Bà
Bà xòe những ngón tay, cái áo vải lụa bèo nhèo rơi ra khỏi bàn tay như một mớ chất lỏng. Năm ngón tay tựa hồ vô lực. Bà cúi xuống, nghe nhoi nhói ở vùng thắt lưng. Cảm giác có một cái gì đó lọt thỏm từ cổ họng rơi xuống dạ dày. Biến mất. Bà chậm chạp di di những ngón tay như chiếc bàn ủi làm phẳng từng cái áo, rồi từ từ xếp ngay ngắn vào chiếc túi du lịch nhỏ.
Bếp than hãy còn đỏ rực, bà toan nấu nồi xương hầm để hôm nay ông về ăn mà chưa kịp. Bất giác nhớ rằng, mình chỉ cười không trả lời con cháu là sao ít khi nấu bếp gas dù chúng sắm sửa đầy đủ. Bà giữ lấy như một bí mật thú vị của riêng mình. Đám lửa cháy ngọn cao ngọn thấp, rồi thành than, thành tàn tro khiến bà thích hơn cái phừng phừng rồi vụt tắt ngay một cách hụt hẫng của bếp gas. Cũng có thể cái bếp than này gắn bó quá lâu với đời một người đàn bà nông dân như bà. Cái gì quen rồi không nỡ bỏ.
Hơn 50 năm sống với ông, nếu có thể tháo thời gian ra mà nối lại thành một đường thẳng cơ chừng xa bằng từ đây đến Sài Gòn hay còn xa hơn nữa, tận những nơi thăm thẳm mà bà chưa bao giờ đặt chân tới, chỉ nghe qua ti vi như Cà Mau, Hà Nội chẳng hạn. Trên con đường dài ấy, ông bà ngồi chung một chuyến xe, có không ít những cú ngoặc tay lái ngỡ như mọi thứ vỡ vụn tựa bong bóng xà phòng. Vậy mà cũng qua.
Bà cho rằng không có gì trên đời này có thể sánh với việc một người đàn bà lần đầu làm mẹ, từ thai nghén đến chuyển dạ sinh con rồi ở cữ. Nó như quá trình sâu hóa thành bướm, với những khoảnh khắc không diễn tả được bằng lời. Có chăng người ta chỉ có thể đi qua rồi cảm nhận bằng một mối đồng cảm trong thinh lặng. Đàn bà đẻ, như con cua lột. Bằng nỗi sợ và khoảng cách má chồng nàng dâu, bằng sự ngỡ ngàng chưa kịp thích ứng với việc trở thành một người mẹ, bằng việc được nuôi ở cữ với những kinh nghiệm dân gian bao năm không cần biết đúng sai, chỉ là được rỉ tai “nghe nói”, “ông bà bảo vậy!”, vậy nên sanh con đầu lòng được đôi ba ngày, đôi chân bà mất dần cảm giác, gần như liệt. Con gái khóc oe oe, trong gian buồng tối được cất tạm bợ kề nhà bếp, bà khó nhọc nhích từng phần cơ thể, nước mắt cứ thế chảy ra không biết từ cơn đau nào.
Đàn bà thời ấy, không chỉ đi biển mồ côi trong khoảnh khắc nơi bàn sanh mà còn suốt thời gian sau đó cũng chỉ loay hoay một mình. Đàn ông không được chàng ràng nơi đàn bà đẻ. Ngẫm nghĩ cũng lạ, lúc đó người vợ cần ai hơn chồng mình, đẻ một đứa con sao lại có thể là dơ bẩn xui rủi? Ừ, chắc người xưa có lý do nào đó. Bà vẫn nghĩ vậy.
Rồi má bà đón con gái xanh xao, gầy ốm vêu vao, nước mắt chảy quanh, nghẹn ngào nói không thành tiếng. Hơn một năm thang thuốc với sự chăm sóc của nhà ngoại, bà đi lại được. Ngày trở về nhà chồng, chân liêu xiêu bước qua những cây cầu khỉ, bà mơ hồ nghĩ đến con đường hãy còn dài lắm.
- Bà Năm gọi con?
- Ờ thằng Mười hả, nãy giờ bây đâu? Cầm chìa khóa, coi nhà giùm bà. Ông khám bệnh, bệnh nặng phải nhập viện. Cô út mới báo. Bà đi ra xe đò lên với ông.
- Chiều rồi bà đi luôn sao? Hay để sớm mơi đi?
- Còn xe con, giờ mới gần 5g. Mày lẩm cẩm hơn tao!
Chiếc nệm xe đò cũ kỹ bong tróc, gặp những đoạn đường gập ghềnh như có ngón tay ai cào nhẹ dưới đùi. Bà nhích người ra ngoài cửa sổ. Đằng tây mặt trời treo mình sát đất như thể chỉ cần nhảy lên là chạm được. Hồi trẻ, ông thường nhảy lên như vậy khi hái một quả xoài, quả ổi hay đặt một tổ chim chìa vôi với dăm ba cái trứng nhỏ bằng đầu ngón tay bị một cơn gió thốc rơi xuống đất. Lần này, liệu sau năm lần bảy lượt mổ xẻ, với tuổi ngoài 70, ông có thể ngồi dậy cười khì khì “tui có làm sao đâu!”, để cùng uống với bà bình trà mỗi hừng đông, để cùng nói hàng trăm lần về những đứa con gái đang ở xa, về đám cháu nhộn nhạo ầm ĩ suốt ngày. Và thi thoảng len lén bà, lần giở những cuốn sách ngả vàng hoen ố giấu dưới kệ tủ thờ, nhìn thắt thỏm vào tấm hình cô gái tóc dài, áo dài trắng tay cầm quyển sách đang mở, mơ màng nhìn ra ngoài khung cửa sổ lớp học. Cô gái son trẻ ấy không phải là bà.
Bà biết.
Biết trong thinh lặng. Chưa bao giờ bà thốt thành lời kể cả lúc ông đi gặp người ta khi bà ở cữ út. Nhìn thấy ông trở về như một miếng vải ngâm trong thuốc tẩy đã lâu, cơ hồ chỉ cần đụng tới là bục ra từng mảnh, nhìn năm đứa con gái lít nhít, bà lặng im như không biết rằng có một tấm hình kẹp trong quyển sách ố vàng nơi đáy tủ thờ suốt ngần ấy năm.
Trời tối dần. Xe loang loáng lướt qua những dãy nhà với cơ man nào là bảng hiệu xanh đỏ. Bà nhắm mắt lại cho đỡ mỏi. Trong tâm trí chờn vờn hình ảnh bếp lửa than, nồng đượm le liếm nóng rực, tắt dần rồi thành tàn tro âm ấm suốt một ngày dài nơi góc bếp ấm của mình.
Mẹ
Chị thả ánh nhìn uể oải vào chiếc gương nơi bàn trang điểm, nghe cảm giác cô độc và yếu ớt xâm chiếm toàn bộ con người mình. Chuyến bay không dài nhưng thời tiết xấu, khiến chị mỏi mệt. Dùng ngón cái và ngón trỏ, chị miết nhè nhẹ lên má. Làn da đã bắt đầu nhũn nhão với những lỗ chân lông to hai bên cánh mũi, hố mắt trũng xuống mệt mỏi.
Biết bao nhiêu ngày qua - mỗi sớm, mỗi trưa và mỗi tối - chị đã cố gắng tô trét bao nhiêu thứ lên mặt mình, rồi ngắm vuốt với niềm tin và tự hào thơ trẻ, thậm chí là huyễn hoặc vào bản thân. Người đàn bà trong chị thật phù phiếm. Chị sợ nhìn vào khuôn mặt nhợt nhạt của mình, cũng như sợ đối diện với cuộc đời mình.
- Má, má đã từng hạnh phúc, đúng không?
- Con nói đi!
- Sao con thấy mọi thứ với con tự nhiên không còn háo hức gì nữa. Con già rồi sao?
- Mày già bằng má? Mới ngoài 40, trẻ non. Mấy chục năm đời má có quá nhiều thứ phải lo toan, cái ăn cái mặc, cái nghĩa vụ làm dâu làm con nó rượt sau lưng không kịp nghĩ, chỉ biết vắt chân lên cổ mà chạy. Thời má cực quá nên không thư thả như tụi con bây giờ để mà còn kịp thắc mắc có hạnh phúc không.
Chị chải từng lọn tóc. Sự an ổn thư thả âu cũng là điều mong ước hết sức bình thường của con người. Chị chẳng đã từng vì mưu cầu sự an ổn mà lấy chồng đó sao? Con gái chấp chới vừa tốt nghiệp đại học ở tuổi ngoài hai mươi có một người yêu mình, trưởng thành chững chạc, có điều kiện kinh tế là một sự chọn lựa đáng cân nhắc.
Chị đã chọn đi con đường đời mình bằng những cân nhắc toan tính đó.
Thế nhưng, ngày qua ngày tháng qua tháng rồi năm qua năm, thức ăn ngon, quần áo đẹp, cuộc sống tiện nghi liệu có đem đến cho người ta sự thỏa mãn? Lúc các con còn nhỏ, chị gần như không có thời gian cho những ý nghĩ về bản thân. Giờ các con đã lớn, có nhiều đêm chị ngồi trong quầng ánh sáng của chiếc đèn nơi bàn làm việc, mở toang mình như quyển sách trước mặt, thấy rất rõ một khoảng trống hoác, khoảng trống mà chị ngỡ hai viên đá nặng mang tên thời gian và trách nhiệm sẽ đủ sức lấp đầy.
Chị gặp người đàn ông ấy khi có hẳn một gia đình và hiểu ra yêu thương là một nhu cầu chứ không hề là sự lựa chọn. Mà đã là nhu cầu tự khắc nó sẽ trào khỏi cơ thể như dòng nước dồn nén mạnh đến nỗi kéo người ta đi ngỡ không có gì giữ lại được. Chị đi trong sự giằng xé, trong mặc cảm tội lỗi và cả những niềm hạnh phúc hiếm hoi chưa bao giờ có.
- Là ai?
- Là một người bạn.
- Ừ. Anh hiểu! Em tự biết phải làm gì cho đúng mà, phải không?
Chồng chị cười. Nụ cười chậm rãi như một tên đao phủ ngắm nhìn nạn nhân của mình. Giọng anh phẳng lì. Không khí quanh hai người căng thẳng như dòng nước bị một con đập chặn lại. Chỉ nghe tiếng thở hắt từng cơn của anh. Chị biết anh đang cố giữ bình tĩnh. Làm chủ cảm xúc trở thành kỹ năng tuyệt vời của anh mà không phải ai cũng có được. Anh luôn tính được gần như chính xác thứ mình sẽ có.
- Hơi thân tình một chút vì quen biết từ hồi nhỏ và dạo này hay nói chuyện. Nhắn hỏi thăm nhau, thời buổi giờ ai nhìn vào mấy cái tin nhắn này để đánh giá một mối quan hệ đâu anh!
Những lời nói của chị tuôn ra như miếng băng gạc che đậy một vết thương. Chỉ có chị mới rõ đằng sau miếng băng gạc ấy là những gì. Chị cũng phải tháo miếng băng ra thôi, phải chăm sóc cho nó lành sẹo. Có ai sống một đời khi mang trên mình mãi một miếng băng?
Điện thoại reo.
- Mẹ, con và út đang ở phòng mổ. Ông ngoại đang mổ. Mẹ về ngay nhé!
Con gái
Cô khẽ đưa tay chạm nhẹ vào mu bàn tay nhăn nheo của ngoại. Khác với những ngón tay thon dài, đầu móng búp măng rất đẹp của mẹ, những ngón tay ngoại ngắn, tròn to chắc chắn. Ngoại ngồi im, mắt như dán vào cánh cửa im ỉm đóng. Thi thoảng có một dáng áo xanh trùm đầu, đeo khẩu trang kín mít bước ra và cánh cửa nhanh chóng được khép lại. Ánh sáng xanh nhờ nhờ của bóng đèn được mắc tít trên cao, hắt xuống mái tóc không còn sợi nào đen của bà trông như phủ một lớp bạc mỏng. Tự dưng cô thèm lẩm nhẩm bài hát ngày đi học mẫu giáo, cứ hát đi hát lại theo bước chân sáo trên đường về khi ngoại lên thăm rồi đón cháu: “Bà ơi bà cháu yêu bà lắm, tóc bà trắng màu trắng như mây…”.
- Mấy giờ rồi con? Mẹ con sắp về chưa?
- Dạ sắp! 10g hơn rồi ngoại.
- Ừ. Trong đó lạnh không con? Ông ngoại hay lạnh. Hay bà mang mền cho ông con? Ở nhà khuya bà phải thức dậy mang mền. Nhiều khi ông ngủ mê không biết đâu.
- Đang mổ mà ngoại, khi nào ông ra phòng hồi sức mình sẽ mang mền vô.
Cô nghe có cái gì nhẹ nhàng êm ái như bàn tay trẻ con vuốt ve má mình. Cụ bà tóc trắng đang run rẩy kia như thể đã tiêm thẳng vào cô liều amphetamin đầy năng lượng. Những căng thẳng âu lo phút chốc hình như vơi đi chút ít. Nó không hẳn là một sự vỡ òa hay phát hiện được cái gì lớn lao kỳ vĩ. Chỉ như sáng sớm mai mở cửa, nhìn thấy trước sân nhà một vài bông hoa he hé nở, hay mấy hạt thóc hôm trước thả cho bồ câu ăn, chui tọt vào đáy chậu kiểng, hôm nay bỗng vươn lên chiếc mầm xanh bé tí. Sao tình yêu thương của người với một người giản dị, thâm trầm và hay ho đến vậy?
Cô nhớ mẹ.
Mẹ ngỡ như cô không biết gì. Ai tả tơi sau cơn giông bão trở về nhà mà người thân quen lại không biết? Cô đã lớn để có thể dễ dàng nhận thấy giữa ba và mẹ có một khoảng cách hoàn toàn không phải do họ tạo ra hay do thời gian và gánh nặng cuộc sống. Một khoảng cách của một cái ly nhựa và một cái ly thủy tinh, khác nhau về chất. Bằng trái tim của đàn bà, của đứa con gái thân như một người bạn, cô biết mẹ cô đơn.
Cô đã nhìn thấy mẹ như một miếng ni-lông ai mang lên bếp lửa hơ cho rúm ró ngày trở lại sau cơn sóng cuồn cuộn trong lòng. Cô đã thấp thỏm cầu xin bình an cho mẹ trong thinh lặng khi bà tự băng bó vết thương. Và phải chăng chính điều đó khiến không ít lần cô hoang mang khi nghĩ đến anh - người yêu hơn ba năm của cô. Cô thấy mình hệt một cụ bà, yêu anh như một thói quen, mỗi ngày bỏ đồng xu nhỏ vào con heo tiết kiệm ú tròn trên kệ tủ, không cần biết nó có bao nhiêu, để làm gì và cũng không có ý định mang ra ngồi đếm. Có một nỗi sợ vô hình lẩn khuất quanh cô.
“ - Em nghe anh!
- Sao em không nói với anh đang ở bệnh viện với ngoại? Em ăn cháo trắng nhen! Anh mua cháo trắng, sữa cho em và ngoại. Có áo khoác đó không?
- Lát nói nhen anh. Không nói chuyện nhiều được!”.
- Thằng Khoa gọi hả con?
- Dạ!
- Cái thằng cũng ngộ! Đàn ông con trai ân cần vậy sau này sống chung đỡ lắm con!
Cô nhìn ngoại, hai má bà hồng hồng nhăn nheo như quả cà chua chần qua nước sôi. Đuôi mắt dài, ánh nhìn mông mênh sâu hun hút nhưng bình lặng tựa mặt hồ yên tĩnh. Chưa bao giờ cô thấy ánh mắt mẹ giống ngoại như bây giờ, không biết cô có giống họ không?
Hành lang im ắng, một vài người nhà bệnh nhân nằm co ro trên những chiếc ghế tròn màu vàng như chữ C khổng lồ. Cô khẽ rùng mình vì cơn gió lùa bất chợt. Quấn lại chiếc khăn quàng cổ cho ngoại, cô tựa sát vào vai bà, nghĩ đến những dòng sông nhỏ chằng chịt ở quê. Có sông nào không chảy?
Triệu Vẽ