Truyện ngắn - Của chị và em

22/03/2020 - 19:51

PNO - Nhu mì nữ công hóa ra cũng có cái duyên riêng của nó, chị nhỉ? Đứa em gái ngang bướng hiện đại bất cần và đầy tham vọng của chị dường như đã biến mất. Chỉ còn lại cô gái nhỏ đang mơ màng về một mái ấm bình thường.

Hai mươi ba tuổi, chị cập rập lấy chồng, một anh công chức. Khi ba hồ hởi giới thiệu: “Gả đứa con gái lớn. Chồng nó làm bưu điện” thì khách khứa chỉ có trầm trồ. Vừa dân nhà nước lại có sẵn nhà riêng ở thành phố rồi, dù sống chung với cha mẹ thì cũng là một chốn nương thân đáng ngưỡng mộ. Chồng chị hiền lành, thật thà, đang chạy “dream lùn”, có cả điện thoại di động. Ngày đó, có thể móc “cái alô” giữa nơi công cộng cũng là chuyện đáng tự hào. Cuộc gọi tính một phút nội vùng hơn ba ngàn đồng, bằng giá dĩa cơm bình dân của đám sinh viên, chồng chị oách lắm chứ chẳng đùa!

Chị khi đó vừa xong đại học. Đám cưới hơi gấp, do phía bên chồng đi coi ngày, thầy phán nay không cưới thì phải năm sau nữa. Mà anh tròm trèm ba mươi rồi, anh cũng mới chia tay cô người yêu gần bốn năm gắn bó. Lấy vợ thì cưới liền tay, nên anh hối chị gật đầu. Chị biết thiên hạ xì xầm là có khi đã “lỡ” nên mới vội vậy.

“Kệ đi, miễn mình không làm gì đáng hổ thẹn là được“. Chị nghĩ thế, ngẩng cao đầu vì bản thân vẫn còn trong sáng khi bước qua cửa nhà chồng. Thuở ấy, “ăn cơm trước kẻng” là một điều xấu xa đáng tủi hổ ghê lắm. Lúc đi lãnh bằng tốt nghiệp, chị đã đeo trên tay một cái nhẫn vàng mỏng dính có đính viên kim cương bé xíu. Bấy nhiêu cũng đủ để chị hãnh diện với đám bạn cùng khóa đang loay hoay đổi chỗ trọ, tìm chỗ làm.

Em lúc ấy mới thay xong bộ răng sữa, mặc đầm màu vàng tung tăng ở đám cưới. Trong mấy tấm hình thợ ảnh dạo chộp được, chị nhận thấy em mình còn thơ bé vô cùng, làm sao kịp thấu hiểu những buồn vui trắc trở của một cuộc hôn nhân đời người. Chỉ biết dịp ấy nhà đông, rộn ràng cười nói, nhiều thức ăn ngon, em có nghịch phá thì cũng không bị mắng mỏ. Ai nấy đều bận bịu quan tâm tới chị, cô dâu mới được gả chồng bưu điện.
***

Hôn nhân chẳng đơn giản màu hồng như chị từng thấy trong phim trong sách, càng không liên quan tới những gì một cô gái mơ mộng như chị đã hình dung. Cuộc sống gia đình trần trụi, vất vả, nhiều ràng buộc tưởng vớ vẩn mà khiến cho người ta phải khóc thầm khóc lén vì hờn tủi. Trong cái nhà phố một trệt một gác lửng ấy, gần chục người lớn trẻ con chung sống, chật hẹp, cáu kỉnh, soi ngó cô dâu mới là chị: “Sao nó (tức là chồng chị) không lấy con bồ đang quen mà lại cưới một đứa chưa có nghề nghiệp gì ổn định vậy? Đàn bà con gái xứ đó xài hoang lắm, ít chung thủy lắm, chẳng nghe đồn à?”. 

Hai sáu tuổi, em sống trong căn hộ ba phòng rộng hơn trăm mét vuông ở tầng hai mươi mốt. Em thuê rồi chia lại cho một cô gái cùng trang lứa và một anh chàng nhỏ tuổi có dấu xăm dài ở cẳng chân. Nếu gọi đây là căn hộ độc thân cũng chẳng sai, bởi ba người đều chưa lập gia đình. Nhân viên kinh doanh của một tập đoàn bất động sản lớn, lương cứng của em chỉ đủ ăn cơm, cà phê. Toàn bộ chi phí trang trải cuộc sống chờ vào các khoản hoa hồng. Người xách tiền đi mua nhà tậu đất đa phần đều rủng rỉnh chút của ăn của để. Vợ chồng cũng có mà nam giới độc thân cũng nhiều. Khách hàng là những mối quan hệ tiềm năng của em, theo đúng nghĩa đen của cụm từ này. 

Chị qua thăm em lần đầu, ngơ ngẩn trước những món đồ be bé xinh xinh. Nội thất vừa vặn, chẳng có thứ gì thừa. Phải công nhận tụi nhỏ bây giờ giỏi quá. Khác quá. Khó tin thật. Chúng tự do làm chủ đời mình, theo cách mình muốn, không hạn hẹp lo âu nghĩ ngợi nhiều như chị. Chị tần ngần ngắm chậu cảnh bằng sứ thật mà như giả, bày trên cái quầy bar khéo léo ngăn giữa bếp và phòng khách.

Chị ngó cái phòng ngủ thơm tho ấm cúng đèn vàng, rất nhiều mền gối và thú bông, có cả cây đèn xông tinh dầu thấp thoáng. Cơ man là dầu gội sữa tắm dưỡng thể, nước rửa tay và vô số thứ chị không hề biết công dụng trên cái kệ xinh trong nhà tắm. Màn cửa sổ thì rất dày, chắn sáng tốt, khi kéo lên sẽ mở ra một tầm nhìn hút mắt. Chị từng có dịp ngồi lại đấy buổi tối, đắm đuối đưa điện thoại lên chụp hình, nhớ tới cái câu “thành phố đêm nay đầy sao”, lấp lánh, lung linh ánh đèn các tòa cao ốc san sát. Sao mà quyến rũ mê mị thế. Sống như thế này mới thật là…

Chị chạnh lòng nghĩ tới căn nhà phố ọp ẹp của mình. Ngày mưa nhếch nhác, hôm nắng thì hâm hấp. Ngõ vào chật chội, lối xóm hung hăng. Còn may mắn là chị cuối cùng cũng đã có thể ra riêng, không phải chịu cảnh chung đụng nữa. Nhưng làm gì có cái hồ tràn đẹp đẽ mát rượi. Thang máy, cửa ra vào đều xài thẻ từ. Chỉ cần xuống tới đất là cơ man hàng quán, cửa hiệu bài trí đẹp mắt chào đón, y như trong các bộ phim nước ngoài. Thử nhắm mắt rồi mở ra, ai dám bảo đây là xứ mình kia chứ.
***
- Bà chị, em dính bầu rồi!

Chị hoa cả mắt, tưởng em nhắn nhầm. Đã khuya lắm rồi. Chắc em phải đắn đo rất nhiều trước khi gởi tin cho chị.
- Ai vậy?
- Rồi em tính sao, khi nào cưới hỏi?
- Họ đã biết chưa?

Chị dồn dập. Đáp lại, em đánh một biểu tượng “cười bò”, ý là chị ảo tưởng thế. Thời buổi này hễ cứ có thai là bác sĩ bảo cưới sao? Dẫn tôi đi xử lý giùm với!

Chị ngồi hoang mang ở cái hành lang nhỏ xíu của một bệnh viện tư, bên cạnh là em, đứa con gái đang thản nhiên bấm điện thoại, đeo tai nghe, miễn nhiễm với mọi ồn ã xung quanh. Chị nhìn một vòng, thấy ai cũng trẻ, cũng xinh, cũng sành điệu. Vài anh đàn ông đi theo người nhà, phả cái nhìn kín đáo lên chị, người phụ nữ ngơ ngác ở cái chốn vốn coi sự chối bỏ là bình thường này.

Lại một ngày, em e dè kể, mới xảy ra chuyện với cậu bé ở chung nhà. 

- Sao thế, cãi nhau xích mích dọn đi quỵt tiền thuê nhà à? 
- Không, thế mới sầu. Chung quy là hôm đó hơi say, đang khá là tâm trạng. Mới bị thằng kia lừa tình. Mình chuyên “rộn ràng thợ săn nhắm con mồi”, ai ngờ có ngày sập bẫy sở khanh. 
- Thiệt hại gì không em? Nó có làm gì em chưa? 
- Tôi thì có gì để mất chứ! Chẳng qua bị nó xài tiếng Hàn “choi-xong-giong”. 
- Nghĩa là sao hả em? 
- Ôi cái bà chị quê mùa cộc kệch của tôi. Bà cũng đi làm mà lúa nguyên cây kinh khủng. Tức là bị nó dỗ ngọt xài miễn phí ấy, bà hiểu chưa?

Chị kinh hoàng khi hiểu ra, sau khi bị lừa tình về, em buông thả say sưa bí tỉ. Căn hộ ba phòng hôm đó đi vắng một đứa, còn lại cậu bé tuổi đáng em út tâm tư cũng đang không mấy thoải mái. Nói theo ngôn tình là chuyện gì tới phải tới, hai đứa đã gom hết bia hết mồi trong tủ lạnh ra chén chị chén em tới tận đêm muộn. Sáng thức dậy thì chăn chiếu xộc xệch, áo quần lớn nhỏ tứ tung dưới đất. Nắng rọi vào nhà lâu lắm mà vẫn chẳng dám nhìn mặt nhau vì ngượng…

Kẻ thuê nhà không từ mà biệt, dọn đi cho đỡ xấu hổ. Có phải sự cố gì to lớn đâu, coi như lên nhầm kiệu hoa, à nhầm giường. Từ từ rồi tìm người khác, rút kinh nghiệm, kiếm đứa cùng phái cho đỡ hệ lụy! Em kể nhẹ tênh như không, chẳng hề thấy ân hận hay tiếc nuối gì trước một sự cố mà theo chị thật khủng khiếp.

Em bảo, vẫn nhớ mùng một tết năm rồi, chị qua nhà em từ lúc trời chưa hửng sáng, dắt theo cả thằng Tun. Bỏ đi chưa bao giờ là giải pháp tốt đâu, nhất là đối với một phụ nữ vốn quen với nếp sống đều đặn, chỉn chu. Coi, thằng Tun nó giật mình thức sớm, giờ nằm ngủ chèo queo trên cái sofa ở phòng khách.

Mẹ nó mê mệt kề bên, sau cả đêm dài tấm tức mất ngủ rồi điên cuồng cãi cọ. Đầu năm đầu tháng không sợ giông hay sao mà chị chơi lớn vậy? Biết lấy chồng sẽ phải chấp nhận nhiều thứ, mà bà chị mình cảm tính phát sợ. Hay sống lâu trong nỗi chịu đựng chán chường, tới chừng bộc phát thì dại dột vậy? Chuyện có gì to tát đâu, chồng cúng giao thừa xong thì bày mâm nhậu với mấy ông hàng xóm. Rượu vào lời ra, cứ thế ồn ã cho tới quá nửa hai giờ sáng. Muốn chồng dọn dẹp đi ngủ thì có khó gì. Cứ nhắc nhẹ là được. Sao phải im lặng ấm ức rồi bùng nổ? Sức người có hạn, chịu đựng làm chi cho nó chóng già hở bà chị?

Những câu bỗ bã của em khiến chị vừa bực vừa quê. Em nói cũng phải. Chị mãi mà vẫn chưa tập “hành xử chuyên nghiệp” như chữ em hay dùng. Chị cứ loay hoay muốn chồng mình cổ điển, ví như chiều tối về nhà, cuối tuần gia đình đi chơi đâu đó. Cơm nước lành sạch nóng sốt ấm êm là được, chẳng nhất thiết phải nhà hàng quán xá các kiểu. Em cười mỉm chê rằng chị an phận quá, chẳng biết trải nghiệm, lẽ nào cả thanh xuân cứ loay hoay với rau muống xào tỏi, khô cá một nắng chiên với hũ dưa cà muối xổi?

Chị càng nghĩ càng thấy mình đáng thương làm sao. Mười mấy năm kết hôn, chị sống thuần hậu đơn giản quá, ít niềm vui quá. Chị không có sở thích gì rõ rệt, chẳng có món đồ dùng gì sành điệu đáng giá. Chị không có nhiều mối quan hệ và cả những cảm xúc phiêu lưu lạ lẫm như em đã từng. Chị băn khoăn với câu hỏi, liệu có phải mình đã sống quá phí đời chăng, trong cuộc hôn nhân ơ hờ cùng ông chồng làng nhàng, không hề biết lãng mạn hay nhiều dự tính gì cho ngày mai? Chị không ít lần muốn làm một cái gì đó, mạnh mẽ hơn, coi được hơn, nhưng rồi vì yếu đuối mà cái tuổi nó đuổi xuân đi, vùn vụt.

Em có vội gì đâu, cứ chơi thêm tí cho thỏa thích. Hôn nhân dễ kiếm, hạnh phúc khó tìm, chẳng phải trước mắt là tấm gương tày liếp của bà chị ham vui sớm đó sao. Em trêu chị xong thì tự hỉ hả ưng ý. Sự nghiệp em đang tốt, em đã lên trưởng phòng kinh doanh của một đơn vị lớn rồi. Dưới quyền em là cả lố trai xinh gái đẹp đều tôn thờ tự do bất tận. Cứ hết giờ làm việc là cùng nhau quậy tới bến. Vậy mới vui, sao phải xoắn chứ! Em tự tin về vẻ ngoài còn rất tươi trẻ của mình. Em hờ hững nửa miệng khi chị nói, đừng để người đàn ông của mình phải chờ đợi quá lâu, tội họ. Kiên nhẫn của một ai kia không phải là vô hạn, em à!

Bận bịu đến đâu chị cũng không quên nhắc em chẳng nên mãi buông tuồng bay nhảy. Hãy kiếm một chỗ tin cậy mà dựa vào, kiếm một đứa con nít “để dành”. Em cười phá lên: sao đàn bà cứ nhất định phải lấy chồng sinh con cơ chứ? Nếu thích thì em sẵn sàng làm mẹ đơn thân chẳng cần danh phận, đỡ lụy phiền mà vẫn có một đứa trẻ để “nuôi chơi cho thỏa thích”. 

Đó là trước khi em kể với chị rằng em đang tỉ mỉ học nấu ăn, cắm hoa, làm vài món bánh theo đúng sở thích của “người ta”. Em mang những váy áo hớ hênh khêu gợi cất vào một góc tủ. Nhu mì nữ công hóa ra cũng có cái duyên riêng của nó, chị nhỉ? Đứa em gái ngang bướng hiện đại bất cần và đầy tham vọng của chị dường như đã biến mất. Chỉ còn lại cô gái nhỏ đang mơ màng về một mái ấm bình thường. 

“Đó là mẫu đàn ông như nào?”, chị hỏi, cố tỏ ra mình cũng sành sỏi. Người ấy bằng tuổi chị, rất thích trẻ con nhưng lại chẳng muốn kết hôn. À, cũng có chút giống anh rể, hiền lành lương thiện, tất nhiên phải lịch lãm và giỏi giang hơn rồi! Chị biết không, kỳ kèo mãi cuối cùng anh ấy cũng đồng ý là nếu có con thì tụi em sẽ làm đám cưới. 

Ba mươi tư tuổi, em lần nữa được chị lẳng lặng ngồi chờ ở cái hành lang mênh mông của một bệnh viện tư sang trọng. Mình có tiền, phải tận hưởng những tiện nghi tiến bộ của y học chứ. Em thoải mái tuyên bố khi quyết định chọn chốn đắt đỏ này cho ước mơ làm mẹ của mình. Cứ kiểm tra rồi tính tiếp, nếu cần thì kéo người ấy tới đây, thế nào chẳng có bầu! Chị mơ hồ đâu đây linh cảm bất an. Em nhất định muốn biết lý do, tại sao đã bí mật “thả” khá lâu mà chẳng thấy tăm hơi gì. “Nội mạc tử cung mỏng, xác suất có con thấp, nguy cơ vô sinh”. Hậu quả của sự rũ bỏ mà sau cái lần đi cùng chị, em đã mạnh dạn hơn để vài đợt nữa bước tiếp một mình đây mà.

Lần này, em bật khóc trên vai chị, bởi chẳng ngờ khi quay đầu nhìn lại, bờ bến bình yên bỗng hóa xa vời… 

Thùy Lâm

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI