Truyện ngắn - Biển đêm

10/08/2023 - 07:29

PNO - Biển tĩnh lặng một cách kỳ lạ. Bãi biển này lúc nào cũng đông nghẹt khách, nhất là mùa du lịch, giờ tĩnh lặng đến gần như không nghe tiếng sóng.

Không hiểu sao con nước rút xa tới mức không bình thường vào cái tháng hè nóng gắt này. Gió cũng lặng. Dường như trước mỗi cơn bão, biển cũng giống con người, phản ứng tê liệt và chìm đắm vào sự tĩnh lặng vô hình đến đớn đau.

Minh đi chậm dọc mép nước. Hơi ấm của mặt trời dường như còn ủ trong từng hạt cát li ti, ươn ướt cạ vào lòng bàn chân. Những con sóng gờn gợn từng nhịp vỗ nhè nhẹ không đủ tạo nên âm thanh rì rào. Ngực Minh ươn ướt. Anh không phân định được đó là mồ hôi hay hơi muối từ biển phả lên. Hõm cổ dinh dính. Thứ cảm giác giống ngày Như từng gục vào và rồi bất ngờ, những nụ hôn ướt và nước mắt cô cùng đậu trên đó. Ngày ấy, da thịt anh cũng nóng dính và đau đớn y như lúc này. Nhưng hình như so với sự trống trải trong lòng Minh bây giờ, nỗi đau ấy còn dễ chịu hơn nhiều. 

“Như ơi, giờ này em ở đâu?” - những lời Minh thầm hỏi trong lòng bấy lâu nay dường như vừa bật ra khỏi miệng. Có vẻ nó luôn chực chờ khi Minh đứng đúng nơi ấy, vào một ngày nước ròng không gió như hôm ấy, nỗi đau trong lòng sẽ giống như trái cây cuối cùng chín rụng…

Gió thổi khe khẽ, sóng ập òa đến. Minh đi như trôi theo những cảm xúc mà không để ý đến sóng từ xa đã tiến những lọn dài liếm sâu hơn vào bờ cát. Như bị đánh thức bằng những ký ức, Minh ngồi thụp xuống cát. Anh khóc như một đứa trẻ trút ra những oan ức đau khổ, nín chịu áp lực. Mặc cho sóng mỗi lúc một xô tới sâu hơn, anh vẫn ngồi hứng từng cơn sóng. Nước mắt hòa vào nước biển có vị chát. Mắt Minh cay xót nhức nhối không biết do cát hay do những mảnh vụn vỡ chất chứa bấy lâu được tuôn ra.

Cách đó không xa, cô gái gầy gò trượt khỏi cây nạng, đổ người vào gốc dừa nghiêng theo dốc cát. Bên chân lành lặn còn lại của cô như không còn sức lực, sụm xuống gốc dừa già trơ rễ cứng. Cô vươn bàn tay run run về hướng người đàn ông đang chìm vào từng cơn sóng biển như muốn gọi, muốn níu lấy anh nhưng rồi cánh tay lại buông thõng xuống. Đôi vai tựa vào gốc dừa run run theo từng tiếng nấc. Lời thì thào của cô nhỏ hơn tiếng gió đang trở mình vít từng tán dừa trên cao: “Minh ơi, hãy tha lỗi cho em! Hãy quên em đi!…”.
***
Bà Nguyệt đang hí húi phủ vuông khăn mùng lên ang ủ mắm nhỉ thì nghe tiếng máy xe nổ bình bịch ngoài cổng. Xe thằng Minh đây mà! Tim bà như thắt lại. Không biết vì mừng hay lo sợ, buồn rầu mà nó cứ thít lấy ngực khiến bà khó thở.

Lâu lắm Minh không về nhà mà bà vẫn nhớ tiếng máy xe của nó. 4 năm, cứ nhớ con, bà lại tay xách nách mang lên căn hộ của nó, lui cui dọn dẹp căn phòng chung cư bừa bộn y như ngày nó còn là sinh viên đầu bù tóc rối với những bản vẽ la liệt. Nó đổ sức làm việc như điên như dại. Thương con, bà chỉ lẳng lặng chăm sóc con. Tuyệt nhiên bà không nhắc một lời đến vết thương trong lòng con. Bà hiểu, trong lòng Minh, nỗi đau cũng nhiều ngang tình yêu thương nó dành cho bà. Thằng bé ấy y như cha nó - nặng tình nhưng không bao giờ biết trút ra. Chắc nó thấy được hết sự nín chịu của bà nên nó áy náy nhiều lắm. Hôm nay nó trở về nhà, hẳn vết thương lòng đã nguôi ngoai.

Ngó lên ban thờ cha thằng Minh, bà càng rối bời hơn nữa. Bà thương con thắt dạ. Nhìn con đau khổ bởi mối tình đầu bị cắt đứt một cách phũ phàng đúng lúc nó chịu nhiều áp lực tốt nghiệp đại học, đã có lúc bà muốn nói ra sự thật để con bớt đau khổ. Nhưng rồi, có thể vì ích kỷ, bà chỉ nghĩ đến tương lai con, đến trách nhiệm nội tộc đứa con trai độc đinh của bà phải gánh vác. Điều đó khiến bà lại im lặng. Người mẹ nào chẳng thương đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Bà cũng thương con bé Như vô cùng.

Thương bao nhiêu, bà lại áy náy bấy nhiêu. Sự im lặng của bà chẳng khác chồng thêm vết thương lên người con bé đành rằng chính nó yêu cầu bà làm điều đó. Không, đúng hơn là nó cầu xin bà giúp nó. Điều đó làm con trai bà đau khổ nhưng lại bảo đảm tương lai con bà tốt đẹp hơn là ở bên cạnh Như. Con bé đã chọn sự hy sinh ấy như món quà lớn nhất cho con trai bà. Bí mật bà hứa giữ giống như hòn than nhỏ ủ kín trong lớp tro mịn lý trí cứ âm ỉ thiêu đốt lương tâm…

Minh đẩy xe vào góc sân, dưới giàn hoa giấy màu xác pháo chồng bà trồng trước năm ông mất. Mỗi mùa mưa, bà lại nhờ người cưa phần ngọn cụt để cái cây mãi mãi cao bằng với giàn khung cũ. Những chùm hoa cứ rực trong nắng gió che mát những trưa, những chiều bà thờ thẫn nhớ chồng, nhớ con…

Cái thằng, chừng đó năm không về, giờ vừa chạm sân đã liến thoắng như mới vừa tan buổi học sáng nay. Nó làm như không hề có 4 năm vật vã, câm lặng lao đầu vào công việc nơi thị thành. Có lẽ lòng nó đã thông suốt về sự ra đi của con Như. 

Khu vườn nhỏ thường ngày mình bà, cứ tối xuống lại như rộng thênh ra, hiu quạnh, giờ có bóng Minh bỗng như bé lại. Bà ngồi lúi húi ngắt đọt lang dưới ánh sáng vàng vọt từ bóng đèn trên cây cột điện ngoài đường cái hắt qua hàng rào. Đầu vườn bên kia, gần mé hiên bếp, Minh soi đèn điện thoại ngắt những trái ớt nhỏ. Khoảnh ớt ấy luôn đầy những cây ớt hiểm mà hạt giống đầu tiên là từ cây ớt con bé Như mang về. Bà luôn giữ lại những trái ớt chín già nhất, treo khô rồi khi cây cũ gần lụi, bà lại gieo hạt để nối tiếp một hàng ớt mới. Vị cay và mùi thơm của những trái ớt vàng là thứ thằng Minh từng nghiện nhất kèm theo những món cơm nhà…
4 năm rồi nó bỏ ăn thứ ớt ấy.
***
Khói bếp làm bà Nguyệt cay mắt. Thằng Minh rất thích mùi thức ăn ám khói củi nên bà nhóm lửa luộc rau. Cả con bé Như cũng thế. Ngày đưa nó về đây, bà đã nhóm củi nấu cháo cho nó ăn hàng tháng trời. Những cuộc phẫu thuật chạy trốn căn bệnh quái ác vắt kiệt sức sống trong cơ thể thanh xuân của nó. Nhưng có lẽ cú đánh khủng khiếp nhất của số phận là trước cuộc đại phẫu sau cùng, người thân còn lại duy nhất là mẹ nó cũng ra đi mãi mãi.

Những người độc miệng không ưa cha con bé rỉ tai nhau những lời cay độc, rằng nhà ấy ăn ở thất đức nên con cái lần lượt chết trẻ. 2 thằng con trai cứ tới cấp III thì phát bệnh rồi chết. Bà Hiền - mẹ Như - là bạn học của bà, từng là hoa khôi của trường với bao người theo đuổi. Bạn bè ai cũng thương cảm cho số phận của bà ấy vì đã lựa chọn cha con bé - anh cán bộ đoàn năng động tháo vát nhưng nuôi tới 2 đứa em bại liệt.

Hết chăm 2 em chồng rồi lần lượt chôn họ, tiếp tục chăm các con trai bệnh rồi lại tự tay đắp mộ cho con, bà Hiền đã trút cạn sinh lực vào những cái chết liên tục của con rồi tới chồng mình. Có lẽ vì sự sống của con bé Như mà bà ấy mới gắng gượng. Nhưng rồi cơn đột quỵ đã đem bà ấy đi theo chồng con ngay trên đất khách quê người, để lại con bé cút côi vừa vượt qua cửa tử…

Minh ngồi xuống cạnh mẹ, hít hà mùi gian bếp rồi nói nhỏ:
- Từ giờ, con sẽ về thăm mẹ thường xuyên. Mấy năm nay con có lỗi với mẹ nhiều. Ngày mai, con ra thăm mộ cha rồi kêu thợ về sửa lại gian nhà phụ bên nhà thờ họ. Một mình chăm lo từ đường bao năm nay, chắc mẹ mệt lắm rồi…
- Bên ấy mẹ đã sửa sang lại từ năm ngoái rồi. Cả gian thờ lẫn gian phụ. Con không phải lo đâu.
- Sao mẹ không cho con hay? Con không thấy mẹ nói gì nên cứ nghĩ bên ấy chắc hư hại nhiều rồi…
- Đúng là có hư hại. Mái bị bão thổi bay mất ít ngói, máng xối hư, nền ngấm. Vì thế mẹ đã cho sửa sang lại hết. Thôi, mẹ con mình ăn cơm đã. Ăn xong, mẹ cần nói với con vài chuyện.

Minh bưng đĩa rau lên bàn ăn. 2 chén cơm đầy và thêm 1 bộ chén đũa chỗ trước đây cha Minh vẫn ngồi. Không gian này không khác gì lúc xưa ngoại trừ đôi mắt Minh giờ thăm thẳm khi nhìn về phía bức tranh treo trên tường phòng khách. Bức tranh vẽ bình minh trên bãi biển có con đường dốc với những gốc dừa. Nơi cây dừa nghiêng xõa gần viền cát, thấp thoáng bóng một thiếu nữ nép bên thân dừa mái tóc tung bay…

- Minh à, chuyện mẹ cần nói với con là về con Như… 
- Mẹ nói gì? 
- Bình tĩnh nghe mẹ nói. Con nhớ 2 người anh con bé chứ?
- Dạ, con nhớ. Họ đều lần lượt bệnh rồi mất năm bọn con học cấp II.
- Rồi cái chết của cha con bé sau đó nữa.
- Dạ. Lúc đó bọn con học lớp Mười một.
- Con có biết vì sao người nhà con bé cứ lần lượt chết như thế không?
- Họ bị ung thư, mẹ cũng biết mà.
- Đúng vậy. Nhưng nguyên nhân gây ra căn bệnh ấy và vì sao cả gia đình nó đều mắc giống nhau thì con không biết, đúng không? Do chất độc dioxin. Ông nội con bé ngày còn trẻ làm phu rừng vùng Tây Nguyên. Khi ông ấy chết, cha con Như mới gần 10 tuổi. Nhà họ 3 người con thì may có cha con Như là khỏe mạnh, 2 người em đều nằm liệt. Lúc đó, đâu ai hay sau này đến thế hệ cháu cũng mang bệnh.

Minh buông đũa, buớc vội vòng qua bàn sang phía mẹ, nắm 2 vai bà Nguyệt. Khuôn mặt anh trắng bệch, đôi mắt nhìn mẹ nửa đau đớn, nửa hoảng hốt:

- Vậy còn Như? Ngày ấy Như chia tay con không phải vì cô ấy theo người ta làm dâu bên Singapore sao? Chính mẹ cô ấy cũng bảo con là mẹ con họ được nhà chồng Như bảo lãnh định cư bên ấy…
- Lúc đó, con vừa chịu tang cha con, vừa căng thẳng việc tốt nghiệp nên cô Hoa và mẹ cùng con Như gạt con không khó.

Mà con tin cũng phải thôi, bán hết nhà cửa rồi đi biệt tích thì sao không tin cho được…
- Rồi giờ Như sao hả mẹ? Có phải… 

Minh ngồi thụp xuống đất. Nỗi sợ hãi và tia thất vọng ánh lên trong đôi mắt đau khổ nhìn mẹ. Bà Nguyệt vội cúi ôm con vào lòng. Những giọt nước mắt ấm rơi xuống vai Minh:
- Mẹ có lỗi vì đã ích kỷ. Mẹ đồng ý đóng kịch cùng nó và cô Hiền để gạt con. Đó là ý của con bé trước khi đi Singapore phẫu thuật. Lúc phát hiện có tế bào ung thư xương, nó đã mang hồ sơ y tế sang đây ngủ với mẹ 1 đêm. Nó không muốn cản bước con, không muốn con đau lòng, bất hạnh vì bệnh nó quá nặng. Lúc đó đã biết nếu phẫu thuật và xạ trị thành công thì nó cũng không còn khả năng sinh con…

- Sao bây giờ mẹ lại nói cho con biết? Như còn sống đúng không mẹ?

- Khi cô Hiền mất bên đó, bệnh viện gọi theo số điện thoại duy nhất con bé Như lưu trong máy là số của mẹ. Nó thường gọi mẹ để hỏi về con. Mẹ đã sang đó đón nó về bên này khi nó ổn định. May phước, sau 2 lần cắt chân, truyền thuốc, con bé đã không còn tế bào ung thư nữa. Nhưng…
- Nhưng sao mẹ? Giờ cô ấy ở đâu?
- Giờ con bé không còn như xưa nữa. Con có còn thương Như nếu nó tàn tật và không thể sinh con?

- Khi nói ra chuyện này hẳn trong lòng mẹ đã có câu trả lời. Con vô cùng biết ơn tấm lòng của mẹ dành cho Như và cô Hiền. Con hiểu cả nỗi khổ của mẹ khi con là đứa con duy nhất của cha mẹ, của dòng họ. Nhưng mẹ ơi, Như còn sống và trở về được thì con sẽ không xa cô ấy nữa đâu. 

Bà Nguyệt đưa tay lau mắt, ngước nhìn bức tranh trên tường phòng khách. Bức tranh ấy con trai bà vẽ cách đây đã nhiều năm. 

- Giờ này chắc con bé ở chỗ đó. Hoàng hôn nào nó cũng từ nhà phụ bên nhà thờ tổ lần theo con dốc xuống cây dừa ấy…
- Từ hôm nay cô ấy sẽ không xuống biển buổi tối nữa đâu. Bọn con sẽ đón bình minh mỗi ngày mẹ à!

Bà Nguyệt nhìn theo đôi chân Minh sải dài ra cửa, rồi bóng con chạy về hướng biển. Bà thở dài, nhìn sang phía bộ chén đũa bên cạnh nói nhỏ:

- Ông hãy hiểu cho tôi. Chỉ có như vậy thằng Minh mới hạnh phúc. Chỉ có như vậy tôi mới nhẹ lòng. Mình cũng từng yêu nhau như thế, ông còn nhớ chứ?

Ngoài kia, tiếng sóng như lồng vào từng ngọn gió thổi mát rượi trên những tán dừa. Cát như nuốt lấy từng sải chân hối hả của Minh. Biển đêm lấp lánh màu bạc phản chiếu ánh sao xa, giống màu mắt người con gái anh yêu đang sững lặng dưới gốc dừa nghiêng. 

Nguyễn Thu Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI