Nhã còn nhớ, ngày nhỏ, nội mắng rất lâu, thậm chí thi thoảng đánh vào mông mỗi đứa cháu một roi nếu chúng mê mải chơi lò cò, nhảy dây gần nghĩa địa mà chạng vạng chưa về. Nhất là nếu có đứa nào trong đám cháu, lỡ sốt hay sổ mũi là bà được dịp vừa lau mát, vừa cho ăn cháo, vừa bắt xông hơi, vừa nói không ngừng về cái thời khắc nhạy cảm, về chuyện người khuất mặt khuất mày quở quang, về việc cá không ăn muối…
Ngày đó, Nhã cũng như đám anh chị em đông đúc không có đứa nào để vào tai lời nội. Hồi ấy, tụi nhỏ chỉ mong nội nói gì thì nói cho nhanh, để phóng đi chơi, coi ti vi, học bài hay đọc sách. Vậy mà, những lúc như thế này, cô nghe rõ những thầm thì, như thấy rõ cái búi tóc củ tỏi mướt rượt, như nghe mùi dầu dừa thương quen vừa lướt qua mình, như nhìn thấy cái áo bà ba có vài mảnh vá thật khéo sau vai trái của nội.
***
- Anh có thể đợi tôi không, chừng một giờ? Tôi xin trả thêm tiền chờ cho anh.
- Cô cứ tự nhiên. Cuối ngày rồi. Chuyến này là chuyến xe chót của tôi. Cô từ sân bay về thẳng đây thì chắc người trong này đặc biệt lắm với cô.
Nhã không hiểu sao tự nhiên cô có cảm giác như mình vừa được ai đó lôi lên từ đống gạch vỡ nát sau trận động đất rồi lọt thỏm vào vòng tay ôm của con người, bất kể là ai miễn là thịt da con người. Một ngày nào đó, mỗi người sẽ nhận ra đó chính là điều mình thèm muốn nhất trong cuộc đời. Những kiểu hỏi han như vầy chỉ có ở đây, ở xứ sở này - nơi mà ngày nhỏ, nằm lắc lư trên cái chõng tre của nội, mải mê nhìn những cánh chim thiên di, cô đã mơ rồi thêu dệt mỗi ngày một tấm lụa sặc sỡ về một vùng trời khác.
Giọt nước mắt đã rất lâu không thấy trên mi lại rón rén bò trên má Nhã. Ký ức không còn trong nỗi nhớ nữa. Cô nghe như mình chạm được hình khối của nó rồi. Chiếc vỏ sò cứng cáp, chắn sóng chắn gió cô dày công đeo lên mình suốt mười mấy năm qua để tự ru rằng mình đã trưởng thành mạnh mẽ, phút chốc rơi tuột đâu mất.
Nhã muốn nói với anh tài xế taxi bằng một giọng bình thản nhẹ nhàng nhất, kiểu bình thản nhiều năm qua cô cố móc vào và ấn định như một phần tính cách mình. Thế nhưng, tai cô lại nghe chuỗi âm thanh xa lạ như thể chưa từng quen biết. Từng từ rơi ra sũng ướt. Là giọng nói của chính cô những ngày xa nào đó?
***
Nhã khẽ lấy bịch khăn ướt trong túi xách, lau đi lau lại cái bình hoa, mấy tách nước nhỏ xíu khô khốc đầy bụi, dĩa đựng trái cây, bài vị và khung hình của nội. Cái cảm giác hơi thở mình đọng lại thành sương và bám chặt trên từng món đồ vừa lau cứ chờn vờn trong đầu Nhã. Cô cứ lau mãi, ngỡ như những món đồ trên tay có thể rên lên vì đau.
- Con về rồi đây, nội.
Tiếng “nội” đã rất lâu mới có dịp rơi ra, thấm vào Nhã như giọt nước rơi xuống miếng đất khô cằn nứt nẻ rồi mất hút. Nhã di di ngón tay trỏ lên tấm ảnh được ốp chắc chắn trên bia mộ. Tấm ảnh này chụp nội khi nào? Trong trí nhớ của Nhã, tóc nội hãy còn những sợi đen lẫn trong rất nhiều sợi bạc, chứ không phải trắng như bông gòn thế này. Có điều gì rất nhẹ như thể đang nứt ra trong sâu thẳm trái tim Nhã, vấp phải ánh mắt ngơ ngác của nội trong di ảnh. Người ta có khi nào già đến một lúc nào đó thì không còn ranh giới của giới tính và hẳn nhiên địa vị tiền bạc hào quang hay những yêu thương, giận hờn cũng chẳng còn nghĩa lý? Người ta sẽ như trẻ nhỏ, âu lo, sợ sệt và ngơ ngác?
Bóng đêm mở miệng khổng lồ như nuốt cả bầu trời. Xung quanh nhờ nhờ sáng. Ánh sáng hắt ra từ những bóng đèn điện đỏ ối trên kệ thờ trước mộ phần, từ mảnh trăng lưỡi liềm chênh chếch lẻ loi xa xa. Nhã cảm thấy lạ. Sao cô không nghe chút chờn chợn nào, hệt như mấy ngày trước, lúc đẩy cửa bước vào nhà, nhìn thấy chồng ngồi trong bóng tối lờ mờ hắt ra từ màn hình ti vi với những lon bia rỗng được bóp nhăn nhúm nằm sấp ngửa trên bàn.
Nhã nhớ mình đã khẽ khàng ngồi xuống cạnh anh, nhẹ như một con mèo canh bóng nắng. Một khoảng cách vừa đủ gần để anh không cần nói lớn cô vẫn nghe thấy, tránh cho Cherry không giật mình thức giấc. Anh choàng tay qua ôm lấy người cô.
- Lại đây em!
Cô áp mặt mình sát lồng ngực anh mà vẫn cảm thấy có điều gì đó thật xa lạ. Anh nhẹ lỏng đôi tay. Cô nghe mình nén một tiếng thở dài.
Những vòng tay ôm chặt khiến người ta hạnh phúc đến thế nào thì những cái buông lỏng kèm tiếng thở dài cố nén, với Nhã, luôn ám ảnh và đau không kém. Nhã vẫn không thôi chần chừ, vẫn không muốn mình là người cầm kéo cắt một nhát đứt lìa cuộc hôn nhân vốn căng thẳng của chính mình. Cô thử nghiệm khả năng kiềm chế cảm xúc - thứ mà cả đời Nhã vật lộn với nó. Để cảm xúc nắm tay và dẫn mình đi là điều thật tệ. Nhiều lần, Nhã nhận ra sự việc vốn dĩ không đủ sức đánh bại cô mà chính cô, với sự nuông chiều cảm xúc của bản thân, đã tự đeo đá vào chân và cứ thế tự lôi mình vào những hố sâu buồn khổ.
-Em quyết định về sao? COVID-19 ở Việt Nam còn phức tạp.
- Em quyết định rồi. Ở Việt Nam còn ba mẹ và chị em của em. Em không muốn mình không còn cơ hội gặp họ chỉ vì trì hoãn.
- …
- Em đã trì hoãn bảy năm rồi. Mua nhà. Công việc. Chuyện đi học của Cherry. Tất cả những thứ ấy có bao giờ dừng lại hả anh? Đó là những mối bận tâm vốn dĩ của cuộc sống. Hết cái này sẽ đến cái khác. Nhưng có thể em không còn nhiều cơ hội gặp lại ba mẹ, chị em mình. Em đã từng không gặp bà nội em…
- Anh lo cho em. Với lại, anh cũng sẽ nhớ em.
Trong ánh sáng lờ nhờ, Nhã vẫn kịp nhìn thấy những nếp nhăn hằn sâu trên trán anh. Cô tránh nhìn vào mắt chồng, tránh nhìn vào vùng trống rỗng đó. Hiện tại, anh với cô là một vùng như thế. Trắng trơn. Nhiều lần, Nhã tẩn mẩn đào xới mong tìm chút mảnh vụn của ký ức yêu thương hay chí ít cũng nhặt nhạnh chút vui vẻ hạnh phúc tựa khi xem lại bức ảnh gia đình xưa cũ. Vậy mà không còn gì. Cô tự hỏi lẽ nào anh không biết để giờ đây níu kéo mong manh bằng những lời thương yêu lo lắng.
Lời nói ngoài vành môi thôi mà, có gì đơn giản và dễ dàng hơn. Người ta có thể sống nhiều năm với nhau chỉ bằng cách nói lời hay ý đẹp? Trong ngần ấy năm, anh đã làm gì để Nhã cảm nhận được tình yêu của anh? Cô mang thai, sinh con, nuôi con, đối diện với gánh nặng áo cơm, gánh nặng gia đình chồng, gia đình mình cùng những thời khắc khó khăn về sức khỏe, công việc… Anh đã cùng chung tay gánh vác lúc nào với cô mà thương mà yêu? Nhã nghe cảm giác lạnh lẽo thấu qua từng lỗ chân lông chảy thẳng đến ngực trái. Tình yêu, sự an tâm, khát vọng được một bờ vai chở che luôn là mong mỏi của đàn bà nhưng không phải người đàn ông nào cũng có điều đó để trao cho họ. Nhã nghe mấy lời “phận đàn bà” của mẹ ong ong trong đầu.
***
Gió thổi nhẹ. Hai nhành cây mảnh mai trước mộ phần hình như run lên. Sài Gòn chưa từng có mùa đông, chút gió thế này khiến Nhã nhớ đến những ngày còn nhỏ, khi gió chướng về. Mấy chị em chen chúc, no giấc trong cái se sắt lạnh hiếm hoi của vùng đất phương Nam quanh năm nắng nóng. Tinh sương bì bõm chân trần, lò dò từng bước đến trường, nghe thích thú lạ lùng, có biết gì đến nỗi lo ngay ngáy của người lớn dành cho đám hoa màu cây trái mùa tết.
Không biết tại sao bao nhiêu năm nay, kể từ ngày lớn lên rời đi, bất kỳ ai đó chỉ cần buột miệng buông từ “về quê” là cô luôn nghe thắt một cái trong ngực mình. Hệt trong những chiều đông rét mướt, nhích từng bước chân từ trạm xe buýt về nhà, nén lại ngay cổ họng tiếng “mẹ” để khỏi mềm lòng, khỏi nghe trên má mình có một giọt tròn nóng hổi lăn dài. Bao nhiêu năm tha hương, những từ “mẹ”, “về quê”… luôn nằm sâu trong ký ức. Mỗi năm đôi lần nhớ thương quay quắt, cô rón rén lấy ra, rồi cẩn thận cất vào sâu trong ngực áo.
- Cô là sao với bà?
Nhã giật mình. Một giọng nói ấm áp và nhẹ nhàng. Một người đàn bà đứng bên chiếc xe đạp cũ nát, cầm chiếc nón lá cũng cũ, lọt thỏm trong bộ quần áo thùng thình lem luốc. Chị đứng yên nhìn cô.
- Cô là sao với bà?
Nhã chưa kịp trả lời, chị đã hỏi lại lần nữa. Lần này, âm sắc còn nhẹ nhàng và ấm áp hơn cả lần trước. Nhã không thôi ngạc nhiên. Sao người đàn bà lam lũ tiều tụy này lại có thể có giọng nói trong trẻo ấm áp nhường ấy.
- Chị là…
-Tôi làm vệ sinh hằng ngày cho phần mộ của bà và một số ngôi mộ ở đây. Tôi gặp nhiều người viếng bà, vào tết, giỗ, Vu lan nhưng tôi chưa từng thấy cô.
- À, cảm ơn chị đã chăm sóc bà nội tôi.
Nước mắt ở đâu không biết lăn dài trên má Nhã.
- Đừng khóc! Chắc cô ở xa mới về rồi.
- …
- Ờ, ờ… Bình tĩnh ngồi xuống đi. Cô đẹp quá! Nhìn cô giống bà ghê. Chắc cô cũng như bà, được ông thương. Ông luôn đến đây ngồi với bà mỗi thứ Hai đầu tuần, suốt bảy năm từ hồi chồng tôi còn làm.
Nhã lặng nhìn người đàn bà không quen, thấy bóng dáng của nội, của mẹ, của thím, của dì qua cách nói của chị. Cách nói tự nhiên thổ lộ tâm tình thật chân thành mộc mạc. Việc chia sẻ cảm xúc đối với những người đàn bà này sao thật dễ dàng. Ngày trước, khi cầm trên tay tấm hộ chiếu có hình con đại bàng mạ vàng, Nhã cứ nghĩ rồi cô sẽ khác đi. Cô hiện đại hơn, mạnh mẽ hơn, tự do hơn. Cô nào biết, cái làm nên “phận đàn bà” là thiên tính yêu thương, thích chăm sóc, sợ làm tổn thương người khác.
- Hôm nay là ngày giỗ thứ tư của anh ấy. Ảnh mất khi đang lau mộ cho người ta, không kịp nói gì với vợ con… Lúc đó, chị mới sinh chưa đầy tháng. Nách ba con. Bốn năm rồi…
- Ôi… chị…
- Cũng không chắc là đã thương nhau nhiều hay còn thương nhau đến lúc nào. Chỉ biết là đi một mình thật khó khăn, cô ạ. Chị hay về trễ, ngồi chỗ này, vì mộ bà rộng. Cũng có thể vì nghe an ủi khi mỗi thứ Hai đều thấy ông ngồi đây nói gì đó hoặc có khi im lặng nhưng chắc bà hiểu, heng cô. Nhiều lần chị ước, chỉ cần có anh bên cạnh là đủ. Cực khổ gì chị cũng làm được, chịu được. Có người cùng mình đi qua một thời trẻ rồi già cũng đỡ. Con cái không thay thế được.
- Chị có từng hạnh phúc không? - Nhã đột nhiên hỏi.
- Chị không biết. Mấy ai biết rõ mình có gì trừ khi nó đã đi qua và mất hẳn phải không cô?
Chiếc xe đạp lọc cọc cùng với bóng lưng rúm ró xiêu vẹo của người đàn bà xa dần và mất hẳn sau những phần mộ có mái vòm cong cong cao vút. Một vùng bụi lờ mờ và dư âm ngữ điệu nhẹ nhàng ấm áp như mùi nhang trầm quẩn quanh ve vuốt cô. Nhang đã tàn, chỉ còn lại những hình dấu hỏi xam xám mong manh. Lát nữa đây, nếu có một cơn gió đủ mạnh ghé qua, tất cả chỉ còn là bụi hòa lẫn vào không khí như chưa từng là những cây nhang hay những dấu hỏi mà ngày nhỏ nội hay bảo đó là dấu hiệu ông bà về chứng kiến.
“Anh xin lỗi vì có thể anh nhiều sai sót. Có thể anh đã làm em buồn nhiều trong suốt thời gian qua nhưng chúng ta vẫn còn tiếp tục được mà, phải không? Em cứ ở Việt Nam một thời gian cho cân bằng. Anh và Cherry tự lo được. Khi em không có nhà, anh mới thật sự cảm nhận rằng nếu mãi mãi không có em thì cuộc sống cũng thật sự không dễ chịu. Anh nhận ra yêu thương không phải là giữ em lại bên mình, cũng không phải chỉ biết cảm xúc của bản thân… Bình an, em nhé! Đốt giùm cho anh cây nhang lên mộ bà nội!”.
Tay Nhã run run cầm cây nhang mới đốt cắm vào lư hương. Trong làn nước mờ mờ nơi mắt, hình như cô thấy nội đang cười. Nụ cười của ngày cô khoe giấy khen học giỏi, báo tin đậu đại học; ngày cô mặc áo dài đỏ, đội mấn đỏ dâng ông bà ba mẹ ly rượu vào ngày làm lễ xuất giá. Không hiểu sao bây giờ Nhã lại nhớ rõ đến vậy lời vở kịch Nogaku cô xem bên Nhật:
“Đời theo đời trôi vào quá khứ
Trôi vào vô thủy ai hay
Đời theo đời trôi vào tương lai
Trôi vào vô chung ai biết”.
Triệu Vẽ