Bệnh viện trắng toát một màu. Tường vôi, tấm trải giường, cả những y cụ bằng inox cũng toát lên nỗi lành lạnh. Đêm, hành lang dài hun hút dẫn tới những cánh cửa không màu và khi ánh điện bật lên giữa khuya báo hiệu một ca cấp cứu, những cánh cửa cũng hóa trắng. Màu áo blouse di chuyển trong đêm chấp chới…
Đêm đầu tiên, hình ảnh này làm tôi tê điếng người trên băng ghế, chừng như tôi và chiếc ghế đá tan chảy rồi đông cứng vào nhau. Đêm thứ hai, đêm thứ ba, đêm kế tiếp… tôi không giật mình nữa nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục lơ mơ ngủ giữa tiếng muỗi vo ve cùng vô vàn âm thanh khác mà chỉ khi nào trải qua từng đêm dài trong bệnh viện với nỗi tuyệt vọng rằng mình chẳng làm được gì cho người mình yêu thương, người ta mới cảm nhận được.
***
Cái gì rồi cũng quen. Nhưng, liệu có thể quen được không tiếng chân man trá của thần chết? Bước dài, bước ngắn… và cả giải lao nữa! Thần chết hẳn cũng hài hước hoặc có lúc mỏi mệt trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình chăng?
Bước dài của thần chết là lúc cô điều dưỡng mím môi nhìn chai dịch truyền treo lơ lửng còn vị bác sĩ cầm tay cha tôi, những đầu ngón tay trắng trẻo bấm vào động mạch im lìm trên cánh tay gầy guộc, rồi ánh mắt vị bác sĩ liếc nhìn đồng hồ và nhẹ lắc đầu. Tôi bước lại sát cạnh mẹ, bên phải. Em gái tôi cũng nhích tới một bước, bên trái. Tất cả trân trối nhìn lồng ngực cha im lìm bên dưới lớp vải áo màu xanh bệch bạc.
Bước ngắn của thần chết là lúc mi mắt cha lay động và ánh tinh anh hiếm hoi xuất hiện thắp lên niềm hy vọng mong manh nơi chúng tôi. Cha nhúc nhích đôi môi khô nẻ, sụn giáp nhấp nhô trong một sự ngỏ ý lào phào chỉ mình mẹ hiểu.
Mẹ tất tả thực hiện điều cha muốn. Lần thứ nhất, là tháo tất ra. Cha muốn đôi bàn chân được tự do. Mẹ ra hiệu cho tôi xoa bóp và lay nhẹ những ngón chân xương xẩu còn mẹ vội vàng ra cổng bệnh viện hỏi mua một cái bấm móng.
Móng chân cha dày và cứng, cái bấm mua vội không phải loại tốt nên để lại trên đầu ngón chân cha những vết xơ. Thế nhưng mẹ vui và cha hài lòng chịu để mẹ xỏ tất lại vào chân. Bác sĩ nói, ngày có nắng thì không cần mang tất và mặc áo quần bít bùng nhưng mẹ tảng lờ. Mẹ thì thào với tôi: “Để cha con không nhìn thấy mình tàn tạ quá. Cửa nhôm kính có thể soi gương được. Lỡ cha nhìn thấy ông như vậy thì làm sao…”.Mẹ có lý dù cha chẳng còn đủ sức ngóc đầu nhìn cánh cửa có thể soi gương được.
Lần kế tiếp, mong muốn của cha là món canh bí đỏ da cóc nấu tôm khô. Từ quê chuyển viện lên thành phố, mẹ đâu đã rành chợ búa nơi này. Tôi tự hỏi món canh mẹ mang vào và tự tay đút từng chút một cho cha hôm đó có đúng là bí đỏ da cóc không. Tại sao mẹ bối rối và cứ hỏi đi hỏi lại: “Anh có nhớ hồi đó bị nhức đầu uống bao nhiêu thuốc cũng chịu mà nhờ món canh này thì lành không?”. Cha gục gặc. Còn lại một nửa, mẹ bưng ra cửa, mắt đỏ hoe.
Tôi nhận ra món canh này không chỉ là một món ăn. Nước mắt mẹ lăn dài: “Hồi đó nhà mình nghèo lắm, đau ốm chẳng có tiền thuốc men và cũng chẳng có thức ăn ngon bồi dưỡng. Người ta nói bí đỏ da cóc vừa rẻ vừa chữa được bệnh nhức đầu, cha con ăn món này suốt ba tháng ròng. Vậy mà lành”. Tôi mường tượng về ba tháng dài của mùa hè bức bối và món canh đặc lềnh này…
Khoảng giải lao của thần chết là khi cha đòi cắt tóc cạo râu. Phần việc này là của tôi, con trai. Người bệnh thịt da mềm nhão mà râu tóc cứng đờ, lưỡi dao cạo lướt qua dấu vết thời gian kêu khừng khực. Âm thanh có lẽ gợi lên một kỷ niệm xa xưa hư ảo khiến cha mấp máy môi, mẹ kiên nhẫn lắng nghe và chắp nối kể lại cho anh em tôi trong hoài niệm…
Có khi niềm hy vọng chợt dấy lên lúc cha nhúc nhích bàn tay thõng thượt trên tấm chăn rồi cánh tay cha rướn dần lên ngực, lên cổ, tới cằm rờ rẫm làn da nơi vừa được cạo sạch, miệng cha thấp thoáng nụ cười hài lòng…
***
Có buổi tối đang đi trên hành lang, từ xa tôi nhìn thấy chàng bác sĩ trẻ đang ngồi cạnh em gái tôi trên băng ghế, dưới trời sao lấp lánh và nhành liễu rủ mềm, giữa không gian lạnh đến thèm được ôm vai ai đó. Tôi đứng lại, không muốn em tôi giật mình ngượng ngùng. Lâu rồi, kể từ ngày cha bệnh, không ai dám vui.
Chàng bác sĩ trẻ nói gì đó, em tôi nhích ra một chút và co vai lại. Những bờ vai co luôn gợi cảm giác cần được che chở và khiến người ta muốn che chở. Tôi nhắm mắt hình dung hai khuôn mặt kề sát vào nhau có trăng sao chứng giám. Hãy hôn nhau đi, tôi nói với tôi trong nỗi mừng rỡ của kẻ trồi lên từ tuyệt vọng. Hôn nhau đi nào! Đừng để tử thần tưởng hắn có quyền lực vô biên. Hãy cho tử thần thấy có những điều hắn không thể chạm tới. Hãy cho tử thần thấy rằng dù ngay trong vương quốc chết chóc của hắn vẫn bừng nở những tình yêu…
Thế nhưng, khi mở mắt ra, tôi thấy em gái mình đang lao qua cửa phòng và xuyên qua khung kính là chàng bác sĩ trẻ đang vung tay ra lệnh gì đó cho cô điều dưỡng. Cơn lạnh giá xuyên suốt từ đỉnh đầu xuống gót chân, tôi chạy như bay về phía cha nằm. Tử thần đến rồi sao?
Thần chết chỉ ghé lại một chút… quá quắt cười cợt trong bước ngắn… rồi bỏ đi. Cha thở dốc, hai hốc mắt khiến trán cha nhô lên gồ ghề, những giọt mồ hôi chỉ còn là những chấm li ti đùng đục trong cơn vật lộn không cân sức với thần chết.
Em tôi lau mặt cho cha bằng một cái khăn mềm, vừa lau vừa làm điệu bộ hài hước và kể cho cha nghe một câu chuyện gì đó chắc là vui lắm vì cha cười, chàng bác sĩ trẻ cũng cười. Rồi khi ra khỏi phòng với lý do đi giặt khăn, nước mắt em tôi lã chã suốt đường đi từ phòng hồi sức đến phòng vệ sinh và ngược lại, cho tới khi còn cách ba bước là tới cửa phòng cha đang nằm thì em lau khô nước mắt và mượn vội một nụ cười thật tươi. Tôi ôm vai em, muốn làm người che chở mà tay tôi run rẩy. Rồi thì tôi cũng sửa soạn cho mình một khuôn mặt tươi cười.
Anh em tôi diễn giỏi đến nỗi cô điều dưỡng liếc nhìn chàng bác sĩ trẻ với ánh mắt tò mò lém lỉnh. Có lẽ cô nghĩ em gái vừa kể cho tôi nghe điều gì đó rất hay ho về chàng.
Song, chàng bác sĩ thì quá hiểu. Chàng nhìn em tôi với ánh mắt xót xa thương cảm. Bất lực làm sao khi người ta chìa vai mong muốn được chia sẻ mà đành chịu.
Bất lực biết bao là lọt thỏm trong từng đêm trắng, biết mình đang rơi mà chẳng có cách nào gượng lại được, muốn thốt lời yêu thương mà sợ làm đau đớn thêm… Tôi lặng nghe tiếng lòng em tôi khóc. Tôi lặng nghe tiếng lòng mẹ tôi khóc và nỗi nhớ nhà trồi lên sừng sững.
***
Bao năm rồi tôi chưa về… Bao năm rồi tôi chưa được gặp lại cha. Cha sải từng bước dài quanh sân, có tôi khoái trá ngồi trên vai, em tôi lũn cũn chạy theo sau rồi òa khóc vì ganh tỵ. Cha dượm đặt tôi xuống, tôi nhất định không xuống. Em tôi khóc to hơn. Thế rồi cha nâng cả hai anh em lên vai, mỗi đứa một bên, mặc cho mẹ phản đối trong nỗi lo sợ thế nào cũng có một đứa bị té nhào từ trên cao, không chừng là cả hai.
Anh em tôi vẫn cười nắc nẻ. Nhưng, ba cha con cười mà mẹ không chịu cười thì không được bởi một người không cười thì niềm vui của cả nhà không thể nào trọn vẹn. Thế nên cha thụp người thấp xuống cho anh em tôi giành nhau cưỡi ngựa.
Tấm lưng cha đủ chỗ cho cả hai nên anh em tôi không phải giành nhau mà đồng lòng ôm chặt bụng cha, tiếng cười giòn vang khắp nhà. “Ngựa phi ngựa phi đường xa, nhanh nhanh ngựa ơi, nhanh hơn nữa, nhanh hơn nữa…
Có nàng công chúa đang đợi chúng ta kìa!”. Thế rồi cả hai kỵ sĩ và ngựa cùng ngã lăn ra mà thở hổn hển ngay chân “công chúa mẹ”, còn mẹ thì lắc đầu cười: “Chơi gì mà mồ hôi ướt cả áo rồi kìa”…
Tấm lưng rộng ấy giờ đây lô nhô xương xẩu đến nỗi mỗi lần trở mình vang tiếng lắc rắc như từng khúc rã rời va đụng vào nhau, còn đôi cánh tay mạnh mẽ ấy giờ bệu bạo, buông thõng trên tấm trải giường nhuộm mồ hôi bay mùi oi oi. Tôi cầm tay cha. Làn da đầy vết đồi mồi như những vết ố trên nền nhăn nheo.
Tôi áp tay cha vào má mình, nghe thời gian chầm chậm quay… Bàn tay này ngày xưa thường âu yếm vuốt má tôi cho đến khi tôi biết xấu hổ rụt cổ lại, cha cười khanh khách, thôi nựng nịu con trai trước đông người nữa.
Tôi vẫn cầm tay cha áp vào má mình. Đêm trắng, giường nào cũng có người nằm và băng ghế nào cũng có người ngồi, tiếng thở sâu, tiếng thở mệt nhọc, tiếng thở ngắt quãng, tiếng thở cam chịu, tiếng thở bất chấp… Bao nhiêu người khỏe mạnh mệt mỏi lẫn ốm yếu vật vờ nhưng cũng như là không có ai. “Vuốt má con đi cha”, thằng nhóc trong tôi bật thổn thức, ghì chặt những ngón tay lỏng lẻo.
Thằng nhóc hồi đó hay được cha dắt đi coi hát bội mỗi khi có đoàn về xóm. Thạch Sanh chém chằn tinh cứu công chúa, Lục Vân Tiên giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, Lê Lai liều mình cứu chúa… Thằng nhóc thuộc lòng tuồng tích là nhờ cha.
Thằng nhóc được điểm môn văn cao nhất lớp cũng là nhờ cha. Chiều chiều, chiếc xe dán đầy những tấm áp phích màu mè sặc sỡ chạy ngang xóm inh vang tiếng rao “Đêm nay diễn tuồng… Kính mời bà con cô bác…” là cha liếc nhìn mẹ rồi nói với tôi thật to, như để mẹ nghe: “Học bài chưa con? Lo làm bài đi nghen. Bài vở không xong thì tối nay không được đi coi hát bội với ba đâu nghe chưa…”. Mẹ nhăn mặt như thể ba chỉ làm hư con cái. Mà rồi mẹ nấu cơm chiều sớm hơn mọi ngày.
Hồi đó nếu đi sớm còn có thể thấy được các diễn viên hóa trang. Lúc coi hát, cha luôn chỉ cho tôi biết vai nào hiền, vai nào dữ, vai nào trung thành, vai nào phản bội. Người hóa trang mặt đỏ kia là đang đóng vai dũng tướng, còn cái người vẽ mặt màu trắng mốc kia là gian thần nịnh bợ… Thích nhất lúc tôi thừa lệnh cha vốc tiền cắc tung lên sân khấu trong tiếng trống chầu dồn dập rền vang.
Ngồi hàng đầu tiên, đâu dễ. Lại ngồi sát cạnh tay trống chầu. Tay trống mạnh mẽ là lòng đam mê, mà nâng diễn viên bay cao chính là nhịp tài hoa…
Tôi xòe đôi tay mình ấn xuống tấm chăn bông phủ lên người cha, tấm chăn lún xuống như bên dưới không có gì. Không có gì! Chỉ một tấm chăn mà xa ngàn trùng… Con biết làm sao đây?
Những ngày cuối năm, gió rì rầm trên mái, con và em cuộn người rúc vào lòng cha nghe chuyện Hoa Mộc Lan trong mùi mứt gừng mẹ rim sau bếp tỏa hơi ấm nồng nàn. Rồi thì quấn khăn quanh người và oẳn tù tì giành nhau diễn vai người con gái can trường giả trai lên đường tòng chinh. Không đứa nào chịu làm giặc.
Cha cười gật gù khen không chịu làm giặc là đúng. Rồi hai đứa giành nhau rót trà cho cha để được sưởi bàn tay mình quanh ly trà nóng hổi. Tuồng của cha thơm mùi mứt, mùi trà, mùi kẹo bánh. Vụn bánh và vụn mứt rơi đầy giường chiếu, mẹ càu nhàu cha cưng chiều quá…
Ngôi nhà luôn vang tiếng cười sang sảng của cha và những lời nhắc nhở của mẹ: “Mấy cha con ông định ăn tết bằng tuồng thôi sao?”. Thế là cả ba cha con tíu tít tay chổi tay giẻ. Bụi từ trên trần rơi xuống, bụi từ dưới nền bay lên… Mẹ bật cười nhìn những khuôn mặt lem nhem “như một gánh hát”.
Tuồng thơm mùi phụ tử và tất cả kết thúc quanh mâm cơm nóng sốt thơm mùi mẫu tử.
Ngôi nhà bao năm rồi tôi chưa về… Đổ thừa cho cơm áo, tôi đi. Đổ lỗi cho khúc khuỷu cuộc đời, tôi quên. Đổ thừa cho công danh sự nghiệp, tôi mãi hoài nấn ná lần lữa… Em gái, đừng khóc nữa! Tôi vuốt tóc em, mái tóc thơm mùi của mẹ. Những giọt nước mắt mặn mùi của mẹ.
Đêm trắng, hành lang bệnh viện dài vô tận và những băng ghế như những toa tàu chất đầy ray rứt. Người phụ nữ ở băng ghế cạnh bên quấn chặt vạt áo len rồi đứng lên đi vào phòng đắp lại tấm chăn cho người bệnh. Gió khiến màn đêm rung từng vạch lào xào…
Giờ từ biệt đã cận kề. Đối diện biệt ly mới nhận ra mình hờ hững yêu thương biết mấy. Chỉ biết nhận, hồn nhiên nhận, vậy thôi.
Nhiều lần, cha áp sát mặt vào màn hình ti vi, vở tuồng phát trên sóng bị nhiễu, đôi mắt kèm nhèm của tuổi già bất lực, cha nhắm mắt lại lắng nghe. Chỉ mẹ mới biết cha coi ti vi bằng tai. Con không. Em gái cũng không. Hai anh em chỉ mới muộn màng biết đã từ lâu cha lắng đợi tiếng chân con đi về bằng nỗi ngóng trông. Mà thành phố thì bao lộng lẫy quyến rũ…
Nếu còn kịp…“Nếu kịp thì mày sẽ làm gì?”, tôi hỏi tôi. Tôi hỏi khung cửa sổ khép lại ngăn gió lùa khiến những người nằm trong kia như đã thuộc về thế giới khác. Tôi hỏi những băng ghế dài theo những lối đi dọc ngang không có tận cùng. Tôi hỏi nhành liễu mềm như một lời an ủi. Không tiếng vọng. Không có trả lời cho câu hỏi yêu thương muộn màng nhưng tôi vẫn muốn hỏi.
Tôi hỏi đêm, đêm rùng lên màu trắng bàng bạc. Tôi hỏi cha. Tấm chăn bông dày gói lời cha im lặng nhưng những ngón tay cha ngọ nguậy thò ra khỏi chăn, rờ rẫm những ngón tay tôi.
Trong màn nước mắt, tôi vẫn thấy thấp thoáng nụ cười hiền của cha. Cha cười mà sao mắt cha cũng lấp loáng nước.
Tôi biết mình đã được tha thứ.
***
Ca trực nào chàng bác sĩ trẻ cũng nấn ná ở lại, rồi thì chàng không đợi đến ca trực…
Kỳ diệu sao, trước phút cuối cuộc đời, cha vẫn làm nên một niềm vui.
Nguyên Hương