe oe dưới chân cầu trong cơn mưa buốt thì giờ bà ra sao. Có khi bà còn chẳng được tồn tại. Bà nhìn khung hình má, chờ đợi một tín hiệu. Nén nhang cháy rực, khói bốc hay gì đó. Không có gì cả. Chỉ có gương mặt bà phản chiếu qua ánh sáng hắt làm tấm ảnh thành một tấm gương, cho bà tự soi mình. Ừ, ai cũng nói bà giống má. Nhất là nụ cười hiền và cái kiểu đi nhón chân như mèo. Dù có mang vác nặng, đôi chân vẫn nhẹ tênh tiếng bước.
Bà Tư trở về nhà, bất giác nhìn xuống đất. Hai hàng dấu chân của chính bà lúc đi nặng nề in lún đất, có phải vì bà giữ quá nhiều, đè nén quá nhiều? Lúc về, dấu chân đã nhẹ đi, mờ mờ in trên đất, đậm ở phần mũi. Bước chân nhón gót của con mèo nhẹ hẫng, đi như bay bằng đôi cánh yêu thương.
***
- Hay anh để em đi? - Linh làm rớt cây củi chưa kịp đút vô lò, đưa bàn tay lem luốc lên bưng mặt khóc.
- Khùng hả? Có đi thì cùng đi. Má không chấp nhận thì tụi mình đi - Kiệt gắt. Anh sấn tới, xốc Linh lên, ôm cô vô lòng.
- Đi đâu? Hỏi ý tui chưa mà đòi đi? - bà Tư bước vô, bình thản như con mèo vừa tắm xong trận nắng ấm khoan khoái.
Kiệt giật mình, Linh hoảng hốt. Cả hai lóng ngóng mãi mới thốt ra được tiếng “má”. Dường như đoán má đã biết sự thật, Linh đẩy Kiệt ra, quỳ thụp xuống:
- Má tha lỗi cho con!
Bà Tư lắc đầu, cười nhẹ tênh. Bà đỡ Linh đứng dậy, ôm lấy cô.
- Đứa nhỏ trong bụng là con ai cũng được, nhưng giờ nó là con thằng Kiệt, là cháu má. Ở lại nhe, tụi con!
***
- Rồi sao đó? Chắc con Linh nó hổng biết má chồng của nó hung dữ có tiếng ở xóm này - ông Chín cười khùng khục.
- Ông muốn thử sự hung dữ đó hông? Đang kể chuyện vui mà đâm xuồng bể quá nha ông già. Còn chuyện nhà ông sao rồi? - bà Tư giả bộ xăn tay áo lên.
- Bà hổng ngờ được đâu! Con Nhí lục tủ kiếm giấy tờ đặng nộp hồ sơ xin đi làm. Nó kêu đi làm kiếm tiền chuộc sổ đỏ về.
- Có mà làm tới thiên thu mới đủ tiền! Phá nhanh chứ xây lâu gần chết, đi làm cực thân cho nó biết mùi!
- Chứ gì nữa! Bởi, tui ráng sống chờ coi ngày nó đem sổ đỏ về nè.
Bà nhớ lại gương mặt mừng rỡ của thằng Kiệt khi biết bà chấp nhận mọi chuyện. Con bà thay đổi thiệt rồi. Khi nó biết thương cả một đứa trẻ không máu mủ, điều không mấy ai làm được, bà biết nó thật sự đã nên người.
- Chuyện tụi nó xong rồi, tính tới chuyện mình đi kìa!
- Chuyện gì ông già dịch?
- Thì chuyện tui với bà rủ nhau đi du lịch. Đừng nói bà hứa lèo nha! Đời tụi mình còn bao năm mà đợi chờ - ông Chín nháy mắt.
- Ờ thì… - bà Tư cứ ấp úng, mặt đỏ bừng, né ánh mắt ông bạn già.
Người ta hay nhắc tới hạnh phúc tuổi già. Phải chăng cuối cùng cũng tới ngày nó ghé thăm bà?
Phát Dương