16 tuổi, Son rời trường học bước ra đời kiếm sống sau khi xếp lại mấy chiếc áo trắng học trò, một chồng sách vở mà đôi khi cô tự hỏi các thứ đã học có giúp được gì cho mình trên con đường phía trước hay không.
Không còn đến trường nghĩa là bắt đầu mọi thứ từ gánh hàng trái cây của mẹ. Không có sự chuẩn bị nào cho nghề nghiệp, những bài học mới là Son tự trải nghiệm mà lớn dần. Ngôi nhà nhỏ là gia tài mẹ được thừa hưởng của bà ngoại cũng chỉ có 2 mẹ con. Từ nhỏ, Son đã không có cha nên cô không thắc mắc gì về người đàn ông ấy. Chỉ có mẹ và mẹ mỗi lúc một già yếu nên Son phải thay thế mẹ trong vai trò làm chủ cái gia đình 2 người.
Nhà của 2 mẹ con nằm cạnh con đường xuống bến phà, cửa hàng trái cây của mẹ đặt dưới mái hiên nhà mình nên công việc của Son không quá vất vả. Sáng sớm, cô thức dậy cùng với mặt trời. Khi mảnh trời trước nhà đầy nắng vàng thì vừa lúc Son dọn xong mấy giỏ trái cây.
Không phải chỉ mùa nào thức nấy mà cửa hàng của Son đầy đủ những loại trái cây trong vườn quê mình như mận, ổi, xoài, chuối… Ngoài ra, cô còn mua thêm những loại trái cây ở nơi khác như nho, táo, vú sữa… Mỗi buổi sáng, sau khi dọn hàng, cô thường dành chút thời gian để nghỉ ngơi và nhìn ngắm mấy cái rổ đầy ắp đủ loại trái cây đầy màu sắc. Tâm trạng cô lúc nào cũng khoan khoái và vui vẻ.
Mỗi ngày của Son bắt đầu từ khi bến phà mở cửa đón khách từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia và ngược lại. Gần gũi thế nhưng Son chưa bao giờ leo lên chuyến phà nào để qua bên kia sông xem bên ấy có gì vì khách hàng của cô là khách của những chuyến phà đó.
Có người mua mấy ký trái cây về làm quà cho người ở nhà vì vội vã chưa kịp chuẩn bị trước, có người mua trái này trái kia vì thấy trái cây tươi, đẹp mà cầm lòng không đậu. Nhưng cũng có người mua vài trái ổi, vài trái mận chỉ vì thấy chén muối ớt màu hồng hồng hấp dẫn mà thèm. Khi những chuyến phà qua lại quá nhanh, khách hàng thưa vắng, Son có dịp quan sát người xe. Nhưng có những chuyến phà quá chậm, người chờ phà bực bội thì cô vui hơn vì bán được nhiều hàng.
***
Buổi chiều hôm ấy, trời nhiều mây nên không biết mặt trời đang ở chỗ nào. Chuyến phà cuối cùng trong ngày không biết tại sao lại sang muộn hơn thường ngày, khách chờ phà cũng không nhiều. Son thong thả ngồi tựa vào lưng ghế, lười biếng nhìn bầu trời đầy mây, quên cả chào người đàn ông vừa bước vào kéo chiếc ghế còn lại trong quán, ngồi xuống không đợi mời.
- Hàng em có nước uống không?
Son mỉm cười nhẹ nhàng:
- Dạ, em chỉ bán trái cây nhưng nếu ông khát nước thì uống đỡ ly nước lạnh nhé.
Son rót nước trong cái bình nhựa để trên bàn mời khách. Người đàn ông cảm ơn, cầm ly nước uống liền một hơi rồi bắt chuyện:
- Tui qua lại đây hoài mà đâu thấy em. Em mới bán hàng hả?
- Dạ không, em bán cũng được hơn nửa năm rồi.
Đó là lần đầu tiên Son nói chuyện với khách mua hàng. Chuyến phà chiều hôm ấy đến hơi chậm đủ để Son nghe ông khách giới thiệu về mình. Nhà ông ở bên kia sông. Ông làm nghề buôn đồ gỗ. Hôm đó, người tài xế chở hàng xin nghỉ nên ông tự lái xe giao hàng qua bên này sông. Thêm nhiều lần qua phà, không biết vì sao người tài xế chưa đi làm nên ông khách ấy phải lái xe và dừng lại bến phà nhiều lần nữa.
Có lần đợi phà rất lâu nhưng vài lần, các chuyến phà sang sớm cũng bị bỏ lỡ. Son quen dần với ông chủ xưởng gỗ rồi 2 người trở thành bạn vong niên cho tới khi ông ấy ngỏ lời cầu hôn với Son: “Tôi là người làm ăn nên không thích màu mè. Vợ tôi qua đời 3 năm trước, từ đó tôi không để ý ai cho đến khi tôi gặp em. Tôi có 2 đứa con chừng bằng tuổi em. Tụi nó rất ngoan. Nếu em không ngại thì về ở chung nhà với cha con tôi, chúng ta hợp thành một gia đình đầy đủ”.
Son bất ngờ đến không nói được lời nào còn ông cũng không tỏ ra vội vã. Ông cứ ngồi yên chờ Son trả lời. Buổi chiều hôm đó chợt trời đổ mưa. Mưa rơi ào ạt át cả tiếng còi báo tin phà rời bến. Mưa mịt mù che khuất cả hình ảnh con phà đã ra tới giữa dòng sông. Năm đó, Son mới vừa bước qua tuổi 18.
***
Chuyện Son đi lấy chồng sẽ bình thường nếu không ồn ào những tin đồn Son vì tham tiền nên lấy ông chủ xưởng gỗ giàu có mà tuổi đời gấp 3 lần tuổi cô. Mẹ Son không hiểu vì sao Son nhận lời cầu hôn của ông ấy. Thực ra Son cũng không hiểu vì sao mình không từ chối được ông, từ những tình cảm chỉ là cảm nhận một cách mơ hồ. Nói là tình yêu thì chưa hẳn nhưng sự mộc mạc chân tình của ông đã thuyết phục được Son.
Son về nhà chồng sau một lễ cưới đơn sơ với vài ba mâm cơm cho bà con 2 bên. Son ở lại cùng chồng trong ngôi nhà rộng lớn sang trọng với những ánh mắt lạnh nhạt của 2 đứa con chồng chỉ thua mình vài tuổi. Nhưng dần dần, họ cũng hiểu Son mà thương mến cô.
Cuộc hôn nhân của Son kéo dài được gần 20 năm. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất cuộc đời cô. Chồng của Son không phải là người hoạt ngôn nhưng những gì ông đối với Son còn gấp nhiều lần lời nói. Ông quan tâm mọi thứ thuộc về Son. Cách này cách kia, ông xóa được khoảng cách giữa những đứa con riêng và vợ mình. Ông không để Son vất vả như khi chưa lấy chồng.
Ngày ngày, Son chỉ chăm sóc ngôi nhà và vườn cây mà ông yêu quý. Mỗi lần có việc vắng nhà đôi ba ngày, khi trở về, bao giờ ông cũng mang quà về cho vợ, khi thì tấm vải đẹp, có lúc là cây son và có khi là một chiếc lược sừng. Ông ít khi biểu lộ cảm xúc nhưng Son thích ăn gì, không thích ăn gì…, ông đều biết. Tình yêu đến với Son từ những thứ đơn giản như thế. Càng lúc, Son càng kính trọng và thương yêu chồng.
Khi đứa con trai của Son với ông ấy được 15 tuổi thì ông lâm bệnh nặng. Những năm tháng ông đau ốm, một tay Son chăm sóc chồng. Lúc ông đau đớn, thân thể kiệt quệ, một tay Son dìu đỡ, chăm từng miếng cơm, chén thuốc, chịu đựng hết những sự trái tính trái nết của người già.
2 đứa con chồng thương mẹ kế nên cùng nhau chia sẻ với Son những lúc khó khăn. Phần ông ấy, biết mình khó qua khỏi nên giữa những cơn mê, ông cầm tay vợ thì thầm: “Tôi đi rồi, em sẽ buồn nhưng buồn ít thôi. Em để thằng Thanh cho anh chị nó lo, có chỗ nào tốt thì thương yêu mà lấy chồng đi. Em còn rất trẻ, nhớ sống hạnh phúc”.
Son không nói lời nào, cũng không có giọt nước mắt nào rơi. Cô chỉ nắm chặt tay chồng, lắc đầu nguầy nguậy.
Sau đám tang chồng, Son quay về nhà cũ mặc cho con cháu của ông níu kéo. Đứa con trai của Son ở lại nhà với anh chị, năm ba bữa lại chạy qua bên này sông chơi với mẹ nửa buổi rồi chạy về. Son sửa sang nhà cũ rồi mở lại hàng bán trái cây như thuở mới 16 tuổi. Mọi thứ trở lại như xưa, như không có gần 20 năm đã trôi qua.
Khách qua lại hình như cũng không để ý sự thay đổi của gian hàng trái cây, lại nhiều người ghé qua và thấy vui vẻ khi chuyện trò với người phụ nữ thoạt nhìn khó đoán tuổi mà nụ cười rất tươi và ánh mắt vẫn rất dịu dàng nhưng chứa đựng nhiều điều.
Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi.
***
Hôm nay, bà Son trở về nhà cũ dự đám cưới đứa cháu nội của ông. Mỗi năm, bà chỉ về nhà vào mấy ngày tết và vào ngày giỗ của ông. Căn nhà rộng lớn này qua mấy lần thay đổi vẫn còn gian phòng riêng dành cho bà. Người con trai lớn của chồng chỉ nhỏ hơn bà 1 tuổi vẫn trân trọng sắp xếp gian phòng theo cách của ông và bà ngày xưa, như thể ông chỉ vừa đi xa chưa về, như thể bà vẫn đang sống ở đây, chưa hề bước ra khỏi nhà lần nào.
Đã từ lâu, không ai còn nhắc và năn nỉ hay níu kéo bà về nhà nhưng mỗi khi có chuyện quan trọng trong nhà, họ lại mời bà về. Bà đi lên đi xuống nhà dưới nhà trên, trong lòng đặc biệt vui vẻ.
Ngôi nhà hôm nay lộng lẫy, cánh cổng được kết bằng lá dừa có đôi rồng phượng bằng các loại trái cây. Trước hiên nhà treo rất nhiều lồng đèn vải màu đỏ và cửa phòng khách được dán mấy chữ song hỉ.
Bà nhìn di ảnh ông trên bàn thờ, đôi mắt nghiêm trang nhưng vẫn chứa đựng nét cười. Chợt bà có một ước ao. Giá như bây giờ ông có mặt ở đây, có lẽ bà sẽ nói rất nhiều điều mà bà chưa bao giờ nói. Bây giờ, bà đã bằng ông hồi đó. Nếu gặp lại nhau, ông có thấy bà đã già không. Bây giờ, bà có thể nói rất nhiều chuyện mà không sợ ông mất lòng.
Giá như hồi xưa bà nhiều tuổi hơn một chút chắc bà đã nói với ông là bà rất yêu ông. Bà lại tự cười với mình. Bây giờ nếu gặp lại nhau, ông có nhận ra bà không? Bà có phải nhắc lại với ông rằng bà là cô Son đã gặp ông từ hồi chưa 18 tuổi?
Cô bé ngày mai làm cô dâu lớn tuổi hơn bà hồi đó, nó lanh lợi và chững chạc hơn bà hồi đó. Bà chợt nghĩ nếu được quay lại hồi mình bằng tuổi cháu bây giờ, bà sẽ khác đi một chút, dạn dĩ hơn, biết trân trọng những điều mình đang có mà không sợ hãi điều gì.
Mãi đến sau này, bà mới hiểu được rằng con người phải biết trân trọng từng thời khắc mình trải qua, phải biết làm cho mỗi giây phút mình sống trên đời đều là những giây phút tuyệt đẹp để về sau nhớ lại không phải hối tiếc.
Bà nói với đứa cháu nội ngày mai về nhà chồng những điều mình vừa nghĩ rồi chúc cháu sống mạnh mẽ và biết tận hưởng những điều đang có. Bà nghĩ về những điều mình trót bỏ lỡ hồi còn thanh xuân và thật lòng cầu mong con cháu mình luôn hạnh phúc.
Khi nói những lời tốt đẹp trong giờ phút đưa dâu, bà có hơi nghẹn ngào nhưng chắc không ai biết rằng thời khắc đó, bà chợt nhớ đến cô dâu 18 tuổi ngày xưa. Trong giây phút ấy, bà nhớ đến chồng và lại ước ao phải chi hồi đó mình sớm cảm nhận rằng mình đã yêu ông nhiều như thế nào. Chỉ là nhớ một chút thôi chứ bà không hối tiếc điều gì.
Cuộc đời cho bà nhiều thứ như thế đã đủ để bà nói lời cảm ơn trân trọng. Thời gian trôi qua đủ để nhìn lại mọi thứ. Nhưng cuộc đời là một sự dịch chuyển không thể tránh được, như sự có mặt của cây cầu nối 2 bờ sông, nơi có bến phà ngày xưa ông và bà gặp nhau. Bà lại nghĩ nếu như hồi xưa người ta đã xây được cầu, giao thông thuận lợi thì chắc gì có lần ông dừng xe trước cửa hàng của bà mà có cuộc gặp gỡ bất ngờ thành duyên phận như thế.
Bây giờ, cứ mỗi buổi chiều, bà lại ngồi ở bờ bên này nhìn qua bờ bên kia, không phải để chờ đợi một chuyến phà đến muộn. Đó chỉ như một thói quen nhìn theo bóng mặt trời màu cam đang chìm dần xuống bên kia sông. Mặt sông lấp lánh vàng óng gợi nhớ nhiều thứ. Phía đó vẫn có một ngôi nhà và một mảnh vườn hoa nở đầy màu sắc, mà nếu muốn, vẫn là nơi để bà trở về.
Cuộc đời như thể chưa bao giờ buồn. Ngày tháng trôi qua lặng lẽ nhưng vẫn nhẹ nhàng. Trong lòng bà chưa bao giờ vắng ông. Bà luôn nghĩ về người chồng thương yêu, cảm thấy ông như ánh mặt trời ấm áp trong lòng mình.
Lưu Cẩm Vân