Vợ anh vừa cầm chổi quét lá rụng vừa tiếc xót:
- Công em mới trồng được khoảnh vườn, hoa vừa mới nở…
Anh cười:
- Ít hôm nữa lại ra lứa hoa mới ấy mà.
Rồi anh cất tiếng gọi:
- Bin ơi, lấy rổ 2 cha con mình đi nhặt trái băm vằm nào!
Thằng bé “dạ” rõ to, lũn cũn mang ra cái rổ mây mẹ hay dùng để đựng trái cây. Con trai anh rất thích “trái băm vằm”. Mỗi lần có cơn gió mạnh thổi qua, nghe tiếng “lộp độp” ngoài vườn, thằng bé lại reo lên:
- A, băm vằm rụng.
Nhiều lúc nhớ đến là anh lại bật cười. “Băm vằm” là tên của cây mận, loại mận An Phước, đã được anh trồng từ mấy năm trước. Lúc đó, nó là cái gốc bị vợ anh… băm vằm tơi tả trong cơn giận anh dạo nào.
Cây mận mọc trong chậu, nảy mầm từ việc vợ anh ăn quả rồi tiện tay bỏ hạt vào. Trong diện tích hẹp như vậy, cây vẫn lên xanh tốt. Ban công nhà chung cư toàn trồng hoa, bỗng đâu mọc lên cái cây ăn trái khiến anh thấy vui vui. Mỗi ngày, anh đều ra chăm sóc, nhìn ngắm cây mận quý.
***
Lúc chuyển nhà, vợ anh cố gắng nhổ bỏ cái gốc đã bị băm vằm xơ xác nhưng anh can:
- Em cứ để anh trồng thử.
- Chi mất công anh? - vợ càm ràm.
Chuyển nhà bao việc phải lo, còn biết bao thùng đồ to nặng nhưng anh vẫn mang gốc mận theo. Anh nhớ ba anh những lần tận tụy “cứu cây” trong vườn, cứu cả mấy cây cảnh sắp chết của nhà hàng xóm. Không biết bằng cách nào, ba luôn có thể làm cây hồi sinh. Là cách ba làm phân hữu cơ cho đất, cách ba chú tâm tưới cây, cách ba cẩn thận tỉa cành hay là cách mà ba đã yêu thương? Anh không thể cắt nghĩa.
Trong vườn có những cái cây mang tên kiểu như “cây ông Ba”, “cây anh Sáu”, “cây nhà cuối hẻm”… Đó là những cái cây mà hàng xóm đem cho hoặc “gửi gắm” cho ba. Ba anh nói, sức sống của cây mãnh liệt lắm. Hồi nhỏ, anh đã nhìn thấy những cái cây bị cưa cụt, bị đẽo nhánh, thậm chí bị cháy, rồi sau mùa mưa lại thấy cây đâm chồi.Anh vẫn thường đứng ngẩn ngơ nhìn những tán nõn ấy, chạm tay vào nhựa cây, ngửi mùi vỏ cây. Một cảm giác thật khoan khoái, dễ chịu và cả ngưỡng mộ trước sự sống của cây. Sau này, anh gọi đó là vẻ đẹp của sự hồi sinh.
- Để anh cho cây băm vằm một cơ hội - anh nói với vợ, vừa nói vừa cười.
Gốc mận bị vạt cụt ngủn, lại còn đầy vết dao băm tả tơi. Đến là thương. Bỏ đi thì dễ rồi.
Giờ, cây mận đã tỏa bóng xanh mát, cho trái sum suê. Anh đặt dưới tán cây bộ bàn ghế gỗ. Bạn bè tới nhà đều biết “sự tích cây băm vằm”. Nó trở thành cái cây đặc biệt nhất trong vườn nhà anh. Mỗi lần nhìn ngắm hoa mận nở, vợ hay nói: “Hồi đó mà bỏ đi thì tiếc, anh nhỉ?”. Anh cười, sau này trong ký ức tuổi thơ của cu Bin, chắc chắn cũng sẽ có hình ảnh và câu chuyện về cái cây đầy kỷ niệm của ba mẹ. Giống như tuổi thơ anh đầy kỷ niệm với những cái cây ba trồng trên đồi.
- Tùng! Đừng có nghịch phá cây của ba, nghe chưa!
Đó là khi anh và lũ bạn nghịch, hay bẻ cây bẻ cành bày trò đánh nhau hoặc chơi trò hóa trang làm “đặc công”, làm “bộ binh” hành quân. Có khi bọn anh vặt cả mấy cành hồng. Tiếng cây lá quét xuống đường khiến ba anh phát hiện đám trẻ ranh.
- Ngụy trang kiểu này cũng như không nghe mấy đứa!
Ba anh vừa mắng vừa trêu nên cả đám đâu có sợ. Lúc bày trò, lại cứ vặt cây bẻ cành. Bây giờ, đó lại là kỷ niệm khó quên trong đời anh.
***
Lúc bằng tuổi cu Bin bây giờ, anh cũng hay theo ba ra vườn đồi. Ba anh làm công chức, cuối tuần rảnh rỗi, lại xới đất, trồng cây. Đi đâu ông cũng hỏi thăm, tìm mua hạt giống các loài cây phù hợp với đất đồi. Hạt giống của cây rừng có mùi thơm lạ. Anh hay ngửi thử những hạt giống mới, hít hà. Mùi thơm vương cánh mũi.
Mẹ thì chăm sóc vườn rau của mẹ. Thi thoảng, mẹ mang trà cho ba. Bình trà hoa mẹ pha từ bạch hồng, cỏ ngọt và hương thảo trong vườn. Nghỉ tay, ba ngồi nhâm nhi, còn anh thì rót ly nào là uống ực ly đó. Anh nào biết thưởng trà nhưng thích theo chơi với ba vì ông luôn có nhiều chuyện thú vị.
Vừa đào đất, đặt cây, bón phân, tưới nước, ông vừa có thể kể biết bao nhiêu chuyện hấp dẫn trên đời. Chuyện từ hồi gia đình ông bà nội còn sống ở làng biển, rồi đi kinh tế mới đến cao nguyên; chuyện hồi ba còn trẻ đã từng đi trồng rừng ra sao, chuyện trong rừng có những loài cây, loài thú nào… Thuở nhỏ, anh không hiểu nhiều nhưng mê tít những câu chuyện ba kể, nhất là những câu chuyện thần thoại về cây sự sống, cây bất tử…
Anh nhớ hoài lời ba kể về những cái cây linh thiêng: “Cổ thụ không biết bao nhiêu thế kỷ, rễ cắm sâu đến hạ giới còn ngọn xuyên đến tận cửu trùng thiên, lá dài bảy sải còn trái đến chín sải…”. Ba nói người xưa thờ thần cây, xem cổ thụ là biểu tượng của sự bất tử, là nơi ở của thần linh, là đôi mắt của rừng. Những câu chuyện cuốn anh đi, từ chuyện cây sự sống trong vườn địa đàng của Adam và Eva đến cây bồ đề trong thần thoại Hindu, cây tần bì trong thần thoại Bắc Âu, rồi những khu rừng thiêng của bộ lạc da đỏ Bắc Mỹ… Anh hỏi sao ba biết nhiều chuyện hay vậy, ba cười hề hề, bảo ba đọc sách chớ đâu.
Còn cơ man chuyện về cây thiêng chốn đại ngàn Tây Nguyên, những cây cổ thụ trăm năm trong những cánh rừng. Có cả những chuyện đường rừng ba được nghe ông nội kể thời ông đi bộ đội. Trong ký ức tuổi thơ anh, ba như một “nhà thực vật học” chứa đựng cả kho tàng về rừng xanh.
Có lần ba dẫn anh vào rừng, chỉ cho anh biết từng loại cây, nguồn gốc, công dụng. Lá nào ăn được, lá nào làm thuốc. Cả những loại trái rừng lạ lẫm, loại nào cho chim loại nào cho sóc. Từ bìa rừng đã có biết bao nhiêu kỳ hoa dị thảo. Anh không thể nào nhớ hết nhưng mê tít. Rừng luôn đầy bí ẩn và hấp dẫn anh.
Tên anh được ba mẹ đặt cho cũng là tên một loài cây. Chỉ cái tên thôi cũng đã được nghe biết bao nhiêu là chuyện, từ việc có mấy loại tùng, rồi vì sao tên đệm của anh là Bách Tùng chứ không phải Thái Tùng hay Bảo Tùng… Đó là cả một cuộc tranh luận dài ngày của ba mẹ về ý nghĩa của cái tên trước khi anh ra đời. Bách Tùng gửi gắm kỳ vọng của ba mẹ rằng con sẽ luôn mạnh mẽ, bản lĩnh trước mọi phong ba của cuộc đời.
Sau này, khi đặt tên cho con, vợ chồng anh cũng có rất nhiều sự lựa chọn. Những đứa trẻ trong cuộc đời có lẽ không biết rằng mỗi cái tên đều là một tình yêu lớn, gửi gắm biết bao điều từ ba mẹ. Anh như thấy mình ngày trước trong hình ảnh cu Bin. Anh cũng kể cho thằng bé nghe những chuyện thuở xưa đã từng được nghe nội Bin kể.
Nhìn bàn tay bé bỏng của con cùng lấp đất, tưới nước cho cây, lòng anh thực sự xúc động. Ngày nhỏ, anh cũng được ba cầm tay, chỉ dẫn cách trồng một cái cây trong vườn. Cho đến bây giờ, như một thói quen, mỗi lần bắt gặp cây con, dù ở đâu, anh vẫn giống như ba ngày trước, đi chậm lại, tránh đạp lên cây. Ba anh nâng niu sự sống của từng cây non. Ông thường nói: “Khi con biết chăm sóc một cái cây, con sẽ biết thế nào là nuôi dưỡng một niềm hy vọng”.
Ba giữ khoảnh rừng nhỏ để cho chim chóc có nơi về làm tổ. Suốt tuổi thơ, anh vẫn thường thức giấc bằng tiếng chim. Có lúc, anh thấy những chú chim màu sắc sặc sỡ, khi lại thấy mấy chú sóc chuyền cành. Ba cất một cái chòi gỗ có tầm nhìn xuống thung lũng làm nơi uống trà. Khách tới chơi là thế nào ba cũng dẫn lên đó trò chuyện, ngắm bình minh và hoàng hôn. Ai về cũng có quà là mấy loại rau củ quả trong vườn. Nhiều người đến cũng thường mang cho ba hạt giống. Cây nào từ hạt giống của ai, ba đều nhớ. Những người bạn cũng nhớ ba mỗi khi đến thăm nhà.
Nơi ba nằm bây giờ, anh đã trồng một hàng tùng bách và những cây sứ trắng.
***
- Bây làm gì thì làm, cũng phải giữ lại cho cháu ba khoảnh rừng này!
Anh nhớ lời ba dặn, khi quyết định khai thác đất đồi của gia đình làm du lịch. Cả đời ba làm một công chức mẫn cán, vườn nhà ba trồng chỉ để vui thú điền viên. Anh sẽ thay ba gìn giữ khoảnh rừng này, khu vườn này và tiếp tục làm cho đất thắm màu của cỏ cây, hoa lá. Dòng nước mà ba đã kỳ công thiết kế hệ thống dẫn lên đỉnh đồi để tưới tiêu cho cây cối sẽ tiếp tục những dòng chảy của sự sinh sôi.
Anh tạm ngừng công việc kinh doanh ở phố, về quy hoạch lại đất vườn, cho trồng thêm hoa, đóng thêm dãy bàn ghế gỗ lấy “view” thung lũng. Anh vận hành và quán xuyến mọi việc, thuê nhân công. Nơi này dự định sẽ mở cửa đón khách hữu duyên đến tham quan, ngắm cảnh, uống trà, vẽ tranh, chụp ảnh… Đó cũng là món quà của ba anh để lại cho muôn người.
Ngôi nhà gỗ của ba mẹ nằm bên cây hồng mỗi mùa trĩu quả, nhìn xa xa như một dấu lặng trầm trên đồi phủ đầy màu xanh của cây cối. Có người tới lui, ríu ran trò chuyện, mẹ anh cũng đỡ phần cô quạnh.
Người quanh vùng lúc trước vẫn bảo nhà anh “phí”, có đồi có đất mà không tận dụng làm kinh doanh.
Thậm chí có người đến hỏi mua, thuê đất làm trang trại, xây nhà lưu trú làm du lịch sinh thái, ba đều từ chối. Ba mẹ anh cứ chầm chậm làm nông nghiệp sạch, rau trái thuận tự nhiên nên có mùa được, mùa không. Cỏ cứ mọc đầy vườn. Hồi đó anh cũng thắc mắc. Đó là lúc anh học đại học, mới biết vài cách thức kinh doanh và đi đâu cũng nghe người ta nói chuyện “khởi nghiệp”, “học làm giàu”.
Ba anh chỉ nhẹ nhàng bảo:
- Nhà mình ở đầu nguồn nước, giữ đất sạch cũng là giữ cho nguồn nước sạch. Còn ai sao thì kệ người ta. Thế hệ ba đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để trồng rừng…
Ba bỏ dở câu trả lời nhưng anh hiểu. Thế hệ ba là những chàng trai cô gái đôi mươi đã từng hát vang trên những nông trường, lặn lội phủ xanh đồi trọc và những cánh rừng bị bom đạn tàn phá. Mồ hôi họ đổ xuống những công trình thủy lợi, những vườn cây ăn quả, những cánh đồng, những ruộng hoa màu… Đó là những năm tháng trẻ trung, vất vả nhưng cũng đầy tự hào của ba anh.
“Bây làm gì thì làm, cũng phải giữ lại cho cháu ba khoảnh rừng này!” - lời ba nói như một ký thác.
Khi nắm tay cu Bin đi qua lối mòn rì rào tiếng gió, một niềm xúc động trào lên trong lòng anh. Nhìn những bước chân hồn nhiên của con, giải thích cho thằng bé những thắc mắc liên hồi: “Cây này là cây gì ba? Lá này ăn được không ba?”, anh lại thấy nhớ mình của những ngày thơ ấu. Những câu chuyện mà anh vẫn thường kể cho Bin nghe lại cũng chính là những chuyện ba đã kể cho anh ngày trước.
“Cây cổ thụ như người già có râu, rừng xanh bát ngát là rừng đầu nguồn, rừng linh thiêng…” - anh khẽ hát mấy câu ca về rừng. Cu Bin lắc lư theo nhịp. Rồi thằng bé hỏi:
- Nhà ông nội có cây băm vằm không ba?
Anh cười:
- Nhà ông không có cây băm vằm nhưng có rất nhiều cây khác, trong đó có rất nhiều cây mà ông nội trồng chờ cu Bin lớn.
Anh không nói với con “Còn có cả khoảnh rừng này”. Thằng bé chắc chắn không hiểu được rằng ông nội đã để lại cho nó cả một gia tài.
Khu vườn nhỏ trong thành phố không đủ hoa trái cho chim chóc kéo về nhưng ở đây lúc nào cũng có quà cho muôn loài. Ong về hút mật, chim về ăn trái chín và bên dưới những thảm thực vật là cả một “hệ thống côn trùng” đang ngày đêm góp công làm tơi xốp đất.
Những câu chuyện của anh với con trai lúc về đồi cũng rất khác khi trò chuyện cùng con trong thành phố. Anh đã kể cho con nghe về các loài chim, ong, bướm; cách tổ chức vận hành đời sống của bầy mối… Khuôn mặt thằng bé háo hức, trong veo.
Khoảnh khắc dẫn con lên đồi thăm ông nội, nhìn thằng bé cẩn thận tránh những cây thông non vừa mọc, anh mỉm cười.
Gió trên đồi vừa thổi rơi những bông sứ trắng…
Bùi Tiểu Quyên