Truyện ngắn - Bay một chiều

10/03/2023 - 16:58

PNO - Sài Gòn, đêm đầu tiên. Từ ban công căn hộ, tôi nhìn xuống thành phố lấp lóa ánh đèn, vẳng xa những âm thanh ồn ào. Tất cả như nhắc nhớ thêm lần nữa rằng tôi đã trở về. Chính xác là tôi đã trở về với những điều còn dở dang.

Căn hộ này sẽ chính thức thuộc về tôi sau những nỗ lực không ngơi nghỉ. Khoảnh khắc Nhiên đón tôi ở sân bay, đặt vào tay tôi chìa khóa căn hộ, tôi biết mình đã có nơi chốn để trở về. 

Ngay sau quyết định sang Canada làm việc và tìm kiếm cơ hội mới, Nhiên đề xuất bán căn hộ với một mức giá hết sức hợp lý chỉ cho riêng tôi. Nhiên - một người bạn lâu năm - bảo, cô đã nghĩ ngay đến tôi khi quyết định chia tay căn hộ đã gắn bó 6 năm. Cô hy vọng tôi - người vừa trở về từ một nơi xa - sẽ là chủ nhân mới của căn nhà này, thay cho cô - người đang ôm giấc mơ về một phương trời mới. 

Minh họa: PHƯƠNG QUỲNH
Minh họa: Phương Quỳnh

***
Tôi vừa trở về sau 3 năm sống và làm việc tại Úc theo diện thị thực 462 - Work and Holiday visa (thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ). Đó là một cơ hội may mắn hiếm có trong đời vì mỗi năm, Văn phòng thị thực, Bộ Nội vụ Úc chỉ tuyển một số lượng trong hàng ngàn người đăng ký. 

Nước Úc mang đến cho tôi những trải nghiệm vô cùng mới mẻ. 

Sau 3 năm, lứa visa 462 sẽ phải trở về nước. Để được ở lại, có người đăng ký làm việc tại một số nhãn hàng để được bảo lãnh, có người chuyển hướng làm du học sinh để tiếp tục vừa học vừa làm, có người chọn kết hôn với người bản địa… Không ít lần, bạn bè giục tôi: “Làm gì thì làm, tranh thủ lấy cái PR (viết tắt của cụm từ Permanent Resident - thường trú nhân) rồi tính. Nhân là đứa có triển vọng lấy được PR sớm nhất đấy”.

Dường như hai chữ PR cứ văng vẳng trong đầu người ta, lẫn tôi. Visa này cho phép hưởng toàn bộ quyền của công dân Úc, chỉ trừ quyền bầu cử.

3 năm trôi qua, tôi có những trải nghiệm sống và làm việc hết lòng, hết sức nhằm đạt được mục tiêu như kỳ vọng - sở hữu một căn hộ tại Sài Gòn. Thời điểm Nhiên ngỏ ý nhượng lại căn hộ, tôi chưa gom đủ số tiền dù thật lòng rất muốn. Từng góc trong căn hộ mơ ước đó, tôi đã được chạm đến. Đích thân tôi gửi tặng Nhiên mấy chậu cây xanh, vài món đồ trang trí cùng một số đồ dùng cho gian bếp. Tôi và Nhiên coi nhà cửa là nơi mình đặt cả tâm hồn vào đó. Chúng tôi hiểu nhau như hai người bạn đồng điệu luôn tin tưởng và trân trọng giá trị của sự đợi chờ. Cho đến khoảnh khắc Nhiên trao cho tôi chiếc chìa khóa căn hộ vào đúng ngày tôi trở về. Có vẻ như mọi nỗ lực của tôi đã được đền đáp trọn vẹn. Niềm xúc động cứ thế dâng lên. 

Tôi thầm ước giá như có một người ở cạnh bên tôi lúc đó. Chính là người đã chứng kiến một phần tuổi trẻ của tôi vừa trôi qua.

***
Nếu tìm cách ở lại để “cày cuốc” trên đất Úc thì tôi sẽ sớm đạt được mức tài chính như ý. Thế nhưng, người tính cũng không bằng visa hết hạn. Trong khi đó, hội bạn vẫn giục tôi: “Tranh thủ lấy cái PR rồi tính. Nhân có triển vọng mà…”.

Cơ bản là họ thấy mối quan hệ giữa tôi và Cameron đầy tiềm năng: một chàng trai Úc da trắng, mắt xanh hẹn hò với một cô gái Việt tên Nhân. 

Chúng tôi quen nhau qua ứng dụng Tinder. Nói qua về Tinder: đây là một ứng dụng tìm bạn và hẹn hò trực tuyến, cho phép người dùng có thể “thích” (quẹt sang phải) hoặc “không thích” (quẹt sang trái) khi nhìn thấy hồ sơ của người dùng khác. Hai người dùng trò chuyện với nhau chỉ khi cả hai đều “thích” nhau (tức là “match” hay “tương hợp”). Theo thống kê từ cuối năm 2014, đã có đến hơn 50 triệu người sử dụng Tinder thường xuyên và khoảng 12 triệu lượt “match” mỗi ngày. Vậy Tinder cũng có xác suất đáng tin đấy chứ! 

Lần đầu chúng tôi gặp nhau tại quán cà phê Cooee vào một ngày cuối tuần tại thành phố Perth (Úc). Đó là lần đầu tiên tôi hẹn hò với một người nước ngoài. Tôi cố gắng lắng nghe xem anh nói gì. Tôi thành thật với anh rằng tôi không đủ giỏi tiếng Anh để có thể chỉn chu trong giao tiếp. Cameron đáp, với anh, tiếng Việt không phải là ngôn ngữ thứ hai mà hoàn toàn là con số 0. Tuy vậy, anh là người biết lắng nghe. Cứ thế, chúng tôi chân thành và cởi mở, say sưa nói về cà phê - thức uống yêu thích của cả hai, về công ăn việc làm, về sở thích nấu ăn, về âm nhạc và du lịch… Thật tình cờ, Cameron từng đặt chân tới Việt Nam. Từ lạ hóa quen, sau lần chia tay đó, có ánh nhìn chan chứa những điều muốn nói nhưng thôi, đành chờ.

***
Một cuối tuần khác, Cameron ngỏ lời muốn đến thăm nơi tôi đang sống. Tôi kể, mình đang làm việc tại một nông trại việt quất cách xa thành phố hàng trăm cây số, nơi phương Bắc nắng nóng và vắng vẻ, chắc phải cần rất nhiều nhẫn nại để vượt qua. Cameron hồi âm: “Anh biết chắc quãng đường đó không xa xôi bằng khoảng cách em đã cố gắng vượt qua để đến đất nước của anh. Đừng lo lắng quá nhiều. Anh sẽ đến bằng sự cẩn thận cùng nỗi mong chờ được gặp lại em”.

Cameron đến trên chiếc xe Lexus, chở theo 2 thùng đồ chứa những món thực phẩm anh mua ở chợ châu Á mà anh cho rằng tôi sẽ cần đến và có thể chia sẻ với bạn hữu. Cameron bất ngờ ghi điểm thiện cảm trong mắt tôi và bạn bè tại bữa tiệc thân mật. Có tiếng đùa: “Nhanh quá, mới đó mà Nhân đã “quẹt” được một anh Tây để sớm lấy PR rồi à”.

Trong những câu chuyện giữa hai chúng tôi, tôi chưa từng mở lời nhắc về PR trước Cameron. Tôi nghĩ không cần thiết đến mức tôi phải trân mình toan tính để được ở lại xứ người.

Năm đầu tiên đặt chân đến nước Úc, tôi cố gắng gom đủ 14 phiếu trả lương tương đương với 14 tuần làm việc tại một số vùng theo quy định, rồi nộp trình cho Bộ Nội vụ Úc và được gia hạn visa năm thứ hai. Tiếp theo, tôi cần làm việc gấp đôi khoảng thời gian trên, kiếm đủ số phiếu trả lương, rồi trình nộp để được gia hạn visa năm thứ ba. Tổng cộng tôi có 3 năm miệt mài làm việc trên đất Úc. 

Công việc tại nông trại đã lấy đi của tôi và bạn bè không ít thời gian và sức lực. Có những sớm thức dậy, tôi dặn lòng phải kiên nhẫn với chính mình, vượt qua chính mình thì mới đủ ý chí, sức bền mà vượt qua những thử thách từ công việc, môi trường. Mỗi ngày là một sự đánh đổi. Tôi nỗ lực làm việc và tiết kiệm, hướng tới mức tự do tài chính và cuộc sống như mong muốn.

Tôi quen gọi tắt tên Cameron là Cam. Tôi giải thích, ở Việt Nam, Cam còn là tên một loại trái cây mà anh và tôi cùng biết. 

Chúng tôi giữ liên lạc, nhắn tin mỗi ngày. Cô nông dân chúc anh kỹ sư một ngày mới tốt lành trước khi ra đồng hái trái. Anh kỹ sư đang đi dạo bộ không quên chúc cô nông dân một ngày can đảm. Tầm chiều tà, nếu chưa thấy tin nhắn của tôi báo đã xong việc, anh sẽ nhắn hỏi xem tôi có ổn không…

Có lúc, sau một ngày dài mệt mỏi, ta muốn chạy đến bên một người để được lắng nghe, kể về những nỗi lòng, trăn trở; muốn òa khóc thật to vì không kìm lòng được trước những cay đắng, tủi hờn…

Có lúc, ta lặng người đi, rồi lại thấy ấm lòng vì nhận được dòng tin nhắn từ một người luôn hướng đến mình và mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình. Người đó từng động viên, bảo tôi là một người “very capable” - rất có năng lực làm nên. Người đó đã chứng kiến một phần tuổi trẻ không ngừng nỗ lực của tôi nơi xứ người. 

***
Khoảng cách từ nông trại đến thành phố khá xa và càng xa hơn nữa với hai con người có hoàn cảnh khác nhau. Dù vậy, chúng tôi biết quan tâm, chăm sóc lẫn nhau; dành cho nhau những lần gặp mặt, cùng tận hưởng.

Trong căn bếp, tôi tra cứu từ mới để Cam hiểu mình sẽ được ăn những gì. Khi thì tôi nấu món Việt hòa nhập cho Cam nếm thử. Khi thì có những món lần đầu tiên tôi thử nghiệm nấu theo công thức trên mạng. Cam dễ nhận thấy cả nét phấn khích lẫn hồi hộp của tôi. Anh bảo: “Darling! Good things take time… (Cưng à! Những thứ tốt lành đều cần thời gian). Và kết quả, dù có ra sao thì cũng là thành quả từ sự cố gắng và mày mò của em. Em đã dám thử những điều mới mẻ cho chính em và cả anh”. Cam luôn ăn uống ngon lành những thứ tôi bày biện. 

Chúng tôi thường nói chuyện phiếm - những mẩu chuyện dễ hiểu và đủ vui trên những cung đường Cam đưa tôi khám phá đất nước của anh. Chúng tôi đều độc thân và ai cũng đủ trưởng thành để tự chịu trách nhiệm cho những việc mình làm. Chúng tôi sống cuộc đời mình theo cách mình muốn. 

Bên cạnh những câu chuyện về gia đình, sự nghiệp, Cam chưa bao giờ hỏi tôi về quá khứ. Anh chỉ muốn chia sẻ cùng tôi cuộc sống hiện tại - những điều khiến tôi cảm thấy dễ chịu và được quan tâm vừa đủ. Ai cũng bảo người nước ngoài tôn trọng yếu tố cá nhân. Tôi biết, khi hẹn hò với Cam, tất cả chỉ là ở thì hiện tại. Dù vậy, tôi luôn được là chính mình.

Cam đến nơi chốn của tôi, mang theo những chân thành anh có. Khi thì trên tay anh là hộp bánh anh tự nướng, bọc cẩn thận trong lớp giấy mộc mạc. Tôi thường để dành chúng để hôm sau mang ra đồng thay cho bữa xế. Khi thì Cam xòe ra hộp nến thơm anh mang về từ chuyến công tác Istanbul và tôi lại để dành cho một chiều mưa nào đó. 

Cam luôn vui vẻ và chân thành. Đổi lại, tôi cũng chân thành mở cửa chào đón Cam. Chút nước lọc chứa trong chai thủy tinh có dán miếng băng keo ghi tên anh cũng khiến anh bất ngờ, thích thú. Tôi hòa bột sắn với đường, vắt thêm vài lát chanh vàng đưa Cam uống thử, cũng nhận về cái gật gù tấm tắc khen ngợi. 

Chúng tôi tận hưởng từng thời khắc thảnh thơi bên nhau trước một tuần mới trong cuộc mưu sinh. Có lần, đang dạo bước trong nông trại, Cam chợt hỏi: “Em thích công việc của mình không?”. Thêm lần nữa tôi suy nghĩ, chẳng biết thể hiện sao cho trọn vẹn ý mình: “Em đã chọn công việc mình có thể làm tốt chứ không hẳn chỉ là yêu thích. Và vì em đã chọn nên em phải làm tốt để được chi trả xứng đáng” - Cam gật đầu, ra chiều đồng ý.

Trước khi ra về, Cam thường không quên để lại lời cảm ơn chân thành vì đã trò chuyện/gặp gỡ/nấu nướng/chạm/hôn… cùng anh và cuối cùng luôn là “Thank you for everything” (Cảm ơn em về mọi thứ). Những lúc ấy, tôi chỉ thì thầm:

“Thank you for being in my life” (Cảm ơn vì đã đến bên em).

Trước lúc rời đi, Cam luôn âu yếm dặn tôi chú ý giữ gìn sức khỏe. Tôi quay bước đi, cảm nhận rõ cảm giác đang một mình giữa đất nước rộng lớn này nhưng không hề cô đơn. 

***
Đêm về, tôi lại nằm nghe Exile - ca khúc giàu cảm xúc và hình tượng mang nghĩa “Tha hương” do Taylor Swift và Bon Iver thể hiện thật da diết. Đêm đó, tin nhắn của Nhiên đến, ngỏ ý để lại căn hộ. Đó cũng là thời điểm visa 462 của tôi sắp hết hạn, tôi sẽ phải về nước nếu không có gì thay đổi. Tôi cũng cần một chốn để về. Số tiền tích cóp gần đủ để chi trả cho một chốn đi về mơ ước. Tôi thành thật bày tỏ, mong Nhiên hiểu cho hoàn cảnh của tôi và cho tôi thêm thời gian. Không quá bất ngờ khi Nhiên đồng ý. Cô hồi âm: “Nhiên biết Nhân sẽ trở về Sài Gòn nên cứ an tâm vì sẽ có một nơi chờ Nhân”.

Dù muốn, dù không, tôi phải nói lời tạm biệt tất cả. Tạm biệt nước Úc, tạm biệt Cam - người đã mang đến cho tôi những cảm xúc thật đẹp và những khoảng thời gian không thể nào quên nơi xứ lạ. Đến phút cuối, tôi hoàn toàn nhẹ nhõm vì mình đã không vụ lợi hay dựa dẫm gì nơi anh - một người có thể dễ dàng giúp tôi lấy PR để ở lại xứ người. 

Ngày hết hạn visa, tôi về nước với tâm trạng không vui cũng chẳng buồn. Tôi nhớ trên logo của Tổng lãnh sự quán Úc có hình ảnh chú chuột túi và gà tây - 2 con vật không bao giờ biết lùi bước mà luôn tiến về phía trước. Hành trình ngàn ngày trên đất Úc đã mang đến cho tôi sự can đảm để bước tiếp. Tôi đặt vé máy bay về Sài Gòn - chiếc vé 1 chiều nhưng mở ra rất nhiều hy vọng về hành trình mới.

Ngay trong đêm đầu tiên, tôi nhận được tin nhắn từ người đã “đánh cắp” trái tim tôi suốt 3 năm qua, tạm dịch: “Anh biết mọi lời giải thích đều không bằng hành động thiết thực. Thời gian qua, anh đã âm thầm cố gắng để nhận được công việc phù hợp tại Sài Gòn. Em có thể trở thành chủ nhà đầu tiên cho anh thuê phòng vào sáng mai được không?”. 

Phải chăng luôn có những cuộc chia tay đầy hy vọng? 

Trần Duy Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI