Truyện Ngắn - Có hạt sương vừa tan

10/05/2020 - 22:38

PNO - Chẳng thể giữ lại gì cho riêng mình, cả những thứ mình trân quý nhất nhưng một lúc nào đó nó cũng tự bỏ mình ra đi

1.

18 tuổi, Di bị mất hết số sách mình có. Với khoản tiền tiết kiệm ít ỏi ở cái tuổi chưa làm ra tiền, Di vẫn dành nó cho sách. Một số người biết Di thích sách nên thỉnh thoảng gửi sách tặng Di. Thế là Di có thêm một ngăn kệ riêng để lưu giữ những cuốn sách ấy.

Dạo đó, những người làm việc liên quan đến viết lách cực kỳ có sức thu hút với Di. Di có thể ngồi cả buổi để nghe họ nói về việc viết lách. Đó chẳng phải buổi tọa đàm hay thảo luận gì cả, chỉ đơn giản là trên bàn nhậu. Đương nhiên Di không biết nhậu. Sau đó, Di có thêm ngăn kệ đựng những cuốn sách mà Di cho là quý nhất: sách của chính tác giả ký tặng.Di lấy đó là tự hào và cả tự tin bước vào hành trình làm bạn với chữ nghĩa của mình. 

Vậy mà đùng một cái, số sách bay vèo cùng người đi mua ve chai trong xóm. Di khuỵu xuống trước kệ tủ trống hoác. Đứa cháu ở tuổi mê game, trong một lúc kẹt tiền đã nông nổi gây ra sự việc. 

Bình tĩnh lại, Di hỏi thằng cháu mới học lớp Mười về người mua sách. Nó tả tỉ mỉ nhưng hình như 100 người đi mua ve chai ở vùng này đều giống nhau: mặc đồ cũ kỹ, lếch thếch, mặt hóp lại khắc khổ, đi xe đạp… 

2.
Trong một bài phỏng vấn online, khi phóng viên hỏi Di về kỷ niệm với chữ nghĩa, Di đã kể về sự cố mất sách đó. 
“Bây giờ thì sao, chị làm cách nào để giữ những thứ mà mình trân quý?”. 

Giữa lúc ấy, có cơn gió thốc mạnh đập vào cửa, cái lạnh ùa vào, Di nói với cậu phóng viên mình tạm dừng ở đây vì trời đang chuyển mưa, Di phải làm một số việc.

Nói vậy nhưng Di vẫn ngồi thừ người nhìn ra mảng mây xám bay tan tác trên vòm trời. Di miên man nghĩ về thời gian, về những thứ mình đang có trong tay sau khi đi qua ngần ấy con đường, những đớn đau, mất mát, liệu Di có giữ được những thứ mà mình trân quý? 

Di không có quá nhiều thứ trân quý, một người mẹ già đến tuổi lẩn thẩn, cả ăn rồi hay chưa cũng không nhớ khiến Di nhiều lần phát cáu. Nhưng mẹ cũng chẳng còn ở trần gian để Di còn cơ hội nổi cáu rồi day dứt với chính cái sự nổi cáu của mình.

Cuối đời, mẹ cũng chỉ thấy Di chìm vào những cơn cô đơn cùng cực không thể thoát ra bởi sự nghiệp viết lách mà cô đeo đuổi: “Sao con không chọn một cái nghề gì đó cho cụ thể hơn?”. Di biết trả lời sao, đành rằng bản thân mỗi người đều có quyền tự quyết cách sống của mình, nhưng Di không thể giam mình trong một môi trường công việc khác mà cô thấy không phù hợp. 

Di nhìn ra màn trời bàng bạc. Nó không phải màu nắng hay màu mưa, nhưng nó có sức mạnh kéo sụp tinh thần Di xuống mỗi khi nhìn. Quân đi làm về, nhìn Di rúm ró trong góc nhà giữa tiếng sấm chớp, anh chép miệng: “Em bao nhiêu tuổi rồi mà còn mẫn cảm với thời tiết?”. Mỗi lần nghe Quân nói vậy, Di không khỏi bùi ngùi, tưởng như chỉ mới hôm qua đây thôi, Quân còn nắm lấy bàn tay Di thủ thỉ: “Mọi việc đã có anh lo, em thương anh thì chỉ cần sống vui vẻ cho anh yên tâm”.

Đó là khi Di chùng tâm trạng xuống mỗi khi trời trở gió hay mưa giông ầm ầm trên mái nhà. Quân bảo anh chưa bao giờ gặp một người như em, mong manh với cả thời tiết. Trong lời nói của Quân khi ấy chỉ toàn những thương cảm chân thành, không như bây giờ. 

Một lần Quân bảo: “Anh già rồi, phải khác cái thời dẻo miệng tán gái chứ”. Hóa ra chỉ có phụ nữ nhẹ dạ mới tin lời nói của đàn ông. Mà sao dạo này Di hay nghĩ ngợi quá, hay là xin một đứa con về nuôi cho bận tay bận chân, đỡ để ý chuyện nắng mưa? Quân thì bảo, sao lại đi nuôi con người ta, mình còn chưa cố gắng hết sức mà. Chưa kể y học ngày càng phát triển, biết đâu một vài năm nữa sẽ có phương pháp can thiệp khác, vợ chồng mình cũng còn trẻ chán, vội vàng gì. Rồi anh nói: “Dũng rủ vợ chồng mình đi chơi với vợ chồng nó tuần này, anh tùy em quyết định”. 

3.
Nơi nhóm Di đến là mảnh rừng vắng dấu chân người. Xe quẹo vào con đường đất đỏ ban đầu còn nhẵn nhụi, sau đó chỉ còn lại những rễ cây gồ ghề. Nhích thêm được vài đoạn nữa thì Dũng dừng hẳn xe, nói tụi mình cuốc bộ vào trong vì cách đó không xa có cái hồ rộng, trên bờ hồ có thể dựng trại, đốt lửa chờ câu cá lên nướng ăn. 

Di rất thích không khí của những chuyến đi như thế, nhất là đi với hội bạn thân. Trong số những người bạn mà Di còn liên lạc, Quân có thiện cảm nhất với Thư. “Có thiện cảm” ở đây chỉ là chịu chào hỏi chứ không lẩn đi như mỗi khi Di có bạn đến nhà. Thỉnh thoảng anh còn hỏi hai cô có muốn ăn gì không anh tiện ra đường có chút việc rồi mua về cho. Anh còn gợi ý giờ này hàng bánh xèo, chè bà ba dọn ra rồi đó. Thư bảo: “Vậy mà mày nói ông Quân khô như ngói, ông Dũng nhà tao mới là ngói thứ thiệt”.

Thành thói quen, vào những dịp cuối tuần nếu rảnh họ sẽ sang nhà nhau hoặc rủ nhau đi dã ngoại. Được cái cả Quân và Dũng đều siêng nấu ăn, lại nấu ngon nên Di và Thư rất hào hứng trong mỗi chuyến đi. Cả hai chỉ việc chuẩn bị tươm tất vật dụng cần thiết cho cả nhóm, sau đó thì thoải mái chụp hình cho đến khi nào nghe mùi thức ăn dậy lên thì quay về. 

Thư bảo nếu biết kết hôn mà vẫn có nguyên khoảng trời tự do như vậy thì không phải mất công lo lắng. Đúng là đôi khi lo lắng quá sẽ thành thừa, vì không phải ai cũng thấy rõ con đường trước mặt mình, cứ thế đi thôi, đến nơi sẽ biết cả. Nói thì nói vậy, nhưng thỉnh thoảng Thư vẫn hỏi Di, tụi mình sẽ mãi mãi như thế này phải không? Di gật đầu.

Từ ngày kết hôn, Di càng thấy trân quý tình bạn. Có những điều chẳng biết nói với ai ngoài bạn thân. Di còn hình dung đến ngày cả hai có con, rồi những chuyến đi sẽ ồn ào hơn với những tiếng bi bô. Khi ấy, Di và Thư biết đâu còn gọi nhau là “chị sui” như những cặp bạn bè có con nhỏ xung quanh Di. Dù chỉ là trong ý nghĩ nhưng Di cũng thấy hân hoan hẳn lên. 

Ngồi chờ mãi vẫn chẳng có con cá nào cắn câu, nhưng không ai sốt ruột vì khung cảnh nơi này đẹp quá. 

Di nhìn lên bầu trời, vẫn là màn trời bàng bạc nhưng không có cơn mưa nào chực chờ. Cả cánh rừng như dịu dàng trong tiết trời chuyển mùa se lạnh. Lửa đã bập bùng từ phía xa, khói lẫn vào màn sương bảng lảng tan ra phía mặt hồ. Thư chọc, chắc em phải lấy lương khô ra thôi. Quân cười ha hả, nói tụi anh biết em chuẩn bị lương khô theo nên mới chưa ra tay. Dũng thì nhăn trán nói, câu cá chứ đâu phải bắt cá đâu mà sốt ruột, cứ từ từ thì cá lớn mới cắn câu. 

Di đã nhóm xong lửa, bên cạnh là xấp mực khô to hơn bàn tay, cô lưỡng lự cầm lên rồi bỏ xuống, suốt chặng đường dài cô nghĩ đến món cá nướng nên thứ mực đặc sản kia dường như cũng chẳng còn giá trị. 

4.
Chuyến này, Thư nhất định đòi ngủ với Di khi cả nhóm rời cánh rừng về thị trấn lúc trời đã tối hẳn. Bóng tối càng đen sẫm khi bốn bề đều là núi rừng. Cái lạnh từ vách đá rỉ rả những hạt sương đêm càng lúc càng thấm vào da thịt. Thư líu ríu níu lấy cánh tay Di, nói nhỏ: “Lát hai ông kia ngủ, tụi mình lẩn ra ngoài ăn khuya hen?”. Mọi lời rủ rê của Thư đều có sức thuyết phục khó chối từ. Ở đây, thịt rừng nướng là đặc sản, kèm với hớp rượu vừa đủ cay nữa thì còn gì tuyệt bằng. 

Không ngờ Thư lại uống say đến vậy. Lúc Di dìu Thư lê từng bước về khách sạn cách đó không xa, Thư vẫn hỏi lại Di câu hỏi cũ: “Tụi mình sẽ mãi mãi như thế này phải không Di?”. Biết Thư say nên Di chỉ ậm ừ cho qua chuyện nhưng Thư vẫn không “cho qua”, bám lấy vai Di mà lè nhè: “Tụi mình…”. Di phát cáu: “Ừ, biết rồi, im đi không hai ông kia nghe thấy”. 

Đến khi Di đưa được Thư về giường thì có tiếng gõ cửa. Giờ này đã khá khuya, sao ai còn gõ cửa, Di phập phồng đi ra, bên ngoài là giọng nhân viên khách sạn: “Chị ơi, em mang trà gừng và chanh vào cho chị”. Di mở cửa đón lấy ly trà trong thắc mắc. Cô bé nhân viên hiểu ra, nhanh nhảu: “Có anh ở phòng 8 nhờ em mang trà lên phòng chị!”. Di nhìn sang, là phòng của Dũng với Quân. Có lẽ lúc về, Thư hơi to tiếng nên hai người ấy nghe thấy. 

Sáng sớm, cả nhóm đã lên kế hoạch sẽ leo núi nhưng không vội vàng gì mà cứ ngủ cho thỏa giấc. Hôm qua Quân nói vậy vì biết thể nào hai cô gái ngủ với nhau cũng tám chuyện đến khuya lơ khuya lắc. 

Nhưng có tiếng chuông điện thoại từ rất sớm đã đánh thức hai đứa. Lúc đầu, Thư còn mê ngủ nên tắt vội đi, tiếng chuông lại dồn vang, thêm vài lần tắt nữa thì Thư tỉnh ngủ hẳn, đưa máy lên nghe. Đó là một cuộc đối thoại rất ngắn gọn, Di còn chưa thấy Thư trả lời gì, nó thẫn thờ quay sang Di: “Bà tao mới mất, giờ phải về”.

Không khí trên xe lắng xuống đến không còn một tiếng động, chỉ khi nhìn đám cây cối nghiêng ngả ven đường mới biết ngoài trời gió gào thét dữ dội. 

Thư phần vì đau buồn, phần vì còn mệt do cơn say đêm qua nên nó thiếp đi, trước đó còn đưa hẳn điện thoại cho Di, dặn: “Người nhà gọi thì nói đang trên đường về”. Di cầm sẵn điện thoại trên tay, vì biết thể nào người nhà cũng gọi. Ai cũng biết Thư yêu quý bà nó nhất. Mất mát này, dù không quá bất ngờ do bà cũng lớn tuổi lại đang bệnh nặng nhưng vẫn chẳng dễ dàng gì để chấp nhận. 

Điện thoại có tín hiệu tin nhắn ở chế độ rung, không cần mở ra thì dòng tin nhắn vẫn hiện lên màn hình cảm ứng: “Em ổn không?”. Người gửi là Quân. Di bỏ hẳn điện thoại vào túi áo khoác. Phía sau thành ghế cao khỏi đầu cạnh Dũng, Di chỉ thấy khuỷu tay của Quân đang ở tư thế bấm điện thoại. Mọi thứ đến quá bất ngờ nhưng không gian bây giờ là của riêng Di.

Di kéo cao cổ áo, nhắm hẳn mắt để những câu chuyện được xâu chuỗi lại. Ánh mắt lấp lánh niềm vui của Quân khi Thư đến nhà chơi, những câu ngợi khen Thư mà Quân lặp lại không ít lần với Di. Có lần Quân còn bảo Thư chính là mẫu phụ nữ hiện đại, vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối mà nhiều anh chàng thích. Ly trà chanh gừng để dã rượu. Và cả Thư với những khắc khoải trong cơn say và cả khi tỉnh: “Tụi mình vẫn mãi mãi như thế này phải không Di?”.

Thư trở mình, lúc này đầu nó ngoẹo hẳn lên vai Di, nhìn nó yếu mềm như một cành non. 

5.
Thư đưa cả nhóm xuống căn phòng lưu niệm của bà. Nó bảo: 
- Đang tổ chức nghi thức theo tôn giáo, lát xong mình lên thắp nhang sau. Với lại phải tranh thủ khóa phòng, ở đây toàn những thứ bà quý, mà chú Tư chỉ lăm le bà mất là đem bán rồi dọn ra đây ở riêng.

Dũng thở dài: 
- Thì chỉ là thứ bà quý nhưng bà cũng có giữ được đâu, có mang đi được đâu? Trong khi người sống thì không có nơi để ở. 

Dũng nói xong quay qua tìm sự đồng cảm từ Quân nhưng Quân trầm ngâm chẳng nói gì, Dũng liền quay sang Di: 
- Em thấy anh nói đúng không?

Di nhìn một loạt bức chân dung có chữ ký của bà, có những bức đã ố vàng theo thời gian, cô đáp lí nhí:
- Đúng là mình chẳng thể giữ lại gì cho riêng mình, cả những thứ mình trân quý nhất nhưng một lúc nào đó nó cũng tự bỏ mình ra đi - Thư và Quân cùng đồng loạt nhìn Di, Di hít một hơi dài - Chẳng phải cả thứ quý nhất là tính mạng thì vẫn phải theo quy luật sinh lão bệnh tử mà!

6.
Cậu phóng viên gọi điện cho Di, hối: 
- Chị có thời gian chưa, trả lời giúp em ít câu hỏi nữa để em hoàn thành bài viết nha chị!

Di dịu giọng: 
- Chị quên mất, mà mình nói đến đoạn nào rồi em nhỉ?
- Cái đoạn “làm cách nào để giữ lại những điều mình trân quý” ấy chị!

Di nhìn vào bức ảnh cưới của vợ chồng cô treo giữa phòng khách, vài tia nắng tươi mới của buổi sớm chiếu vào khiến nước hình trên bức ảnh như sáng hơn, Di như thấy được cả nụ cười của mình ở tuổi 20, trong như những hạt sương lấp lánh còn sót lại trên mái hiên. Chỉ lát nữa thôi, khi ánh nắng bừng hẳn lên, những hạt sương sẽ tan vào thinh không nhưng ai dám phủ nhận việc chúng từng tồn tại.

Di đang nghĩ gì nhỉ, à, về việc níu giữ những yêu thương, liệu có cần thiết không? 

La Thị Ánh Hường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI