PNO - Tôi từng ở bên trong các tòa nhà thênh thang, những căn phòng náo nhiệt, bị mê hoặc bởi kết cấu tinh xảo. Thế nhưng nơi đây, một căn phòng như thuộc về quá khứ, tôi bỗng tìm thấy sự cân bằng và dễ chịu không ngờ.
Theo dòng người cuồn cuộn, tôi trôi ra bên ngoài ga đến. 12 giờ khuya. Trên vỉa hè, những gương mặt nôn nóng về nhà. Tiếng người gọi nhau, tiếng trao đổi trên điện thoại, tạo nên lớp màn âm thanh dày đặc. Từ phía sau chợt vang lên tiếng kêu thảng thốt. Một xe đẩy hành lý tuột tay khi đổ dốc, xô thẳng vào lưng khiến tôi mất thăng bằng. Kính cận và điện thoại văng giữa mặt đường. Ai đó quát tháo việc tôi đứng chắn lối đi. Tôi mò mẫm nhặt mấy thứ vỡ nát, cố trấn tĩnh để không nổi điên với tình thế lố bịch. Quay trở về lối thang bộ, tôi xách vali đi xuống tầng dưới trạm đón, băng qua dải phân cách, theo mũi tên chỉ lối bộ hành ra ngoài khu vực sân bay.
Lờ mờ hiện ra cảm giác bất ổn. Thay vì ra cổng, tôi lê bước đến tiệm cà phê cuối đường. Cơn đau khiến mọi vật biến thành các hình khối hỗn độn. Gọi cốc expresso mang đi, tôi đề nghị được sử dụng nhà vệ sinh. Người đứng sau quầy pha chế chỉ về cánh cửa gỗ.
Tranh minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần
Trong khoảng không hình ống chật hẹp, tôi bật công tắc điện, cởi áo ngoài, kiểm tra vùng mỏm xương bên dưới thắt lưng. Cú va chạm có vẻ nghiêm trọng. Khi tôi thử cúi xuống, cơn đau dữ dội tưởng chừng bẻ tôi gãy vụn. Túi áo khoác có sẵn vỉ thuốc hạ sốt và giảm đau, tôi nuốt hai viên, uống thẳng nước từ vòi. Bám tay lên bồn rửa kim loại, tôi cứ gập người như thế, run lẩy bẩy. Ai đó gõ cửa. Tôi im lặng không đáp, tháo kính, chùi sạch lớp mồ hôi ẩm lạnh. Trong chiếc gương bên trên bồn rửa, đôi mắt xa lạ nhợt nhạt nhìn tôi trừng trừng. Ngoài căn hộ thuê hai tuần đã thanh toán trước, tôi không có liên hệ nào tại đây. Trong cơn phấn khích mua vé bay thẳng về Sài Gòn nghỉ đông, tôi đã quên khuấy việc mua bảo hiểm rủi ro như tai nạn hay nhập viện.
Thuốc đã ngấm. Tôi ra khỏi phòng vệ sinh. Bên ngoài tối om. Vali cùng cốc cà phê của tôi bị đẩy ra ngưỡng cửa. Người của tiệm không thấy đâu. Ở khoảng trống giữa hai ngọn đèn cao áp, chiếc xe buýt nhỏ chạy nối sân bay và trung tâm thành phố vẫn mở cửa chờ khách. Tôi quyết định lên xe công cộng thay vì ra ngoài sân bay tìm taxi. Ngay lúc xe chuẩn bị sập cửa, một bóng hình cao lớn bước lên.
Bọc quanh anh ta, mùi cà phê tựa chiếc kén trong suốt dịu ngọt. Người pha chế ban nãy. Tôi chờ câu hỏi về cốc expresso chưa thanh toán. Nhưng anh ta chỉ ngồi xuống, tựa vào lưng ghế, đầu gối tình cờ chạm vào chân tôi. Xe chuyển bánh. Bất giác, tôi làm theo cách anh ta đang làm, thả lỏng, tận hưởng tiếng rì rầm của động cơ. Khung cảnh hai bên đường vùn vụt lướt qua.
Tôi đang trở về nơi tôi sinh ra. Tôi từng ở bên trong nó, nhưng giờ đây tôi chẳng biết gì về nó. Mỗi lúc bánh xe nảy mạnh trên vạch giảm tốc, mồ hôi lại túa dọc sống lưng. Đúng lúc ấy, một tiếp xúc ấm nóng, bắt đầu từ ngón tay. Theo cách tóm giữ con cá đang lịm dần giữa vùng nước giá buốt, người đàn ông trẻ tóm giữ tay tôi trong suốt thời gian cả hai trên xe buýt rồi chuyển qua taxi, không một tích tắc lơi lỏng hay buông rời. l Tôi mở mắt trong căn phòng lạ, sau giấc ngủ dài. Người đàn ông trẻ đưa tôi về nhà anh ta, hẳn vậy. Bác sĩ gia đình đến thăm khám thương tích, tiêm hai mũi. Họ còn trao đổi gì đó thì tôi đã thiếp đi. Điện thoại, tai nghe, gọng kính của tôi đặt bên gối. Trên trần, chiếc quạt cánh sắt cổ lỗ thả xuống hơi mát dễ chịu. Cửa sổ gần như choán hết mảng tường. Bức sơn mài gần đấy vẽ mấy hình kỷ hà lu mờ, một mảng dát vàng lấp lánh tựa đốm nắng. Một bản nhạc vọng đến, đưa tôi quay về chương trình FM chiều thứ Bảy, những khúc ca nồng nhiệt gắn với quãng ngày niên thiếu vô lo.
Bấy giờ tôi ở trong ngôi nhà của ba mẹ cùng anh chị em ruột. Những đứa trẻ đang lớn cùng các nhu cầu bất tận buộc người lớn làm lụng không ngừng. Nhưng tiền bạc chưa bao giờ là vấn đề cay cực trong ngôi nhà tuổi nhỏ. Những bộ phim cuối tuần. Những bộ sách tranh mua ở cửa hiệu gần nhà. Tôi tin rằng thế giới này là nơi chốn an toàn. Quan hệ tình thân nghĩa là người này bảo vệ người kia khỏi các hiểm họa.
Cùng gia đình ra nước ngoài định cư, học hành rồi có bạn trai, tôi tiếp tục niềm tin ngây thơ ấy, ở mức sâu hơn, rằng người này với người kia là tập hợp hết thảy những điều cần thiết, không gì xen vào. Tuy nhiên, khi tôi đề nghị chuyển đến sống chung, bạn trai bảy năm đột ngột biến mất. Thêm vài mối quan hệ nữa, ít kỳ vọng hơn, hết thảy đều hỏng hóc vì các lý do vụn vặt.
Sau khi ba tôi mất ở công trường xây dựng, rồi mẹ tôi suy sụp qua đời không lâu sau đó, khoản thừa kế lớn cuốn anh chị tôi vào xung đột triền miên. Dĩ nhiên các sự cố chẳng làm tôi gục ngã. Có chút tên tuổi trong lĩnh vực hiệu ứng hình ảnh phim, tôi kiếm tiền khá tốt, đủ để thuê căn hộ tiện nghi, tham gia mấy hội nhóm thú vị. Tuyệt hơn cả, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể đóng tài khoản và biến đi thản nhiên. Sự có mặt hay vắng mặt của tôi không ảnh hưởng đến chung quanh. Nhận biết này mang đến cảm giác tự do tuyệt diệu, nhưng nó có gì đó sai lạc, với tình thế của tôi lúc này.
Cửa phòng hé mở. Người đàn ông trẻ mang vào khay thức ăn, đặt nó lên chiếc bàn thấp dưới chân tôi. Anh ta điều chỉnh nâng đầu giường cao dần, giúp tôi ngồi dậy. Cháo cá rắc tiêu. Cải xanh hấp. Khoai lang luộc. Mùi vị thức ăn choáng ngợp, mang đến cảm giác phấn chấn. Tôi cười nhẹ với chính mình. Người đàn ông trẻ cười theo, hài lòng cho biết mẹ anh ta nấu riêng cho tôi, khẩu phần người ốm.
Lúc còn bé, khi đau bệnh, anh ta hồi sức nhanh nhờ mấy món này. Cách phát âm rành mạch và từ tốn, như thể từng lời được cân nhắc kỹ. Ở khoảng cách hẹp, gương mặt trực diện của anh gầy trơ xương, tóc cắt sát da đầu, mũi và xương hàm sắc lẹm, đôi mắt rộng chăm chú. Sự pha trộn giữa lạnh lẽo và yếu mềm, giữa quan tâm và kiêu ngạo. Áo anh ta mặc rất sạch, không mùi. Thiết bị công nghệ đều thuộc hàng cao cấp. Thật khó để xếp anh ta vào nhóm người cụ thể.
Tôi bắt đầu với một muỗng cháo. Cảm giác bỏng rát thoáng qua nhường chỗ cho hương vị dịu dàng. Lần lượt từng món được ăn sạch. Tôi biết các hương vị này, từ ngày còn sống trong gia đình. Có lẽ tôi biết cách nấu chúng, nhưng các việc quan trọng hơn cuốn tôi đi. Tôi bỗng thấy lại chính mình, bé nhỏ, ngồi bên bàn cùng ba mẹ và anh chị. Khá nhiều thời gian đã mất. Khá nhiều điều đáng giá bị bỏ qua.
Mắt tôi mờ đi. Người đàn ông trẻ hỏi có muốn rửa mặt không? Tôi gật. Với sự nhẹ nhõm khó tin, anh ta luồn tay dưới lưng và khoeo chân, nhấc bổng tôi lên. Phòng tắm cuối hành lang. Xà bông, khăn mặt, khăn bông lớn đặt sẵn trên thành bồn phủ gạch mosaic. Nước mở sẵn tràn đầy. Giúp tôi tháo bỏ trang phục ngoài, anh ta nhìn lại một lượt để không có gì sơ suất, rồi rời đi. Cơ thể đơ cứng trong nỗi ngượng ngập. Tôi cởi nốt chỗ quần áo còn lại, trườn vào làn nước ấm. Bề mặt da bắt đầu thích ứng với nhiệt độ của nước, mềm mại hơn. Dù vậy, cử động của chân vẫn khó nhọc. Ra khỏi bồn tắm, tôi chỉ đứng vững chốc lát lúc mặc quần áo sạch, rồi ngã khuỵu xuống sàn. Gần như tức khắc anh ta hiện ra, đưa tôi quay về giường. “Mẹ tôi sẽ giúp cô mấy việc này lần sau, được chứ?”. Tôi đồng ý, dĩ nhiên.
Một nạng chống sẽ hữu dụng cho tôi. Tuy nhiên, người chủ nhà không xem đó là cần thiết. Anh ta xuất hiện khi tôi cần, mang đến các món tôi đề nghị. Hẳn camera đặt đâu đó trên khung cửa sổ. Chiếc điện thoại vỡ được thay màn hình, nhưng tạm thời tôi không muốn chạm vào. Thiếu kính cận không thể đọc sách, tôi nghe các chương trình âm nhạc từ chiếc radio cũ. Vẻ tĩnh lặng của căn phòng xa lạ hoàn toàn khác biệt thế giới nơi tôi rời đi, đồng thời khôi phục những khoảng ký ức phai mờ. Tôi từng ở bên trong các tòa nhà thênh thang, những căn phòng náo nhiệt, bị mê hoặc bởi kết cấu tinh xảo. Thế nhưng nơi đây, một căn phòng như thuộc về quá khứ, tôi bỗng tìm thấy sự cân bằng và dễ chịu không ngờ. ****
Thời khắc mong đợi trong ngày là lúc chiều muộn. Người đàn ông trẻ vắng mặt. Mẹ anh ta, một phụ nữ mảnh khảnh với mái tóc ngả xám đỡ tôi dậy, dìu vào phòng tắm. Tay bà phảng phất mùi thuốc khử trùng. “Trước đây tôi làm việc ở bệnh viện” - bà giải thích. Nắm khuỷu tay tôi, bà lùi sau một chút, thong thả vừa đủ. Bà giúp tôi tư thế ngồi dễ chịu trong bồn, xoa xà bông bằng miếng xơ mướp qua vết bầm tím. Những ngón tay luồn vào tóc ướt, lướt trên da đầu, thăm dò lưỡng lự vài giây rồi cào nhẹ. Cảm giác êm ái lan tỏa. Tiếp xúc dịu dàng có thật của tay người khua động nỗi nhớ vùi chôn, về mối gắn kết tự nhiên, về sự chở che ruột thịt. Ngật đầu ra sau, nhắm nghiền đôi mắt, lần theo hương thơm xa vắng, tôi ước chìm sâu vào dòng nước này mãi mãi.
Vì con trai về muộn, bà ấy dùng bữa tối cùng tôi. “Thật tốt là không phải ăn một mình”. Bà gật đầu đồng ý. Những món ăn dễ gọi tên, đơn giản và thuần khiết. Có lúc khoang miệng tôi tràn đầy mùi biển. Có lúc ngỡ mình ngồi bên những túm khoai vừa nhấc lên từ đất tươi. Hoặc có lúc lại như đang hít thở giữa vườn cây rậm rạp. Dù mắt không nhìn rõ, tôi vẫn có thể cảm nhận sự tao nhã trong tiếng cười êm nhẹ hay tiếng bước chân từ tốn khi bà di chuyển. Bà cũng là người kể chuyện tài ba.
Từng chặng quá khứ hiện lên sống động. Những đêm trực bệnh viện. Khu chợ đầu mối tươi ngon và giá rẻ mở lúc nửa đêm. Hay một vài tựa sách có thể đọc nhiều lần. Âm sắc giọng nói bà và con trai khá giống nhau. Khác chăng là mùi tỏa ra từ cơ thể họ.
Một đôi lần, ngủ thiếp đi vì mũi tiêm giảm đau, mở mắt tôi nhận ra bà ở trong phòng, bên cửa sổ, gọt trái cây, ghi chép vào quyển sổ trên khung cửa, hay đơn giản là ngồi đọc sách. Tôi thích cách bà đặt vài câu hỏi ngắn về tuổi nhỏ của tôi, về thói quen trong đời sống thực.
Tôi nhớ dòng nhựa chảy ra từ trái xoài xanh hái trên chạc cây, mùi khói xăng Honda Dame ba đón ở trường ngày cũ. Tôi cũng dễ dàng nói về việc hẹn hò chóng vánh qua ứng dụng khi cần một cơ thể cạnh bên, hay ba năm qua tôi và người trong gia đình chưa gặp gỡ… Mái tóc xám bất động, không cắt lời, không bình phẩm. Tôi biết, sẽ không bao giờ tôi được lắng nghe và chấp nhận như thời khắc ấy. *** Người đàn ông trẻ đưa tôi đi chụp X-ray. Vết thương trên lưng hồi phục tốt. Sau đó đến cửa hiệu kính kiểm tra thị lực, lắp kính cận mới. Rồi chúng tôi cùng lên xe buýt điện, vào khu trung tâm. Những con đường thân thuộc như thể mỗi ngày tôi vẫn đi qua. Những khu vực hoàn toàn lạ lẫm, thách thức bởi vẻ hiện đại riêng biệt. Thật lạ lùng khi ghép nối hình ảnh, các mảnh rời của quá vãng và thời khắc hiện tại. Tôi cố gắng miêu tả ấn tượng này với người đồng hành, anh ta nắm bắt dễ dàng.
“Khi cùng lúc có mặt ở hai thời điểm với các biến chuyển quá lớn, theo kiểu một người du hành thời gian, người ta bối rối với câu hỏi thực ra mình là ai”.
“Thực ra anh là ai?”. Tôi cười khẽ, bông đùa.
Người đàn ông trẻ không cười. Anh ta đọc tin trên điện thoại, kiểm tra camera hoạt động quán cà phê. Xuống xe buýt, cả hai ghé một hiệu sách ngoại văn để anh ta lấy quyển sách đặt mua, sau đó đến một nhà hàng nằm giữa con đường trầm mặc. Tôi không chắc mình muốn vào đấy. “Mẹ tôi chưa từng nấu phở. Chủ nhà hàng này là người viết về món phở trong quyển sách này. Tôi muốn nếm thử”. Giọng nói anh ta vang lên lạnh lẽo, cả chút giận dữ.
Món phở thực sự ngon. Đầu bếp nhà hàng xuất hiện, trò chuyện và mời anh ta vào bên trong xem cách chuẩn bị món phở. Trong khi đó, tôi lật mở quyển sách bìa cứng về ẩm thực châu Á, xem từng bức ảnh. Khi tôi tìm đến trang về phở ở nửa sau quyển sách, người đàn ông trẻ quay lại bàn. Một mùi rất mạnh đi theo anh ta. Mùi của nước hầm, dầu mỡ, gia vị… Tất cả được nung chảy, quyện chặt vào nhau dưới hơi bếp nóng. Nhưng bao phủ tất cả, mùi thuốc khử trùng quen thuộc. “Tôi đụng vào mấy thứ trên thớt nên làm sạch tay bằng chai chlorine mang theo” - anh ta giải thích rồi đột ngột im bặt.
Tôi nhắm mắt. Cách phát âm tao nhã ấy. Bóng hình thanh mảnh ấy. Ngồi đối diện tôi vừa là người đàn ông trẻ, vừa là mẹ anh ta.
Tôi đứng lên, ra khỏi nhà hàng.
Thời gian còn lại của ngày, tôi đi vài nơi theo trí nhớ ngẫu nhiên. Sự sống tràn đầy. Các khu chợ huyên náo. Những con đường dày đặc xe cộ. Trong xe hơi, trên xe máy, trong lớp áo chống nắng và khẩu trang, con người không ngừng chuyển động. Thể xác bao bọc tinh thần họ, còn thành phố bao bọc họ. Người ta có thể là bất kỳ ai trong thành phố này, trò chuyện và di chuyển, rời xa rồi quay về… Buổi chiều ngồi trong thảo cầm viên, thiên đường tuổi thơ khi còn bé con, tôi xâu chuỗi dữ kiện rời rạc. Những gì trải qua thật kỳ dị. Nhưng chẳng phải tôi đã hồi phục, mất đi cảm giác thất lạc nhờ được bao bọc trong sự kỳ dị đấy ư?
Tôi đi bộ về ngôi nhà một tầng với cửa sổ rộng. Đứng ngoài hàng rào, tôi nhìn vào. Người đàn ông trẻ ngồi trong khung cửa, không làm gì. Đơn giản là chờ đợi. Mắt chúng tôi gặp nhau. l “Tôi không có mẹ. Bố mẹ tôi chia tay năm tôi ba tuổi. Tôi sống cùng bố. Bố tôi dạy đại học, thành thạo trong lĩnh vực mà ông giảng dạy lẫn kinh doanh. Ông đề cao sự ưu tú. Ông không cần tỏ ra giàu có và thành đạt, vì ông là người giàu có và thành đạt. Bố tôi ưa thích các nơi chốn tiện nghi. Hai bố con đổi nhà thường xuyên. Phụ nữ đến với ông rồi rời đi. Khá nhiều biến động. Riêng thế giới của tôi luôn được bảo đảm. Thời niên thiếu rất ổn, tôi du lịch khắp nơi, có mọi thứ mình muốn. Một đứa trẻ được nuôi dạy tốt và có thể kỳ vọng. Tuy nhiên cuối trung học, tôi cảm nhận một điều gì đó thiếu hụt. Tôi không biết mình thực sự muốn gì, trở thành ai. Tôi thua sút trong vài cuộc cạnh tranh, cả thể lực lẫn học hành. Sự yếu ớt này khiến bố tức giận. Ông nhận xét tôi giống hệt mẹ, gây rắc rối bởi các chuyện không đâu. Lẽ ra ông nên để lại tôi cho người phụ nữ ấy”.
“Người phụ nữ ấy?” - tôi ngạc nhiên. “Mẹ anh?”.
“Cách gọi thì quan trọng gì?” - người đàn ông trẻ cau mày. “Tôi không tiếp xúc với mẹ 15 năm. Tôi đã không thắc mắc. Bà cũng chưa từng tìm gặp. Nhưng suốt năm đầu du học, tôi tập trung nghĩ về một người tôi chẳng biết gì. Bà ấy như thế nào? Vì sao bà ấy lựa chọn không như những người mẹ khác? Bà còn nhớ đến tôi không? Vô số câu hỏi. Một buổi sáng thức dậy trong khu học xá đầy tuyết, vô cùng cô độc, tôi quyết định bay về nhà”.
“Nhà?”. Tôi lờ mờ hiểu ra vì sao con người này dễ dàng tiếp nhận tôi.
“Ừ. Là ngôi nhà này. Bố mẹ và tôi từng chung sống ở đây. Tôi nghĩ bà nhiều lần đổi địa chỉ. Thế nhưng mẹ tôi không chuyển đi đâu cả. Suốt kỳ nghỉ cuối năm ấy, giống như kẻ rình rập, tôi theo dõi và quan sát mẹ từ bên kia đường, hoặc từ hàng rào cổng. Bà ấy thường ở giữa khung cửa, gọt trái cây làm mứt, đọc báo xuân, có khi nói chuyện với người đàn ông nào đó. Trông bà cân bằng và bình thản. Bà không còn nhớ gì đến tôi. Dĩ nhiên tôi mong mẹ hạnh phúc. Nghĩa là bố tôi đã đúng, ai cũng cần sống cuộc đời của chính mình”.
“Anh hài lòng về cuộc sống của chính mình?”.
“Không tệ. Học xong, tôi về nước dạy đại học, cùng bạn bè mở vài nhà hàng và tiệm cà phê. Mọi thứ ở thành phố này thật sôi động và đáng giá. Cho đến một ngày, khoảng hai tháng sau đợt dịch, một người trung niên đến tìm tôi. Ông ấy trao cho tôi chìa khóa cùng giấy tờ nhà. Mẹ tôi đã mất. Ông ấy chuyển lại những gì, theo lời bà ấy, thuộc về tôi. Họ là đồng nghiệp của nhau ở bệnh viện. Ông ấy biết vài việc gần như không ai biết. Chẳng hạn, để không bán đi ngôi nhà này, chia đôi tài sản chung như bố tôi đề nghị, bà vay một khoản lớn trong mười năm.
Để trả nợ ngân hàng, ngoài lương bệnh viện, mẹ tôi đi giúp việc nhà, chăm sóc người ốm, nhận làm bữa trưa cho vài chục bác sĩ đồng nghiệp. Hôm nào trực đêm không kịp về qua nhà tắm rửa, bà sử dụng thuốc khử trùng. Lâu dần, nó thành mùi đặc trưng của bà. Vì điều kiện công việc, mẹ nghĩ tôi sống với bố tốt hơn. Và bà cũng tin, nếu giữ được ngôi nhà nơi bà từng hạnh phúc, trao nó lại cho tôi một ngày nào đó, thì tôi sẽ được đảm bảo một tương lai hạnh phúc”.
Người đàn ông trẻ nở nụ cười mơ hồ. “Mấy tháng sau cuộc gặp ấy, cô hiểu chứ, tôi hoàn toàn bình thường. Tôi lên giảng đường dạy học. Tôi đi nghỉ dưỡng đây đó. Tôi hẹn bạn bè đi uống sau giờ làm. Tôi đứng quầy pha chế, nhìn hàng trăm hàng ngàn gương mặt lướt qua. Thế rồi một đêm, khi động cơ một chiếc Boeing rền vang qua bầu trời, tôi bỗng hiểu, để không phát điên trong thế giới kỳ quặc này, tôi cần làm gì”.
Một vệt gió luồn qua tàn lá ướt. Một mùi hương thanh sạch đọng trên bậu cửa. Giọng nói cạnh bên thật hơn, vươn đến tôi gần hơn.
“Ở bên trong ngôi nhà này, những ký ức về mẹ trở nên rành mạch. Mẹ nấu các món nhẹ mềm. Mẹ chăm sóc khi tôi ốm. Mẹ tắm cho tôi bằng nước ấm, xả tóc cho tôi bằng móng tay cắt sạch… Khi hóa thân thành mẹ, tôi học cách làm những việc tỉ mỉ, học lắng nghe. Ở bên trong một ai đó không hề giống như ta nhìn họ từ ngoài cửa sổ. Tôi thừa hưởng các thói quen từ một cuộc đời mình chưa từng sống và gần như không hề biết đến. Tôi chưa bao giờ thực sự quen với nỗi sợ mà mình cảm thấy, nhưng tôi chấp nhận nó như một phần cuộc đời mình. Cô hiểu tôi chứ?”.
Chúng tôi ngồi im cạnh nhau, thở nhẹ. Cạnh cửa sổ, vệt sáng ánh lên trên bức sơn mài. Người họa sĩ nghĩ gì khi dát đốm vàng đơn độc ấy, giấu đi sự bừng nở, cất đi vẻ đẹp thẳm sâu bên dưới bề mặt tranh? Nhưng dù thế nào, khi không vĩnh viễn biến đi, nó như dấu vết những cuộc đời không ngơi nghỉ, những gương mặt không có trong bản đồ ký ức, những hành trình lang bạt của bất kỳ ai. Và đôi khi, trong sự tình cờ đẹp đẽ, những kẻ xa lạ nhìn thấy nó, khởi sự cùng nhau một cuộc chuyện trò.