“Trời ơi, ai đánh trời què?
Lấy dây trói lại thả bè trôi sông”.
Bà Bốn ngước mặt lên nhìn trời, buông thõng câu thơ giữa một chiều gió xốn mắt. Đã qua hè mà mọi thứ khô rang khô rốc, cả đất cát dưới chân và cái cổ họng bà. Hôm nay là mãn tang ông già.
Bà Bốn ít chữ, học xong tiểu học trường bổ túc đã phải ra chợ bán buôn nuôi đàn em nheo nhóc mười mấy đứa. Rồi bà gặp ông già, xắn quần xắn áo về lo ruộng gà cho chồng. Bởi vậy, bà có biết chi những câu thơ vần điệu. Nhưng chồng bà nổi danh là con nhà địa chủ, chỉ có ăn với học. Ở với nhau riết, ông nói nhiều quá, thành ra bà cũng thuộc lòng. Từ ngày ông đi, thỉnh thoảng bà nhắc lại mấy câu ông hay nói, trong vô thức. Bởi ông nói đúng hay tại bà quá nhớ ông, bà cũng không chắc nữa.
Bà Bốn nhìn khắp mặt từng đứa con. Hai thằng anh lớn ngồi bàn tính thiệt hơn, đứa con gái kế gân cổ lên cãi, con út im ỉm ngó nghiêng như chực chờ tiếp lời chị. Không đứa nào nhận ra má tụi nó vừa mở giọng điệu y chang ba hồi xưa.
- Ta nói phát một, tụi bây em út phải nghe ta, đừng có mất dạy. Chừ hai đứa con gái cũng muốn có đất hả? Mỗi đứa mỗi miếng chớ chi. Được! Rứa thì mồ mả ông bà mười mấy cái cũng chia ra đi. Tới ngày giỗ chạp tự về giẫy cỏ, thắp nhang, nấu nướng, cúng kiếng. Mỗi đứa 4-5 cái mả cho đều, phần ai người đó lo.
Thằng Nghĩa gằn giọng ra vẻ anh cả anh hai. Nó không còn là thằng nhóc hiền lành khờ khạo tới nỗi bạn bè hay chọc là “bư”. Hồi xưa, ông già bao nhiêu lần cầm chổi đánh đuổi đám bạn lêu lổng của nó, cũng chừng đó lần chân Nghĩa tươm máu vì những vết lằn roi dâu. Nghĩa trốn học bắn chim câu cá, chểnh mảng nên rớt trường cấp III chính quy, phải học bán công tư thục. Ngày đó, ông già cột Nghĩa vô cửa sắt đánh bầm mình mẩy.
Mười bảy tuổi, Nghĩa theo bọn nhóc du côn trong xóm dụ dỗ, làm người chỉ điểm canh chừng cho tụi kia chôm đồ đạc nhà người ta. Rồi cũng chính nó cầm đồ ăn cắp đem bán lấy tiền để được chia vài ngàn bạc lẻ. Người ta điều tra sao đó lại sót thằng Nghĩa hoặc nhờ tội nhẹ nên họ tha.
Nhưng ông già nhất quyết làm đơn tố giác, đưa thằng con trai đầu vô trại giáo dưỡng trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên. Ông kêu nhục lắm, ai đời ba làm công an huyện, con trai lại là phường trộm cắp. Ông đã mất mặt với người ta rồi, đâu thể nhắm mắt làm ngơ con mình sai trái.
Ngày thằng Nghĩa tra tay vô còng, bà Bốn khóc hết nước mắt. Chỉ có ông già dửng dưng dứt khoát.
Trời ơi, ông hại con ông rồi. Nó sai thì đóng cửa mà dạy dỗ. Ai lại tự tay đẩy con vô tù. Ông làm ba rứa mà coi được hả? Rồi tương lai của nó tính răng? Trời ơi là trời, chồng ơi là chồng!
Ông già ngước mặt lên, rành rọt: “Trời đất chi! Tui không dạy được thì để người ta dạy. Chớ thả ra xã hội cho nó ăn hại hả?”.
Nghĩa lớn lên không ăn hại như ông già lo sợ. Nó làm lại cuộc đời, học bổ túc, đi làm lương tháng hơn hai chục triệu. Nhưng thằng Nghĩa cạn tình với ba nó. Nghĩa bận ăn tất niên với công ty nên không về đưa ông già vô bệnh viện. Ngày ông mất, giọt nước mắt hời hợt trên mặt Nghĩa, chỉ một cơn gió ghé ngang là hong khô không dấu vết. Nó biểu, xây mả cho ba phải xây lớn chút, để ông còn về phù hộ con cháu làm ăn khấm khá.
- Ông Hai nói rứa không được. Mồ mả chớ phải đồ hàng con nít chơi đâu mà chia chác. Cứ để im, đến ngày tụi nó về chung tiền cùng làm. Mấy đứa đàn bà con gái tay chân yếu nhớt răng cầm nổi cái cuốc giẫy cỏ. Nhỡ tụi nó đến ngày đến tháng nhơ nhớp ai cho đụng nơi linh thiêng.
Thằng Hiếu lên tiếng. Nó được ông già cưng chiều từ nhỏ. Bạn bè tôn sùng gọi Hiếu “báo”, giỏi như báo, khôn lỏi tinh ranh như báo. Chỉ cần nịnh ông già vài câu, nó muốn chi được nấy. Một câu “ba hê”, hai câu “con thương ba nhứt ba hê”, là ông già nạt vợ. Bà Bốn phải móc ví cho tiền nó đi nhậu, bida, đánh bài.
Mà Hiếu thương ông già thiệt. Dù nhậu khuya cỡ mấy, nó cũng về nhà ngó nghiêng kéo mền đắp cho ông già ngủ khỏi lạnh. Có miếng chi ngon từ tận đẩu tận đâu cũng dành phần cho ông già ăn thử. Trời lạnh, nó chụm củi thổi bếp than sưởi cho ông già. Trời nóng, Hiếu bắc ghế ngồi đọc sách bên cạnh võng cho ba nó nghe.
Hai lăm tuổi, Hiếu dẫn bạn gái về nhà ở không cưới hỏi. Con nhỏ đanh đá ngúng nguẩy cãi nhau với bé Thủy. Hiếu đánh em gái thừa sống thiếu chết. Những lúc cản không được thằng Hiếu, hình như ông già cũng kêu trời.
- Thôi con. Có chi từ từ dạy bảo em út, răng lại nặng tay rứa?
- Trời ơi! Thằng mất dạy, ta còn sống đây mà mi tính giết em mi hay chi!
Hình như ông trời đã bị ai đó trói lại thả bè trôi sông như ông già hay nói. Hoặc có thể ổng ở xa quá, cao quá nên không nghe thấy. Nhỏ Thủy cũng chỉ lỗ đầu chảy máu chút xíu thôi mà. Cần chi tới ông trời!
Mấy lần ông già chửi vợ thằng Hiếu mất dạy, nó cũng sửng cồ với ông. Chẳng hiểu nghĩ chi, ngày ông nhập viện, Hiếu còn không thèm vô coi ngó ba nó lấy một bữa. Có lẽ lúc nớ thằng Hiếu lỡ quên thôi, chắc nó bận quá hoặc xe hư. Chớ thằng Hiếu thương ba nó nhất mà.
- Nực cười! Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi hay chi! Hai ông đừng đem chuyện cúng kiếng ra làm cái cớ mà tranh giành. Trên pháp luật thì gái hay trai đều là con cả, đều được hưởng tài sản như nhau.
Con Thủy ngắt lời hai anh. Trong nhà, Thủy là đứa ở với ông già nhiều hơn cả. Bao nhiêu chữ nghĩa của ông nó thuộc tất. Con bé học giỏi nhất, trình độ cao nhất. Nó rành rẽ giấy tờ, nên nói chuyện toàn bằng mấy thứ điều khoản lằng nhằng.
Suốt tuổi thơ của Thủy, bà Bốn bỏ xứ đi làm ăn xa, mình nó lầm lũi thay bà quán xuyến việc trong chuyện ngoài. Mỗi sáng, Thủy dậy thiệt sớm cắm cơm, canh nồi nước chè, quét sân, cho gà ăn. Thủy lại ra chợ phụ bán hàng để kiếm thêm ít đồng về mua cá cho ông già ăn, thêm bịch chè đậu cho bé út Quý.
Mỗi lúc ông già say xỉn đánh đuổi, thằng Nghĩa và Hiếu đều bỏ đi chơi ở nhà bạn, mặc kệ hai đứa em gái. Thủy giận lắm, nó chỉ còn cách dẫn bé Quý trốn bụi chui bờ. Nỗi giận đó Thủy mang trong lòng từ lúc năm, sáu tuổi, cho tới ngày nó lớn lên.
Thủy lại ác cảm vì luôn bị hai anh đánh mắng bắt nạt. Có lần bị đánh vô cớ, Thủy nhảy lên dùng tay thụi vô mặt thằng Hiếu. Ông già bắt Thủy nằm sấp, quất lên mông nó vằn vện những cây roi dâu. “Quyền huynh thế phụ” - anh trai thay được ba, cấm con hỗn với anh rứa nghe! Dù thằng Hiếu sai trước, nhưng ông già phải dạy Thủy biết trên biết dưới. Lúc nói ra câu đó, chắc ông già chẳng ngờ, đó lại thành cái cớ hoàn hảo để thằng con ông hành hạ hai đứa con gái suốt thời gian dài.
Thủy từng nói với bà Bốn nhiều lần, nó không cam tâm. Đất nhà mình, ba má dành cả đời để giữ, để ngăn hàng xóm cướp mất. Hồi đó ba phải nhổ từng cái cây bạc hà mà họ trồng lấn sang nhà mình. Nửa khuya họ còn qua tận nhà đánh ba hòng tranh cái cổng. May ba có võ, lại rành luật, không thì lớn chuyện.
Chừ ba mất rồi, con không để cho người ngoài ăn đâu. Phải hai ông đó lấy rồi lo cho má, thì con chẳng tiếc. Đằng ni thằng xây nhà cho vợ, thằng bán đi chỗ khác sống. Có thằng nào chịu nuôi má đâu. Con phải lấy để có tiền mà lo cho má những lúc đau bệnh nữa.
- Ủa, ăn cho đều, kêu cho đủ chớ. Quyền lợi đi đôi trách nhiệm. Đâu thể đứa mô cũng đòi ăn mà thờ cúng bắt mình ta lo răng được.
Thằng Nghĩa lại gằn giọng với mấy đứa em. Tụi nó quyết ăn thua đủ với nhau. Con út Quý vẫn đang im thin thít. Thấy bà Bốn đứng lên đi ra vườn, Quý chần chừ đôi chút rồi theo sau bà.
Con Quý thiếu vắng bàn tay của má ngay từ ngày còn nằm nôi. Đút cơm bé Quý ăn là ông già. Đưa nó đi học là chị. Ít ra lúc ba đứa con đầu còn nhỏ, bà ở bên chúng. Tới sanh xong con Quý thì nhà thiếu hẳn bàn tay của bà.
Ông già bất đắc chí bỏ làm công an, nghỉ hưu non, trở chứng say xỉn đánh đập, nhà cửa toang hoác, xập xệ vì tiền của đi theo những chai rượu. Cái nghèo quấn lấy, bà cứ nghĩ tới vùng đất khác sẽ dễ kiếm ra miếng ăn đem về nuôi con. Chỉ cần chúng nó no cái bụng, học hành đàng hoàng là được rồi. Có ai ngờ…
- Con chưa từng nghĩ đó là tiền, là tài sản để chia chác. Đối với con, chỗ ni chỉ đơn giản là vườn cây trái của ba. Hồi đó, ba bắt con đi lượm cành tre vô làm củi chụm, gai cào rách chân, chừ còn sẹo đây má nề. Rồi mùa hè lại bụi kia cắt lá mía nữa, lông tơ bay rát rạt da. Mía nhà mình ngọt lắm má nghe. Đằng sau nhà có hàng xoài, mấy cây ổi con hay trèo hái trái ăn mỗi chiều. Phía kia là mấy cây khế ba cột võng đọc Kiều. Ba với con ngủ trưa ở đó. Ba kỳ lắm, ổng say chửi rứa thôi chớ có lúc ổng đưa võng cho con… Ba đưa võng ru con ngủ… Lạ nữa là lúc mô con trèo cây me thì ba lại tỉnh queo. Ba đứng vịn chắc cái thang, rồi đi lòng vòng dưới gốc coi ngó, sợ con té.
Má đi miết, có hồi nhà thiếu tiền ăn, chị Thủy đem đu đủ đi bán rồi mua gạo về. Ba với chị vun mấy luống khoai với bắp để ăn thêm. Muốn ăn canh thì ra vườn hái rau lủi, rau ngót, rau sam… Nhà mình không thiếu cây chi hết đó má.
- Chừ nó là đất hả má, là đất… đất ba để lại… là tài sản thừa kế. Hóa ra tất cả đều quy thành tiền, má hỷ…
Chiều thụng thịnh, nắng rớt đỏ bầm nơi chân trời. Bà Bốn nhìn quanh quất. Còn đâu vườn cây út Quý nói! Cây vú sữa sum sê cành trái bên cạnh cái giếng đột nhiên khô rồi chết. Hàng xoài bị thạch sùng đục thân mục ruỗng. Năm ông già vô viện, bão ghé ngang nhà, xẻ đôi một cây me, quật ngã trơ rễ một cây khác. Những cành khế lá hoa tan tác, từng cụm bông trắng hồng li ti cuốn trôi theo dòng nước lụt. Hình như còn cuốn theo nhiều thứ nữa nhưng bà Bốn không biết đó là gì.
Thằng Nghĩa về, cưa ngang gốc chặt gọn mấy cái cây, kêu làm củi chụm. Chớ để làm chi má ơi, thời ni ai còn ra vườn cột võng hóng mát, máy lạnh đó dùng cho lẹ. Cây lớn um tùm thì rắn rết bò vô nhà, rồi bão quật ngã đè sập nhà nữa.
Bà Bốn chẳng cản, bà biết bà đâu nói nổi thằng con trai lớn. Bà nghĩ hoài mà không rõ mọi chuyện sai từ đâu. Cả ông già và bà, hai người đã làm gì với bốn đứa con của mình. Bà đã làm gì?
“Bốp!”, con Thủy vụt chạy ra vườn, tay ôm mặt rống lên. Trời ơi! Ông muốn giết tui rồi ăn hết chớ chi. Vợ chồng ông không cướp được với tui mô. Đừng hòng! Ông đánh đi, bé Quý gọi công an giúp chị nhanh lên!
“Choảng!”, thằng Nghĩa cầm bình sứ phóng vô người Thủy, con bé né được, cái bình đụng trúng gốc cây, vỡ tan tành. Nghĩa lại vơ lấy búa đóng đinh, dí theo Thủy. Cái thứ mất dạy! Mi đừng ỷ học cao là ngon. Mi mở miệng lớn tiếng dạy đời ai hỷ. Pháp luật hả, công an hả? Có giỏi cứ gọi tới đây, thử làm chi được ta. Vô tù ta cũng vô rồi, ta sợ đách chi mà mi thách.
Bà Bốn chen vô, chưa kịp can thằng Nghĩa liền bị nó hất tay. Tựa như cây me bị bão quật năm đó, bà Bốn ngã lăn xuống đất. Quý hốt hoảng đỡ bà Bốn dậy, phủi giúp bà mớ cát dính tay. Rồi nó kéo con Thủy đi. Hiếu thì ôm ghì thằng Nghĩa lại.
Bà Bốn thả tay, đó chẳng phải đứa con bà rứt ruột đẻ ra. Đó chẳng phải thằng Nghĩa đã từng cõng em gái trên vai. Hoàn toàn không phải. Có lẽ thằng Nghĩa say mất rồi… nhưng rượu còn đang trên bàn thờ ông già, nó đâu đã uống giọt nào…
Cái chân bà Bốn tự nhiên đau quá. Chỗ xương ngày xưa bị gãy nhức buốt kinh khủng. Chục năm trước, bà vội chạy theo chuyến hàng của người ta nên bị xe đụng. Hồi đó, thằng Nghĩa nấu cháo qua thăm bà, dặn ăn nhiều rồi uống thuốc cho mau lành. Giờ trở trời sao mà lại nhói lên lạ lùng. Bà Bốn bước chậm, chân nhón chân thụt vịn vô gốc cây khế cuối cùng còn chưa khô vết chặt.
“Đất ơi…”. Lần này bà Bốn không nhìn lên trời nữa. Bà cúi mặt cho dòng nước mắt được trôi xuôi. Dưới chân bà, ngổn ngang gạch đá cát sỏi mà thằng Nghĩa chuẩn bị để xây nhà mới. Gió thổi qua, tung bụi mù trắng. Bà Bốn khẽ giọng. “Đất ơi… là đất…”.
Ny An