Má khoát tay biểu chị cứ nằm nghỉ, không có chi phải lo. Chị đã thức ròng rã nhiều đêm rồi, chưa kể ban ngày càng phải chống mắt lên nên có ngả lưng được mô. Làm bánh bán kiếm thêm đôi ba đồng, lơi ra xí khách giận đặt mua chỗ khác như chơi.
“Dạ” xong, chị bật dậy xuống bếp nấu nồi nước nóng pha muối với mấy miếng gừng, khệ nệ bưng lên ngồi bệt dưới đất, miết thiệt nhẹ từng đường gân chân cứng và lạnh của má. Bác sĩ vẫn thường dặn ngâm chân kiểu ni đỡ cho má nhiều, nhất là những cơn đau vào giấc tối muộn. “Răng không bỏ má đi hả Quế?” - má thình lình hỏi. Chị im lìm lâu thiệt lâu rồi mới ngước mặt chạm sâu vô ánh mắt đùng đục của má: “Con cái mô mà bỏ ba má mình được, má hỉ”.
“Ừ! Chắc rồi mai mốt hắn về” - má ngập ngừng nói. Sau quãng dừng ứ nghẹn, hai má con lại bắt đầu chuyện cũ. Có người con trai đã bỏ má đi, là Đạt, chồng chị, nhưng suốt cuộc tìm dằng dặc chín năm trời, chưa khi mô má thôi tin rồi một bữa dòm ra hàng rào chè tàu sẽ lại thấy “cái thằng cứ để đầu tóc bù xù rứa hè” nhe răng cười khì, gãi đầu bứt tóc: “Tại mắc việc quá má ơi!”.
***
Ngày chị làm dâu má, xóm Mỹ Trà tặc lưỡi: “Biết ở được mấy bữa”. Chị người xứ núi, ra Thạch Lâm miệt sông miên miết chảy về cuối nguồn làm dâu phải đâu chuyện dễ. Má kỹ tính. Bà soi từng chi tiết rất nhỏ trong bữa ăn con dâu sửa soạn, tỉ như mớ rau sống chị vốn quen bưng nguyên rổ tre nhỏ để lên bàn thì với má nhất quyết phải sắp ra dĩa cho thiệt đẹp, có ngò xanh, có ớt đỏ mới chịu. Mâm cơm thiếu chén nước mắm, dĩa ớt y như rằng má sẽ không đụng đũa cho tới chừng con dâu ngớ ra. Từ nhỏ, chị đã ghét mướp đắng, rì rầm đời chưa đủ cay đắng hay răng mà còn…
Má húng hắng ho, biểu con Quế nấu canh nớ ăn cho mát, nghĩ bậy bạ chi. Túi bụi mặt mày kệ, nhà cửa nhất quyết phải tinh tươm; trong chổi đót ra sân chổi chà quét tước sạch bong. Mấy đôi dép phân định rõ ràng: đôi mô mang nhà, đôi mô ra chợ, đôi mô lên chùa. Chị thích chân trần đạp đất hơn. Má đặc biệt kỵ người khác dùng cái lược gỗ bà xếp ngăn nắp trên kệ. Đợt mới về, tiện tay vớ lấy tính chải đầu, chị bị má nạt đến độ ù ra sau hè ngồi khóc. Nghe Đạt nói cái lược là kỷ vật duy nhất má còn giữ được sau bận lụt xưa, ba tặng má lâu lắc rồi, mấy chục năm không biết chừng.
Một đời má theo nghề chằm nón, ngày hai bữa sớm chiều nghiêng nghiêng bóng nắng ngoài sàn hiên. Phải cái tính kỹ càng lẫn cầu kỳ như rứa mà nón má chằm cũng chi li, đều tăm tắp từng đường kim. Nhà chỉ có hai má con, Đạt cũng lọ mọ học chằm nón mà không thạo mấy. Bàn tay đàn ông lớn lên to bè thô ráp, quen chẻ lồ ô chuốt vành, tất tả chèo thuyền mua lá nón về cho má, rồi lại trở ngược theo chân người bán buôn. Chị thương Đạt cũng bởi vì ưng quá chiếc nón ánh lên dưới nắng trời hình ảnh cầu vòm gỗ mái ngói bắc ngang con mương, anh nhảy xe chở tuốt vô Mỹ Trà làng chị rao bán.
“Trời đất, mô chừ mới thấy một ông trẻ bán nón duyên như rứa”, làng trầm trồ, chị cũng trầm trồ. Rứa là hẹn ước theo về Thạch Lâm.
Chị vẫn luôn tò mò, lòng hỏi lòng nếu mình còn má thì ra răng. Má chị đã nằm lại trên đất đồi làng ở tuổi hai mươi chín. Ngày sinh chị cũng là ngày giỗ má. Chị không làm biếng, chỉ hơi vụng, có lẽ vì từ nhỏ đã được ba và hai anh cưng chiều như để bù cho quãng đời con nít o oe trên tay ba chạy dài xóm bú thép. Làng chị là xứ mía và đường tán. Đời chị quen ràn rạt cỏ mía từ hừng đông những ngày sau tết cho tới ngào ngạt đường non trong chảo gang. Dù ba giành miết “để ba”, chị vẫn đành hanh đòi đạp mía, đổ đường miệt mài.
Làm dâu má, đôi tay thô kệch rám nắng của chị đưa những mũi cước nguệch ngoạc không đường chẳng lối, thon thót đợi những càm ràm. Rứa mà về đường chằm nón, má lại dịu dàng, kiên nhẫn với chị hết sức. Từ chọn vải cotton trơn búi thành nùi đặng ủi lá nón mỏng như giấy quyến trên miếng gang nung nóng bằng than củi cho thiệt phẳng phiu trắng xanh mát dịu tới lợp lá, rồi nứt vành, quét nhựa thông… má vừa làm, vừa nói, giọng ấm, nhẹ và trong. Thấy má như rứa, chị thích lắm, lại bớt sợ, mè nheo: “Nữa đi má, má nói nữa đi, con nghe nề”. Hình như má khẽ cười dưới vành nón.
Một bữa, có đám người lạ mặt ào vô đập cái rầm tờ giấy lên bàn. Giấy trắng mực đen, dấu ngón cái đỏ rõ ràng. Đạt đã cầm cố căn nhà mất rồi, lại cầm cố chỗ cho vay lãi nặng, thiệt cạn đường lui. Má sửng sốt, hỏi: “Mấy anh có lộn không, đời thuở nào thằng con tui lại lừa vợ trốn má làm cái chuyện tày đình như ri? Mà, giả dụ là hắn đi, thì cũng đâu có chuyện chi phải cần tiền nhiều rứa”. Tay cầm đầu hất hàm trề môi trên thành cái cười khó đoán định: “Ở nhà, thằng con bà ngoan lắm hả? Bà già ơi, ở nhà tôi cũng ngoan nề”.
Chị tưởng lúc đó má sẽ bật khóc hoặc có thể quờ quạng tìm chỗ dựa nhưng rất đột ngột, bà sừng sộ: “Bộ tưởng dễ ăn hiếp mà cầm mấy tờ giấy lộn tới đây giựt nhà hả, bớ người ta!”. Phản ứng của bà chỉ khiến những kẻ lạ mặt ngớ ra vài phút, sau rốt thì cười hô hố với nhau. Vịn chặt vai má, chị mím môi, hình như đã hiểu ra cớ sự. “Quế ơi, chồng bây mô rồi, kiếm hắn về cho má, kiếm hắn về gấp!”, khi bọn họ đã kéo đi, bỏ lại đằng sau mấy câu đe nẹt “nội trong ba ngày phải biến khỏi nhà tụi tôi”, má chỉ thốt lên được bấy nhiêu rồi ngã khuỵu. Chị đưa tay đỡ má, cảm nhận sức nặng tuyệt vọng của cả hai người phụ nữ. Chính chị cũng chao đảo sắp ngã.
***
Lẽ ra chị phải biết từ trước đó lâu hơn mới phải. Như bữa khuya Đạt lầm lũi ngồi một mình trên bến xe thị trấn, báo hại chị hớt hải chạy kiếm cả buổi tối. Khi không Đạt tập tành rít xì gà, hỏi chi chơi sang rứa thì cười: “Cho biết với người ta”. Một bữa khác, Đạt trầm trồ: “Chạy xe đi bán ra ngõ phố nghĩ tủi, mấy cái nhà xây bự chảng tê biết khi mô mình mới có được” rồi bâng quơ: “Thằng bạn nhờ đánh bài mà chớp mắt giàu nứt vách, còn mình cứ nón, nón, rồi lại nón, chán òm!”. Chị chẳng được học nhiều nhưng cái vụ say bài bạc tới tan nhà nát cửa thì đã nghe qua không ít.
Từ bận người lạ kéo đám tới xiết nhà, Đạt không về nữa. Cu Thành chưa tròn tuổi. Má con, bà cháu xất bất. May còn thẻo đất nhỏ bên rìa làng cất cái chòi chui rúc qua ngày. Má tạm ngừng chằm nón. Người đàn bà gần một đời chưa đi mô xa quá nhà trăm cây số đường, rứa mà nhảy xe lang bạt từ miền Trung vô tới trong Nam gầm trời chiếu đất, tay cầm chặt tấm hình cưới của con, níu vạt áo từng người qua: “Coi giùm tui có từng gặp hắn ở chỗ mô”. Chị cũng nhất quyết bồng con gói ghém theo má, cứ sau vài tháng chằm nón kiếm được đôi đồng là đi. Cu Thành hai, ba, rồi bốn tuổi, Đạt vẫn chưa về. Con hay cảm sốt, chị nát lòng giận Đạt chớ không trách. Chị biết Đạt chẳng phải mưu cầu bạc vàng cho oai, chỉ là thấy má, thấy vợ cực quá, đâm ra xót, lỡ ném lao nên hăng máu theo lao.
Giữa cuộc tìm mịt mù là một dấu hiệu khác. Đôi bàn tay gần cả đời thanh thoát chớp mắt cái lóng ngóng không ủi nổi mớ lá nón nhăn nhúm. Má ngồi nghỉ mệt mà chân run cầm cập như mùa đông đột ngột lùa qua manh áo tơi. Thắt thẻo chiều quê, chị nương mình bên triền sông vắng, tia nắng cuối ngày chẳng đủ hong một trái tim xa xót. Chị lại chạy dài làng trên xóm dưới như đã từng những ngày xưa, chỉ khác hồi nớ được ba bồng, còn chừ mình chị đơn độc hỏi thăm người quen và người lạ chỗ mô trị Parkinson tốt nhất.
Chị phụ đóng tấm bảng gỗ ngoài ngõ nhỏ, đòi làm hết mà má đâu chịu. Đó là khi chân má run nhiều rồi, chỉ nhích một bước đã mỏi mòn đau. Chị cũng bấm bụng, thôi, người còn thương sẽ tự tìm lại. Má viết nguệch ngoạc dòng chữ. Hồi sau, cu Thành đi học về ngang qua, thấy bà nội đứng tần ngần kế tấm bảng thì đòi dừng lại để đánh vần: “Má với con Quế vẫn chờ đây nghe, Đạt ơi”. “Đạt là ai rứa, má?” - cu Thành cắc cớ hỏi. Chị rấm rứt khóc, nghe má ủi an: “Chắc mai mốt hắn về”.
Có má kề bên chỉ dẫn, chị đã dần tự tin chằm được những chiếc nón dịu dàng thanh mảnh. Thành càng lớn càng giống ba như tạc. Thằng bé lanh lợi, tới lui không chừa ngóc ngách nào, gặp du khách nước ngoài là toe toét cười, miệng nói tay chỉ “My house”. Người làng Thạch Lâm khen: “Cái thằng rứa mà được. Có hắn, má con chị Thương đỡ buồn”. Má đã thôi xét nét tiểu tiết, thi thoảng chị bắt gặp bà hấp háy mắt cười, vò đầu tóc bù xù khét lẹt mùi nắng của đứa cháu nội.
Chị không cho phép mình ngơi tay, chị phải làm thiệt nhiều đặng có tiền thuốc thang cho má, đặng tránh những chiều tắt nắng buồn lòng trách người biền biệt. Mấy món bánh quê mùa là do mấy dì đầu làng hướng dẫn chị. Tính ra, từ độ làm dâu, chị đã được Thạch Lâm cưu mang y như Mỹ Trà ruột thịt. Chẳng phải rứa mà đợt má con chị ngơ ngác bước chân ra khỏi nhà cũ, làng chẳng xì xầm mai mỉa chi, mỗi người một tay lo bện tranh lợp mái, cắm cọc đào đất trồng luôn cho hàng chè tàu để hồi về sau cứ cuối Chạp chị lại cầm kéo ra cắt tỉa gọn ghẽ. Má nói chỉ trừ làm chuyện bạc ác hại tới mạng người, còn thì mọi thứ đều không quá muộn để quay đầu sửa chữa. Hàng chè tàu xanh ngút mắt mà sạch sẽ cũng là lời má muốn nhắn tới Đạt rằng nhà vẫn ổn, má và chị vẫn chờ.
***
Năm tê, có cô phóng viên ngoài thành phố ghé hỏi chuyện chằm nón. Chị tỉ mẩn từng khâu, cô gái trẻ đang bấm máy lia lịa chợt khựng lại. Hình như khoảnh khắc bắt gặp người bà tóc bạc dựa vai đứa cháu đầu xanh chao nghiêng bóng nắng ngoài hàng rào, tay run run miết lên tấm bảng đã phai màu khiến cô bùi ngùi, trước lúc rời đi đã thỏ thẻ bên tai chị có thể đăng tấm hình nớ lên báo không. Chị tần ngần mấy phút rồi gật.
Ngâm chân xong, má ngủ được giấc ngon tới tận hừng đông. Lễ cúng Tổ nghề đã qua, chị thảnh thơi loanh quanh quét tước, lau chùi bàn thờ ông bà và ba chồng. Ba chồng mất giữa mùa bão năm 1999, còn lại má nuốt ngược nước mắt nuôi Đạt. Chị hay hỏi lòng những chiều ngồi chằm nón một mình, chắc má buồn biết mấy khi ngước lên không còn thấy người đã cùng qua thăm thẳm bể dâu. Rứa mà Đạt còn bỏ má đi, tệ thiệt chớ! Lại nghĩ lung, chị lắc đầu lia lịa. Ba chị rất xót con nhưng ông làm thinh, bỏ ngoài tai những khuyên can: “Đón con Quế đi, bỏ ngoài nớ tội nghiệp”.
Bận chị về, hai ba con lặng lẽ lên đồi thăm mộ má. Giữa chiều gió lộng, ba thủng thẳng: “Chị sui có ra thưa chuyện, nhận con dại cái mang, nếu ba bắt con về cũng không dám trách hờn chi. Răng mà rứa được. Ba còn vợ chồng thằng Hai, thằng Ba, chớ chị sui có mỗi má con bây. Thôi, cứ ở ngoài nớ đừng lăn tăn chi con, không chừng mai mốt hắn nghĩ lại mà về”.
***
Một chiều vàng ươm nắng mà hơi se lạnh, chị choàng quanh cổ má chiếc khăn len ấm mới đan, dìu từng bước chân bà tới trước bàn thờ thắp nhang ông bà cho nhà ấm cúng. Thành ù té chạy vô từ đầu ngõ, chưa thấy người đã nghe tiếng rối rít:
- Có chú ni muốn đổi cái nón má tề.
- Đổi chi rứa?
- Một chậu bông đẹp mê.
- Ủa, mà răng khi không đòi đổi nón. Cây nớ chắc đắt hung.
- Con biết mô, chú nớ đầu tóc bù xù y chang con nề, nói vành nón nghiêng nghiêng làm tôi nhớ má, nhớ vợ con tôi quá. Kỳ thiệt chớ!
- Mô, để má ra coi - đoạn tường thuật của Thành khiến hai chân má líu ríu cố xoay người dấn bước.
Tim chị chộn rộn như reo.
Thảo Nguyên