1.
An hẹn gặp Lê ngay góc ngã tư có cây si già lớn nhất phố. Một chiều tháng Giêng lưng chừng xuân, mây trời xanh vắt lên từng con hẻm cổ kính. Lừng khừng nhìn nhau một đỗi, Lê mới bắt nhịp vào câu chuyện. Tám năm rồi mà, nhiều thứ đổi thay. An ngày xưa với mái tóc đen suôn mượt nay thay thế bằng màu tóc ánh đồng, cắt ngang bờ vai mảnh. An ngày xưa chỉ là cô bé ánh mắt ngây thơ và nhút nhát, thường bẽn lẽn mỗi khi ngang phố có ai đó trộm nhìn. An ngày xưa của phố Hội sông Hoài nay biết có còn như thế?
Qua những ngõ phố cũ, những mái ngói phủ rêu, những bờ tường vàng mốc theo thời gian, Lê hỏi An còn nhớ. Chỗ này ngày xưa hai đứa thường ngồi vò nắm xôi đậu xanh, cười khanh khách mỗi khi gió tạt ngang, hất mớ đường mè văng tung tóe trúng mặt Lê. Hay ngay góc Trần Phú, quán chè Dì Thệ vẫn còn nguyên đó, mấy bận Lê ghé ngang dì hay hỏi khi mô An về. Dì nhắc mấy chuyện xưa cũ, nghe lòng rào rạo một nỗi niềm. Chừ mình ra phố Bạch Đằng nha An. Cái quán cũ vẫn ủ rũ bạc thếch theo thời gian, ngặt nỗi Lê vẫn mê nó dẫu bao quán xá nhà hàng mọc lên như nấm, theo đà phát triển của phố Hội.
Chọn chiếc bàn ven ban-công, ngồi nhìn hoàng hôn bảng lảng trên sông Hoài, Lê đã thôi không còn nói nhiều thứ xa xưa. Cả hai lặng im thả ánh nhìn xuống con sông quen thuộc. Sông vẫn một dòng lấp lánh, hiền hòa uốn lượn theo phố Hội rồi xuôi về với Thu Bồn. Bao đời nay vẫn vậy.
Nhớ hồi An đi, một ngày đầu đông, gió se sắt lên nụ cười của Lê. Thì thôi, bên ấy tốt hơn nhiều mà An. Ai rồi cũng trưởng thành, cũng sẽ chọn cho mình một con đường hanh thông hơn. Ngoài kia, thế giới bao la lắm. An sẽ học được nhiều thứ hay ho mới lạ. Học bổng của trường lớn nhất nhì thế giới như cánh cửa thần kỳ sẽ mở ra một con đường rạng rỡ cho An.
Rồi An đi biệt. Mấy lúc Lê ngang ngõ nhà An, đứng ngơ ngác rồi thất thểu đi về. Dáng Lê trên phố bơ vơ đến tội. Lê chẳng hiểu. Nhiều lần say bí tỉ, Lê hỏi sông Hoài, mà sông không trả lời, cứ một dòng trôi mải miết. Sông cũng chẳng hiểu. Lê biết hỏi ai.
Ấy vậy mà, đùng một cái Lê chạm mặt An ngay tại hội thảo ngân hàng của tỉnh. An giờ là chuyên viên thẩm định của một quỹ đầu tư nước ngoài. Cái gật đầu hay cái lắc đầu của An quyết định một phần phát triển của xứ này. Ngỡ ngàng quá đỗi.
2.
Dì Thệ xoa đầu con bé, chừ lớn quá rồi hỉ. Xinh y như con An… ờ nỏ phải, như… như là búp bê hè! Cái tiệm chè ngót cũng gần bốn mươi năm ở góc phố, ngày nắng hay ngày mưa, ngày hanh nồng hay rét lạnh, người ta vẫn hay ghé mà xì xụp chén chè nóng, như một thói quen không thể thiếu của dân phố Hội. Lâu dần thành cái nếp, vài đứa tung hình lên mạng xã hội, dăm ba anh chàng quay phim bình luận chè ngon, khách du lịch cứ thế rồng rắn xếp hàng.
Dì Thệ vẫn đúng một cách bán cũ. Năm cái bàn gỗ cũ kỹ, đúng hai chục cái ghế cóc liêu xiêu. Khách đến cứ chỉ tay vào từng nồi chè mà chọn, rồi tự bưng chén chè nóng hổi, kiếm một cái ghế mà ngồi. Ăn xong tự khắc đến trả chén, rồi trả tiền. Cứ vậy mà lần lượt, người sau xem người trước rồi tự hiểu ý mà làm theo.
Có lần Lê nói với dì Thệ, sao không cơi nới thêm cho đông khách ngồi ăn. Dì vén vạt áo chậm những giọt mồ hôi rồi tỉnh queo nói, bán chè thôi mà, ăn tốn có bao nhiêu phút, hết người này tới người kia. Kê cho nhiều bàn ghế, chỉ tổ làm bát nháo, rồi thêm dơ cái góc phố. Ai thương mình thì đợi chút. Đợi chén chè mà không nổi, làm sao đợi thứ khác.
Trong cuộc đời này, nhiều thứ phải đợi, đôi khi mình không đủ kiên nhẫn, thì khó đi đến trọn vẹn cuộc đời. Coi vậy chứ đợi chè vẫn nhanh hơn đợi người yêu, phải không hỉ?
Lê giật thót mình, rồi chỉ cười cho qua chuyện.
Thỉnh thoảng, hai cha con Lê ghé ngang tiệm chè, dì Thệ hay hỏi về An. Khi Lê khẽ lắc đầu, dì Thệ cũng lại một câu nói cũ, còn thương thì về. Câu nói đi qua bao mùa đông phố cổ. Lê vẫn đợi bên giàn mai hoàng yến, từ lúc Lê chỉ một mình, cho đến bây giờ có thêm con bé Hoài Đông. Vẫn đợi một điều mơ hồ và xa xôi.
3.
Chị hai điện thoại sang, rào trước đón sau rồi thủ thỉ với An. Thằng Lê tệ thiệt, hoang đàng với ai chi đó, rồi đem một cục nợ về cho mạ nó. Con bé nhỏ xíu. Mạ nó khóc lóc, nó vẫn im rin rít. Bởi đàn ông mà, khi hắn đã đổi thay, thì trâng tráo lắm mi. Mi cứ lo ăn học rồi lập thân xứ nớ. Thiên đường khối kẻ đu đeo để sang mà đổi đời. Ráng mà lấy cái quốc tịch đi. Còn kéo anh chị và các cháu qua. Đất này giờ khó sống.
Nhắm mắt cái mở mắt ra là đủ thứ tiền phải chi. Giá cả thì như đi thang máy, tăng vùn vụt. Đó là năm đầu tiên của An nơi xứ người. Mùa đông năm ấy, tuyết kín lòng An. Mùa đông năm ấy, An thôi không còn choàng chiếc khăn len mà Lê tặng nữa. Cũng là lúc An dặn lòng mình phải bám trụ nơi này. Dẫu kỳ thực, chỉ có những ai trót mang phận đời ly hương, miên di xa xứ mới hiểu nơi nào là thiên đường, đất nào là nhà, xứ nào là quê.
Có những thứ trong cuộc đời này, con người ta chỉ thấy cái hào nhoáng lấp lánh bên ngoài, chứ bên trong nó như thế nào, chỉ người trong cuộc mới tỏ tường. Xứ người xa lắm! Lạnh lẽo và cô độc kinh khủng. Chẳng nói ra, chứ ai cũng ngấm ngầm mà tự hiểu lấy, dân da vàng tóc đen sang xứ này, thể nào cũng chỉ toàn làm mấy chuyện chân tay. May mắn lắm khi con đường học hành thuận lợi thì kiếm được công việc đàng hoàng nhưng thu nhập so với dân bản xứ thì cũng thua xa.
Hay khi thiên hạ xôn xao vụ ba mươi chín người chết queo quắt trong chiếc xe đông lạnh khi đi tìm cuộc đổi đời, chị hai điện sang, giọng ca thán, tiếng chì tiếng bấc. Em thấy chưa, thiên hạ còn thí cả cái mạng mà tìm lối đến thiên đường. Họ dại thiệt chứ, đi cách đó, nguy hiểm giăng đầy. Không may thì bỏ mạng nơi xứ người, còn may thì cũng phải trốn chui trốn nhủi. Ở nhà lại phải gồng gánh cả khoản nợ lớn. Phước đức nhà mình, giờ em ổn định rồi. Hồ sơ của chị chắc cũng ba bốn năm nữa là họ gọi. Em cần thêm bao nhiêu tiền luật sư để lo cho nhanh, cứ báo chị gởi qua.
Lắm lúc, An mệt nỏi, muốn nói với chị rằng, chẳng nơi nào là thiên đường hết. Nơi nào cũng chỉ là trần gian, nơi nào cũng làm cực nhọc để sống. Nhưng chị à, chỉ có khi mình ở trên quê hương xứ sở của mình, đó mới là lúc mình bình yên nhất. Biết bao nhiêu người ly hương, cứ mỗi độ Tết đến, cứ mỗi khi tuyết rơi là y như rằng lòng dạ bời bời nỗi nhớ.
Thèm lắm giây phút ngồi bên mâm cơm chiều ba mươi Tết. Bao nhiêu người già bên này chỉ ao ước về quê một lần rồi chết ngay trên chính quê cha xứ mẹ cũng cam lòng. Mà về được đâu, bác sĩ chẳng cấp giấy, thì không người già nào có thể bay về.
Thiên đường đâu thấy, chỉ thấy lâu lâu lại vài ba vụ bắn giết, thỉnh thoảng lại có tin cướp hiếp. Đi ra đường là nơm nớp lo sợ. Năm giờ sáng là bắt đầu cơm nước đùm đề mang theo, phóng xe vèo vèo để kịp giờ làm. Từ nhà tới chỗ làm bằng từ Sài Gòn ra Vũng Tàu đó chị. Ló về tới nhà nhiều khi tám chín giờ tối. Tắm rửa, ăn uống rồi lăn đùng ra ngủ.
Thứ Bảy, Chủ nhật dân bản xứ người ta nghỉ ngơi. Còn lưu dân như mình, ra tiệm ngồi giũa nail, ra tiệm bưng bê rửa chén. Một tiếng là tám đô. Cũng phải làm. Vì sao? Vì ở Việt Nam, ông anh bà chị đòi cái điện thoại xịn, hỏi cái túi hiệu, xin cái đồng hồ chính hãng. Vì ba má ở nhà cần tiền ăn, tiền thuốc mỗi tháng. Vì sao? Vì trong ngân hàng mà không đủ hai trăm ngàn đô thì mấy cái giấy bảo lãnh đem bỏ đi.
Chẳng có đâu là thiên đường. Chẳng có đất nào bạc bẽo với mình cả. Chỉ lòng người bạc bẽo với đất mà thôi. Đất nào mình cũng có thể sống và đất nào mình cũng phải sống. Sống một cuộc đời đầy nhọc nhằn.
Vậy nên, khi An nói với chị hai gặp Lê trong buổi hội thảo, chị hai lừng khừng. Thôi đừng nghĩ ngợi chi nhiều. Xong việc còn lo chuẩn bị bay về Mỹ lại nha em. An dạ vâng cho qua chuyện. Nhưng ít nhiều trong An vẫn thấy xót xa, khi nhìn vào đáy mắt trũng sâu, rười rượi buồn; khi nhìn cái dáng cao gầy lầm lũi tránh né An. Lê đi như chạy sau giờ hội thảo.
Lê cứ giữ một khoảng cách nhất định. Hôm đưa An về làng mộc Kim Bồng, Lê vẫn cái nhìn trầm mặc, thoáng thấy ánh mắt An quay sang, thì lại né tránh. Hay như cái hôm ghé Thanh Hà cho đoàn chuyên gia khảo sát nghề làm gốm, Lê vẫn cứ chọn những góc thật khuất, lẫn vào đám đông mà lặng lẽ nhìn An từ xa. Hình như Lê vẫn là Lê của ngày xưa… Còn An?
4.
Dì Thệ ngỡ ngàng khi nghe An gọi, đêm phố cổ lung linh với những chiếc đèn lồng treo cao. Dì Thệ nhíu mày rồi vồn vã. Về rồi hỉ? Đã bảo còn thương thì về mà. Chừ sông Hoài có còn nhớ phố Hội chăng? Mai hoàng yến vẫn đẹp dịu dàng như nét duyên của người con gái phố Hội, chừ sao con không về? Có người đợi cả một đời. Nỗi mong chờ hắn gởi vào cái tên Hoài Đông.
Con bé nghe đâu cha mạ mất trong một tai nạn giao thông, được gởi vào cô nhi viện. Gặp lúc thằng Lê đến theo đoàn từ thiện của tỉnh, con bé cứ quyến luyến không rời. Như một mối dây lương duyên, thằng Lê nhận về nuôi. Thằng Lê cũng mồ côi sau một tai nạn giao thông mà. Cuộc đời này có những thứ thương còn không hết, cớ chi mà nỡ bỏ. Từ ngày có con bé, hắn tỉnh ra được chút, chứ lúc con đi, thằng nớ hắn như dại con à. Ngồi suốt đêm như ri hè, ngồi từ lúc dì dọn hàng cho đến lúc dẹp tiệm. Thương lắm con.
Nhưng mà con ơi, chị hai mi sính ngoại, mê mẩn chi cái xứ thiên đường. Con đi chắc chưa kịp đến nơi, nó đã gọi thằng Lê ra nhà mà dạy một buổi. Thương một người là phải đem đến cho người đó cuộc sống hạnh phúc đủ đầy. Cái đồng lương ít ỏi của thằng công chức huyện liệu có bao bọc nổi cho mi? Thời ni làm chi có chuyện túp lều tranh hai trái tim vàng. Xứ ni trăm năm vẫn cổ lỗ u hoài tịch liêu. Bên nớ mới là cuộc đời của mi. Bên nớ là thiên đường, là hạnh phúc, là sung túc. Vậy nên, nếu thằng Lê thương mi, tự biết phải làm chi. Hãy cho mi một cuộc đời mới, đừng đợi chờ rồi níu kéo chi hết. Tội cho mi lắm! Thằng Lê chỉ biết gật đầu rồi thẫn thờ bước về.
Bữa nớ, Lê mắt đỏ hoe, giọng rưng rức. Dì Thệ ơi, bên nớ chắc người ta nỏ thèm xí mà phủ phải không? Làm gì có lòn bon để mà ăn! Ừ… theo thời gian người ta cũng quen dần. Người ta còn nhiều ước vọng. Hạnh phúc chẳng thể nào vươn lên từ những cằn cỗi nghèo hèn, dì ơi!
Bữa ni, An cũng ngồi ngay giàn mai hoàng yến rủ những chùm bông vàng sặc sỡ. Chỗ cũ, chuyện xưa, chén xí mà phủ vẫn do tay dì Thệ nấu, sao nay nghe mặn chát khóe môi.
5.
Chiều thẫm tím phía chân mây, trăng bắt đầu dát bạc lên dòng sông Hoài. An hỏi về Hoài Đông, An nhắc về chùa Cầu, An bảo nụ hôn đầu còn vương mùi trái lòn bon. Thứ trái mà hễ mỗi độ vào mùa, Lê hay chở An lên tận Tiên Phước để đi vườn. Những chùm lòn bon trĩu cành, những ngày lũ trôi xơ xác cả vùng quê nghèo. Những ngày mưa dầm nắng dãi mình đã đi qua, những đoạn đời gieo neo mình cũng đã từng, thì coi như mình nợ nhau phần đời còn lại.
Chẳng đâu là thiên đường hết Lê à! Chỉ khi được sống trên chính mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, chỉ khi được tưới mát cuộc đời bằng chính yêu thương từ mỗi nhịp đập con tim, chỉ khi ở cạnh bên Lê, đó mới là thiên đường. Thiên đường là do mình tạo ra mà Lê. Lụt nguồn trôi trái lòn bon, tụi mình còn đây nè, sao đành để Hoài Đông mồ côi phải không Lê?
Lê trân mình nhìn An. Đáy mắt trũng sâu chưa bao giờ rạng ngời đến thế. Mùa này làm gì còn trái lòn bon nữa đâu An. Nhưng mình cứ tin vào những mùa lòn bon sau. Vườn cây Tiên Phước sẽ lại réo rắt tiếng cười của An. Mà An ơi, con bé Hoài Đông nó cũng thích trái lòn bon như An vậy đó. Sông Hoài vẫn cứ muôn đời là của phố Hội. Nỏ bao giờ sai hè.
Tống Phước Bảo