Truyện ngắn - Cánh cửa họa mi

21/11/2020 - 12:39

PNO - Cô trễ chuyến bay một cách lãng nhách như thể những cơn mưa Sài Gòn thường ào đến rồi chợt vút đi bỏ lại trên phố đám đông người sũng nước chẳng kịp tấp vội vào lề hay chưa thể mở cốp xe lấy áo mưa.

Gã giao hoa trễ hẹn, một thùng hồng Ecuador cô cất công đặt đã hơn bảy ngày. Chờ đợi, gọi điện thoại giục giã, thậm chí khi cô hét toáng lên qua điện thoại thì gã trả lời: “Chị ơi thông cảm em bể bánh xe”. Một tiếng đồng hồ sau, gã báo: “Chị ơi đang có vụ tai nạn giao thông, xe kẹt cứng. Hay chị ra sân bay trước, em chạy thẳng ra đó luôn?”. Cô thấp thỏm. Trái tim như muốn rớt ra ngoài. Trời ơi, em có biết cái hợp đồng này có thể khiến tôi phá sản không? Tôi ra sân bay. Em liệu mà đến cho kịp. 

Cô vẫn ngơ ngác đợi tại cổng A1. Gã giao hoa bặt tăm. Bốn mươi lăm phút nữa máy bay sẽ cất cánh. Ba mươi phút nữa là lên máy bay. Chục cuộc điện thoại. Gã không nghe máy. Tin nhắn cô gã chẳng trả lời. Cô quyết định chờ. Không có thùng hoa, cô bay ra để làm gì? Từ điên cuồng gọi điện, cô dần chuyển sang nguyện cầu. Gã đến với thùng hoa, dẫu trễ, dẫu gã bầm dập mặc kệ, cô muốn thùng hoa phải vẹn nguyên. Cô sẽ chấp nhận đổi vé, dù biết sẽ bù tiền thêm. Cô biết sẽ phải mất cả một đêm gắng sức cho xong cái lễ đài hoa. 

Đúng giờ máy bay cất cánh, số máy điện thoại nãy giờ cô trông đợi gọi đến. Cô thở dài. Mắt ngấn nước. 

 

***
Cúc họa mi tượng trưng cho tình yêu thầm lặng mà vĩnh cửu. Là yêu sâu sắc một người và lặng lẽ dõi theo người đó một đời dù có thể họ chẳng thể nào là của nhau hay thuộc về nhau trọn vẹn. Một thứ tình yêu tuyệt đối chân thành, giản dị, không vẩn đục, mong mỏi người mình yêu được hạnh phúc. 

Người ta còn gọi loài hoa này là “marguerite”, nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là hạt ngọc trai. Vua St. Louis đã khắc hình cúc họa mi trên chiếc nhẫn của ông. Chiếc nhẫn này, theo lời nhà vua, tượng trưng cho những gì ông yêu quý nhất: vợ ông, bà Marguerite. Đó cũng là một trong những câu chuyện tình yêu viên mãn và đẹp nhất của hoàng gia Pháp. 

Hôm đó, cô lọt thỏm giữa những công ty chuyên nghiệp, giới thiệu với đôi vợ chồng doanh nhân trẻ, để họ quyết định chọn nơi nào trang trí hoa cho đám cưới lộng lẫy cổ tích của họ. Trong khi rất nhiều nơi đưa ra một loạt ý tưởng xa xỉ quý tộc, cô vẫn trung thành với những gì giản dị và tinh khôi cho một lễ cưới. Cô nhận điện thoại thông báo được chọn trong sự ngỡ ngàng.

Chỉ có một yêu cầu, cô dâu cần một trái tim bằng hoa hồng Ecuador. Cô thoáng thắc mắc nhưng rồi lại thôi. 

***
Gã đến, hộc tốc, lấm lem. Quần short rách ngay đùi một mảng to. Cái áo thun trắng cũng nhàu nhĩ như gã vừa ngã vào một nồi cháo lòng. Tại cổng A1, cô mang đôi mắt đỏ hoe, ầng ậng nước. “Tôi xin lỗi, một ngày chẳng may. Thôi tôi sẽ đặt vé chuyến kế tiếp cho cô. Mong cô đừng báo về công ty…”, gã ấp úng. Cô chẳng nói chẳng rằng, giành lấy thùng hoa bỏ lên xe đẩy, tiến thẳng đến quầy đổi vé. Gã lẽo đẽo theo sau. Cô nhấm nhẳng: “Thế này nhé, chẳng cần anh bồi thường gì hết. Tôi chỉ cần thùng hoa. Anh về đi, chuyện này tôi cũng chẳng báo công ty đâu”. Gã đứng lừng khừng đôi chút rồi lủi thủi đi. 

Cô nhìn theo cái dáng liêu xiêu của gã giữa hối hả kẻ đến người đi trong nhà ga quốc nội, thoáng chút ngậm ngùi. Dẫu sao đây cũng chỉ là một gã giao hoa. Có thể cú tai nạn mà gã thanh minh ban nãy, chính gã là nạn nhân. Nhìn người ngợm thế kia chắc cũng đau. May là thùng hoa an toàn. Ít ra, gã cũng không để cô bay ra ngoài ấy tay không. Liệu lúc đó cô biết xoay xở ra sao? Cô chạy theo gã, gọi với: “Anh gì ơi! Nè cầm lấy ít tiền mua thuốc đi. Tôi… ờ… tôi xin lỗi ban nãy có nóng tính chút. Nhưng mà… Thôi, vậy nhé! Khi về lại Sài Gòn tôi sẽ liên hệ anh. Tôi muốn mời anh một bữa ăn…”. 

Gã quay sang nhìn cô, lắc đầu nguầy nguậy. Tiền tôi không nhận. Nhưng bữa ăn thì tôi nhận. Trước khi lên máy bay chuyến chiều muộn, cô nhận được tin nhắn từ gã giao hoa: “Lần đầu tiên tôi làm một phụ nữ khóc. Tôi hứa chẳng bao giờ giao hoa trễ hẹn nữa đâu. Thương”. 

Ơ hay, sao không là chữ xin lỗi cuối cùng? Chữ thương làm cô bật cười. Gã khùng chăng? 

***
Cô gặp anh trong một lần anh đại diện ngân hàng xuống trao học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học của trường cô. Cô làm phụ trách đoàn. Giao tiếp qua lại năm ba lần thì anh mời cô một bữa tối. Nhà hàng sang trọng nằm trong một tòa tháp hình búp sen cao chọc trời. Từ những ô cửa kiếng, cô thấy màn đêm chi chít sao. Đẹp huyễn hoặc. Từ những ô cửa kiếng, cô thấy phố xá xa tít dưới ánh nhìn của mình. Nơi đó, người và xe như một đàn kiến cần mẫn ngược xuôi về tổ. 

Hôm đó, anh bảo thích mái tóc dài đen mượt, thích đôi tà áo thướt tha trong gió của cô. Thích giây phút cô ngồi xuống nhặt những tờ giấy rơi theo cơn gió giữa hành lang vàng nắng. Phút chốc, anh thấy cô giống mẹ anh. Mà mẹ anh mất rồi, trong một tai nạn khi đang trên đường về nhà sau giờ tan lớp. Anh từng nói với lòng, sẽ chẳng bao giờ chọn một người vợ làm giáo viên. 

Ngày ấy, mẹ anh cực lắm. Chuyện lớp chuyện trường, túi bụi mỗi ngày, mà đồng lương khấm khá chi đâu. Mẹ cứ loay hoay như vậy với đàn con và một ông chồng bị hen suyễn mạn tính, chỉ quanh quẩn ở nhà làm nghề “thợ đụng”. Đụng ai hư điện nước kêu thì làm. Đụng ai nhà dột cột xiêu thì tới sửa. Đụng gì làm nấy. Bữa ăn tính từng ngày. Tuổi thơ của anh ngán mì gói tới tận cổ. Lắm khi hai gói mì nấu làm canh, cứ thế ăn với cơm trắng. Đó là những ngày cuối tháng nhà chẳng còn tiền để đi chợ. 

Nhưng giờ anh khác rồi, cô lấy anh thì chẳng cần túi bụi như hồi xa xưa của mẹ. Anh cũng chẳng còn đóng đinh vào cái định kiến không lấy vợ làm giáo viên nữa. Cho anh cơ hội cũng là cho cô cơ hội. Anh đã gần bốn mươi. Hai năm nữa cô sẽ ba mươi. Đủ chín chắn để hiểu yêu và cưới không phải là canh bạc hên xui cược cả đời mình vào đó. Vậy nên đừng vội từ chối, hãy cứ thận trọng tìm hiểu. Thời gian không nhiều cho cô và anh nhưng không ít để cả hai cùng có quyết định đúng đắn nhất. 

Cô đem câu chuyện về nói với tía má. Tía gật gù: “Hay kiếm bữa nào giỗ chạp mời nó về cho tía nói chuyện”. Má thì ừ hữ: “Thôi kệ đi con, không lên đò, sao có thể qua sông. Đàn ông mà suy nghĩ thấu đáo vậy thì cũng đủ tử tế để làm chồng”.

Cô gật đầu với anh sau sáu tháng hẹn hò. Mùa điên điển vàng hươm vàm sông, rẽ con nước đời, cô theo chồng qua bến.

***
Cả một đêm thức trắng, cô và mấy anh chị em của shop hoa cũng hoàn thành công đoạn trang trí. Hơn tám giờ sáng, cô thấy mẹ chú rể bước ra đứng nhìn lễ đài tấm tắc cười, thủ thỉ: “Cháu biết không, lúc hai bác cưới nhau, còn nghèo mà, tìm đâu ra hoa hồng cầu hôn. Chồng bác chạy ra triền đê sông Hồng, hái mấy cành cúc họa mi rồi bó thành bó hoa, đưa trước mặt bác hỏi đồng ý làm vợ ông không. Vậy mà bác cũng gật đầu rồi sống với nhau đến giờ. Nên trong nhiều bản phác thảo của các nơi đưa tới, chỉ các cháu có ý tưởng làm sảnh cưới bằng cúc họa mi. Coi như có duyên vậy. 

Nay kỷ niệm bốn mươi năm, bọn trẻ chọn ngày này để tổ chức đám cưới cho thêm đông vui và cũng coi như cho bố mẹ một lần sống lại ký ức. Chúng bảo hoa hồng Ecuador là hoa hồng đẹp nhất trong các loài hoa. Nó tượng trưng cho tình yêu viên mãn. Hai đứa đặt riêng để tặng hai bác. Cảm ơn các cháu thật nhiều. Lễ đài hoa này là đẹp nhất từ trước đến nay mà bác từng thấy. Tối nay bác có dành một bàn tiệc mời cháu và nhóm thợ. Mọi người nhớ đến chung vui. 

Sáng đó, cô về khách sạn và ngủ vùi đến tận chiều mới lọ mọ dậy trang điểm nhẹ, chọn chiếc đầm màu xanh nhạt ôm dáng, khoác lên mình chiếc khăn phớt tím. Cô đến buổi tiệc cưới. 

Loay hoay trong bữa tiệc đông người một đỗi, cô lùi ra xa, đứng nhìn tổng thể không gian hoa trắng tinh khôi, dưới ánh đèn vàng lấp lánh như một dải lụa vắt ngang dòng sông đêm. Đang miên man, cô chợt nhìn thấy một hình ảnh quen thuộc đang tiến tới gần mình. Trời ạ! Gã giao hoa. Cô thoáng giật mình. Ơ cái gã lấm lem kia sao giờ lại chỉn chu trong bộ vest đen với chiếc cravat tím nhạt. Sao gã lại ở đây? Cô thấy mình hoang mang lẫn bối rối. 

***
Tòa xử đứa con trai lớn theo anh, đứa con gái nhỏ thì về với cô. Anh để căn nhà trong một chung cư cao cấp giữa trung tâm Sài Gòn cho cô. Anh chọn căn biệt thự ven đô. Anh chuyển cho cô một số vốn, con số cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có được trong đời. Anh hỏi cô cần thêm nữa không, cô lắc đầu buông nhẹ: “Đủ rồi”. Với cô, từng ấy là quá lớn cho một sự im lặng tuyệt đối. 

Hồi cô lấy chồng, má cô từng dặn, rằng trong cuộc đời này, có những cánh cửa đừng gõ, đừng cố gắng mở, bởi đôi khi không giải quyết được gì còn khiến mình hoang hoải cả đời. Nhưng, một chiều thấy trong người không khỏe, cô vội về nhà nghỉ ngơi. Cánh cửa phòng mở ra. Anh đang quấn chặt một người khác. Là anh nằm dưới một người xa lạ, ngay chính trên chiếc giường ngủ quen thuộc của họ. Một người đàn ông. Cô không thốt nên lời, chỉ kịp nấc nghẹn mấy tiếng, rồi nước mắt tuôn tràn. Lỗi của cô là quên gõ cửa. Lỗi của cô là mở cánh cửa mà mình đáng ra không nên mở. 

Ai cũng sững sờ khi cô ly hôn. Cô chỉ nhẹ nhàng đáp một lý do muôn thuở của biết bao cặp đôi khi đối diện trước tòa để xé tấm giấy hôn thú. Không hòa hợp. Mà suy cho cùng, nghĩa bao quát của từ đó cũng đúng đấy thôi. 

Cô nghỉ dạy, cắt đi mái tóc dài, tìm sự bình yên nơi những bông hoa. Cô đi học cắm hoa. Cô mày mò làm nên những bình hoa thanh nhã nhất. Chỉ với hoa, cô mới thấy lòng mình bình an. 

***
Gã giao hoa đưa cô dạo quanh bờ hồ một tối hiu hắt gió. Hà Nội đầu đông, khăn cô bay bay. Gã tên Thiện, nhỏ hơn cô sáu tuổi, đang làm giám đốc một công ty thẩm định, là bạn thân của chủ công ty cô đã đặt thùng hoa hồng Ecuador. Hôm ấy gã cũng ra Hà Nội để dự đám cưới này, sẵn tiện đường gã được bạn nhờ giao giúp thùng hoa cho cô.

Ô tô hư giữa đường, gã bỏ lại, cho xe kéo về trạm sửa. Gã bắt xe ôm để chạy ra sân bay cho kịp giao hoa, cũng là kịp chuyến bay của gã. Xe ôm phóng nhanh, thắng tránh một bà mẹ đang chở con đi học, thế là gã bị ngã, xe đè lên chân, thùng hoa gã ôm chặt thì an toàn vì nằm trên người gã. Mặc mọi người giục đi bệnh viện, gã lại leo lên một chiếc xe ôm khác, vì gã biết chắc tại cổng ga A1, có người đang chờ gã. Gã chưa bao giờ thất tín.

Lúc gã đến, nhìn cô khóc, gã thấy lòng mình chợt nhói lên. Gã sợ nước mắt của phụ nữ. Đời gã đã biết bao lần thấy mẹ gã khóc vì những trận đay nghiến trong cơn say rượu của bố gã. Cho đến ngày bố ra đi vì căn bệnh xơ gan, gã tin đó là sự giải thoát cho cả hai. Lạ một điều mẹ gã vẫn khóc đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ bố. Phụ nữ khó hiểu quá! 

Đêm lạnh se sắt, cô ngồi nép bên gã. Liễu quanh bờ hồ rũ thướt tha. Gió vờn quanh da thịt cô mát rượi. Cô nói với gã về người đàn bà cũ trong mình. Hình như lâu lắm rồi mới có một người ân cần và dịu dàng đến thế với cô. Cũng lâu lắm rồi, cô nghe lòng mình chênh vênh khi gã đưa cô về khách sạn, khẽ đặt môi lên trán cô. Gã bảo, hồi đó, gã đã dặn lòng mình, nếu người phụ nữ đầu tiên nào khóc vì gã, gã phải thương người đó suốt đời. Là thương, chứ gã không bao giờ dùng từ yêu với một ai đó. Vì với gã, yêu mang nghĩa ích kỷ và sở hữu. Còn thương bao gồm cả sự bao dung và hy sinh. Rồi gã quay bước. 

Trước chuyến bay sáng hôm sau, cô nhận được tin nhắn của gã. Đàn bà cũ như rượu. Càng ủ thì càng ngon. Người ta uống rượu để say. Còn gã thì nhấm rượu để biết rượu ngon thế nào…

***
Một sớm cuối tuần, Sài Gòn có gió mơn man, shop hoa của cô leng keng tiếng chuông gió báo hiệu có người mở cửa. Gã đến, với bó cúc họa mi đương mùa bông rực rỡ nhất: “Lần này giao hoa không trễ hẹn nha cô chủ”. 

Hồi cô mới ly hôn, một chiều trên bến sông quê ngồi với má, má nói, rồi sẽ lại có những cánh cửa mà cuộc đời run rủi chính chúng ta phải tự mở ra. Liệu cô có nên tin vào một tình yêu lặng thầm, bền bỉ và vĩnh cửu như đã từng đặt niềm tin vào cúc họa mi? 

Tống Phước Bảo 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI