Tuần trước, ông rủ bà đi tập dưỡng sinh. À, kể cho đúng thì tuần trước của tuần trước đó, ông rủ bà tập yoga. Bà lắc đầu quầy quậy. Coi ti vi thấy mấy người tập yoga có những động tác dẻo quẹo mà mình già rồi xương khớp cứng đơ, uốn kiểu đó cho gãy luôn à. Ông bật cười như thể bà suốt ngày loay hoay nồi niêu nên lạc hậu quá, hãy tới nhà văn hóa mà coi, yoga có đủ loại bài tập dành cho mọi lứa tuổi, mình già thì tập bài của người già. Đó là nói vậy thôi, mới 50 mà mở miệng ra cứ nhận mình già là sao?
Bà nhất định không là không. Thuyết phục bà suốt tuần không được nên tuần sau, tức là tuần vừa rồi, ông chuyển qua rủ rê tập dưỡng sinh. Muốn già thì đúng chỗ cho già nè, động tác dưỡng sinh chậm rãi nhẹ nhàng hẳn là ưng ý.
Đến nước này thì bà không kiếm cớ gì được nữa nên nói thẳng luôn:
- Ông hưu chớ tôi đâu có hưu. Ông rảnh chớ tôi đâu có rảnh.
Cự cãi kiểu này thì ông thua. Lương hưu công nhân không thể mạnh miệng mà nói “Nghỉ bán thì rảnh liền, tôi nuôi bà được mà”. Ông buồn, giận đời, giận mình… Hờn giận kéo tâm trí ông lan man từ chuyện này qua chuyện kia. Nhớ hồi còn đi làm, hằng năm công ty thưởng chuyến đi chơi biển cho công nhân tiên tiến, người nào cũng nộp thêm tiền để đưa vợ đưa chồng theo, ông cũng muốn vậy nhưng bà chẳng bao giờ chịu đi, lý do là thà có công việc quan trọng chớ tự nhiên cả hai vợ chồng đi chơi bỏ con cái ở nhà sao được, mà hai đứa con khi đó cũng đã 13, 15…
Thì ông đi một mình. Trong đoàn có vài người cũng một mình như ông nên không đến nỗi lẻ loi nhưng người ta khi này khi khác, còn ông một mình hoài nên thành đề tài của thiên hạ. Kẻ ác khẩu cười cười nói nói rằng cho chồng đi chơi một mình kiểu này là không thèm ghen mà trên đời này có yêu mới có ghen.
Đâu dễ để mình quê độ, ông tỉnh bơ, bâng quơ hiếm có đàn ông được vợ tin yêu tuyệt đối như đây đâu nghen. Câu đối đáp nặng ngàn cân khiến mấy bà mà chuyến đi chơi nào cũng kè kè theo chồng mở to mắt nhìn gã đàn ông lẽ ra phải tủi thân mà sao lại ngạo nghễ dường kia! Ờ, đã đi chơi một mình mà áo quần hàng hiệu mới ghê.
Những cuộc liên hoan công ty, điện thoại của mấy ông cùng bàn liên tục reo vang; người thì vợ dặn uống đúng một ly thôi, người thì vợ dặn phải về đúng giờ… Ông đợi điện thoại trong túi mình reo nhưng… chưa bao giờ. Không lẽ ao ước vợ mình cũng gọi tới dặn dò này kia cho thiên hạ biết?
Tan cuộc, ông chạy xe lòng vòng trên đường, chẳng biết mình đang nghĩ gì và sự trống trải trong lòng là vì sao. Cố tình về khuya, ông đợi một trận chì chiết cằn nhằn nhưng không, mở cửa ra, yên tâm là ông đã về tới nơi nguyên vẹn, bà lên giường ngay. Ông tức mình hỏi nãy giờ bà đợi hay là đang ngủ mà phải thức giấc mở cửa, câu trả lời là để yên cho người ta ngủ, sáng mai còn phải dậy sớm. Vậy thôi.
Ông làm vài phép thử, chẳng hạn kể chuyện mình đi uống cà phê ở quán A, bà đáp lại bằng câu hỏi “Cà phê ở quán đó ngon hơn hay sao?” trong khi hai đứa con gái kêu lên: “Trời ơi, ba không biết hả, quán đó trước đây chủ cũ làm ăn đàng hoàng lắm mà bây giờ chủ mới cà chớn tuyển tiếp viên phải biết liếc mắt đưa tình…”.
Bữa họp lớp, sau 30 năm gặp lại nhau, đầu đã hai thứ tóc mà được dịp sống lại thuở học trò, ai cũng vui hết mình. Tiệc tan, chia tay bịn rịn, cả nhóm rủ nhau chụp tấm hình kỷ niệm tinh nghịch kiểu như hồi đó đứa nào ngồi gần đứa nào thì bây giờ cũng y như vậy. Niềm xúc động hội ngộ và tiệc rượu có hơi men khiến má ai cũng đỏ hồng, mắt ai cũng long lanh và miệng cười lưu luyến. Tấm hình gây sóng gió, bạn bè than trời trách đất sao mình có bà vợ (ông chồng) ghen tuông dữ dội. Vậy mà ông vẫn bình thường.
Nhìn khuôn mặt tươi xinh của cô bạn học cũ nghiêng nghiêng bên vai chồng mình, bà buông một câu “Đẹp vậy mà còn biết làm dáng nữa thì đi thi hoa hậu quý bà thế nào cũng giành giải nhất”.
Mình không đáng cho vợ ghen sao? Câu hỏi quanh đi quẩn lại trong đầu chực bật thành lời mà sợ thành kẻ vô duyên nên nín giữ trong lòng ông thành một khối ấm ức. Hồi còn đi làm bận bịu công việc, ông dễ cho qua, nay thì ở nhà suốt ngày nhìn thấy vợ nên càng dễ giận.
***
Bà cũng giận.
Hồi còn đi làm, lâu lâu ông cũng hờn mát nhưng đôi chút thôi, nay thì ngày nào cũng bộ mặt đó khiến bà bực mình, mà bực nhất là cảm giác áy náy hay là mình vô tình làm gì đó khiến chồng buồn. Nghĩ đi nghĩ lại hoài, bà không thấy mình có gì sai ngoài việc chồng rủ rê vào hội này nhóm kia của mấy người về hưu mà bà không thể tham gia dù cũng muốn.
Đi chơi thì ai mà không muốn nhưng công việc của bà dính chặt với khách hàng là học trò trường cấp III gần nhà. Bà bán hàng đều đặn như học trò đi học, Chủ nhật cũng vậy, bởi vì nghỉ học chữ thì còn học thể dục thể thao và đủ thứ sinh hoạt phong trào. Sáng, bà bán xôi với bánh mì, buổi chiều là chè. Quán xá cạnh tranh thường mở ra thêm những món ăn lạ miệng thu hút bọn nhóc nên bà phải cố gắng giữ khách.
Giao mùa, có ngày mỏi mình quá chỉ muốn nằm dài mà bà cũng không dám nghỉ vì sợ mất khách. Con nít dễ dụ, chỉ cần tụi nó đi qua quán khác một lần rồi chủ bên đó tung chiêu khuyến mãi mời chào là… xong luôn.
Chưa kể là bán hàng ăn, khi hết khách và dọn dẹp rồi nhìn tưởng đã xong nhưng đó là lúc bận bịu chuẩn bị cho buổi bán kế tiếp. Công việc lu bu suốt ngày, từ 3 giờ sáng thức dậy nấu xôi và làm hàng, dọn bán tới xế trưa thì về lo chuẩn bị nấu chè cho buổi chiều, sau đó thì xoay vòng công việc cho buổi bán sáng hôm sau. Tối nào bà cũng đi ngủ sớm. Ngay cả những bộ phim chiếu ti vi tại nhà bà cũng không coi trọn vẹn được.
Nhưng bà đâu để sự bận bịu của mình níu chân níu cẳng chồng. Mấy ông hưu trí hội họp này kia rồi thì rủ rê tham quan nơi này chốn nọ, bà không đi được nhưng không hề kiếm cớ bắt chồng phải ở nhà. Ngược lại, bà còn đưa tiền cho con gái canh chừng giảm giá giờ vàng để mua vài bộ áo quần hàng hiệu cho chồng mình bảnh bao với người ta, cả thuốc nhuộm tóc nữa. Trang hôn nhân gia đình trên tờ báo bà hay đọc nói rằng nhìn cách ăn mặc của người đàn ông sẽ biết họ được vợ quan tâm chăm sóc hay không.
Còn muốn gì nữa mà giận với hờn?
Chiều chuộng quá người ta đổ nư. Vậy đó, hôm qua lại rủ rê mà lần này là rủ đi du lịch, tour tham quan mấy tỉnh miền Tây kéo dài 5 ngày, tức là bà phải nghỉ bán một lèo 5 ngày. Người gì đâu mà vô tư quá. Chẳng lẽ phải nói thẳng ra đi chơi kiểu đó là treo nồi luôn hả. Cả mấy đứa con nữa, bày đặt hùa về phe ba mà nói má cứ nghỉ mấy ngày đi chơi cho thoải mái, có gì tụi con bù cho.
Nói nghe hay lắm, cả cha lẫn con. Đi chơi cũng phải biết tính chớ đâu có cái kiểu muốn đi lúc nào cũng được.
***
Bà lại đi ngủ sớm, một mình ông ngồi trước ti vi. Chương trình tư vấn hôn nhân có câu hỏi “Vợ có tính ghen tuông thì chồng nên làm sao?”. Câu trả lời tưng tửng, chỉ sợ vợ không thèm ghen thôi, vì không ghen thì có khi vợ đang có người khác. Câu trả lời nghe như đùa mà khiến ông chấn động tâm can.
Ai? Ai? Ai…
Ông tuyên bố ở không rảnh quá cũng buồn nên sẽ đi làm thêm. Mấy đứa con hỏi ba định làm thêm ở đâu, ông nạt: “Tao phải khai với tụi mày à?”. Phải kiếm cớ bực mình mới yên vì công việc của ông mà nói ra là lộ ngay.
Ông làm cho cửa hàng thú nhồi bông. Nhiệm vụ là mặc bộ đồ thú bông đi qua đi lại ở những nơi đông con nít như là công viên và trường học. Hôm nay, ông đóng vai thỏ có đôi tai dài, ngày mai ông đóng vai mèo có cái đuôi xù… Bộ đồ thú dày cộm nhưng cũng may là tháng Mười hai trời trở lạnh, thành ra người mặc được ấm áp, lại an toàn vì không sợ ai nhận ra, ông tha hồ quan sát những kẻ lảng vảng quanh vợ mình. Gã xe ôm tới mua ổ bánh mì rồi đi ngay, gã sửa xe thì mua xôi đem về quán ngồi ăn, hai gã lắp internet cũng mua xôi rồi ngồi ăn tại chỗ…
Suốt hai tuần nhìn ngó mà không tìm ra chứng cớ nào, ông rơi vào nỗi hoang mang. Lòng người lạnh. Trời lạnh. Mà không khí của mùa lại rộn ràng quá chừng khiến ấm lạnh lẫn lộn nôn nao. Chủ tiệm thú nhồi bông dựng cây thông Noel cao ngất ngay trước tiệm, xung quanh bày những thùng quà to cột nơ lấp lánh.
Ngày Giáng sinh, ông mặc bộ áo quần ông già Noel, không phải đi đâu và cũng không phải làm gì, chỉ đứng chống nạnh oai phong bên cây thông cho khách chụp hình.
***
Còn 30 phút là đến nửa đêm. Lúc đó ông mới được rảnh mà ngồi thở. Từ chiều tới giờ, hết nhóm này tới nhóm kia tạo dáng cùng ông già Noel khiến ông mệt phờ. Mệt mà vui. Chợt ông nghĩ cắc cớ, nếu lúc này mà có vợ mình cùng chụp mấy kiểu làm kỷ niệm thì hay quá. Nhớ hồi còn trẻ, tuy không theo đạo nhưng mùa Giáng sinh nào, ông bà cũng xôn xao, thích nhất là bà hay đút tay vô túi áo ông tìm hơi ấm.
Ơ… ai kia? Vợ ông bất ngờ xuất hiện ở đầu đường. Bà đi đâu giờ này? Trái tim ông đập thình thịch. Đi đâu? Gặp ai? Tối qua ông nói ngày mai lễ nên ông đi làm tới khuya luôn, bà chỉ thốt lên “Vậy à”. Ông ngước nhìn đồng hồ. Lịch làm việc tới đúng giờ chuông reo nửa đêm là ông được nghỉ. Còn 15 phút nữa… Nhưng mặc kệ, ông sẽ theo sau coi thử bà đi đâu. Bà cứ chờ đó. Lần này là hết chối.
Ông chuẩn bị quay ngược vô tiệm để cởi bỏ bộ áo quần thùng thình và bộ râu xồm xoàm để theo sau lưng bà. Vậy nhưng bà đang đi về phía này nên ông vội sửa sang lại bộ râu sao cho che kín khuôn mặt mình. Lỡ mà bà tới đây để chụp hình thì sao? Ý nghĩ vừa lóe lên thì bà đã xăm xăm đi tới trước mặt ông. Cái khăn quàng cổ màu xám sáng chạy đường sọc màu nâu. Trái tim ông nhói lên. Cái khăn quàng này, tết năm ngoái đứa con gái lớn mua tặng một cặp và nói ba má diện đồ đôi cho vui. Bà diện vui với ai đây?
Bà lườm ông già Noel một cái và bĩu môi:
- Cho chụp chung tấm hình cái coi.
Ông giật mình. Giọng điệu này nghe như là bà đã nhận ra. Đằng nào thì cũng lộ rồi, ông gỡ bộ râu và lấy giọng càu nhàu:
- Bà ra đây làm gì giờ này?
- Đem khăn quàng cổ với áo len cho ông nè. Mặc bộ đồ thỏ, đồ mèo ấm áp thì tôi không phải lo còn bộ đồ ông già Noel này nhìn cho đẹp mắt thôi chứ mỏng lét.
Bà vừa nói vừa lục túi xách lấy ra cái áo len và khăn quàng cổ màu xám sáng chạy đường sọc nâu. Chưa mặc mà đã thấy ấm, ông vẫn cố giữ giọng càu nhàu:
- Sao bà biết?
- Ông làm gì mà tôi không biết. Dáng đi của ông từ đầu đường ở cuối đường tôi cũng nhìn ra. Nhưng mà làm thỏ làm mèo ban ngày còn được, chớ làm việc đêm hôm kiểu này đổ bệnh thì sao?
- Cũng biết lo cho người khác đổ bệnh à? - ông độp một câu và thấy khoan khoái trong lòng.
- Nói vậy mà cũng…
Tiếng chuông đinh đong vang vọng khiến bà ngừng lời. Chẳng hiểu sao bà ngước nhìn lên trời. Ông nhìn vợ. Quàng cái khăn này nhìn bà chẳng khác cô gái hồi đó là mấy. Rồi ông cũng theo hướng ánh mắt bà mà nhìn lên trời. Muôn vì sao xa xôi nhấp nháy gợi nhớ…
- Bà không ngủ sớm sáng mai dậy sớm bán hàng à? - ông thì thầm, hỏi để mà hỏi.
- Ông đứng giữa trời gió vậy mà biểu người ta ngủ sao được. Nè, tour du lịch mấy bữa ông nói đó… - giọng bà dịu dàng.
- Sao?
- Để dành tới hè được không? Học trò nghỉ hè thì mình tha hồ đi chơi.
Bà không nhìn lên trời nữa mà lườm ông với cái bĩu môi, ý là phải nói thẳng ra vậy cho ông thông hiểu mà thôi cái trò giận giận hờn hờn sinh chuyện đi làm thêm đêm hôm kiểu này.
Tiếng chuông lại ngân vang… đinh đong đinh đong đinh đong…
Nguyên Hương