Bà Tài nói lớn trong điện thoại, vẻ ấm ức:
- Tụi bay về mà coi ông già tụi bay trở chứng kìa. Tao chịu hết nổi rồi.
Bên kia bàn, ông Tài cất tiếng lớn hơn, cố ý cho giọng mình lọt vào điện thoại:
-Ờ, tui trở chứng. Tui nào giờ có dám nói đụng tới ai đâu. Tui còn phải dọn về nhà dưới ở mà.
- Ai ép ông? Xưa giờ ở cái nhà này ông là lớn nhất. Ai dám đụng tới ông.
- Hông dám.
Bà Tài buông điện thoại, quay sang tiếp tục khẩu chiến với chồng.
…
Ngân ngán ngẩm lắc đầu. Nghe xong cuộc điện thoại đấu tố nhau của ba mẹ, đầu óc cô ù đi.
Ngân vào Zalo nhắn cho mấy đứa em: “Ba mẹ lại gây gổ. Ba ra ở riêng rồi”.
Hai ông bà lấy nhau tới nay cũng tròm trèm bốn mươi năm. Việc họ suốt ngày lục đục vốn là chuyện thường ngày ở huyện. Số ngày ông bà thuận hòa chắc chắn ít hơn số ngày có… “chiến tranh”.
Vấn đề chủ yếu bởi tánh hay ghen của bà, mà bà ghen là bởi từ lúc mới cưới ông đã đào hoa. Lúc trẻ thì ông hay đi trêu ghẹo mấy cô mấy chị còn hơ hớ trong xóm, tới giờ già rồi vẫn thỉnh thoảng đá mắt nhíu mày với mấy bà góa bụa trong thôn.
Mấy mươi năm ở với nhau, ông cũng không ít lần đi nhầm sang nhà người khác. Bởi vậy bà Tài mới ghen, ghen từ chuyện có thật tới ghen bóng ghen gió. Có năm, chiều Hai mươi tám tết, cả nhà đang quây quần gói bánh, chỉ vì câu nói chẳng hiểu vô tình hay cố ý của đối phương về cái tính hay ghen của bà mà cả hai nổi trận cuồng phong, từ đấu khẩu đến nhảy bổ vào nhau đấu võ.
Mẹ Ngân cũng không phải kiểu phụ nữ ghê gớm hoàn toàn. Bà giỏi quán xuyến chi tiêu, đảm đang việc nhà nhưng ở đời mấy ai không có khuyết điểm. Cái tật của bà là nói dai, thù vặt. Bà hay lôi những lỗi lầm quá khứ của ông ra để khích bác, trả đòn.Cứ vậy, không ngày nào nhà họ không có tiếng cãi vã.
Mọi người nói "Thương nhau lắm cắn nhau đau", Ngân không biết có phải như vậy không. Bởi vì rõ ràng trường hợp của ba mẹ Ngân không thấy khả năng đó là mấy. Ba mẹ cô sinh được bốn người con, hai trai hai gái. Ngân là con cả, sau Ngân còn cô em gái và hai cậu em trai út.
Ngày còn đi học, Ngân không dám rủ bạn bè về nhà vì cô biết kiểu gì thì ba mẹ cũng sẽ cãi nhau. Mà nào có phải chỉ cãi mấy câu tức giận qua loa thôi. Hai ông bà luôn thủ sẵn cả kho ngôn từ “ngượng đỏ mặt” để tấn công đối phương, không cần biết người nghe là ai.
***
Ngân ngán ngẩm, các em Ngân cũng vậy. Từng đứa tìm cớ rời khỏi căn nhà tuổi thơ. Cứ tưởng khi rơi vào cô đơn, ông bà sẽ tập dằn lại những cơn tam bành ngẫu hứng. Nhưng không, ông bà còn lôi kéo bầy con và chia luôn ra hai phe. Ông Tài thường xuyên gọi điện cho Ngân và cậu em lớn, kể tội, nói xấu, than thở về bà Tài. Còn bà Tài thì kể tội, nói xấu, than thở với cô em kế Ngân và thằng út.
Ngân chỉ biết thở dài. Chuyện chẳng có gì, nhiều khi chỉ là nồi cá bị mặn, cái sân chưa quét hoặc ao cá bên hông nhà chưa kịp cho ăn. Vậy mà cũng thành đề tài chiến tranh của “ngôi nhà nhỏ nơi đồng quê”. Mỗi người kể một kiểu, ai cũng thành nạn nhân.
Thiệt tình Ngân không thể hiểu nổi ba mẹ. Họ khắc khẩu, thường xuyên cãi vã, bất đồng mọi thứ, không ai nhường ai, không ai chịu sửa đổi tính tình… vậy mà vẫn ở với nhau tới tận giờ, lần lượt có bốn chị em Ngân. Có lần, Ngân đùa vui, cũng là để dò ý ba mẹ.
Ngân nói: “Ba mẹ chỉ giả bộ cãi nhau để giấu mọi người tình yêu nồng nàn dành cho nhau thôi. Người ngoài không biết chứ con biết hết”. Chưa dứt lời, Ngân đã bị mắng té tát vì ai cũng nói mình chẳng thừa tình cảm mà đi yêu kẻ làm mình nặng nợ.
Ngân chới với, câu nói nặng nề như vậy mà ba mẹ cô cũng thốt ra thì liệu có khi nào… vì một lý do nào đó buộc hai người phải ở cùng dù trong lòng ghét cay ghét đắng nhau, ví dụ như một thỏa thuận nào đó chẳng hạn.
***
Thời sinh viên, Ngân có một hai lần yêu đương. Chuyện tình mới chớm cũng chẳng đi đến đâu bởi anh chàng nào cũng vậy, về ra mắt nhà bạn gái xong là đều ra đi với cùng lý do: cần tập trung cho sự nghiệp, chưa muốn yêu đương.
Ngân thừa biết lý do thực sự. Nhưng thôi, họ nói tránh như vậy cũng coi như nể mặt mình rồi. Cứ vậy, chạm mốc ba mươi, Ngân chẳng muốn yêu ai.
Năm ngoái, đứa em trai lớn dẫn về cô bạn gái nhiều hơn bảy tuổi. Chỉ sau lời chào hỏi, giới thiệu thông thường thì hai ông bà đứng hình.
Bà Tài vồ lấy điện thoại gọi cho Ngân: “Em mày nó làm con người ta có bầu, mà còn hơn nó tới tận bảy tuổi”.
Giọng ông Tài xen vào: “Bầu thì cưới, quan trọng gì”.
- Nhưng hơn tới bảy tuổi đó, xung khắc, không được.
- Đợi mấy năm nữa đi. Chỉ cần nó dẫn người yêu về thì bà đã đãi tiệc ăn mừng rồi. Chứ ở đó mà bày đặt…
Chỉ vậy, chiến tranh giữa hai thiên hà lại bùng lên. Cô bạn gái của em trai Ngân tròn mắt nhìn ba mẹ chồng tương lai đấu khẩu. À, là ba mẹ chồng hụt rồi. Vì sau hôm đó mới biết cậu em trai Ngân vì sợ ba mẹ không chấp nhận người yêu lớn tuổi hơn nên nói dối chuyện có bầu. Và rồi cô người yêu từ hôm đó cứ tìm cách tránh mặt.
Chẳng biết sau đó ra sao nhưng cậu em Ngân chẳng còn đả động gì đến việc cưới xin nữa.
Bà Tài thấy vậy thì bắt đầu lo. Thỉnh thoảng, bà hỏi từng đứa: “Tụi bay có gì bất thường không đó?”.
Ông Tài xen vào: “Giờ chỉ cần tụi nó dẫn người yêu về, trai gái gì cũng được, lớn nhỏ gì cũng ưng…”.
Bà Tài quạu lại bằng giọng cà khịa: “Nó dẫn về một bà bằng tuổi tôi chắc cũng ưng ông hen?”.
Vậy là hai ông bà lại cãi nhau.
***
Mấy tháng trước, Ngân phải tức tốc xin nghỉ phép về quê vì bà Tài gọi lên khóc lóc: “Mày về mà coi ba mày đòi bỏ nhà đi kìa. Tao không thèm giữ đâu. Nhưng trước khi đi thì phải có mặt đầy đủ con cái làm chứng, không thôi sau này đổ hết tội lên đầu tao”.
Ngân và các em về nhà trong đêm. Vừa đặt chân đến cổng đã nghe giọng ông Tài véo von hờn dỗi:
- Cô Hai về rồi đó hả? Về mà coi hậu quả cô xúi mẹ cô làm đơn ly hôn với tui đây nè. Tất cả nhờ cô hết đó.
Lúc bấy giờ Ngân mới nhớ ra chuyện lần trước về thăm nhà. Bà Tài ngồi lẩm bẩm suốt buổi trưa kể tội chồng bên tai con gái. Ngân hỏi bà Tài một câu:
- Con hỏi thiệt, ba mẹ sống với nhau như vậy có mệt mỏi không?
Bà Tài hùng hồn:
- Mệt chứ sao không.
- Vậy sao ba mẹ không thử bỏ qua cho nhau để nhẹ nhõm một lần.
- Có chết tao cũng không bỏ qua tội lỗi của ổng. Cái gì cũng có thể tha nhưng không chung thủy thì chỉ có đến chết mới bỏ.
Ngân thở dài:
- Lạ thiệt. Ba mẹ thề không nhìn mặt nhau mà cũng không bỏ được nhau.
Bà Tài liếc Ngân một cái thật sắc.
Hóa ra, bà mang chuyện đó nói với ông Tài. Bà chỉ muốn ông biết: “Con Ngân nó nói tôi không bỏ được ông. Tôi làm cho ông coi”.
Bà viết đơn ly hôn, bắt ông ký. Ông giận rồi đòi dọn đồ đi. Vậy là mọi chuyện rối tung lên.
Ngân cười như mếu, ngồi phân tích suốt mấy tiếng đồng hồ mọi việc mới tạm êm xuôi.
Suốt hai tháng, không nghe ba mẹ đả động gì đến “đối thủ chung một mái nhà”, Ngân thấy hơi lạ. Cô chủ động gọi về, lúc này bà Tài mới ấm ức.
- Ba mày bỏ xuống nhà dưới ở hơn tháng nay rồi.
Trước khi đi còn nói không được cho con cái biết. Ai nói ra thì lỗi do người đó.
Ngân giật mình khi nghe bà Tài kể. Căn nhà dưới là căn hai ông bà vốn định mua cho đứa em trai lớn, để phần nó sau này lấy vợ, còn thằng út thì sẽ về ở với ông bà. Ban đầu, ông bà không ưng căn nhà đó mấy vì hơi xa đường cái. Vậy mà sau này, mỗi lần giận nhau với bà, ông Tài lại dọn đồ ra riêng.
Lần này cũng không ngoại lệ. Song, điều khiến Ngân thấy lạ là ba mình đã dọn ra riêng gần hai tháng. Những lần trước chỉ một hai ngày là ông lại có chuyện cãi cọ với bà rồi tức giận nói phải về canh nhà, không để bà bán nhà đi thì sao.
Ngân gọi cho ba. Khác với mọi khi, ông Tài chỉ than đường ống nước ở nhà dưới này bị hư, rằng ông định làm hệ thống nước nóng lạnh.
Ngân lo lắng. Không biết ba mẹ mình đã xảy ra chuyện gì. Mẹ cô cũng chỉ cho cô biết việc ông ra ở riêng mấy tháng nay chứ không hề nói đến nguyên nhân. Ngân đành chịu thua, chỉ nhắn lại.
- Để con gọi thợ tới làm đường nước. Có gì cần sửa ba nói họ làm luôn. Con thanh toán cho.
Chuyện đó tới nay cũng cả tháng rồi. Vậy là ông Tài đã ra ở riêng được ba tháng. Mấy hôm trước, Ngân mua sắm ít quà gửi về trước. Cô muốn đợt tới về không phải mang vác gì cho nhẹ.
Điện thoại réo âm điệu quen thuộc. Ngân thở hắt ra rồi nghe máy. Giọng bà Tài nhanh nhảu bên đầu dây:
- Ngân hả? Nhà nhận được đồ rồi nghen con.
- Cũng lẹ mẹ ha.
- Ừa. Mà sao con mua nhiều vậy hả?
- Thì con mua cho…
Ngân định nói là mình mua cho hai nhà. Câu nói chưa kịp trôi ra khỏi miệng thì Ngân nghe văng vẳng trong điện thoại tiếng ba mình:
- Bà ơi, nó có mua trà Shan Tuyết cho tôi nữa nè.
Giọng bà Tài vội vàng quay sang suỵt. Ngân hỏi mẹ có vẻ tò mò:
- đang ở nhà ba hay ba đang ở nhà mẹ vậy?
Giọng bà Tài thẹn thùng:
- Ba mày về nhà rồi. Hai tuần nay rồi.
- Ủa? Vậy mà cứ hai ba ngày con gọi về, hai người đều không nói gì?
Bà Tài càng lúng túng:
- Ờ thì… sống tách nhau mấy tháng chứ có phải một hai ngày đâu. Nói ra… cho tụi bay cười hả.
Giọng ông Tài vọng vào:
- Thôi, chuyện cũ bỏ qua đi.
Ngân cúp máy, lơ lửng không hiểu đầu cua tai nheo. Tâm trạng vui vui kỳ lạ, Ngân nhắn vào nhóm chat cho ba đứa em: “Ba về nhà khi nào, có đứa nào biết không? Hai người nay nói chuyện ngọt lắm đó”.
Các em Ngân đều thả những icon kinh ngạc.
- Ủa ủa. Mới hôm qua em gọi cho ba, còn tưởng ba ở nhà dưới. Ba có đả động gì đâu.
- Ba mẹ mình đúng là siêu diễn viên.
- Đúng là… thương nhau lắm cắn nhau đau.
- Mà sao lần này ba mẹ làm lành dễ dàng vậy.
- Đợt này về phải “lấy khẩu cung” hai người mới được.
Những dòng chat hào hứng nhảy lên liên tục.
Ngân tủm tỉm cười. Có lẽ vậy, muốn chữa được bệnh thì cần phải có loại thuốc mạnh đủ liều. Chắc chắn tình yêu vẫn luôn hiện diện giữa ba mẹ cô từ bấy lâu nay, chỉ là nó thể hiện dưới một hình thức khác bởi lẽ làm gì có kiểu mẫu chuẩn cho thứ tình cảm lạ lùng này.
Ngân nhìn ra ngoài phố qua khung cửa kính. Mới đó đã giữa tuần. Mấy ngày nữa thôi cô sẽ lại về với ba mẹ.