Truyện ngắn - Cuối con đường có nắng

18/07/2024 - 09:27

PNO - Mưa vẫn lộp bộp rơi trên mái nhà, ngọn đèn đường rọi thứ ánh sáng vàng vọt qua ô cửa kính vào gác xép tầng 3 của một căn hộ xập xệ nơi phố cổ mà Khuê khó khăn lắm mới tìm thuê được. Căn gác chưa đến 10m2, ngoài cửa chính thì ô kính hình vuông dài rộng chừng 60cm là cửa sổ duy nhất.

Mùa đông gió sắc như dao chui vào phòng cứa da thịt lạnh buốt còn mùa hè thì hầm hầm nóng như cái lò. Có những đêm nằm trong phòng, Khuê tưởng như mình đang bị ai đó nhóm lửa nấu chín. Ai quen Khuê cũng tưởng rằng sau khi tốt nghiệp và có việc làm, thứ đầu tiên cô rời bỏ chính là căn gác xép kinh hoàng đó. Vậy nhưng thứ Khuê bỏ lại phía sau lại là Tuấn. Anh là mối tình đầu ngây thơ vụng dại gắn bó với cô suốt thời sinh viên. Sau cái hôm mưa tầm tã mặc Tuấn khóc ròng níu kéo ấy, rất nhiều đêm một mình qua khung cửa kính nhìn về phía phố xá nhộn nhạo ngắm mưa, nghe nắng gió rì rào như kể chuyện nhân gian, lòng Khuê lại cuộn trào lên cảm giác xót xa.

***
Cả hai quen nhau khi cùng là sinh viên trường báo chí. 18 tuổi chẳng phải ai cũng đủ trải nghiệm, kiến thức để biết bản thân thực sự phù hợp với nghề nghiệp nào. Khuê cũng vậy. Cô chọn báo chí giản đơn bởi thích cảm giác được theo đuổi đến cùng chân tướng của một vụ việc để đưa ra ánh sáng. Khi đã vào trường báo, được thực sự tìm hiểu nghề báo, Khuê mới hiểu rằng giữa thích và phù hợp là một khoảng cách rất xa. Có nhiều lĩnh vực, nhiều yêu cầu khác mà cô phải đáp ứng nếu muốn trở thành một phóng viên theo đuổi nghề này và Khuê biết mình không có những tố chất đó. Trái ngược Khuê, Tuấn thực sự đam mê với nghề. Mới chỉ là sinh viên năm thứ hai, anh đã trở thành cộng tác viên cứng của nhiều tờ báo lớn và gặt hái được một vài giải thưởng về báo chí từ những cuộc thi uy tín. Với Tuấn, viết là lẽ sống. Anh muốn đi thật nhiều nơi để viết thật nhiều mà chẳng ngại khó khăn, thử thách. Có lẽ cũng chính bởi sự nhiệt huyết ấy mà Khuê cảm mến Tuấn, rồi tình cảm đó trở thành tình yêu lúc nào không hay.

Nguồn ảnh: Shutterstock
Nguồn ảnh: Shutterstock

Dù xác định ngay từ đầu không theo đuổi ngành báo sau khi tốt nghiệp nhưng chưa bao giờ Khuê hối hận khi chọn học ngôi trường này. Ở trường báo, ngoài kỹ năng viết được trau dồi, cô sẽ chẳng bao giờ có thể quên những kỷ niệm làm nghề cùng Tuấn. Như lần cô cùng Tuấn thực hiện đề tài về những người làng chài lưới ven sông để kết thúc học phần 1 môn học, trong đó có bài viết về chân dung người đàn ông chuyên vớt những xác chết trên sông.

Để bài viết thêm chân thực với những trải nghiệm thực tế, Tuấn đã đề nghị được theo chân người đàn ông đi làm việc. Sáng hôm ấy, Tuấn chở Khuê đến bến sông từ khi trời còn đẫm hơi sương, mặt trời vẫn còn ngái ngủ trong làn sương chùng chình tựa tấm voan trắng bồng bềnh trên mặt sông. Khi cả hai còn đang bần thần đứng đợi nơi bến thì người đàn ông chèo thuyền rẽ sương lướt nước tiến lại gần. Khung cảnh mờ ảo tựa trong một bộ phim liêu trai khiến Khuê có chút rùng mình. Chiếc thuyền khá bé, Tuấn và Khuê cẩn thận bước lên trên khiến nó tròng trành, ngả nghiêng tưởng chừng như chỉ cần một con sóng lớn hay một cử động mạnh là có thể lật úp, hất cả ba xuống lòng sông. Khuê ôm khư khư chiếc máy ảnh không dám nhúc nhích.

Đây là công cụ tác nghiệp đắt đỏ nhất mà 2 đứa mượn được của bạn để thực hiện bài viết. Cả Tuấn và Khuê đều không biết bơi nhưng từ lúc xuống thuyền, Tuấn không hề có chút sợ hãi, miệng không ngừng trò chuyện với người đàn ông ấy để khai thác thông tin trong khi tay vẫn tốc ký không ngừng. Con thuyền vẫn nhè nhẹ lướt trên mặt sông. Người đàn ông kể về những xác người ông từng gặp ở khúc sông này. Tất cả đều tình cờ như sự sắp đặt của số phận. Có lẽ họ “chọn” ông, tin tưởng ở ông, mong ông đưa họ về đất liền. Cũng có những buổi sáng như sáng nay, ông tình cờ gặp thân thể họ mắc kẹt lại trong đám lục bình, khúc cây… Khuê nghe ông kể mà gai ốc nổi khắp người. Cô sợ chỉ một lát nữa cô sẽ chứng kiến cảnh người đàn ông ấy vớt một cái xác nào đó đang thối rữa đưa lên thuyền. Thế nhưng, có lẽ cô và Tuấn không đủ duyên nên cho đến khi mặt trời lên vẫn chẳng có điều gì lạ xảy ra. Người đàn ông ấy đưa cả hai trở vào bờ để lại phía sau bình minh đang lên trên sông đẹp và thơ đến ngẩn ngơ.

Hay lần thực hiện bài viết phản ánh một cơ sở sang chiết gas trái phép. Đây là một xưởng chuyên thu mua bình gas cũ, hết hạn để bơm gas vào bán lại với giá cao. Để tránh bị phát hiện, xưởng được xây dựng ở một khu đất nằm giữa cánh đồng rất ít người qua lại. Để có thể tiếp cận địa điểm này, cả hai đã phải hóa trang thành một cặp đôi đi bẫy chim. Bữa đó, 2 đứa đã phải tìm khắp chợ để hỏi mua những cái bẫy chim và mượn quần áo sao cho giống nhất với dân làm nghề này. Sợ vẫn chưa chắc ăn, Khuê còn cẩn thận hóa trang cho cả hai để làn da nâu sạm đi. Khi đã tiếp cận và quay được khá nhiều bằng chứng về hành vi của cơ sở này, bất ngờ Khuê và Tuấn bị bảo vệ phát hiện. Cả hai phải bỏ lại số bẫy chim còn mới nguyên tính mang bán lại vớt vát chút tiền bỏ ra, để chạy thoát thân. Cũng may lần đó họ nhanh chân nên không bị bắt, chứ nếu không, Khuê không biết cả hai sẽ gặp phải chuyện gì. Trong nghề báo không thiếu những vụ phóng viên đi tác nghiệp bị gây khó dễ, bị mắng chửi, bị đánh đập, thậm chí bị thủ tiêu nếu đụng phải công việc làm ăn của kẻ xấu. Nghề báo mà Khuê tưởng tượng so với thực tế rất khác. Những bài viết phản ánh sự thật tới độc giả được đánh đổi bằng bao mồ hôi, công sức, nước mắt và cả máu của phóng viên chứ chẳng dễ dàng.

Ngoài 2 lần đó, trong suốt 4 năm học trường báo, Khuê chẳng nhớ cả hai đã nằm bờ nằm bụi cải trang bao nhiêu lần để có những bài viết cùng nhau. Nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ trong khi ngẩn ngơ nhìn qua khung cửa sổ, thi thoảng Khuê bất giác nhoẻn miệng cười. Tuổi trẻ chẳng bao giờ thắm lại nhưng nhờ những kỷ niệm đó mà tuổi trẻ của Khuê thêm tươi hồng và rực rỡ hơn.
***
Trong số sinh viên trường báo tốt nghiệp cùng với Tuấn và Khuê, số người quyết định bám trụ lại với nghề báo chưa đến một nửa. Gần như mọi người đều chọn trái ngành, trong đó có Khuê. Tuấn bỏ ngoài tai những lời khuyên báo chí đang ở giai đoạn khó khăn, suy thoái, vẫn chọn xin cộng tác không lương cho một đơn vị báo chí để được thỏa đam mê viết. Khuê chuyển hướng sang làm mảng sáng tạo nội dung cho một công ty tổ chức tiệc cưới. Tuy là một lĩnh vực khác so với chuyên ngành được học nhưng với nền tảng viết tốt, Khuê nhanh chóng bắt nhịp được với công việc và cứng nghề sau một vài tháng đi làm.

Thu nhập từ công việc này dù không cao nhưng đủ để Khuê chi trả những chi phí ở thành phố đắt đỏ và có dư chút ít phòng thân mà không phải phụ thuộc vào gia đình như hồi sinh viên. Trái ngược với Khuê, thu nhập của Tuấn rất bấp bênh. Công việc không lương nhưng thời gian của Tuấn lúc nào cũng eo hẹp, Tuấn phải đi tác nghiệp suốt. Có những chuyến đi kéo dài cả tháng trời. Người Tuấn gầy xọp, làn da trắng thư sinh sau mấy tháng đi làm trở nên đen nhẻm. Chỉ có nụ cười của anh vẫn rạng ngời hạnh phúc. Tuấn khoe với Khuê từng bài viết được đăng, Khuê đọc và cảm nhận được sự tiến bộ rõ rệt qua từng bài báo. Câu chữ của anh đã trở nên sắc hơn rất nhiều so với ngày sinh viên viết cùng cô. Cô mừng cho Tuấn nhưng lòng vẫn có chút gì đó xót xa. Tuấn làm việc không lương nên mọi nguồn thu nhập đều lệ thuộc vào khoản nhuận bút ít ỏi từ những bài báo được đăng. Không viết đồng nghĩa với việc không có tiền. Mà ở thành phố này, không có tiền đồng nghĩa với việc bị đào thải nên chẳng lúc nào Tuấn ngơi nghỉ việc viết.

Ngày sinh viên, Khuê ở trọ trong căn gác xép chật chội không máy lạnh bởi nó gần trường và… rẻ. Giữa trung tâm thành phố đắt đỏ mà kiếm được căn nhà trọ chỉ nhỉnh hơn 1 triệu đồng là điều không dễ dàng. Chính vì rẻ như thế nên bất chấp những khó khăn, nóng nực, cô vẫn hài lòng với cái “ổ” của mình. Sau này, khi đi làm, thừa khả năng để thuê một căn phòng rộng rãi hơn với đầy đủ tiện nghi, cô lại thấy nó không thực sự cần thiết nữa bởi thời gian cô ở nhà còn ít hơn thời gian cô ở khách sạn 5 sao.

Công việc lên kế hoạch cho tiệc cưới của người khác cũng bận bịu chẳng kém nghề báo của Tuấn. Khuê phải chạy chương trình không lúc nào ngơi nghỉ. Trong đầu cô lúc nào cũng mòng mòng những suy nghĩ về hoa, về nhạc… để chuẩn bị cho ngày trọng đại của khách hàng. Không ít lần trong những giấc ngủ chập chờn vì mệt, Khuê mơ thấy hoa, thấy bánh kem mà khách đặt. Dù vậy, cô vẫn yêu thích công việc này. Việc được đóng góp và chứng kiến hạnh phúc của các cặp đôi trong sự kiện mang tính bước ngoặt cuộc đời khiến Khuê thấy mình cũng lâng lâng hạnh phúc theo. Chỉ phiền vì công việc lấy đi của cô quá nhiều thời gian.

Cả hai như những con chuột bước vào guồng quay, khi đã chạy những bước xuất phát thì phải chạy mãi, chạy mãi, không thể dừng. Công việc cứ kéo dần cả hai ra xa nhau khi họ chẳng còn chút thời gian để gặp gỡ, chuyện trò. Khuê nhớ đã lâu lắm rồi 2 đứa không hẹn nhau đi ăn bên bờ hồ lộng gió hay thả hồn mơ mộng hóng gió ngắm hoàng hôn dưới chân cầu như thời sinh viên. Thời gian cứ hối hả trôi chẳng cho cả hai cơ hội để vun đắp chút tình còn sót lại thời sinh viên. Chiều mưa hôm ấy, Khuê đã nói ra những câu mà bản thân thực sự không muốn. Tuấn đứng im như chết lặng rồi khóc ròng, nước mắt hòa cùng nước mưa nhưng rồi Khuê vẫn lạnh lùng bước đi. Chẳng phải Khuê hết yêu Tuấn. Cô còn yêu anh rất nhiều và cô biết Tuấn cũng vậy.
***
Khuê cứ ngỡ rằng chia tay rồi thì lòng mình sẽ nhẹ nhõm hơn bởi đã trút được cảm giác tội lỗi khi người mình thương yêu cần mình nhất mà cô không thể cạnh bên vì đang đi công tác ở một nơi xa. Vậy mà lòng cô vẫn nhói lên từng cơn đau buốt bởi cảm giác nhớ nhung đến không tưởng. Ngày còn yêu Tuấn, tuy công việc bận bịu đến mức chẳng có thời gian gặp nhau nhưng cuối mỗi ngày, mệt đừ trước khi nằm dài trên giường rồi ngủ thiếp đi, cô luôn nhận được tin nhắn chúc ngủ ngon từ anh cũng như những dòng tin đầy yêu thương mỗi sớm mai vừa thức dậy. Và quan trọng hơn, Khuê biết dẫu thế nào, phía sau cô vẫn có một người luôn dõi theo, ủng hộ và âm thầm quan tâm chứ không lạc lõng và bơ vơ như thế này.

Sáng đó, Khuê rời căn gác xép nóng nực của mình để đi làm thì nhận thấy phòng tầng dưới đang chuẩn bị chuyển nhà đi. Cô bỗng có chút xao xuyến. Ai rồi cũng rời bỏ nơi cũ kỹ chật hẹp để đến nơi rộng rãi, khang trang hơn, chấp nhận bỏ lại những kỷ niệm xưa. Cô chợt nhớ đến Tuấn và thấy mình cũng hệt như những con người kia - bạc bẽo với những gì từng là quá khứ.

Dòng suy nghĩ khiến cả ngày hôm đó, Khuê ảo não trách chính mình. Tối muộn, cô trở về căn gác xép quen thuộc, khi lướt nhìn qua căn phòng ban sáng, cô giật mình nhận ra một bóng hình thân quen. Tuấn đang nở nụ cười thật tươi: “Chào em, hàng xóm mới”. Khuê bối rối, không biết nên nói gì. Tuấn lại gần cô nhẹ giọng: “Nếu em không thể rời căn gác xép này thì anh sẽ đến đây để được gần em. Mọi thứ mới chỉ bắt đầu cho những tháng ngày về sau. Cuối con đường luôn là ánh nắng chờ đợi. Xin em đừng vội buông tay”. Khuê nức nở ôm chặt lấy Tuấn. Có lẽ Tuấn không biết nếu anh không đến thì cô sẽ đi tìm anh. Sự dừng lại khiến Khuê nhận ra rằng cô thực sự cần anh như người ta cần nắng để khát khao và hy vọng.

Lê Đình Trung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Trịnh Thị Thùy Trang 26-07-2024 14:30:58

    Bài viết rất hay và ý nghĩa, đầy cảm xúc. Mình nghĩ các bạn trẻ nên đọc để hiểu được thế nào là tình yêu, yêu "sâu" yêu thật, thay vì yêu nhanh yêu vội.

  • Nguyễn Thị Thư Cưu 18-07-2024 15:06:00

    Truyện hay quá. Câu chữ nhẹ nhàng như thơ. Cảm xúc thật và logic. Tôi rất thích. Xin cảm ơn tác giả và Ban biên tập báo Phụ Nữ đã đăng bài.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI