Truyện ngắn - Đồi hồng

16/01/2025 - 15:24

PNO - Tiếng ghe máy lạch tạch tuốt mé Rạch Miễu vẳng lại bến Tắm Ngựa báo hiệu gần 5g sáng. Hơi lạnh giữa mùa gió chướng khiến bà Năm với tay kéo vuông khăn vắt trên dây phơi đầu hồi quàng lên cổ rồi đút thêm thanh củi gòn vào cửa lò.

Củi nổ bem bép, trong thùng lục bục tiếng xương đã vào độ chín mềm. Nước lèo tỏa mùi thơm béo. Mình bà lui cui từ hồi 3g, luộc mớ phèo non rồi cân nước chế thùng nước lèo cho đủ hơn trăm tô. Thằng Trọng còn say ngủ toòng teng trên cái võng dù, quay đầu vô bàn thờ ông ngoại nó. Bà mặc cho nó ngủ thêm chút nữa. Giờ cái nhà này chỉ còn bà và nó hủ hỉ, mình bà bán cũng đủ đắp đổi nhưng thằng nhỏ không chịu ở yên mà luôn ráng kiếm tiền phụ ngoại. Thằng cháu bà lúc nào cũng cười toe toét, ai biết nó buồn biết bao nhiêu…

Ngắm thằng cháu, bà Năm thở dài nhớ đứa con gái bà cưng như trứng mỏng. Cũng cái nét cười ấy nhưng lòng dạ nó dường như cây sắt thẳng, bà chẳng thể uốn cong. Má thằng Trọng cũng cứ cười tươi như vậy mặc bà ngăn đến cạn nước mắt rằng đừng ham phong hoa mà lậm vào ba nó. Rồi lời bà như tiên tri. Thằng nhỏ còn đỏ hỏn chưa từng được nghe hơi tay ba nó 1 lần. Tới khi thằng nhỏ chưa kịp lẫm chẫm, ba nó đã ra đi biền biệt. Vậy là cha con nó vĩnh viễn cách xa khi nó còn chưa thấy mặt cha. Rồi má nó trốn chạy lên thành phố. Rồi cơn sốt bại liệt kéo tới...

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Vậy mà nó lớn lên lại là đứa cứng cỏi mạnh mẽ nhất trong cái đám cùng lứa chứng nghiệm khoảng thời gian khó khăn ấy. Chúng cứ cùi cụi mà lớn. Cái đứa bất hạnh nhất khuyết một bên chân là cháu bà lại là đứa giỏi giang nhất. Bà Năm đưa chéo khăn chặm khóe mắt. Rồi bà sẽ nhớ nó lắm đây khi tuần sau là nó nhập học ở Sài Gòn. Xóm này chỉ mình nó đậu đại học trong khi đám bạn có những đứa chưa từng nghĩ đến việc đi học. Mình nó kiên nhẫn với cây nạng gỗ cũ kỹ lê mòn những vỉa hè, bán tới tờ vé số cuối cùng mới quay về… Bà sẽ nhớ nó lắm. Cả những vị khách ghiền món hủ tíu Mỹ Tho trứ danh của bà cũng nhớ thằng nhỏ lúc nào cũng tươi cười, tập tễnh mà lại khéo léo không ngờ phục vụ họ mỗi khi ghé quán. Ừ, cũng phải vậy chứ. Nó sẽ đổi đời và sống theo ý nó muốn, làm người trí thức chứ đâu thể quanh quẩn chịu đựng mà kiếm miếng cơm ở cái xó quán này với bà.

Mặt trời ửng hườm hườm mé sông, bà cất giọng:
- Trọng ơi, Trọng à. Dậy thôi con, phụ ngoại dâng nước bàn thiên rồi đón khách nè con!
***
Trọng cứ đi ra đi vào. Tiếng chân nạng lục cục trên nền đá hoa thêm phần nôn nao. Chiều nay Trân sẽ tới. Cô ấy viết tới 2 lần như vậy ở cuối thư mà!

Đây chắc chắn là nỗi nhớ người ta hay tả trong thơ mà ngày xưa nhóm con gái cùng lớp chép đầy sổ tay. Trọng nghe tim mình thôn thốn rồi bần thần khi nghĩ về ánh mắt Trân ngày đầu tiên ấy. Đã quen với những ánh nhìn thương hại có, hiếu kỳ có, cả ngưỡng mộ cũng có nhưng khi bắt gặp ánh nhìn từ đôi mắt nai trong veo, Trọng như ngưng thở. 25 tuổi, tốt nghiệp đại học và đã kịp có công việc ổn định, không phải lần đầu Trọng rung động trước nữ giới. Cũng không phải lần đầu người đàn ông trong anh khao khát một người con gái dịu dàng thuần hậu. Cũng nhiều bóng hồng thoáng qua khi người ta cảm mến sự nhiệt thành, nghị lực và lạc quan toát lên từ chàng trai có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng rồi như số phận, họ lại xa anh chính từ những điều ấy. Vậy mà khi chạm vào ánh mắt Trân, Trọng hiểu ngay đây chính là người phụ nữ anh đã chờ đợi từ lâu trong tiềm thức.

Chuyến nghỉ mát của toàn công ty ở Nha Trang lần ấy như định mệnh. Cô nhân viên lễ tân trẻ măng có lẽ cũng choáng váng khi chạm mắt với chàng trai có nụ cười tỏa nắng. Sảnh khách sạn nhìn ra bãi tắm trải dài đang đông đúc, trơ lại mình Trọng đứng tựa vào chiếc nạng lóa ánh bạc trong nắng. Anh đứng ngó theo những đồng nghiệp đang vô tư cười đùa chơi bóng, nhảy nhót, hò hét trên bãi cát. Bóng lưng anh lẻ loi, cô độc đến mức cô vô thức cứ đứng lặng nhìn anh. Anh như một điều gì đó đặc biệt phá vỡ những định kiến về đàn ông trong cô. Sau này, Trân e thẹn thủ thỉ, lúc thấy anh đứng đó, cô đã tự hỏi liệu có phải anh đang buồn vì mình không thể hòa nhập với những con người khỏe mạnh bình thường ấy. Nhưng rồi ngay sau đó, anh hồ hởi lưu loát hướng dẫn đoàn khách Pháp làm thủ tục, chỉ dẫn họ vài dịch vụ tại Nha Trang. Từ lúc ấy, ấn tượng về anh trong cô là sự giỏi giang, mạnh mẽ, tự tin và hài hước.

Trọng mỉm cười nhớ khuôn mặt hây hây và đôi mắt tròn trong veo của Trân. Có lúc, anh thấy cô như đứa trẻ hồn nhiên; lúc lại như một người đàn bà từng trải, ghê sợ thói đời bội bạc. Ngay ngày đầu tiên giáp mặt, anh đã chứng kiến cô để lộ thái độ coi thường khi nhận lại chìa khóa phòng từ tay một người đàn ông trả phòng. Sau này cô bảo, cô chứng kiến rất nhiều gã như thế. Họ đã có vợ con đề huề, có địa vị và tiền bạc nhưng cứ lang chạ như một thói quen. Những người phụ nữ họ cặp kè vào đây hầu hết là những cô gái trẻ, có cô ngây thơ tưởng họ thật lòng yêu, có cô vì tiền mà đánh đổi thân xác. Trân gặp nhiều nhưng không thể nào quen mắt bởi với cô, người đàn ông đã có gia đình luôn phải như bóng tùng vững chãi, dẫu có giông bão thế nào cũng bền bỉ đổ bóng che mát ngôi nhà và thẳng ngay để vợ họ tựa đầu…
- Em có từng bị mấy gã như vậy quấy rầy không? Em xinh đẹp dễ thương như vầy, hẳn lọt mắt nhiều kẻ đa tình…
- Có vài lần nhưng em khinh. Em không thèm nghe họ trọn câu bao giờ.
- Vậy sao em lại thương anh? Anh nghèo mà còn tật nguyền như vậy…
- Hổng biết nữa! Anh làm em thấy tội nghiệp khi lúc nào cũng ôm đồm bao nhiêu việc, thấy hổng an tâm vì ăn uống chểnh mảng quấy quá, thấy không giống chút nào với mấy gã đào hoa bóng lộn họ Sở đó nữa. Mà em nói thương anh hồi nào?
- Vừa nói xong đó!
- Hổng có…

Đôi môi Trân ngây thơ đến vụng về khi chạm môi Trọng. Đôi má bầu bĩnh ửng đỏ và đôi mắt nai mở lớn nhìn khuôn mặt Trọng lúc đó có lẽ cũng ngây khờ đang cúi xuống. Có lẽ rồi cả đời này 2 đứa chẳng thể quên được giây phút ấy.

Chẳng tiếng yêu nào có thể bày tỏ được thứ tình cảm ngây ngất đang dâng tràn.

Căn phòng này đã nhiều lần Trân đến. 2 ngày phép tháng đủ để cô ấy bắt xe từ Nha Trang về Sài Gòn, ở với Trọng trọn ngày. Sau những giờ lang thang trên phố, cô thường làm cho anh món cá hố kho khiến anh “cạo nồi cơm rột rột” như anh hay nói đùa rồi lại lên xe về thẳng chỗ làm. Trọng cũng từng nhiều lần ra thăm Trân. Khuôn viên khách sạn nơi cô làm dường như đã quen với bóng lưng tập tễnh cùng cây nạng kim loại bắt nắng lấp lóa. Nhiều ánh mắt ngạc nhiên nhìn họ. Cô gái mảnh mai thanh thoát xinh đẹp kia sao có thể cười đáng yêu đến thế bên anh chàng tật nguyền.

Điều buồn nhất 2 đứa chưa thể vượt qua là ba mẹ Trân. Trọng hiểu và thương họ nhiều hơn. Ai mà không xót và lo cho đứa con gái lớn hiểu chuyện, hiếu thuận của họ nếu đem gả cho anh! Dưới cô còn tới 6 đứa em đang độ tuổi ăn học. Đâu thể biết tương lai cô cùng anh sẽ ra sao. Bây giờ anh vẫn đang ở nhờ trong ngôi nhà lớn của người quen từ hồi mới lên Sài Gòn nhập học. Công việc trực tổng đài cho hệ thống nhà hàng Ý giúp anh đủ sống nhưng cưu mang sao được vợ, rồi con…

Biết Trân buồn, Trọng thường động viên. Ba mẹ rồi sẽ hiểu cho tình cảm của 2 đứa thôi. Yêu xa, lòng tin vào nhau càng phải lớn. Mỗi lần Trân lén về thăm anh hay anh thu xếp ra thăm cô, 2 đứa đều gìn giữ để chờ ngày niềm vui được người lớn chúc phúc. Hơn 7 năm rồi, kể từ ngày đầu tiên gặp nhau nơi sảnh khách sạn, tình yêu có lẽ càng chín đậm, càng gắn kết chặt 2 trái tim dũng cảm.

Cửa bật mở, Trân ào vào phòng như cơn gió. Chưa kịp gỡ chiếc nón khỏi mái tóc dài đen huyền, cô đã liến thoắng:
- Anh thu xếp đồ lẹ lên. Hổng kịp tụi mình đi chơi hôm nay đâu. Bắt xe về Cam Ranh liền. Ba vừa đồng ý kêu anh về bàn chuyện cưới nè…
***
Bình minh vừa hé. Quầng sáng hồng như vòng cung từ từ loang đẩy biển mây trắng như trôi cao lên và tan dần. Đỉnh đồi hình vòng cung tròn trịa như đáy tô úp trở nên hồng rực dưới ánh mặt trời buổi sớm. Trân vòng tay từ phía sau ôm chặt bụng chồng, kê cằm lên vai Trọng thủ thỉ:
- Vậy là mình đã thực hiện hết những điều mơ ước cùng nhau...
- Ừ, gần như vậy. Em hạnh
phúc không?
- Tất nhiên rồi. Em rất hạnh phúc. Nhưng sao anh lại nói “gần như”?
- Vì mơ ước của anh nhiều hơn những điều chúng ta đã kê ra cùng nhau hồi đó nữa. Anh còn thấy nợ ân ông bà ngoại sắp nhỏ. Ba mẹ đã vì em mà thương anh, rồi thương anh suốt một đời…
- Nhớ hồi má đưa dâu đến cửa phòng tân hôn... Má khóc mà như muốn quỵ. Rồi má chỉ nói 1 câu, đã lỡ thương thì con phải thương đến trọn đời, cực quá cứ nói với má.
- Ừ, lúc ấy anh chỉ đủ tiền thuê căn phòng nhỏ đó. Vừa khít cái nệm đôi và cái kệ. Đúng là cái phòng tân hôn thảm nhất trên đời. Cũng tại anh cố chấp không muốn ngoại lo nghĩ, tỏ ra cứng cỏi để ngoại và má khỏi bận lòng. Dù gì anh cũng muốn sống cuộc đời của mình mà không dựa dẫm. Ngoại lúc đó quá già còn má anh thì cũng đã đi bước nữa…
- Em rất thương ba lúc nghe tin mất bé Đỏ. Má nói lần đầu tiên má thấy ba khóc, mà là khóc lén. Mắt còn đỏ lựng mà ba vô nạt má đừng khóc, phải cười mà động viên em với anh. Đó đúng là thử thách cả gia đình mình...
- Coi như ông trời thử thách gia đình mình đến mức cuối. Cu Bin chào đời kháu khỉnh là mình đã được bù đắp đó em.
- Từ giờ nhà cửa mình vậy là an cư lạc nghiệp rồi. Anh à, giờ nhìn lại, mấy đứa bạn em lấy chồng giàu có, giỏi giang ngày xưa, ít đứa được như vợ chồng mình.
- Với anh, em là món quà thượng đế ban cho để bù đắp những bất hạnh. Anh biết ơn em vô cùng Trân à. Em đã mang lại cho anh tất cả những gì thế gian này gọi là hạnh phúc.
- Với em, anh là người đàn ông tuyệt vời nhất.

Trân gỡ chiếc nạng khỏi sườn chiếc xe máy 3 bánh. Chiếc xe cũng kiên cường y như vợ chồng cô, kiên định bám sát đoàn trên mọi cung phượt. Rong ruổi và tận hưởng mọi khoảnh khắc đẹp nhất bên nhau chính là mơ ước khó thực hiện nhất của vợ chồng cô bao năm nay. Ước mơ ấy giờ đã thành hiện thực.

Cánh tay bên bờ vai không cần nạng của anh choàng qua vai cô. Những bông cỏ hồng đang độ nở đầy đặn nhất, cong trĩu mềm mại quẹt qua gối họ để lại những vệt sương ẩm man mát. Phía trên đỉnh đồi, tiếng chim ríu rít khi cả đàn ùa từ tàn cây sà xuống cỏ. Bình minh lên rạng rỡ, cả một vùng đồi và thung lũng hồng rực trải mênh mông. Trọng bất giác siết chặt vai Trân, nhẹ buông cây nạng rơi xuống thảm cỏ hồng và ghé môi hôn vợ đầy say đắm, hệt như những ngày đầu.

Phía xa xa dưới chân đồi vang lên tiếng vỗ tay và cả tiếng huýt gió, chắc đồng đội phượt thủ đang tranh nhau ghi lại khoảnh khắc này của vợ chồng anh.

Nguyễn Thu Hà SG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI