Truyện ngắn - Đỏ và xanh

02/06/2024 - 08:32

PNO - aaaXung quanh Linh toàn màu đỏ - màu của đất bazan, của cây cối bị phủ bụi, của những cơn gió cuồn cuộn bụi đỏ và mái nhà cũng bị phủ một lớp bụi đỏ.

Gã xe ôm có nước da nâu khỏe mạnh, quần jeans áo jeans rách ngang dọc đạp chân chống xe, tháo mũ bảo hiểm, kính và khẩu trang để lộ gương mặt khá điển trai. Gã dài cổ ngó nghiêng về phía những dãy nhà, nói: “Chờ tôi hỏi thăm, nếu không phải thì đi tiếp”.

Linh ngồi bệt xuống vỉa hè đầy bụi: “Không đúng tôi cũng ăn vạ ở đây. Hết sức và hết cả tiền rồi!”.
Gã xe ôm nhe răng cười, đi về phía sau dãy nhà có ngọn khói ngún lên, một lát sau quay lại:
- Đúng rồi nhưng mọi người đang ở ngoài công trường, tối mới về. Cô ở lại đây một mình được không?

Linh gục gặc, có gì mà không được.

Sau khi xòe mấy tờ tiền ra đếm, gã gãi gãi mũi rồi nhét lại vào tay cô 2 tờ màu xanh: “Cầm lấy phòng thân!”. Linh bật cười. Gã trai nhìn ngầu ngầu bụi bụi mà dễ thương đến muốn nhéo má. Hẳn gã đã thấy cô lôi hết tiền trong túi ra. Hẳn gã chưa nghe thỏ khôn có 3 hang, con gái khôn để tiền 30 chỗ. Như cô lúc này, dù bị mất ba lô, ví, điện thoại, cô cũng còn tiền mặt đủ để trở về.

Con Mink gầm lên bỏ lại chùm khói nhạt rồi khuất dạng. Linh thở dài nhìn mấy dãy nhà tập thể đã cũ, không biết mấy năm qua những con người ở đây đã sống thế nào. Vậy mà họ vẫn sống, vẫn trả lời với người nhà rằng mình khỏe và ổn.

Linh lững thững đi ra phía sau dãy nhà, nơi có cái bể nước to và gian bếp rộng. Bếp đang đỏ lửa. Có 2 phụ nữ đang bận rộn, lưng áo đẫm mồ hôi. Thấy người lạ, cô gái trẻ cúi người đi ra, cười với Linh bằng mắt, cả gương mặt giấu sau cái khăn tay gấp đôi. Sau khi biết Linh là người nhà của Đức, cô tíu tít ngay, có thể vì nơi này không mấy khi có người lên chơi. Cũng đúng, đường sá xa xôi, xe cộ không tiện, nơi ăn chỗ ở nhìn chung tạm gọi là tươm tất nhưng với người thành phố thì vẫn là tuềnh toàng tạm bợ.
- Bình nước ở kia, chị tự nhiên đi. Anh Đức và mọi người đến tối mới về. Chị đói không?

Tiếng con Mink quen thuộc lại gầm lên, sau đó là tiếng bước chân vững chãi. Gã xe ôm tỉnh queo:
- Tôi nghĩ nên cùng cô đợi, có gì thì tôi lại đưa cô về.

Gã đưa ra gói bánh và chai nước, chắc mới mua ven đường.

Cô bật cười thành tiếng. Lúc ở bến xe, nghe cô nói nơi mình muốn đến, mấy bác xe ôm đều lắc đầu. Thứ nhất đường xa. Thứ nhì đường lầy lội khó đi. Thứ ba địa chỉ mù mờ, có đi thì e không thể quay về trong ngày. Cô chưa kịp lo lắng thì gã phóng tới.
***

Chiều muộn, tiếng ô tô đến gần cùng những cuộn bụi, 2 cái xe tải xuất hiện, những con người có bề ngoài giống hệt nhau nhảy xuống. Ai cũng có vẻ nhàu nát, bẩn thỉu với những bước chân nặng trịch. Linh thấy Đức. Anh xuống trước, giơ tay đón người sau. Cô nhận ra trong số những người anh đón có một cô gái. Dường như họ nắm tay nhau hơi lâu…

Linh ngồi trên vali gọi: “Anh Đức” để rồi thấy mọi người như bị đông cứng. Gã trai đứng cạnh cô khục khặc ho. Cô quay nhìn gã, chỉ Đức: “Làm quen không?”. Gã trai không trả lời, tiếng con Mink gầm lên, mất hút.
Linh quay lại nhìn Đức, còn kịp bắt được vẻ sững sờ của cô gái kia. Cô tủm tỉm cười bước tới: “Ngạc nhiên không?” và thấy đôi vai của cô gái kia như co lại.

Linh nháy mắt với Đức và theo anh về phòng. Cán bộ có khác, được ở phòng riêng. Căn phòng có bàn làm việc, tủ gỗ đựng hồ sơ, cái hòm tôn, trên dây treo mấy bộ quần áo, toàn là đồ bảo hộ lao động và cái phản mét hai.
- Tối nay em nghỉ tạm ở đây, anh qua phòng bên kia. Lấy quần áo đi, anh chỉ nơi tắm rửa rồi ăn cơm.

Cô cười:
- Mất 2 ngày 1 đêm em mới tìm đến đây, thế mà chỉ được ngủ phản cứng, ăn cơm tập thể. Nói em nghe đêm nay anh ngủ đâu, đừng nói là sang phòng cô gái kia nhé?
Linh phá lên cười khi thấy anh đỏ mặt. Đức mắng:
- Huyền lớn hơn em đấy!

Cô bĩu môi:
- Chưa gì đã bênh!

Anh lấy quần áo và xách cái xô nhỏ để sẵn xà phòng, dầu gội. Cô cười cười mở vali, lấy ra những bánh kẹo, thịt khô, chà bông… để lên bàn nói anh lát nữa chia cho mọi người. Cô biết nơi mình định đến nên những váy vóc ren hoa đều để hết ở nhà. Lúc cùng anh đi dọc hành lang, nhận được vô khối ánh mắt tò mò, cô cười chào với tất cả.

Thấy một căn phòng khép cửa, cô kéo áo anh:

- Phòng chị Huyền đây nhỉ, tối nay em đến ngủ nhờ nhé?

Khi nãy, giữa những người bảo hộ lao động lấm lem như nhau, vừa nhìn, cô đã thấy chị ta và Đức có gì đó không bình thường. Có lẽ là cả hai đang thích nhau nhưng chưa ai dám tiến tới.

Đức dắt cô đi một vòng chào đồng nghiệp. Lúc ăn cơm, anh dắt cô đến ngồi cùng Huyền, nói mai chị Huyền làm hồ sơ ở văn phòng, muốn đi đâu thì nhờ chị đưa đi. Linh cãi: “Em vào thăm anh mà!”, anh vẫn thản nhiên: “Có muốn anh đóng gói em lại và gửi chuyển phát nhanh về không?”. Khi nãy cô gọi điện về cho đám bạn cùng làng, khoe đang ở trên công trình của Đức, ai cũng nói cô gan. Đức biết cô chuyển 3 chuyến xe mới đến được đây đã giận dữ mắng cô một trận. Nếu không ngán đoạn đường về, cô đã kéo vali đi liền cho bõ tức.

Ban ngày nắng nóng thế mà đêm lại lạnh run. Khí hậu oái oăm đã thành công trong việc hạ gục cô sau 1 đêm. Lúc mang về tô cháo còn nghi ngút khói, Đức không tha:
- Thấy hậu quả chưa? Làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau. Ra ăn cháo đi rồi uống thuốc!

Anh không ra công trường, lôi giấy tờ ra làm. Huyền mang sang cành táo rừng chi chít quả bé tí thơm lừng nhưng chua loét và mấy bông dủ dẻ màu vàng thơm ngọt. Cô trùm mền ngồi xếp bằng trên phản, nhìn “đôi trẻ” ngồi đối diện nhau làm việc trong im lặng, thi thoảng ngước lên nhìn nhau. Linh thò chân xuống giường tìm dép, lò dò đi quanh nhìn ngó. 2 dãy nhà phòng nào cũng đóng cửa, vắng lặng như hôm qua. Cô gái phụ bếp đem cho Linh củ khoai:
- Sáng nay bên đơn vị bạn xẻ con heo, em mua được ít xương nấu bí xanh. Dân công trường chỉ thích rau, bao nhiêu cũng hết. Thật tội, cả ngày phơi nắng, người cũng muốn khô.

Cô gái tháo nón, tháo khăn để lộ gương mặt phúc hậu:
- Chị bớt sốt chưa? Do chị chưa quen đó! Tụi em đi từ công trình này đến công trình khác toàn góc rừng xó núi, ngày nóng đêm lạnh, nơi này điều kiện tốt nhất rồi. Cũng nhờ anh Đức quan tâm đến anh em công nhân.

Linh cười nghĩ bụng việc gì cô phải quen, cô chỉ là vị khách ghé qua, thấy vui nên dừng chân ngó nghiêng ít ngày. Cô còn công việc, cuộc sống và bạn bè của mình. Thành phố hợp với cô hơn. Cô cũng không thấy những người ở đây có gì tội nghiệp. Họ đã chọn và thấy vui với sự lựa chọn đó. Tối qua, bác công nhân sắp về hưu kể chuyện bác cả đời ở công trình, mỗi lần về nhà lại mất ngủ vì ồn ào nóng nực. Ở trên này làm có vất vả nhưng không cần chi tiêu, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Con gái sắp ra trường, bác muốn mua cho con chiếc xe máy. Linh định hỏi sao không để cô ấy đi làm rồi tự mua nhưng lại thôi. Cha mẹ nào chẳng thế, bác công nhân già muốn mua xe máy cho con gái, cha mẹ cô còn muốn kiếm chồng cho cô thì sao?

Cô phụ bếp khoe ở trên này không dùng gì đến tiền nên lương gần như còn nguyên, ăn cơm ở bếp tập thể. Mấy năm nay, tiền lương gửi về cho gia đình cũng dồn được kha khá. Cô nói sẽ cố mấy năm nữa rồi về nhà, lấy chồng. Nếu nên duyên với anh công nhân nào thì càng tốt, chồng đâu vợ đó, con nhỏ thì gửi ông bà, khi con đi học thì cô sẽ về làm hậu phương.

Ước mơ và kế hoạch của cô phụ bếp làm cô mỉm cười. Đức là anh trai cùng làng. Ngày nhỏ, anh luôn là tấm gương cho đám trẻ. Anh học giỏi, chịu khó, rất được lòng người lớn dù nghịch phá chẳng kém ai. Học xong, anh nhận việc rồi cứ công trình nọ sang công trình kia biền biệt, mấy năm mới về 1 lần và lần nào cũng gây ra 1 trận xôn xao nho nhỏ.

Đám trẻ như cô cũng học hành, ra trường và có công việc yêu thích. Khi đám thanh niên đi khỏi làng, những người ở nhà không biết bằng cách nào đó đã muốn cô và anh thành một gia đình. Nghe cô nói muốn vào thăm anh, người lớn đồng ý ngay. Họ vừa muốn xem anh ăn ở thế nào, vừa muốn đôi trẻ có cơ hội gặp gỡ, gần gũi nhau.

Tiếng xe máy dừng lại trước sân, Linh ngỡ ngàng khi thấy Khải - gã xe ôm hôm qua. Khải trợn mắt khi thấy cô, chê cô là “đồ hàng mã” nhưng lại đồng ý chở cô đi lòng vòng những cung đường vắng và đẹp đến rợn người để ngắm đất trời chỉ toàn đỏ và xanh. Màu đỏ của đất, màu xanh của trời và cây. Tiếng Khải lẫn trong gió, hỏi có phải con gái Hà Nội đều khờ đến mức không đề phòng người lạ. Khải cười:
- Chuyến này về tay không à?

Linh tinh nghịch:
- Sao lại tay không? Bí quá tôi trói anh mang về là được!
Khải hất tóc cười:
- Không cần trói. Tôi tự nguyện theo.
***
Linh nói Đức mai mình về, anh nói ở thêm mấy ngày nữa, sắp có xe từ công ty lên, cô sẽ quá giang về thành phố rồi mua vé máy bay. Linh từ chối, nói đã hẹn Khải đến đón. Đức nhíu mày:
- Ngày nào cậu ta cũng lượn lờ ở đây. Cậu ta làm nghề gì mà rảnh rỗi vậy?
- Xe ôm, đó cũng là một nghề mà, còn tự do và thong thả nữa. Giờ em về phải nói sao với phụ huynh?
- Cứ nói sự thật thôi. Lần sau muốn lên chơi phải báo anh đón.

Linh cảm nhận anh thích nơi này, thuộc về nơi này dù kham khổ cũng như cô có kế hoạch và ước mơ của mình. Cô cũng có nơi mình muốn ở, công việc mình thích làm, mục tiêu mình sẵn sàng thực hiện. Lên tận góc rừng này thăm anh chỉ là chuyến du lịch nhưng cũng làm cô hiểu thêm nhiều điều. Bây giờ và sau này, thậm chí khi anh và cô đã là những ông bà già thì anh vẫn tốt bụng và chăm sóc cô như với cô em gái cùng làng, từng lớn lên bên nhau.

Cô nheo mắt:
- Anh định khi nào đưa chị Huyền về thăm nhà? Anh dặn chị ấy lo mà lấy lòng em đi, bà cô là em đây không hiền đâu!

Cũng là con gái, trong khi cô ở thành phố sáng rực ánh đèn thì Huyền ở đây, thiếu thốn đủ thứ, ngày ngày cần mẫn với nắng gió, bụi đỏ, ở nhà tập thể, ăn cơm nhà bếp, kiên trì thực hiện ước mơ chỉ vì chị đã chọn công việc này, cuộc sống này và say mê, trả giá vì nó.
Hơn thế, Huyền đã tìm được hạnh phúc của mình. Ngoài ngưỡng mộ, cô còn có chút ghen tị.
***
Khải đưa Linh mũ bảo hiểm. Sáng nay anh đến từ sớm, không quên mua một túi đồ ăn sáng cho mọi người kèm túi rau xanh khá to khiến cô phụ bếp cười tít mắt. Đức gườm: “Đi chậm thôi, cẩn thận đấy!”. Huyền huých anh: “Khó tính như ông già”. Linh cười cười, nhanh tay chụp hình 2 người để về có cái mà khoe.

Đến bến xe, Khải nói cô chờ rồi chạy vội đi, lát sau mang về một túi to đồ ăn vặt, dầu gió và Salonpas, còn có gừng và quýt. Linh bật cười. Anh chàng thật chu đáo và ấm áp. Những ngày ở vùng đất đỏ rừng đỏ núi này nhờ có Khải mà trở nên thú vị hẳn. Cô cũng kịp biết nghề chính của anh không phải là xe ôm. Anh làm việc ở thành phố biển sôi động nhất miền Trung. Anh đang gom phép năm về thăm nhà. Lúc cuồng chân, anh xách xe ra đường và ngẫu nhiên gặp cô, đành trở thành tài xế xe ôm bất đắc dĩ.
- Nếu mình có cơ hội gặp lại nhau thì sao?

Linh rút điện thoại ra.
- Tôi gửi địa chỉ cho anh rồi, nếu anh có dịp ra Hà Nội, tôi sẽ là chủ nhà hiếu khách.

Lên xe, Linh mơ màng ngủ. Điện thoại rung, là tin nhắn của Huyền: “Anh Đức đặt vé máy bay cho em rồi, đến Đà Nẵng nhắn chị, chị sẽ nhờ người đưa em đi thưởng thức những món đặc sản”. Linh nhắn lại: “Em tự lo được, mong sớm được đón chị ở quê”. Cô nhét điện thoại vào ngăn nhỏ ba lô, tay chạm vào 2 tờ tiền Khải đưa lại hôm trước. Cô chụp hình 2 tờ tiền gửi Khải: “Tôi sẽ giữ nó làm kỷ niệm. Cảm ơn anh”.

Một lát Khải mới nhắn:
- Có 1 cơ hội nghề nghiệp cần chọn giữa Sài Gòn hay Hà Nội, nay tôi quyết định rồi. Tôi sẽ rất vui nếu được em đưa về thăm quê…

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI