Truyện ngắn - Bến Âu Lâu

14/02/2023 - 07:29

PNO - Con đường mòn rẽ xuống bến Âu Lâu được đánh dấu bằng cây còng cổ thụ đứng trơ trọi bên những thửa ruộng bỏ hoang mênh mông nước.

Không còn ngờ vực nhưng An vẫn chưa thể tin người đàn ông đang thao thao các phương thức thu thập; phân tích tâm lý, hành vi khách hàng và chiến lược khai thác thị trường ngách cho các dòng sản phẩm tiêu dùng nguồn gốc nội địa từ phía đối diện là Khải. Vẫn gương mặt bầu bĩnh, trắng trẻo ấy. Vẫn những ngón tay thon dài, hồng hào và đẹp đến mức ngay cả bọn con gái cùng lớp cũng phát uất vì ganh.

Cái chất công tử bột đặc sệt tồn tại một cách đầy nghịch lý trong một gia đình nuôi 11 miệng ăn chỉ bằng vài sào ruộng cùng công việc cày thuê hái mướn bữa được bữa mất. Vậy mà, ngay lúc này, trước mặt An lại là một phiên bản đầy cương nghị, quyết đoán đến sắc sảo và ánh mắt sáng rực đến kỳ lạ dù vẻ ngoài gần như không thay đổi, trừ mái tóc lãng tử đã được húi cao, lộ vầng trán rộng và hơi dồ. Hơn 10 năm dâu bể đã đủ đổi thay mọi thứ bên trong một con người. 

- An cũng đâu khác xưa là mấy. Nếu An để tóc dài, Khải đã chắc rằng mình đang gặp An của những ngày chèo xuồng ba lá đi rút bông súng, bắn bần - Khải dường như đọc được sự ngỡ ngàng trong mắt An.

- Chòm xóm đã gọi An là bà cô rồi. Khỏi cần an ủi khéo, ông tướng - An đặt điện thoại lên bàn, nhìn ra bến sông ngả bóng chiều đỏ ối.

- Không phải thứ gì thời gian cũng thay đổi được đâu! - Khải lém lỉnh.

Khải lại tiếp tục huyên thuyên điệp khúc “Ngày xưa…”. Ngần ấy năm, biết bao nhiêu cái “ngày xưa”. An lắng nghe, cố quên đi những tiếng rì rào, vồ vập như sóng vỗ mạn con thuyền đang lắc lư, chao đảo, vỗ cả vào những vách ngăn tâm hồn đang rung lên bần bật.

ảnh: Tuấn Phan
Ảnh: Tuấn Phan

***
Con đường mòn rẽ xuống bến Âu Lâu được đánh dấu bằng cây còng cổ thụ đứng trơ trọi bên những thửa ruộng bỏ hoang mênh mông nước. Lối vào bến vắt qua những mảng bàng bạc, sóng sánh như một vệt màu xam xám, loang lổ được định hình một cách mờ nhạt bằng những trảng cỏ nhỏ. Dắt chiếc xe máy trên vệ cỏ, Khương phì phò nhấc từng bước chân ngập sâu trong vũng lầy, chốc chốc quay lại nhìn An bước thấp bước cao với đôi giày trên tay.

Hơn trăm mét đường đất lầy lội đủ sức làm nản lòng cả những người sống bám vào cái bến này, nhất là vào những ngày mưa dầm. Khi đó, thứ duy nhất để người ta phân định nơi có thể đặt chân chỉ còn là vài ngọn cỏ ngoi lên khỏi mặt nước. Sự thinh lặng vẫn kéo dài từ gốc cây còng già chỉ được phá vỡ khi cả hai đang tư lự trên bãi đất trống cạnh bến phà, nhìn trái mù u rơi lõm bõm trên mặt sông xen lẫn tiếng tu hú kêu chiều vang lại từ rặng cây xa xa.

- Chỉ là một tiệm ăn nhỏ, việc không nhiều, anh sẽ về thăm em thường xuyên - Khương vẫn vạch trên nền cát những họa tiết vô nghĩa.

An không trả lời, mắt đăm đăm về hướng cây còng trơ trọi. Nơi đây từng là khu du lịch sinh thái phức hợp được thiết kế nổi trên ruộng sen, các hạng mục kết nối thông qua mạng lưới cầu tre kiên cố.

Với vật liệu chính là tre, đất bùn, rơm và lá dừa nước, những thiết kế trải dài mang dáng dấp đặc trưng của miền Tây sông nước này từng là mô hình kiểu mẫu thu hút nhiều đoàn tham quan, nghiên cứu để phát triển du lịch vùng miền.

Ba má Khương được cho là nhanh nhạy, thức thời khi nhanh chóng mua lại các thửa ruộng bỏ hoang quanh cây còng để thả sen và thuê kiến trúc sư thiết kế khu du lịch sinh thái đón đầu dự án xây cầu sắp được triển khai. Không còn ngăn sông, cách đò, lượng du khách sẽ ùn ùn kéo đến, thúc đẩy các ngành dịch vụ, thương mại của cái làng quê chiêm trũng này phát triển.

Song, người tính không bằng trời tính. Năm qua năm, cầu vẫn chưa thấy đâu, các khoản vay cùng khoản lãi ngất ngưởng lần lượt đáo hạn trong khi nguồn thu quá ư khiêm tốn chỉ đến từ những người trong xã vẫn hay qua lại bến phà hoặc đám trẻ con tụ tập uống trà sữa, chụp hình lưu niệm.

Giữa lúc loay hoay chưa tìm được người sang tay để trả bớt một phần nợ gốc không còn khất được nữa thì lũ tràn về. Cơ ngơi phải mất một đời gầy dựng trong phút chốc chỉ còn mấy cái cọc tre và vài đóa sen trái mùa phơi trên mặt nước bạc.

- Em cứ tưởng hai bác chỉ sang thị trấn bên kia sông lập nghiệp, không nghĩ là phải lên tận Sài Gòn - ánh mắt An vẫn chưa rời cây còng già nua, cô độc.

- Cũng không còn cách nào khác. Ngôi nhà với mấy công đất ngoài kia gán cho chủ nợ rồi. Đành tìm hướng xoay thôi - Khương đáp, vẫn cắm cúi nguệch ngoạc, như sợ phải nhìn thấy điều gì - Bên trấn giờ cũng phát triển lắm nhưng mấy vị trí đắc địa đều có chủ rồi, giá cả đắt đỏ. Ai cũng nhăm nhe dự án cây cầu Âu Lâu mà không biết đời kiếp nào mới thấy - Khương lắc đầu chán nản.

- Vậy hai bác không còn ý định về đây nữa sao?
- Trước mắt phải cố xoay để giải quyết số nợ còn lại, chuộc lại căn nhà. Bằng không thì… - Khương bỏ lửng câu trả lời, đăm chiêu xa xăm.

An cũng thừa hiểu với tình hình giá cả bất động sản tăng chóng mặt như hiện nay, mảnh đất đã bán đi khó mà lấy lại được. Huống chi trong hoàn cảnh nợ nần, ba má Khương đã quá lớn tuổi để có thể gầy dựng lại cơ nghiệp. Còn Khương, theo lời nhận định của nhỏ Kiều, đứa bạn thân thiết đã không mấy ủng hộ mối tình này ngay từ khi có dấu hiệu bắt đầu, là người có ý nhưng không có chí.

Giữa lúc cha mẹ còng lưng sớm khuya, xoay như chong chóng với đống nợ nần, Khương vẫn vô tư. Dù vậy, An cho rằng, ai chẳng có khuyết điểm, cuộc sống sẽ làm cho con người ta trưởng thành hơn. Huống hồ ở Khương, An thấy thừa sự tinh tế và ân cần.

Tiếng còi hụ kéo dài mãi trên mặt sông, chuyến phà cuối rời bến khi trời vừa nhá nhem tối. An đứng tựa vào chiếc xe máy, dõi theo những gợn sóng sủi bọt trắng xóa, bập bềnh dải lục bình tím ngắt, nghe tiếng gió thì thầm. Chiều Âu Lâu bao giờ cũng đầy gió. Tiếng gió khe khẽ rít qua tai rồi trôi đi hun hút trong bóng chiều chạng vạng. An nhận ra bóng Khải đang rẽ ngược dòng người rời bến.

***
- Tao nợ nần gì tụi mày? - Kiều khoanh tay, lưng tựa vào cây còng già, nhìn Khải hì hục lôi chiếc xe đầy bùn lên lộ.

- Chờ có chút xíu mà cũng khó chịu - Khải thở dốc.

- Sao hôm nay mày về sớm vậy? - An thắc mắc.

- Về sớm đặng rước “công tử” về dinh chớ sao - giọng Kiều dài thượt, ngoa ngoắt. - Đang bận tối mắt tối mũi mà có đứa a lô cho tao thông báo chiều nay nó ra bến kéo xe qua vũng lầy cho mày. 

An khẽ liếc mắt sang Khải. Đôi mắt đen láy dưới hàng mi dài, cong vút, sống mũi cao nổi bật trên nền da trắng hồng. Nhỏ Kiều vẫn hay ganh vì sao da nó ăn nắng, khét lẹt trong khi Khải thì không dù từ nhỏ đến lớn, đứa nào cũng đầu trần chạy khắp các bờ bãi. Hay bị so sánh này nọ nhưng nhỏ Kiều gần như chưa bao giờ từ chối lời nhờ vả nào từ Khải và cái xóm này cũng đã quá quen cảnh nó chở Khải. Lý do nó đưa ra khá hợp lý.

- Tao bị nó “quăng” xuống ruộng mấy lần rồi, với lại nó làm gì có xe - Kiều giải thích mỗi khi bạn bè gặng hỏi.

An nổ máy, chào tạm biệt rồi phóng vút đi. Nhìn Khải đăm đăm dõi theo cái bóng nhỏ khuất dần trên lối rẽ vào xóm, sau đám bình bát um tùm, Kiều càng xác nhận thêm những gì mình đang nghĩ. Không phải đến bây giờ Kiều mới nhận ra trong nhóm có chú chim xanh nhiệt tình đến nông nổi. Bởi lẽ trong các cuộc hội hè của nhóm, Khải luôn là người chủ động lên kế hoạch và sự xuất hiện ngẫu nhiên, tình cờ của Khương thường xuyên đến đáng ngờ. Cũng không ít lần, Kiều nhận ra ánh mắt đượm buồn của Khải mỗi khi An và Khương vô tình bộc lộ tình cảm trên mức bạn bè.

Sau buổi chiều hôm ấy, thêm đôi lần Kiều phải nghe cấp trên cằn nhằn vì xin về sớm 1 tiếng đồng hồ để chạy ra chỗ cây còng già. Khương về gặp An chốc lát lại lên phà sang bến chứ không vào xóm bởi căn nhà đã có chủ mới. Dần dà, giữa hai người chỉ còn vài cuộc gọi ngượng ngùng. Thứ cuối cùng An nhìn thấy là những dòng đầy chán nản của Khương trên Facebook, rồi bặt tin hẳn. Đó cũng là những gì Kiều biết thông qua những dòng tin nhắn của Khải mỗi khi hai người tán gẫu mỗi buổi tối.

Khải cũng đã sang bên kia sông tìm kiếm cơ hội sự nghiệp như bao thằng con trai khác trong xóm. Kiều vẫn yên tâm rằng Khải sẽ không còn rụt rè khi An đã dứt khoát từ bỏ mối tình không đi đến đâu.

Bẵng đi một thời gian, Kiều nhận được tin nhắn của Khải.

- Khải đang đón phà về bến, chuyến 5 giờ rưỡi.

Kiều khẽ liếc đồng hồ. 5 phút nữa là 5 giờ. Cô tất tả thu dọn bàn làm việc, lao ra bãi xe. Quãng đường từ cơ quan đến cây còng già chạy xe chưa đến 20 phút nhưng cái cảm giác đứng trên bến Âu Lâu nhìn chiếc phà từ từ cập bến làm cô phấn khích đến lạ.

Khi rẽ qua bãi tập kết hàng hóa đầu bến, cô bất giác thấy An cùng một anh chàng dong dỏng cao, gương mặt gầy gầy, đóng khung trong bộ sơ mi trắng muốt, dắt xe về hướng lộ. Cô ngờ ngợ nhận ra Tiến, anh giáo làng đã nghỉ việc, bỏ đi đâu mấy năm nay.

Cử chỉ hai người khá thân mật. Cuộc trò chuyện có vẻ thú vị đến nỗi An không trông thấy cô dù chỉ cách không quá chục bước chân. Đằng sau hai người một quãng không xa là đôi mắt đượm buồn của Khải. Chần chừ hồi lâu, Kiều cố gắng ra vẻ hớn hở:

- Làm gì mà chôn chân vậy? Lên xe tao chở về. 

- Khải đem về cho An và Kiều mấy bộ dụng cụ làm bánh, mấy xấp vải vì dưới mình không có mấy loại này, rồi đi liền cho kịp phà - Khải cười, không giấu được sự gượng gạo.

Kiều trợn mắt:

- Về quê chơi hay chạy giặc?

- Có việc đột xuất. Vậy nghen. Quởn quởn Khải lại về.

Kiều lặng im. Cô cố gắng để Khải không nhận ra sự thất vọng vốn dĩ đã hiện rất rõ trên gương mặt cô, cho đến khi chuyến phà cuối rời bến. Đến tận bây giờ cô mới hiểu tại sao người ta vẫn thường đợi những chuyến phà cuối.

***
An chợt nhớ đến tin nhắn của Kiều. “Cái nắm tay của mày với ông Tiến sẽ còn đẩy chàng công tử của tụi mình qua bên kia bến Âu Lâu lâu hơn nữa”. Từ mơ hồ đến chắc chắn, An nhận ra sự nhẫn nại của Khải đối với mình và vì sao Khải vắng mặt ở làng ngần ấy năm. “Khải ơi, lần đó chỉ là An tình cờ gặp Tiến về thăm nhà mà thôi!” - bao nhiêu lần An mong có cơ hội để đính chính với Khải về chuyện hiểu lầm nọ. 

Dần dà, những buổi chiều ở quán cà phê mọc lên trên bãi đất trống cạnh bến phà, dù ngồi chuyện phiếm với Kiều hay một mình trầm tư, những suy nghĩ miên man của An một cách vô thức chuyển sang ý mong ngóng ngày trở về của Khải như sự mong ngóng những nhịp cầu nối đôi bờ của người dân xóm nghèo. 

Dòng người tấp nập đã rời bỏ bến phà để nô nức trên cây cầu mới khánh thành nhưng bóng dáng Khải chưa thấy đâu. Khi mọi thứ đã yên vị trong một ngăn sâu thẳm của tâm hồn, An nhận được cuộc gọi của Khải. 

- Con phà rỉ sét có cái gì mà An nhìn chết trân vậy? - những ngón tay thon dài của Khải gõ lên mặt bàn, cắt ngang dòng suy nghĩ của An.

- Khải có nhớ ngày xưa bao nhiêu lần đi trên chiếc phà kia không?

- Nhiều quá sao nhớ nổi. Cái bến Âu Lâu giờ cũng đâu còn là bến Âu Lâu của ngày xưa.

- Lần này Khải về thăm nhà hay còn dự định gì khác? - An thăm dò.

- Sắp tới, công ty Khải mở vùng nguyên liệu ở đây nên Khải về chuẩn bị trước một số thủ tục cần thiết. Cơ sở hạ tầng giao thông quê mình đã thuận lợi để kết nối giao thương giữa vùng nguyên liệu và khu vực sản xuất, thương mại. Cũng nhờ cả vào cây cầu đằng kia - Khải hồ hởi. - Mà Khải có cái này có lẽ sẽ làm An bất ngờ - Khải đặt lên bàn chiếc thiệp đỏ. 

Tim An như thắt lại nhưng cô vẫn cố tỏ vẻ thật tự nhiên.

- Thiệp cưới của Khải và Kiều, ngay đầu tháng tới. Nhớ bắt dính hoa cưới nghen!

- Kiều? - An hụt hẫng nhưng chợt hiểu. Hóa ra sự quan tâm của Kiều đối với Khải từ rất lâu rồi đã không đơn thuần là của một đứa con gái gan lì che chở cho thằng bạn ốm yếu lại có hoàn cảnh thiệt thòi, lắm kẻ hiếp đáp. Không phải ngẫu nhiên mà Kiều lại quá tinh tế trước mọi thay đổi trong biểu hiện của Khải.

An ngoảnh mặt nhìn những dòng xe cộ tấp nập trên những nhịp cầu, tránh cho Khải thấy nỗi buồn đang dâng tràn trên gương mặt cô. Đôi bờ đã không còn ngăn cách, chỉ có lòng người ngày một xa nhau. 

Sông Dinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI