Những âm thanh cứ vậy tự nhiên vang, đều đặn mỗi đêm thêu vào tuổi người thêm dấu thời gian. 1 ngày nữa trôi qua. Những nếp nhăn của bà Thẩm rõ hơn sau từng mũi kim tích tắc. Bà ho một tiếng, vội bước đi khoác thêm cái áo, nghĩ thầm mình đã già thật rồi.
Cũng không có gì quá quan trọng. Bà Thẩm đã ngừng đếm tuổi mình từ lâu. Có gì đâu để đếm! Mọi thứ bình thường trôi. Ngày tàn và đêm tới, bầy côn trùng rả rích, bầy ếch nhái hát ca. Mỗi đêm, mỗi đêm. Rồi ngày lại tới. Bà thấy mình là chiếc đồng hồ treo trên tường, những cây kim cứ quay đều đặn không bao giờ khác đi. Kể từ ngày hôm đó.
Đôi khi, bà Thẩm ước một điều khác biệt. Điều chi cũng được, cho bà biết mình đang sống.
Có thể bà Thẩm không ngờ điều ước lại thành hiện thực sớm tới lạ lùng. Nó đến không báo trước, theo cách bà không trông đợi. Một tiếng gõ cửa giữa khuya.
***
- Con ngồi đi! - bà kéo ghế cho người lạ mặt, sau khi cẩn thận đóng cửa cài khóa. - Đói bụng hông? Má hâm cơm cho nhen!
Anh thanh niên lẳng lặng gật đầu, tay trái giữ chặt bắp tay phải, nhìn kỹ sẽ thấy máu khô bám đầy. Bà rót cho anh ly nước rồi vô bếp nổi lửa.
- Cơm người già lúc nào cũng dư… - bà như tự nói với mình.
Tay đút lá dừa mồi lửa vào bếp lò, đầu bà Thẩm nghĩ tới chuyện khác. Bà nhớ đôi mắt anh thanh niên rực lên như miếng vỏ dừa đang cháy trong bếp kia. Hoảng loạn, sợ hãi, giận dữ và có một chút cầu xin. Không hiểu sao khi nhìn thấy đôi mắt đó, bà nhớ tới mình ngày xưa, lúc mới dọn về đất này. Một thân một mình bà lê bụng bầu tìm người giúp đỡ, hên là hàng xóm thương yêu không những đỡ đẻ mà còn tiếp bà chăm lo thằng nhỏ. Cũng chính ký ức đó làm con tim bà nhói đau. Nó như bầu trời mây đen đã quá trĩu nặng, vỡ tung cơn mưa cảm xúc. Không kìm được, bà bật ra mấy tiếng: “Con ơi!”.
Tiếng bà thực sự là cơn mưa, nó dập tắt ngọn lửa trong mắt anh ta. Anh ta dịu đi, ngập ngừng kêu: “Má ơi, mở cửa cho con”. Một niềm thương chứa chan vốn căng đầy như thứ nhựa ứ nơi thân cây, một vết xước đã đủ ứa tràn. Bà biết và anh thanh niên cách bà cánh cửa mỏng manh chắc chắn cũng biết rằng 2 người đâu có ruột thịt gì. Cả hai chỉ là người dưng nước lã, được ông trời trớ trêu sắp xếp vô một vở kịch kỳ lạ, có lẽ để đáp ứng nguyện vọng của bà.
Áng chừng cơm đã nóng, bà nhấc nồi xuống thế vô cái chảo. Bà đập vô 2 cái trứng gà, suy nghĩ giây lát lại thêm 1 trứng. Bà lẩm nhẩm, sức thanh niên ăn bao nhiêu cho đủ, rồi thêm cái nữa. Nhìn chảo trứng đầy vun, bà mỉm cười sung sướng. Con trai bà hồi xưa thích ăn trứng chiên giòn rìa ngoài nhưng phần lòng đỏ còn chảy. Nó kêu dầm ra trộn cơm, thêm chút nước tương ăn vừa béo vừa đã.
Bà Thẩm len lén thở dài. Bà đem tất cả dọn lên bàn, hối anh thanh niên ăn nhanh nhanh. Anh nhìn bà 2 lần rồi vồ lấy chén cơm ngấu nghiến. Anh ăn như con chó con, cơm dính tèm lem mặt mũi. Bà móm mém cười. Cảm giác ấm áp chảy trong lòng, như ai đó vừa bắc cho bà bếp than nhỏ hơ lưng trong những ngày ở cữ xa xôi…
***
- Để con đấm lưng cho má nghen! - anh thanh niên trở dậy. Có lẽ vì nghe bà vặn mình răng rắc, có lẽ vì muốn trả ơn bữa cơm, anh nghĩ mình phải làm gì đó.
- Ừ, con trai má biết báo hiếu rồi he! - bà Thẩm cười, xoay người lại cho anh đấm bóp.
Căn nhà lặng im, chỉ có tiếng đấm lưng vang lên trong đêm. Những âm thanh côn trùng và ếch nhái đã dừng lại bên ngoài. 2 người không nói gì với nhau, mỗi người mải mê đuổi theo suy nghĩ của riêng mình.
“Nếu con trai mình còn sống, hẳn sẽ lớn như cậu này” - bà Thẩm nghĩ thầm. Rồi bà nấc lên một nhịp hẫng. Không biết con mình có phải chạy trốn giữa đêm như vầy, không biết có ai giúp nó, liệu nó có mệt nhoài trong bóng tối ôm cơn đau chạy hoài không có điểm dừng? Không nơi tựa nương. Cô độc và lạnh lẽo.
Bà Thẩm như choàng tỉnh khỏi cơn ác mộng, quờ tìm tay anh thanh niên. Bà nắm chặt, như để chắc là anh tồn tại. Anh ngừng lại, như muốn hỏi. Bà có quá nhiều điều muốn nói. Những lời nói bị kẹt lại, chỉ một ít thoát được khỏi kẽ răng đã quen cắn chặt kìm nén:
- Con có sao không, con trai?
Anh thanh niên chết sững. Giờ anh mới nhớ vết thương trên tay. Nhẹ nhàng, anh trả lời:
- Con quẹt hàng rào thôi má, không sao.
- Không, má hỏi chỗ đau trong lòng con kìa - bà Thẩm lồm cồm ngồi dậy.
Để yên cho anh ngồi đó với vẻ mặt đăm chiêu, bà vén mùng bước ra, đi về phía tủ thờ. Bà lục lọi thật lâu, giữa những mối mọt và ký ức. Bà lôi ra cái hộp bánh cũ kỹ. Trở về mùng, bà mở cho anh coi. Trong đó là những cuộn tiền dày cộm đủ mệnh giá.
- Gia tài của má. Má cho con - bà cười tự hào.
- Nhưng con… - anh ngỡ ngàng.
- Má biết, má biết… - bà Thẩm gật đầu như tự khẳng định với chính mình, đây hoàn toàn không phải con trai bà. - Má giữ con ở lại để con có thời gian bình tĩnh, suy nghĩ thiệt hơn. Với cái đầu bừng bừng, con dễ phạm sai lầm lần nữa.
Rồi bà Thẩm nói tiếp:
- Má con mình gặp nhau là duyên. Con cầm lấy rồi mai đi đi.
Anh thanh niên không dám cầm cái hộp, như đứa trẻ sợ hãi trước món quà quá lớn. Bà dúi vào tay anh, cười:
- Cầm đi, đừng ngại. Má không cho không đâu. Con hãy hứa làm cho má một chuyện.
- Chuyện gì hả má?
- Làm người tốt, nhe con! - bà Thẩm nói gọn hơ, chắc nịch.
Anh im lặng rất lâu, mãi mới nói được một câu:
- Con lấy hết rồi má sống sao?
- Má ổn! - bà Thẩm cười
buồn. - Thời gian của má đâu còn bao nhiêu…
***
Bỗng nhiên bà Thẩm muốn kể chuyện. Có lẽ vì anh thanh niên là người lạ, có lẽ bà nghĩ anh sẽ chỉ lắng nghe mà không bình luận gì. Bà chỉ muốn được lắng nghe. Bà muốn kể về cuộc đời mình.
Hẳn nhiều người sẽ gọi đó là bi kịch. Cũng phải, đã có quá nhiều chuyện xảy ra.
Quê bà Thẩm ở xa nơi này, rất xa. Hồi đôi mươi, bà theo người tình tới chốn này với cái bụng bầu lặc lè. Bà tưởng đó là quyết định đúng đắn, tương lai dù bão giông rồi sẽ cập bến hạnh phúc. Nhưng không. Bà chỉ là món hành lý bị bỏ lại giữa đường. Một sáng thức dậy trên đất này, mất sạch tiền bạc, bơ vơ, bà biết mình đã chọn lầm người. Bà đành ở lại đây, nương nhờ tình thương sống tiếp.
Có lẽ để bù đắp cho mất mát đó, ông trời ban cho bà một người chồng khác. Anh hiền lành, chịu khó. Anh thương đứa con đỏ hỏn mới chào đời dù không phải máu mủ. Anh cũng ngời ngợi ý chí, vung tay mua ruộng về làm vuông tôm. Rồi tôm thất mùa.
Anh vay nợ mong gỡ gạc mùa khác. Rồi lại thất vọng.
Men rượu tràn vào nhà bà, cướp mất người chồng bà yêu thương. Khi được rót đầy bởi rượu, anh biến thành người khác hẳn. Anh đổ thừa mọi thứ tại bà. Anh nghi ngờ bà rồi sẽ bỏ anh đi. Anh buộc tội bà phản bội vì nói chuyện hơi lâu với một người đàn ông ở chợ.
Một sáng nọ, anh biến mất. Bà đi tìm hoài mà không thấy, chỉ thấy món nợ nặng nề đè lên lưng cùng những thông tin bất ngờ. Anh trốn theo vợ bé với đứa con 1 tuổi. Họ đã bắt đầu từ khi nào? Bà ê chề. Biết cũng chẳng thay đổi được gì, thà coi như không biết. Thà giả điếc, giả câm, lao đầu vào nuôi con khôn lớn.
Đồng tiền lôi tuột bà đi. Trả xong nợ, bà dư dả xây được căn nhà tàm tạm. Cũng là lúc bà nhận ra mình đã trả một cái giá quá đắt. Bà không có thời gian dành cho con. Nó lớn lên sau lưng bà, lẳng lặng chống đối. Bà không biết hình xăm đầu tiên nó có là khi nào, chỉ biết lúc bà nhận ra thì lưng nó đã chi chít mực. Nó muốn rời khỏi bà, đi làm ăn theo đám bạn. Rồi nó đi mà không nói câu nào.
Bà cứ chờ mòn mỏi nơi căn nhà này. Có lẽ đó là hình phạt dành cho mình, bà nghĩ vậy. Căn nhà như đóng băng, mọi ký ức được tua đi tua lại mỗi ngày. Bà thấy mình bị thời gian rút mòn sức lực, như một loài cây bị nắng hong khô dần. Thứ duy nhất tiếp cho bà động lực là đứa con trai. Dù nó ở rất xa, dù không biết khi nào gặp lại, bà ôm niềm tin một ngày không xa nó sẽ trở về mà sống tiếp.
Con bà về nhưng không còn như trước. Ôm di ảnh nó trong tay, bà không khóc nổi. Bà đã bị nén lại thành một nắm đất khô cong rệu rã. Thằng con yêu dấu của bà, hy vọng sống của bà đã không còn. Bà chẳng biết vịn vào điều chi để đi tiếp trên cuộc đời dài dằng dặc này.
***
- Rồi tin xấu lại tới. Mà má nghĩ có khi lại là tin tốt - bà Thẩm nửa cười nửa mếu. - Bác sĩ nói má bệnh nặng lắm. Có thể chạy chữa được nhưng tốn kém và đau đớn. Còn không thì kéo dài được vài năm…
Anh chẳng biết nói gì, toàn thân như đông cứng. Ngồi cạnh người đàn bà này, anh như một hạt bụi. Sao bà có thể chịu được từng đó chuyện? Sao bà có thể vượt qua từng đó nỗi đau?
- Sắp sáng rồi, má không định ngủ sao? - không ngờ anh đã cất được tiếng nói.
- Tuổi già khó ngủ, con ơi. Má cũng sắp có giấc ngủ dài, nên không vội - bà Thẩm cười, trở mình qua nhìn anh.
- Hay để con hát ru cho má ngủ hen?
- Đó giờ toàn má hát ru cho con, nay mới thấy ngược lại hà - bà Thẩm bật cười, đôi mắt bà nhắm lại chờ đợi. - Con hát đi, má hứa sẽ ngủ ngoan.
Anh thanh niên bất giác cười theo. Bài hát ru trong ký ức - một trong những ký ức hiếm hoi về má anh. Anh ngân nga.
Trời nhá một tiếng sấm. Mưa rơi như trút nhưng mái lá ấm cúng này có sự kỳ diệu, khi điệu ru ngân vang tạo thành bức màn ấm áp bảo vệ ngôi nhà. Giọng anh không hay nhưng trầm và ấm. Anh hát bằng cảm xúc. Cảm xúc quá đầy, trải tràn khỏi mắt.
Trên mi bà Thẩm cũng đọng một giọt tròn.
***
Đêm đã lui về, trả chỗ cho mặt trời bung nắng. Bà Thẩm từ từ mở mắt, nhận ra đã quá trưa. Bà có giấc ngủ ngon hiếm hoi. Lâu lắm rồi mới có một đêm yên ổn.
Mọi thứ như chỉ là mơ. Anh thanh niên đã đi rồi. Bà rờ rờ manh chiếu, hơi ấm đã tan từ lâu. Có thể câu chuyện đêm qua cũng chỉ là ảo giác.
Bà Thẩm bước ra bàn, tính uống ly nước cho mát ruột. Nắng đã đem cái nóng tràn trề phủ lên khắp phía. Ánh nắng xuyên qua kẽ hở trên vách, chiếu vào thứ gì đó bằng kim loại trên bàn. Là cái hộp của bà. Cái hộp đựng tiền để dành. Chuyện đêm qua là thật.
Bà Thẩm mở hộp ra, bên trong vẫn đầy ắp tiền và đôi giấy gấp tư. Là thư anh thanh niên để lại.
“Má, con xin lỗi vì đi không nói tiếng nào nhưng con biết con phải trở về. Con không thể hèn nhát trốn chạy được. Tội lỗi của con, con cần phải gánh.
Tiền má cho con, coi như con cho má mượn hen. Má lấy tiền đó chữa bệnh, chờ con về. Chờ con vài năm nghe má. Con hứa khi nào mọi chuyện xong hết, con sẽ quay lại chăm sóc má.
Chờ con nhe má!”.
- Thằng quỷ sứ, tiền của mình mà nó kêu cho mình mượn! - bà Thẩm cười rưng rưng - Chữ gì mà xấu dữ vậy không biết!
Bà ngồi thụp xuống ghế, kìm cơn xúc động. Nước mắt bà tuôn trào. Bà vừa có một đứa con ư? Bà có một hy vọng để chờ đợi ư? Nó sẽ quay về, phải không?
Trong lúc đó, anh thanh niên đang bắt xe quay về quê mình. Anh đã chạy khỏi đó để trốn nợ. Anh biết với món nợ đó, phải rất lâu mới trả được. Anh sẽ xin chủ nợ cho anh cố làm lụng trả dần. Hoặc nếu họ kiện, anh sẽ chấp nhận thi hành án. Tội mình thì mình phải chịu. Anh phải chịu trách nhiệm trước cuộc đời mình thì mới chăm lo cho người khác được.
Khi đi, vai anh ghì nặng nỗi ê chề và đau buồn. Khi về, lòng anh chan chứa yêu thương…
Phát Dương