Nhiều người từng sống ở xóm giờ đã tản mác, cũng có người không còn nữa... Chỉ có rừng giá tỵ vẫn rì rào như chào đón những người trên đường đi Đà Lạt…
Ở đó, ngày xưa, gia đình tôi có một căn nhà gỗ nho nhỏ để anh em chúng tôi tiện đi học, nhà chính thì ở trong xóm Cứt Sắt - nơi có những cây cứt sắt cổ thụ cao đến 30 thước, to phải 2 người ôm. Hồi ấy, đường đi lại còn khó khăn, sình lầy, trơn trợt, quãng đường giữa 2 nhà đi mất hơn 1 tiếng. Anh em tôi buổi sáng đi học; chiều vào rẫy làm cỏ, tỉa bắp, hái mãng cầu…; tối mới trở ra xóm Giá Tỵ - cách xóm Cứt Sắt chừng 3km - để hôm sau đi học tiếp.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Cạnh nhà tôi là nhà ông Ba Dũ, một chủ xe đò chạy tuyến Phương Lâm - Sài Gòn. Ông ta trước đây rất giàu, có 3 căn nhà liền nhau ở mặt đường Quốc lộ 20 tại xóm Giá Tỵ nhưng sau một vụ tai nạn phải bán bớt 1 căn cho gia đình tôi. Thành ra, tuy là hàng xóm nhưng gia đình ông Ba đối với chúng tôi chẳng mấy thân thiện… Ông Ba có người em gái là bà Tư. Bà này dáng người phốp pháp, son phấn khá dày, nghe nói từng làm chủ quán cà phê đèn mờ ở thành phố nhưng bị “quét” nên chạy dạt về nhà ông anh tá túc. Bà Tư có cô con gái tên Thảo nhỏ hơn tôi vài tuổi... Thỉnh thoảng, tôi thấy Thảo về nhà cậu chơi. Tôi không để ý lắm bởi bấy giờ em chừng 15-16, khá xinh, điệu đà nhưng đã bỏ học từ đầu cấp II. *** Lần đó, Thảo về xóm Giá Tỵ chơi khá lâu. Tôi biết thế bởi lần nào đi rẫy về cũng thấy em ngồi trước cái quán nước dựng tạm dưới những cây giá tỵ. Cái quán đó của ông Bẩu, bán nước mía, trà đá, đá chanh… cho những người đi rẫy hoặc khách lỡ đường nghỉ chân. Từ ngày có Thảo ngồi trước cửa, tự nhiên quán đông khách hẳn. Thanh niên trong xóm và các vùng lân cận đến chơi rất nhiều. Họ uống nước, hút thuốc, đánh bài, đánh cờ… và nhất là để nhìn cô gái từ thành phố về có nước da trắng trẻo, ăn mặc thoải mái…
Một tối thứ Bảy, tôi ngồi trong nhà đánh cờ tướng với mấy đứa hàng xóm thì Thảo ghé vào, nói: - Cho em xem với nghen! Em khoái món này lắm đó! Thảo ngồi xuống rất tự nhiên, lâu lâu chỉ vài nước đi hay bình luận một nước cờ nào đó, tỏ ra rành rọt lắm. Lát sau, Thảo bảo: - Anh đánh với em nha!
Nói rồi em giành chỗ của những người kia, tự tay sắp cờ đánh với tôi. Em đánh cũng ngang ngửa tôi nhưng tôi hay nhường, bắt quân thì nói, sắp đánh thua thì cho biết trước nên rốt cuộc, tôi thua luôn mấy ván còn Thảo thì rất vui. Có lẽ em vui vì ít ai chịu nhường em như thế.
Dù không gặp thường nhưng Thảo thân với tôi từ đó. Thảo ít nói về mình mà chỉ thích nghe tôi kể chuyện. Bất kể chuyện gì tôi kể Thảo đều khen hay. Chuyện hồi nhỏ ở dưới quê. Chuyện đi làm rẫy. Chuyện đi học. Chuyện trong sách. Chuyện trong phim… Đôi lúc, tôi thấy mắt Thảo nhìn xa xăm, đượm một nỗi buồn. Vậy nhưng khi tôi nhắc điều đó là Thảo không nói và bỏ về ngay.
Dần dần, tôi cũng hiểu ít nhiều. Ba Thảo bỏ mẹ con em từ hồi em còn nhỏ xíu. Mẹ Thảo rời quê Cà Mau lên Sài Gòn buôn bán, lần hồi mở quán cà phê video, dĩ nhiên có chiếu cả phim cấm. Bị quét thì dạt. Ít lâu lại mở. Có khi mở cà phê ôm… Thảo lớn lên trong mớ bung xung, ồn ào ấy. Tôi không biết Thảo nghĩ như thế nào về việc làm của mẹ. Có lẽ Thảo không vui với điều ấy. Thảo không muốn sa vào đó nhưng Thảo không biết nên làm gì…
Những câu chuyện của tôi có lẽ làm vui cho Thảo được chừng 3, 4 tháng. Một buổi tối rằm tháng Mười, trăng sáng vành vạnh. Lúc gần 9g tối, Thảo rủ tôi ra quán ông Bẩu ngồi chơi. Quán đã nghỉ nhưng những dãy ghế bằng ván có chân chôn dưới đất vẫn còn đó. 2 đứa ngồi nhìn ra đường. Trăng đổ vàng trên những tán giá tỵ cao vút. Xa xa, vài căn nhà còn mở cửa, ánh đèn tràn ra đường, chiếu sáng thêm một khoảng. Những bài hát tiếng Quảng Đông ở nhà ông Bẩu lọt ra nghe vui tai đến độ tôi sắp thuộc. Chốc chốc, xe chở gỗ chạy vụt qua. Vài chuyến xe tốc hành đi Đà Lạt bấm còi inh ỏi. Lâu lâu, một chiếc xe thồ hàng ngang qua, nhìn chúng tôi như 2 sinh vật lạ…
Tôi kể cho Thảo nghe vài chuyện linh tinh hay đọc vài câu thơ có chữ “thảo”… nhưng Thảo lơ đãng, vẻ như không muốn nghe. Mà tôi cũng không biết nói gì nữa. Tôi mới 17 tuổi, chưa từng yêu ai; thậm chí còn hơi ngây ngô, khờ khạo… Đột nhiên, Thảo ngồi dựa vào người tôi. Tim tôi đập loạn nhịp. Chẳng biết làm gì, tôi cứ để yên thế. Rồi Thảo cầm tay tôi. Bàn tay em thật mềm và ấm. Rồi tôi mạnh bạo quàng tay còn lại lên người Thảo. Tôi nghe một mùi hương thoang thoảng, không biết từ tóc, từ mặt hay từ người em. Tay tôi đổ mồ hôi, người tôi nóng vã. Cảm giác rạo rực chưa từng có. Tôi ghì lấy Thảo và đặt lên má em một nụ hôn. Thảo không phản ứng. Cảm giác lâng lâng trong tôi thật khó tả…
Bất chợt có tiếng gọi: “Thảo ơi! Thảo ơi!”. Thảo vùng dậy, sửa vội mái tóc, nói khẽ: - Anh ngồi yên ở đây nhé! Lát nữa hãy về!
Thảo băng qua đường, chạy vào nhà. Tôi vẫn ngồi yên tận hưởng giây phút lịm ngọt...
Đêm đó, tôi không ngủ được nên mở nhật ký viết vài dòng nhưng không có tên Thảo. Sợ người khác đọc, tôi chỉ ghi những dòng vu vơ…
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để chờ gặp Thảo nhưng không thấy em đâu cả. Trưa đi học về, tôi cũng không thấy. Tối đi rẫy về, em vẫn bặt tăm. Tôi hỏi dò thì mới biết em đã theo mẹ về Sài Gòn, không biết bao giờ mới quay lại xóm Giá Tỵ. Có lẽ vì sắp chia tay với tôi nên Thảo hẹn gặp tôi lần cuối…
Lâu lâu có dịp, tôi hỏi thăm mấy đứa con ông Ba Dũ về Thảo nhưng chẳng biết tin ai. Đứa thì nói Thảo về Sài Gòn sống rồi. Đứa thì bảo Thảo theo ba về Cà Mau. Lại có tin nói Thảo đã lấy chồng… Tôi cũng không tiện hỏi nhiều. *** Sau khi tôi đi học đại học, nhà ông Ba Dũ có nhiều biến cố. Từ chỗ có 2 chiếc xe đò lần hồi dồn lại 1 chiếc, sau phải bán nhà để nuôi xe. Đến lúc xe đời mới ra nhiều, xe cũ của gia đình ông không cạnh tranh được, phải bán đổ. Gia đình ông thành trắng tay, chuyển đi sống ở nơi khác. Một người con gái của ông Ba là chị Lan quen với một anh con nhà chủ lò bánh mì ở xóm nhưng anh này không được lòng nhà ông Ba. Sau, chị Lan vẫn lấy anh này, thành ra gia đình tứ tán. Người em cột chèo của ông Ba, cũng là chủ xe đò, lại gây tai nạn, phải bán nhà, bán xe mà đền, rồi cũng đi khỏi xóm Giá Tỵ.
Còn Thảo ở đâu, tôi hoàn toàn bặt tin. Bởi ít lâu sau khi tôi vào đại học, ba tôi đã bán căn nhà gỗ đó… Sau này, người ta xây lại, ngôi nhà xưa hoàn toàn mất dấu. *** Mấy năm trước, tôi về lại xóm Giá Tỵ. Bây giờ, xóm đã thành thị tứ với một ngôi chợ khang trang, dù người mua bán cũng chưa nhiều. Tôi vào chợ mua hàng, nhìn thấy đứa bé gái chừng 6-7 tuổi ngồi ở một quầy hàng trong chợ đang tách vỏ hột điều. Nhìn con bé, tôi thấy có nét quen quen. Tôi hỏi: - Con ngồi đây bán với ai? Con bé có đôi mắt trong veo đáp: - Con bán với bà ngoại. Ngoại con lãnh hột điều về cạo vỏ để lấy tiền mua gạo…
Tôi hỏi tiếp: - Con ở với bà ngoại, vậy ba mẹ con đâu? Vừa lúc đó một người đàn bà gần 60 tuổi đi đến. Nhìn móng tay sơn đỏ, mày xăm, tôi nghĩ đến một người đàn bà từng sống sang cả. Bà nhìn tôi đon đả hỏi: - Em mua gì Tư bán cho?
Thì ra là bà Tư, mẹ Thảo. Tôi nhận ra ngay khi nghe đến tiếng xưng “Tư”. Không ngờ bà còn trở lại xóm này sau nhiều năm biệt tích.
Hỏi dò, tôi mới biết, bà và vợ ông Ba Dũ đã trở về đây sống mấy năm qua, khi bé Vy - con Thảo - mới 2 tuổi. Ông Ba Dũ đã bỏ theo người đàn bà khác sau khi nhà sa sút. Các con ông đã trôi dạt nhiều nơi, chỉ còn chị Lan nay vẫn làm bánh mì trong xóm. Còn Thảo sau khi về thành phố, đi “làm quán” với bà Tư, sau cặp với một tay giang hồ, sinh ra bé Vy. Về sau, tay này đi tù thì Thảo lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc), gửi bé Vy cho bà ngoại. 2 bà cháu trôi dạt về xóm Giá Tỵ, thuê một cái sạp bán đồ lặt vặt, rồi lãnh thêm hột điều về cạo vỏ… Nhìn bé Vy lanh lợi, siêng năng, tôi nghĩ đến con gái mình, nhỏ hơn bé Vy chừng 2 tuổi và chưa hề biết giúp ba mẹ việc gì… Tôi mua giúp bà Tư ít đồ rồi mua cho bé Vy ít bánh kẹo. Con bé nhìn tôi ngạc nhiên: - Ủa, chú mới quen con, sao lại cho con kẹo? Có phải chú định dụ bắt con không?
Bây giờ đến lượt tôi ngạc nhiên. Con bé có lẽ lặp lại lời của người lớn dạy nó, vốn đầy rẫy cạm bẫy giữa phố chợ. Tôi cười xoa đầu nó bảo: - Không, chú không định bắt con đâu. Vì chú thấy con nên chú nhớ con gái chú. Chú thương con nít lắm!
Bà Tư cười giả lả: - Em đừng có nghe nó nói!
Rồi bà quay sang nạt Vy. Con bé cụp hàng lông mi, buồn buồn; ánh mắt hệt như mẹ nó năm nào.
Từ lần đó, mỗi khi về thăm ba mẹ, tôi đều ghé thăm bé Vy. Tôi thương con bé quá. Nó bé bỏng, ngây thơ nhưng cuộc đời dường như đang in những hạt sạn vào lòng nó. Quen lâu, tôi hỏi thăm về Thảo. Bà Tư lúc đầu không muốn kể, dần dà tôi cũng hiểu được phần nào câu chuyện. Mấy năm trước, Thảo lấy chồng Đài Loan. Qua đó, cuộc sống vất vả. Nhà chồng Thảo làm nông mà em thì không quen việc này nên vợ chồng sinh lục đục. Sau khi sinh con được ít lâu, em giao con cho chồng rồi bỏ nhà ra ngoài kiếm sống.
Thảo làm nhiều việc. Lâu lâu, Thảo gửi về cho mẹ và con gái ít tiền. Thực ra bà Tư cũng không biết chính xác con gái mình đang làm gì.
Đến bây giờ, bà Tư vẫn không nhận ra tôi là thằng học trò nghèo ốm nhom ở kế bên nhà anh bà mười mấy năm trước. Bà vẫn chỉ nghĩ tôi là một người qua đường có cảm tình với bé Vy. Dần dà, bà cũng có vẻ quý mến tôi nên lưu lại số điện thoại, để thi thoảng cho bé Vy gọi nói chuyện với tôi.
Một hôm, bà Tư gọi điện cho tôi, giọng hốt hoảng: - Chú nhà báo ơi, con Thảo bị công an bắt rồi. Chú có cách nào giúp nó không?
Sau khi bà kể vắn tắt, tôi tạm hiểu câu chuyện: Thảo về nước đưa một số cô gái sang Đài Loan làm việc. Nửa chừng, người nhà của một trong các cô gái đó cho rằng Thảo đưa họ sang Đài Loan hành nghề mại dâm nên báo công an đón giữ mọi người ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi nhờ một số đồng nghiệp liên hệ thì biết Thảo vẫn đang bị tạm giữ vì mọi việc chưa được điều tra rõ ràng. Qua một người bạn là luật sư, tôi tìm cách cho Thảo chứng minh là có việc làm tử tế bên Đài Loan, cô chỉ đưa người sang làm việc bằng visa du lịch.
Cuối cùng, Thảo cũng được thả... Đón Thảo từ nơi tạm giữ, em nhìn tôi trân trân hồi lâu. Rồi em cười nói: - Em nhận ra anh rồi dù bây giờ anh khác xưa rất nhiều. Gần 20 năm rồi còn gì…
Tôi cũng cười: - Anh không nghĩ có thể gặp lại em, càng không nghĩ sẽ gặp em trong hoàn cảnh này. Nhưng dù thế nào, gặp em, anh rất mừng…
Sau cuộc gặp ngắn ngủi, Thảo về xóm Giá Tỵ thăm bà Tư và bé Vy còn tôi trở lại Sài Gòn. Lúc chia tay, tôi chỉ kịp nhìn thật sâu vào mắt Thảo, dặn dò: - Em ráng chăm sóc tốt cho bé Vy nhé! Anh thấy nó có đôi mắt buồn giống em… Thảo rơm rớm nước mắt: - Em hiểu. Lúc nào anh về thăm 2 bác, nhớ ghé thăm mẹ con em…
Thảo quay đi thật nhanh nhưng tôi vẫn kịp thấy em lấy tay lau nước mắt. Tôi đứng yên mà mũi cứ cay cay.