Truyện ngắn - Chuyện đã cũ rồi!

13/12/2020 - 18:10

PNO - Dáng hình còm cõi, tóc đã bạc nhiều, nét mặt hơi xanh, đôi mắt hấp háy đục, lưng còng một chút, tất cả đường nét nơi ông rắc xuống tâm trí bà những liên tưởng rõ ràng kỳ quặc.

1.

Quảng Đà quán nằm trên đường số 9 ngõ tây thành phố, một nơi đông đúc với không khí nhộn nhịp điển hình kiểu các khu nhập cư. Vị khách đầu ngày ghé lúc sáu giờ sáng, ngay lập tức khiến bà để ý. 

Ông dựng chiếc xe đạp cũ rích bong tróc nước sơn xanh vô tường, đẩy cửa dứt khoát, nhưng khi kéo ghế ngồi xuống lại có vẻ nghi ngại: “Thiệt Quảng không bây?”. Cô bé nhân viên hấp tấp chạy lại hỏi chú ăn nhưn(*) gà hay tôm thịt, chủ con người Quảng thiệt đó. “Rứa cho tao tô gà”, gập chân phải để lên ghế, ông già chống tay trên gối, thủng thẳng chờ, xì xụp một hồi bèn quăng cho câu: “Nhưn hơi trật, bà già tao nấu ngon hơn”. Bà thở hắt, tính đứng dậy cãi ông ni một trận, ý kiến ý cò nghe ghét dễ sợ, mà Chín cản: “Thôi Năm, mình buôn bán thì phải chịu, chín người mười ý biết răng cho tròn”. 

Dáng hình còm cõi, tóc đã bạc nhiều, nét mặt hơi xanh, đôi mắt hấp háy đục, lưng còng một chút, tất cả đường nét nơi ông rắc xuống tâm trí bà những liên tưởng rõ ràng kỳ quặc. Chín không nhận ra, cũng như Nhựt. Công việc thiết kế nội thất coi bộ chẳng ăn nhập mấy với vai trò kinh doanh ăn uống. Bà ngạc nhiên trước việc Nhựt đang làm cả hai khá tốt. Từ nửa năm trước, Nhựt thông báo xanh rờn: “Con mở quán món Quảng trong ni nghe má”. Bà giật mình: “Tiền mô mà mở. Nhỏ chừ có biết nấu nướng chi, rồi mi bỏ việc hả con?”. Nhựt nắm chặt đôi bàn tay gân guốc của bà, giọng nhỏ nhẹ: “Má đừng lo, chị Hai với anh Ba có phụ con một ít. Con vẫn làm công ty, đứng bếp có dì Chín”. 

Trời đất, tụi nhỏ đã lôi kéo được dì Chín vô cuộc bán buôn trước cả khi bà biết chuyện. Hụt hẫng. Bà sinh con nhưng phần lớn thời gian non trẻ Nhựt bám gấu áo dì Chín. Làng nói Nhựt ghét bà, ghét chính má ruột của nó. Bà tính rồi bữa mô đó sẽ hỏi coi có thiệt không: “Con ghét má hả?” mà lừng khừng miết, Nhựt đã hai chín tuổi. 
Bà biết rằng, để đối mặt với sự thật cần nhiều dũng khí. 

Cơ thể Nhựt không khỏe. Hồi nhỏ, Nhựt cảm sốt liên miên, bà không thể đếm hết những đợt xất bất xang bang ôm con chạy xuống trạm y tế xã rồi ngược lên bệnh viện huyện. Nhựt sợ hãi và dễ tổn thương. Khi đám trẻ làng ào ra sông tập bơi, vẫy vùng trong dòng nước, Nhựt ngồi thu lu dưới kẹt bếp. Tụi nhỏ trốn học lên đồi hái sim, chơi bắn ống thụt hột bời lời tách tách, Nhựt nhắm nghiền mắt. Có những ngày, bà nắm cổ tay con lôi xềnh xệch trên sân banh vì cậu chỉ biết mếu máo khi bị đám trẻ làng ăn hiếp. Lớn lên một chút, thanh niên sau bữa giữ trâu, gặt lúa thường ồn ào banh bóng, Nhựt nằm ụ rơm đọc sách, vẽ tranh. Bà nổi xung thiên, bâng quơ thanh niên trai tráng chi mà mềm oặt như cọng bún. Ấu thơ Nhựt thường len lén nhìn bà, sợ hãi và xa cách. 

2.
“Hay có thể, ổng sẽ khác?”, bà thình lình nghĩ vậy vào bữa tối hôm sau. Vị khách ước chừng ngoài sáu mươi, mặc sơ mi xanh hơi nhàu nhĩ một chút, cùng cậu con trai bước vô quán. Cậu chàng có vẻ hào hứng: “Cho em hai tô phở sắn, một phần bánh đập với bánh tráng cuốn thịt heo chấm mắm nêm. Chi nữa không ba hè?”. “Bụng mô ăn cho hết”, “Ba đừng lo, nay con kiếm được việc rồi, mình cứ ăn thiệt đã”, người cha đưa tay xoa đầu con, cả hai cùng cười vang. Cái cảnh quá dung dị mà làm bà đau ứa nước mắt. Anh, chị từng được nhong nhong trên lưng ba chơi trò cưỡi ngựa, được ông cõng qua nhà bác Tám, chú Hiệp ăn giỗ. Những ngày vô rừng, ông thường hái rất nhiều sim bỏ bị mang về cho sắp nhỏ. Nhựt không dự phần trong bất kỳ trò chơi cha, con nào. Cậu lớn lên giữa những quát nạt và trống rỗng của bà. 

Hùng hổ bề ngoài, kỳ thực bà khóc thầm lặng lẽ suốt. Bà đổ lỗi cho mình về sự yếu ớt thể trạng lẫn tinh thần nơi Nhựt. Năm xưa chị Hai, anh Ba của Nhựt đứa vô lớp một, đứa lên năm. Vẫn còn nhức nhối, đau dạ con sau ca sinh mổ, bà đã hoài nghi viễn cảnh sẽ nuôi được đứa nhỏ chỉ lớn vừa chai rượu của đàn ông làng. Bà thậm chí ghét việc gần gũi, tắm rửa hay cho Nhựt úp mặt vô bầu sữa. Ghét bỏ và thù địch, chính bà khi ấy không sao hiểu nổi mình.

Một bữa sớm, Nhựt chập chững bước đi, bà nặng nề lết chân xuống bếp pha sữa. Ấm nước sôi trên tay người mẹ, thay vì trút vô bình mút trẻ con lại ập xuống cánh tay non choẹt. “Tỉnh lại giùm đi, chị tính giết thằng nhỏ hả, không nuôi được thì để tui”, tiếng khóc, những lời quát nạt hòa quyện nhau tạo thành thứ âm thanh thức tỉnh, giờ thì bà dám chắc. Dì Chín bế thốc Nhựt chạy kiếm bác sĩ. Bước liêu xiêu, ngã dúi dụi trên mặt đường đất rồi lại đứng dậy chạy theo, bà thu nắm tay đấm ngực thùm thụp: “Tui đang làm cái chi ri”. Nhiều năm về sau, ấm nước sôi trở thành từ khóa cấm kỵ trong gia đình như một luật bất thành văn. Thế nhưng, làng là nơi không chỗ dung thân cho bí mật. Người ta đồn đại một thành năm rồi mười, quả quyết vợ cha Đồng điên chắc luôn. 

3.
“Thằng chả khó tính kinh”, dì Chín càm ràm trong bếp. “Răng rứa Chín?”, bà quay nhìn cô em gái, giờ đây tóc cũng đã nhuốm bạc như mình. “Ăn mì Quảng mà ổng kêu xé thịt gà thiệt nhỏ ra, đừng có dính miếng xương mô hết nghe, ớn chưa Năm?”, Chín dòm vô nồi nhưn đang sôi, điệu bộ ra chiều vùng vằng. Má vẫn hay tặc lưỡi: “Phải như con Chín, đã vô tư, nhiều khi còn tưng tửng rứa mà hạnh phúc”, bà cự: “Chín có tưng tửng mô má, nó tình cảm lắm”.

Sắp nhỏ nhà bà được Chín canh chừng khỏi những cơn nhớ quên đứt đoạn của má chúng suốt thời gian dài. Có những ngày năm xưa, việc là má của ba đứa trẻ, có hai nà bắp dưới bến, có đàn bò cột ngoài truông làm bà phấn khích. Cuộc sống không đến nỗi tệ lắm, bà tự trấn an mình. Có những ngày, bà biết rằng một thứ gì đó từ bên trong đang hủy hoại bản thân, song không thể định vị chúng tới đâu rồi và sẽ làm gì tiếp theo để còn chiến đấu.

Nhiều ngày, chỉ trừ khoảnh khắc bật dậy nhìn mặt trời lên, bà chán chường mọi thứ. Nhiều ngày khác nữa, bà đi trỉa đậu, xin một chân đạp mía trong lò đường ông Trần, cắt khoai lang chở lên chợ thị trấn bán, gánh về nhà mấy chục đôi nước liền từ giếng làng. Theo bà phía sau, không còn cái kiểu ngang xương giựt đòn gánh, đá đôi thùng thiếc, bực tức và khóc òa: “Chị tỉnh giùm đi” như vốn dĩ, Chín chỉ im lặng. Bà đổ quạu: “Phải mi cũng nghĩ tao điên như người ta không, Chín?”. “Đâu có, tại em thương Năm quá”, cô em gái bướng bỉnh của bà chực khóc. Nhiều buổi chiều, bà ngồi ngoài bến sông nhìn vầng mặt trời đỏ ối lịm dần, bức bối trước cảm giác mình đang ngụp lặn dưới vũng bùn mà ngoi hoài không lên. Vết sẹo bỏng trên cánh tay Nhựt luôn nhắc bà nhớ và day dứt về lỗi lầm. 

“Rứa chớ ai bữa trước kêu chín người mười ý biết răng cho tròn?”, bà tủm tỉm lườm cô em gái. Hai chị em hích cùi chỏ vô nhau, lay láy mắt vui. Cực chẳng đã bà mới chịu xa làng vài bữa. Tháng rồi bưng nồi ra ảng nước vo gạo, cơn tức ngực ào tới đột ngột khiến bà choáng váng trượt té gãy chân. Ba đứa con bù lu bù loa. Nhựt đón chuyến bay sớm nhất về nhà, nhất quyết đưa má vô thành phố, chở chụp X-quang, kiểm tra sức khỏe tổng quát một thể. Bà xua tay múa chân, mấy đứa làm quá lên, má khỏe re, rồi đành xuống nước, tại thấy thương Nhựt nhấp nhổm miết ngoài đầu hè, ý chừng gọi điện cho giám đốc công ty xin nghỉ phép không lương mấy tháng. 

Đặt tô mì Quảng đã xé thiệt nhỏ mấy miếng thịt gà lên mặt bàn kê ngay cửa sổ, bà bâng quơ nghĩ có khi ổng cũng đã già và yếu như vị khách này rồi. Người đàn ông khòm lưng, bàn tay xương xẩu nhắm mắt hít hà mùi nước nhưn, ngước lên cười phân bua: “Tui mới mổ tim, yếu lắm, nhai hơi khó mà lại thèm món ni mới chết. Cực chị quá”. “Ui, rứa hả anh”, bà đứng như trời trồng một lúc lâu. Mang tội ghê chưa, hồi nãy Chín kêu người ta khó tính. “Ổng có bệnh tật chi không, như người đàn ông đây, cũng già hết rồi mà”, mặt bà nghểnh lên ngơ ngác, khi không tưởng tượng tùm lum. 

4.
Những mùa bão triền miên quét qua làng đã cuốn phăng khỏi bà rất nhiều hy vọng. Ngày chồng xách túi một nước băng lên vùng Tây Nguyên mang theo giấc mộng tìm thấy dòng vàng đen Vonfram đặng đổi đời mấy hồi, không biết sao bà lại nghĩ tới chia xa nhiều hơn đoàn viên. Canh bạc quặng lậu rốt cuộc chỉ là mộng tưởng, làng hay nói bạc với rừng rồi sẽ thiệt thân. Vác bụng bầu lặc lè ngang những chái nhà tranh nhỏ xíu, lụp xụp nằm rải rác dưới chân triền đồi cà phê bạt ngàn, bà kêu trời ơi cái chỗ ni cũng đâu hơn chi quê mình, rứa mà ông nhất quyết đi.

Toàn bộ khu hầm quặng lậu sập trong đêm, đất đá phủ lấy thân người. Nhà chức trách có mặt cào cấu, xúc lên hạ xuống. Năm thi thể. Không có chồng bà. “Chúng tôi vẫn đang tích cực tìm kiếm, sẽ thông báo ngay cho gia đình khi có tiến triển”, đại diện nhà chức trách nói. Bà hỏi “khi” là chừng mô hả chú, chừng mô mới thấy anh Đồng nhà tui thì ông mần thinh. 

Còn hay mất, rốt cuộc không một dòng tin. Bà sinh thằng Nhựt giữa chập chờn mê, tỉnh, khi hoàng hồn trở dậy đã thấy ngôi mộ gió hai bên nội ngoại lập trên nghĩa địa làng. Chưa một lần bà thắp nhang ở đó. Anh Đồng còn sống, ảnh sẽ về, con chắc chắn mà, ba má ơi. Lặp đi lặp lại một câu suốt cuộc đời góa bụa, bà đinh ninh ba thằng Nhựt đang sống đâu đó, chỉ là chưa kiếm ra lối về.

Bà hay mường tượng, tuổi bốn mươi, ổng có sợi tóc bạc nào chưa, da có đen hơn và vầng trán đã nhăn nheo? Năm mươi, tính ổng khó như mấy cha làng mình không hè, uống rượu nhiều xong cái kêu ca, càm ràm miết. Và, tuổi sáu mươi, như chừ, có hom hem yếu, nói hơi nhiều nhưng mà ấm áp giống mấy người đàn ông bấy nay bà thấy trong quán? Bà còn băn khoăn, lỡ đâu mai mốt tình cờ gặp lại, biết nói chi đây: “Hồi nớ răng anh đối xử với má con tui như rứa?” hay “Ba thằng Nhựt có khỏe không?”. 

“Nhựt hỏi em răng má hay nhìn người già vô quán. Nhà gái coi bộ lẫy, hai chín rồi chẳng thèm hỏi cưới người ta. Thằng nhỏ tính miết không ra đường. Má cực quá rồi, chừ ở quê một mình, con lấy vợ sống luôn trong đây sợ má tủi”, giọng Chín hơi lên cao một chút khúc cuối câu. “Ủa, Nhựt có bạn gái hồi mô, mà thằng nhỏ để ý chị nhìn người ta thiệt hả”, bà chưng hửng.

“Hỏi gì trớt quớt rứa trời, con trai chị làm như người dưng. Má con nhà ni kỳ ghê, tâm sự với nhau cũng phải xách cái thân tui ra bắc cây cầu ở giữa”, Chín xuống giọng chữ “người dưng”. Gương mặt Nhựt như đúc ra cùng một khuôn với ba. Bà vừa đau xót, mong ngóng, lại vừa cay đắng căm hận, đụng chuyện chi cũng trút hết lên đầu thằng nhỏ, phải vậy không? 

Chân tháo bột bớt đau, bà ra mảnh vườn sau quán, xới đất trồng mấy cây vạn thọ Pháp. Mùa xuân thứ ba mươi của Nhựt đang đến rất gần. Bà sẽ ở lại bên con một quãng, trong đây hay ngoài mình, chỗ mô có người thân, chỗ nớ là nhà. Đứng bật dậy ngước mắt nhìn trời xanh, bà quyết định sẽ không hỏi câu “con ghét má hả?”. Cũng như năm xưa bà đã không giật lùi trở lại tìm lời giải cho một vài mơ hồ sau lưng: “Thằng chả hên thiệt. Mới hồi hôm tui thấy chả xách cái túi bự chảng ra đầu lộ”, “Ủa, cha nào, chồng bà mang thai đó hả?”, “Ừ”, “Sao không báo công an hay, họ khỏi kiếm”, “Tui mang máng vậy mà, dính vô chi mệt. Chả vẫy xe hướng thành phố với bà vợ chủ hầm chớ đâu”. 
Chuyện đã cũ rồi!

Nguyên Thảo

(*) Nhưn: nhân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI