PNO - Cả Viễn và tôi đều thích sau này sẽ về sống ở một ngôi nhà gỗ, trên triền đồi nào đó của phố núi. Đó là một tương lai rất xa khi cả hai đều chỉ mới bắt đầu sự nghiệp của mình ở thành phố.
Em có hẹn ai mùa lá bay Mimosa vàng nắng Trao nhau nhé một nhành mai trắng Này anh, cỏ đã hồng ở lưng đồi…
Một làn mây trắng vắt qua sườn núi. Trời mùa thu trong veo như dòng hồ biếc xanh. Tôi lang thang qua ngọn đồi cỏ dại đầy hoa xuyến chi và bồ công anh. Phía bên kia bờ hồ, hoa mua tím biếc. Lối sang phía ấy là xuống một con dốc thoai thoải, bắp cải và xà lách được trồng ven lối đi, một màu xanh non trong sương sớm. Tôi hít thở thật sâu, muốn lồng ngực mình căng đầy mùi của thanh tao và tĩnh lặng này. Chỉ có tiếng bước chân khẽ khàng và gió lay làm những chiếc lá hồng khô xào xạc trên cỏ như nghe cả tiếng sương rơi.
“Rừng thông vẫn rì rào mà rừng thông nào biết / Con đường vẫn quanh co mà con đường thờ ơ…”. Bỗng có tiếng hát. Tôi nhìn quanh ngọn đồi, không thấy ai. Hay là tiếng hát vẳng lại từ một căn biệt thự nào đó của du khách? Khu nghỉ dưỡng với những căn biệt thự bên hồ chìm thẫm trong sương sớm, như những nét chấm phá cho bức tranh ban mai. Thanh âm đó là những giai điệu ca khúc Hoàng hôn dốc của Phú Quang, lời thơ Lưu Trọng Văn, tôi vẫn thường nghe ca sĩ - NSƯT Quang Lý hát. Ca từ da diết và buồn nhưng giọng hát tôi vừa nghe được không phải của Quang Lý, giọng hát nam trầm rất quen thuộc. Giọng hát khiến tôi sững sờ và càng ngỡ ngàng hơn khi nhận ra. Tiếng hát hình như từ phía đồi hoa mua.
Tôi vấp khi bước xuống thềm dốc. - Ân có sao không?
Viễn luôn hỏi như thế mỗi khi tôi sơ ý vấp hoặc trượt chân khi đi đâu cạnh anh. “Em không sao” - câu trả lời quen thuộc và luôn là nụ cười của tôi dành về phía Viễn. Tôi nhận sự quan tâm cho mọi điều nhỏ nhặt của anh bằng niềm hạnh phúc. Những điều nhỏ nhặt ấy làm đầy tình yêu của hai đứa, làm đầy những giấc mơ bình yên của tôi - những giấc mơ của ngày hôm qua.
- Em có sao không? - Tiếng hát không còn nữa, thay vào đó là giọng của chàng trai trẻ dành cho cô gái của mình. Tôi đã nhìn thấy họ phía đồi hoa mua, mỉm cười. Một đôi trẻ lãng mạn đi săn mây sớm, giống như tôi.
Cô gái có vẻ như bị vướng cỏ may vào gấu váy sau khi chụp ảnh trên đồi hoa mua. Chàng trai khẽ cúi xuống gỡ những bông cỏ may cho bạn gái. Từ tốn. Dịu dàng. Như Viễn. Tôi mỉm cười, nửa muốn đến gần họ nửa muốn đi qua họ. Hình ảnh ấy sao mà giống tôi và Viễn của nhiều năm về trước. Tôi mỉm cười. Những kẻ yêu nhau luôn làm cho cả thế giới thấy ngọt ngào vì họ.
Cô gái bên đồi mặc váy trắng, tóc tết bím thả hờ một bên vai. Chàng trai mặc sơ mi trắng và khoác ghi-lê màu nâu đất. Họ nói cười ríu ran như đôi chim non bên hồ buổi sớm mai. Thật ra, khung cảnh bình yên đẹp đẽ nhất không phải là sự vắng lặng của cỏ cây, của mây núi và dòng nước xanh trong này. Bình yên đẹp đẽ nhất chính là hình ảnh tôi đang được nhìn thấy trước mắt, một đôi yêu nhau hạnh phúc và lãng mạn bên hồ. Cảnh vật đẹp nhất phải là cảnh vật có con người. Tình yêu của con người làm bừng sáng mọi khung cảnh dù có là ở những nơi chốn bình dị nhất.
“Nhưng sao lại hát Hoàng hôn dốc?” - tôi thầm nghĩ khi đưa tay hái một bông hoa mua, xoay xoay. “… Chỉ có bông hoa cỏ ven đường nơi em vừa đứng / Còn rưng rưng giữ lại một giọt sương…” - tôi hát nốt đoạn dở của chàng trai. Mà sao câu hát đúng với hình ảnh của tôi hiện tại như vậy. Tôi tự hỏi lòng mình bây giờ như thế nào… *** Phố núi bây giờ đang độ vào thu. Viễn từng hẹn tôi ở đây một mùa thu, rằng hai đứa sẽ đi tìm đồi cỏ hồng. Nhưng, những mùa thu trôi qua, Viễn chưa một lần đến cùng tôi. Anh không còn có thể đến nơi này. Nơi anh đến đã xa quá nửa vòng trái đất. “Mai này, anh sẽ đón em ở mùa thu Boston nhé!” - Viễn đã nói như vậy ngày tôi đưa anh ra sân bay đi tu nghiệp. Tôi nghe và chìm trong nước mắt của chia ly.
Khoảnh khắc ấy, tôi không thể hình dung đến một ngày nào đó, tôi có thể sang Boston và cùng anh đón mùa thu đẹp nhất nước Mỹ với lá phong nhuộm “màu quan san” cùng những hàng cây ngân hạnh vàng góc phố. Ngày đó là khi nào?
Bây giờ đã là bốn năm sau đó. Cái hẹn ở đồi cỏ hồng hay ở mùa thu Boston, chúng tôi vẫn chưa thực hiện được. Là do khoảng cách địa lý hay khoảng cách lòng người, tôi không biết nhưng Viễn đã dần xa tôi kể từ khoảnh khắc chiếc máy bay cất cánh vào một buổi chiều cuối mùa hè. Kể từ khoảnh khắc tôi nhìn dáng anh đẩy vali bước về phía quầy thủ tục, lên cầu thang đến phòng đợi và khuất mất sau cái ngoảnh lại tìm kiếm và vẫy tay chào tôi lần cuối. Kể từ lúc quay trở lại con đường quen thuộc từ sân bay về ngôi nhà của mình ở ngoại ô thành phố, tôi đã không còn có thể gặp lại Viễn thêm lần nào nữa.
“Ân có sao không?” - không có Viễn, không còn ai hỏi tôi câu này những khi tôi lỡ tay đánh rơi đồ, lúc tôi sơ ý vấp một viên đá trên đường hay những ngày lạnh tôi húng hắng ho. Bởi vì Viễn không còn nhìn thấy những điều đó. Những buổi trò chuyện của chúng tôi lúc nào cũng là trước màn hình điện thoại. Đó là lúc tôi yên ổn ngồi trong căn hộ nhà mình vào giữa đêm hoặc những buổi trưa ở đâu đó chỉn chu trong văn phòng làm việc.
Thời gian của tôi và thời gian của Viễn không còn giống nhau. Vào lúc mọi hoạt động của tôi diễn ra trong ngày thì Viễn chuẩn bị nghỉ ngơi và ngược lại. Cuộc sống ở vùng đất mới cùng lịch học tập, làm việc không còn cho Viễn có thời gian hỏi thăm tôi những điều nhỏ nhặt như “Ân có sao không?”. Một năm, hai năm rồi ba năm…
Tôi không biết chúng tôi đã xa nhau vào lúc nào, như thế nào và bằng cách nào. Vậy nhưng có những đêm, Messenger của cả hai vẫn còn sáng xanh nhưng không ai chủ động nói với ai một câu nào. Tôi nằm viện, chuyển nhà, chuyển việc, trải qua những ngày nắng những ngày mưa của Sài Gòn, đi công tác với đồng nghiệp, du lịch với bạn bè, nấu những bữa cơm cho mình và ngồi ăn vào những cuối tuần trong khu vườn nhỏ có những lẵng hoa dạ yến thảo.
Những buổi chiều, tôi ngồi uống trà ngắm mưa giăng, những đêm tôi giật mình thức giấc nhìn trăng ngoài cửa sổ… tất cả đều không có Viễn bên cạnh. Anh chỉ đến trong những giấc mơ của tôi. Anh đến đưa tôi đi ngắm mùa hè, đưa tôi đi thả hoa đăng, hát cho tôi nghe những bài hát quen thuộc mà thuở còn bên nhau anh vẫn hát.
Dù vậy, anh chưa từng đưa tôi đi tìm đồi cỏ hồng dù chỉ là trong giấc mộng. *** “Anh sẽ đợi em ở Secret Garden” - tin nhắn của Viễn. Anh báo vừa về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Secret Garden là quán cà phê hai đứa thường hò hẹn vào những ngày cuối tuần tôi muốn ngồi cùng anh, đôi khi chỉ để lắng nghe những bản hòa tấu Melody of Rain, A time for us, Song from secret garden… Viễn về bất ngờ. Khi ấy, thành phố đã lên đèn và trời đang mưa. Tôi cuống cuồng bỏ dở bữa tối, vội vã đến mức không kịp dọn dẹp bàn ăn mà thay quần áo, chỉ kịp thoa một chút son và cầm dù, chạy vội ra thang máy của tòa nhà chung cư, nhấn nút, chờ đợi trong nhịp tim đập rất gấp.
Tôi sắp được gặp Viễn sau rất nhiều năm xa cách. Tôi muốn nói với anh rằng tôi nhớ anh rất nhiều. Nỗi nhớ lặn vào tim những đêm sâu. Anh không trả lời những câu hỏi dồn dập của tôi, rằng sao anh về mà không nói trước, đi đường dài có mệt không, anh đã ăn gì chưa… Đường từ nhà đến Secret Garden chỉ vài cây số, tôi đứng trước sảnh tòa nhà gọi Grab nhưng ứng dụng báo “Rất tiếc các tài xế đều bận”. Tôi gọi tổng đài taxi cũng liên tục bận và không liên lạc được.
Con đường phía trước không một bóng người, mưa mỗi lúc một nặng hạt. Tôi chờ một lúc lâu, quyết định không chờ nữa, bước ra ngoài mưa, cứ thế mà đi trên con đường hắt bóng đèn vàng. Con đường trong mưa như thể kéo dài đến vô tận.
Trên cây cầu bắc ngang dòng kênh nhỏ, bóng ai như bóng Viễn đứng xoay lưng về phía tôi. Sao anh lại ra đây? Mừng rỡ, tôi bước nhanh hơn. Càng đến gần, tôi càng nhận ra dáng lưng thân thuộc mà tôi vẫn thường tựa vào mỗi lần anh chở tôi đi dạo phố. Dù có xa cách bao nhiêu năm, vẫn là dáng hình thân thuộc ấy. Tôi đi như chạy về phía Viễn, cây cầu trước mắt mà như mỗi lúc một cách xa.
Tôi gọi tên anh nhưng mưa át tiếng gọi của tôi. Viễn không nghe thấy. Anh cũng không bước về phía tôi. Bóng anh mỗi lúc một dần khuất phía sau màn đêm cô tịch ấy, ở bên kia cây cầu. Tôi đi như chạy về phía anh. Mưa rơi ướt tóc, ướt vai tôi. Cái lạnh thốc vào giá buốt khiến tôi run rẩy. Viễn chưa từng để tôi một mình trong mưa.
Bên kia cây cầu không có ánh sáng, tôi bước hụt chân và thấy mình rơi tự do xuống dòng sông. “Viễn ơi” - tiếng gọi sau cùng trước khi tôi không còn nhìn thấy bóng anh đâu và rơi vào vùng lạnh giá, hun hút sâu.
… Tỉnh giấc, tôi bần thần nhận ra nước mắt chảy ướt gương mặt mình. Môi tôi vẫn còn mấp máy gọi tên Viễn. Tôi vừa đi ngang qua một giấc mơ không có đường về và không có Viễn. ***
“Cho dù là bốn năm, 14 năm hay là những năm về sau nữa, anh cũng sẽ ở trong khu vườn yên tĩnh, chờ em” - Viễn nói khi chúng tôi trò chuyện với nhau về tương lai của hai đứa, khi anh quyết định cho bản thân một hành trình khác - đi đến một vùng đất khác để hoàn thành giấc mơ mà anh vẫn luôn đeo đuổi và phải xa tôi.
Cả Viễn và tôi đều thích sau này sẽ về sống ở một ngôi nhà gỗ, trên triền đồi nào đó của phố núi. Đó là một tương lai rất xa khi cả hai đều chỉ mới bắt đầu sự nghiệp của mình ở thành phố. Tuy nhiên, viễn mộng đó vẫn luôn là điểm tựa để tôi dấn bước trên con đường thênh thang mà cũng rất nhiều trở ngại của đời mình. Những gì chúng ta cố gắng hôm nay chẳng phải đều là để cho ngày mai sẽ tốt đẹp hơn sao?
Một ngày mai có Viễn là giấc mộng huy hoàng nhất trong cuộc đời mà tôi từng nghĩ về. Ngày mai thường bắt đầu từ những mộng tưởng và cả những lời hứa mà những mộng tưởng, những lời hứa vốn dĩ luôn mơ hồ. Tôi vẫn chờ Viễn bằng niềm tin thiết tha của chính mình. Cho dù là mùa thu ở đồi cỏ hồng hay mùa thu Boston, không có gì ngăn trở bước chân của tuổi trẻ, tình yêu và những ước vọng.
Nhưng bốn năm, anh hoàn thành khóa học của mình rồi không còn trở về cùng tôi đi tìm đồi cỏ hồng ở mùa thu phố núi nữa. Những cơ hội mới ư, những dự án, những mối quan hệ, những chuyến đi khám phá qua các tiểu bang nước Mỹ… cứ thế cuốn anh đi.
Cuộc sống của Viễn ngày càng xa lạ với những năm tháng còn ở Sài Gòn. Anh luôn bận rộn và không còn thời gian để quan tâm đến những điều tôi kể. Mọi thứ thuộc về tôi, cuộc sống của tôi chừng như cũng không còn có mối liên kết nào với Viễn nữa. Chúng tôi tự bao giờ đã thôi nói về những giấc mơ và những lời hứa. Mọi thứ rụng rơi như những chiếc lá héo úa của mùa thu thuở nào. Sài Gòn không có mùa thu, tôi vẫn thay anh đến phố núi vào những ngày gió se lạnh để ngắm đồi thông, ngắm mù sương, lang thang qua những triền dốc đầy hoa và nghe lại những bài hát anh từng hát.
Bây giờ… … “Hoàng hôn dốc em đứng một mình / Hoàng hôn dốc mình em khóc / Khi ta đi ngang em nhìn nghiêng một giọt nước mắt rơi / Khi ta vượt qua em nhìn lại em nước mắt đôi dòng…” - tiếng hát lại cất lên phía đồi hoa mua. Tôi giật mình nhìn lại. Rõ ràng là giọng hát của Viễn. Anh đang ở đâu?
Tiếng hát rất gần bên tôi khi những bước chân tôi càng đến gần chàng trai ghi-lê màu nâu đất và cô gái mặc đầm trắng. Họ vẫn còn ở đó. Họ ngồi bên nhau ngắm hồ nước trong xanh. Cô gái tựa vai vào chàng trai. Sao lại hát Hoàng hôn dốc mà không phải một bài tình ca lãng mạn? Tôi nhớ ngày bình yên bên Viễn, anh luôn hát cho tôi nghe câu “người vẫn mãi mãi yêu người, mãi mãi yêu một người…”. - Viễn!
Tôi gọi tên anh, như từ trong tiềm thức. Chàng trai quay lại. Là Viễn. Đúng thật là Viễn. Trên môi anh còn câu hát dở chừng “Vì sao em lại khóc, vì sao…”. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình như hóa đá, môi mấp máy điều gì chính tôi cũng không rõ. Một dòng nước mắt rơi dài trên khuôn mặt tôi, dòng nước mắt lạnh buốt như sương mai.
Tôi không kịp hỏi anh điều gì, khuôn mặt ấy đã nhòe đi, rồi tan biến ngay trước mắt tôi như thể anh chưa từng hiện diện ở đó. Chỉ còn lại cô gái có mái tóc màu hạt dẻ, bím tóc thả hờ một bên vai có cài chiếc nơ hình hoa cúc. Đó là món quà Viễn mua tặng tôi khi hai đứa ra Hà Nội vào mùa thu của 5 năm về trước. Cô gái ấy có đôi mắt rất buồn. Đôi mắt hoen mi. Khi tôi đứng trước mặt cô gái ấy, tôi đã nhìn thấy khuôn-mặt-của-mình.
Chiếc nơ hình hoa cúc trên mái tóc tôi rơi xuống, lạc khuất vào trong cỏ. Cỏ hồng dưới chân tôi.