Lần chần mãi rồi Lư cũng phải nghe lời Tín, đập bỏ căn nhà gạch cũ, xây lại thành ngôi nhà rộng rãi, có lát gạch hoa mát lạnh, trên tường còn gắn thêm mấy cây quạt. Hồi xưa, má ngồi đâu là vớ cây quạt mo cau phất đó, kêu hai thằng con trai “lại biểu” rồi rù rì nói chuyện; lúc cao trào má còn lấy quạt đập bẹp bẹp vô từng đứa. Lư nhìn Tín bắc thang treo quạt, thấy nó mồ hôi mẹ mồ hôi con nhễ nhại mà buồn cười.
Nhà có cả đống người đó không kêu, Lư cũng đang đứng chắp tay sau mông nè, thế mà Tín cứ tự mình làm. Lư ghẹo, mày mắc quạt vậy để mong thoát mấy đòn quạt ba tiêu của má đúng không? Tín nhảy xuống đất, thân hình mũm mĩm của nó rung rinh. Nó quệt tay ngang mặt, trúng lúc đám bụi đang dính tay, thành ra tự vẽ cho mình một vệt râu: “Tại má sợ máy lạnh, chứ không tui gắn luôn máy lạnh cho rồi”.
Trái với tâm trạng vui vẻ của hai thằng con trai, từ ngày ở nhà mới, má cứ hoảng hốt không an vì không có chỗ cất đồ như nhà cũ. Má kêu nhà gì trống trơn lại cao, má vẫn thích cái nhà gạch hơn. Nhà gạch theo ý má là nhà xây nhưng không trát vữa, cứ để lòi hàng gạch có những cái lỗ ra cho má thoải mái nhét thứ này thứ kia. Khi chai dầu, khi bịch thuốc đau bụng, khi mấy đồng tiền lẻ nhét đại, lúc túng lấy ra mua được cái hột vịt về hấp cơm dầm mắm ăn kèm đĩa rau hái vội nơi chái nhà mà ngon thấy ông trăng ông sao. Má nhớ cái nhà hồi trước, bất cứ chỗ nào cũng là kho chứa đồ.
|
Ảnh: MINH NGUYEN |
***
Nhớ hồi đó đi học về đói mềm người, Lư với Tín chỉ cần nhón chân rà rà quanh mấy cây cột, moi mấy lỗ gạch thế nào cũng lụm được tiền má cất. Hai đứa sẽ len lén lấy mấy đồng bạc, u ra ngõ ăn hủ tíu gõ hay bánh bao. Chẳng rõ má có biết mất tiền không mà không nghe kêu ca gì. Có lần dượng Bảy về chơi cho Lư với Tín tiền, Lư cũng bắt chước má cất lên mái lá, coi như trả nợ má những lần… vụng dại. Thời gian sau sờ tới thì tiền đã không còn, hẳn má đi “vét kho”, ngỡ tiền mình. Cũng có thể Tín lấy, hay có con chuột nào chạy qua cắp mấy đồng bạc hôi rình mùi người chạy đi. Lư không biết nhưng từ đó Lư không lấy trộm tiền má nữa.
Lư chỉ tay vô cái tủ đầu giường: “Tủ này có khóa nè má. Má còn nhiêu vàng mà lo giữ kỹ vậy?”. Má cười cười: “Gì chứ vàng nhà tao không thiếu”. Lư với Tín nhìn nhau cười, đó giờ má vẫn gọi hai đứa là hai cục vàng. Má còn nói mai kia có hai con dâu vàng, rồi có thêm bốn đứa cháu nội vàng. Tín cười ha hả nói nhà chi nghèo ác, toàn vàng.
Má không thèm cười với Tín, má kiếm đâu được cọng dây, luồn cái chìa khóa vào rồi đeo lên cổ, bảo cái chìa khóa này không giống cái “hồi đó”. Hồi đó má có cái hòm sắt nhỏ rỉ sét, ba làm thêm hai cái khoen cho má móc ổ khóa, ba kêu đó là “nhà băng” của bả, hai đứa bây chớ dại rờ vô. Rồi “nhà băng” hư, căn nhà tranh đổi thành nhà gạch; rồi ba mất, nhà gạch thành nhà mái bằng như giờ. Dù cái tủ gỗ có khóa nhưng ngày nào má cũng lọ mọ mở ra đóng vào, không dám đi đâu vì sợ người ta bưng luôn cái tủ đi. Tín ở thành phố về nghe Lư mách, nói thuê cho má cái tủ ở nhà băng xịn đâu có bao nhiêu, miễn má yên tâm.
Vậy nhưng má vẫn không yên tâm. Mỗi tháng hai lần má đòi Lư chở lên nhà băng. Má kêu Lư đứng ở ngoài, một mình cầm cái chìa khóa vào phía trong hí húi. Có lần Lư len lén đi theo, thấy má lấy ra cái bịch ni-lông cũ, trong bịch đựng mấy tờ giấy mỏng teo. Trên đường về, Lư ghẹo: “Lát ghé qua tiệm vàng đánh cho má mấy cái bông tai, cà rá để má cất vô nhà băng cho đỡ uổng tiền thuê tủ hen. Tiện thể con đánh cho má sợi dây chuyền, sẽ mạ vàng cái chìa khóa để má đeo cho sang”. Má ngồi sau, đập bộp vào lưng Lư: “Nói hay vậy chớ làm được không, hay vậy thì lấy vợ đi tao mới tin, tao ưng vàng thịt hơn vàng đeo”. Lư hứ dài: “Thiếu gì chuyện để làm, vợ tính sau. Sao má không hối Tín, bộ má thấy con hiền nên cứ nhè con mà ăn hiếp?”.
Tín sáng sủa, học hành ngon lành hơn Lư. Lối xóm khen thằng đó giống ai giỏi dữ, má trừng: “Con tui không giống tui thì giống ai?”. Người ta chọc: “Ủa chớ thím Ba có được nhiêu chữ, bày vừa lá ổi không?”, má háy: “Dư lá ổi, vừa lá mít nghen bây!”. Lư nhìn má ngoe nguẩy mà phì cười, nhớ hồi đó Tín đi học xa biên thư về, má nói Lư mở thư đọc má nghe, đọc chữ nào rà rà tay chỉ chữ đó, ngày nào cũng đọc hai lượt. Tới khi Tín gửi thư sau về thì má đã làu làu thư trước. Ngộ nữa là má có thể nhìn chữ đó và nói chữ gì nhưng hỏi từng chữ cái, đánh vần sao thì má thua.
***
Nhớ lần nào đó, Tín về, hình như Tín về thăm nhà trước khi đi công tác nước ngoài. Khi hai đứa vắt vẻo trên cành ổi, Tín nói đồng nghiệp không tin Lư mới học lớp Bảy. Mỗi lần Tín nhận thư, người ta cứ xúm vào khen chữ đẹp như chữ thầy giáo. Rồi Tín hỏi: “Hồi đó anh nghỉ cho tui đi học, giờ ân hận hông?”. Lư cười he he, ném trái ổi cho Tín, ân hận có thay đổi được gì không?
Sẽ không ai biết khi cột đám sách vở bằng cọng dây chuối khô treo lên cột nhà, Lư đã khóc. Sẽ không ai biết bao lần Lư cột chắc chắn rồi, lại tháo dây ra, lật từng trang tập. Sẽ không ai biết Lư từng oán sao người nghỉ học lại là mình bởi Lư có thể ngày ăn ít đi một bữa cơm, làm thêm việc nhà phụ má, không quê khi bận áo rách áo vá đến lớp… Lư không nhớ năm hay mười, một trăm hay hai trăm lần Lư bắc ghế tháo mớ tập vở xuống chỉ để viết ít chữ cho khỏi quên. Lư cứ viết đi viết lại, gì mà công cha như núi Thái Sơn… Lư cứ viết như để tĩnh tâm, để khỏi hờn trách.
Có lần thằng nhóc hàng xóm nhờ Lư viết giùm cái nhãn vở, rồi người ta mới biết Lư viết chữ đẹp, người ta ríu rít sao con trai học ngang lớp Bảy mà viết chữ đẹp y trong tập, Lư chỉ cười và nói trong bụng cho mình nghe, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…
***
Tín xoa xoa cái bụng no tròn sau bữa trưa: “Tui mà làm anh, chắc tui làm không được vậy. Sao làm anh là phải chịu thiệt, sao khi đó anh không ráng ôm trường ôm lớp để tui nghỉ cho? Tui thua anh một tuổi chứ nhiêu, lại khỏe mạnh hơn anh? Nếu vậy giờ tui với anh đã đổi chỗ cho nhau”. Lư cười: “Rủi tao rớt cấp III, rớt đại học thì cũng làm nông dân hà. Đã là cái số thì tránh đâu thoát”. Nhân tiện, Lư tưởng tượng cảnh mình láng lẩy trong bộ đồ vét, thắt khô mực mà rùng mình.
“Tui cứ cảm thấy tui đang sống một cuộc đời do ăn cắp mà có. Anh đừng trợn mắt nhìn tui như vầy. Bao lần tui nói má với anh lên thành phố mà anh không chịu, tui cứ nghĩ tui làm gì xấu nên bị ghẻ lạnh bỏ rơi”.
Lư co chân đạp cho Tín một cái: “Tao nông dân lên thành phố cày đường nhựa chắc? Má quen ở ruộng, lên đó ồn ào má bệnh lên bệnh xuống bây không thấy hả?”. Rồi Lư nhìn cái nhà mới xây, nói: “Cả xóm này có căn nhà nào cao rộng thoáng mát như nhà này đâu?”. Tín cho xây nhà nhưng không làm hư khu vườn. Phía sau nhà vẫn giữ đám cây ăn trái dù chúng già khằn, cả mùa được đâu mấy trái, đến nỗi bầy chim còn chán chẳng buồn ghé xuống. Phía trước nhà là vườn rau. Lần nào về Tín cũng ôm đi cả mớ còn má hể hả nói thằng đó là con sâu rau.
Trong căn nhà này, có cái gì mà Tín không đụng tay. Thuốc thang của má, đồ đạc trong nhà, cái xe máy Lư đi cũng là của Tín mua. Giá mà nó giàu sớm hơn ít năm, chị dâu nó đã không bỏ đi. Lư cúi mặt nghe cay cay mắt. Do Lư bất tài, vô duyên, liên quan gì tới Tín? Tín có ăn thì má và Lư cũng có mặc, ở đời mấy người làm được như nó.
Má bệnh lúc Tín đi nước ngoài. Người già bệnh tới như lũ, má đòi Lư chở lên nhà băng. Lần này, má kêu Lư vào cùng, lẩy bẩy mở ngăn tủ lấy ra cái hộp nhỏ. Lư thấy có mấy mảnh vàng nhỏ bằng đầu ngón tay, mấy tờ giấy cũ vàng được bọc trong bao ni-lông. Không biết tờ giấy bị cuộn tròn bao năm mà nay nằm trong tủ nó vẫn cong cong. Má lấy tờ giấy đưa Lư. Là thư tay của một người mẹ trẻ, vì hoàn cảnh nên phải cho đi đứa con trai của mình. Chưa kịp hỏi gì thì má ngất xỉu, Lư quăng đại xấp giấy vô hộp, vội ôm bà đi bệnh viện.
Sau một tháng nằm thiêm thiếp, đột nhiên má tỉnh dậy đòi về nhà. Má nắm tay Lư nhìn Lư đau đáu, cái nhìn khiến Lư nhớ tờ giấy cũ bọc mấy lớp ni-lông trong ngân hàng. Lư kéo cọng dây đeo chìa khóa đặt trong tay má: “Còn nguyên đây má”. Má đặt chìa khóa vào tay Lư, thều thào: “Má nợ con nhiều lắm Lư ơi nhưng thằng Tín không có lỗi gì, con đừng trách nó”.
Tín là đứa trẻ được nhắc đến trong thư. Má đẻ nó hình như cũng khá nhưng hoàn cảnh sao đó… Thì ai chẳng có một hoàn cảnh. Trong cái túi bên mình Tín, ngoài lá thư còn có hai chỉ vàng. “Hồi đó bây đang bệnh, nhà hông còn nửa hột gạo. Má thấy hai chỉ vàng, ẵm thằng Tín về. Không có hai chỉ vàng đó chắc bây không qua nổi”, má thều thào. Lư nắm tay má: “Con sẽ thay má trả”. Má lắc đầu: “Làm gì làm, đừng cho nó hay, nghe không? Cây không cội nước không nguồn, tủi lắm! Sau này ba má có đi tìm má nó mà không ra. Ba bây tới khi mất còn day dứt”.
***
Má mất, Tín khóc tu tu như trẻ nít nhưng vẫn lo đủ chuyện từ đầu tới cuối. Đưa má ra đồng về, Lư cuống quýt lục tung nhà tìm kiếm. Cái chìa khóa Lư tròng vào sợi dây dù, mấy nay vẫn đeo trên cổ giờ không thấy đâu. Ngôi nhà rộng nay không còn má càng rộng hơn. Lư ngồi bệt xuống đất, nhìn hình má trên bàn thờ, lại len lén nhìn Tín đang cùng mọi người dọn dẹp, đếm xếp bàn ghế, dỡ bạt ngoài sân. Cái thằng, sao không để mọi người làm, gì cũng muốn tự tay. Mai này không còn má, sợi dây nối Tín với Lư và cái nhà này không còn, Tín có còn muốn về không?
Đám cây vườn sau, khi nào mới được hai thằng con trai đu lên tìm trái? Giờ còn ai đứng dưới réo: “Hai thằng kia, bây như hai con voi mà leo lên đó gãy cây sao”. Hai thằng con trai nhìn nhau: “Má nói mình là hai cục vàng, giờ thành hai con voi. Má nói thương mình là nói xạo, đúng hông?”.
Tín hỏi: “Anh tìm gì?”, Lư chối: “Tao có tìm gì đâu, tại thấy nhà vắng má, chưa quen”. Tín nói: “Mai mốt anh tính sao?”. Lư cúi mặt nhìn bàn tay chai sần của mình, hiểu ý Tín. Ngày còn má, Lư không đi; giờ má mất, Lư càng không muốn đi. Lư giống nết má, không ưng ồn ào. Tín ở thành phố chịu được khói bụi đông đúc chớ Lư và má lần nào lên cũng về liêu xiêu mấy bữa.
Lư cười: “Nhà cao cửa rộng vầy còn tính gì nữa, nhìn quanh tao cũng là triệu phú ở làng chớ giỡn à?”. Tín thở dài, ra hiên đứng. Lư nghĩ bụng, mai chắc tìm con chó về nuôi cho vui cửa vui nhà.
Tín đi, lần này cũng mang theo một xe rau củ. Lư gói thêm cho nó mấy chục trứng và con gà đã làm sạch sẽ kèm mấy trái khế chua, mấy trái ổi, cóc cằn vườn sau, y như má vẫn làm. Vậy nhưng dù muốn lắm mà Lư không dám hỏi như má: “Khi nào bây về nữa để tao biết đường tao thả gà?” để Tín cười ha hả: “Má cứ thả đi, con với anh Lư bắt lại mấy hồi”.
Tín mở chai nước, ngửa cổ uống. Mới sáng mà nó đã mồ hôi mồ kê. Tín xòe tay trước mặt Lư, trong lòng bàn tay nó là cái chìa khóa. “Tui đã đợi anh hỏi mà anh không hỏi. Nhà còn có hai anh em mình thôi mà anh!”.
Rồi Tín kiễng chân, tròng sợi dây vô cổ Lư, chỉnh trang cẩn thận. “Anh giữ thay má, đừng làm mất nghen! Nói thiệt, tự dưng tui lại nhớ căn nhà gạch hồi xưa. Hồi đó má nhét đủ thứ vô mấy cái lỗ gạch, từ tiền cho tới giấy tờ quan trọng mà nào biết tui đã moi ra từng cái, từng cái, hổng thiếu thứ gì…”.
Nguyễn Thị Thanh Bình