Tôi sang Singapore cùng Phúc từ rằm tháng Giêng, đến cuối tháng Sáu mới về. Lúc đó, những bông hoa tím của tôi đã tàn hết rồi. Kể từ thời thiếu nữ, đây là lần đầu tiên tôi bỏ qua mùa hoa bằng lăng. Được cùng chồng đi đến một nơi xa, quan sát những điều mới mẻ, biến bản thân thành kẻ bận rộn để đầu óc quên đi muộn phiền cũng thật thú vị. Năm sau, tôi và Phúc vẫn có thể cùng nhau ngắm bằng lăng nở.
|
ảnh: internet |
***
Từ hồi Hân về nhà mới, đây là lần đầu tôi đến thăm nó. Lâu lắm rồi tôi mới có một buổi chiều thư thả như vậy: được ngồi hàn huyên tâm sự cùng cô bạn thân, ôn lại bao nhiêu kỷ niệm từ thời xa lắc xa lơ. Mới ngày nào, hai đứa còn là những cô nữ sinh Chu Văn An ngây thơ, trong sáng; thỉnh thoảng chán học lại rủ nhau đạp xe quanh hồ Tây, nhấm nháp một que kem trong chiều lộng gió.
Hồ Thiền Quang đẹp nhất vào mùa xuân, khi đám hoa ban bên hồ nở rộ. Vào những ngày hè, hồ Trúc Bạch phô diễn hết vẻ nên thơ của nó. Tôi thích ra ngắm hồ Gươm vào mùa thu, khi hoa lộc vừng nở đỏ như những dây pháo tết. Còn hồ Tây mùa nào cũng đẹp. Ngày ấy, tôi và Hân ngồi tựa vai nhau bên hồ, ngắm mặt trời đỏ rực, lơ lửng như quả bóng. Bao nhiêu áp lực học hành, thi cử theo những cơn gió tháng Năm bay đi đâu mất. Mới đó mà đã 20 năm. Chúng tôi già đi, trưởng thành và không bao giờ còn ngây thơ như tuổi mười tám.
Nhà mới của Hân ở ngoại thành, rộng rãi và thoáng đãng. Kéo rèm ra có thể nhìn thấy con sông lững lờ trôi ở phía xa. Ngôi nhà này là nỗ lực hơn mười năm của vợ chồng Hân. Hồi mới nhận nhà, nó vui lắm, tỉ mẩn đi mua từng món đồ nhỏ xinh để trang hoàng cho tổ ấm dù đi đâu cũng phải dắt hai đứa nhóc tinh nghịch theo.
Khi Hân học năm thứ ba trường Ngoại thương, bố Hân phá sản. Từ một cô tiểu thư đài các, Hân học cách làm nàng Lọ Lem, chập chững nếm trải những cay đắng ở đời. Từ đứa chưa từng rửa một cái cốc, nó lơ ngơ đi xin làm chân chạy bàn. Ngày đó, việc gì kiếm ra tiền, Hân cũng muốn làm. Bố đi tù, mẹ ốm đau triền miên, nếu Hân không tự thân vận động thì lấy đâu ra tiền đi học.
Trước kia, ai cũng bảo tôi và Hân sinh ra để làm bạn của nhau. Hai đứa đều xinh đẹp, giỏi giang, gia đình đều khá giả. Lúc bố Hân phá sản, lần đầu tiên cô bạn thân ghen tị với tôi. Giờ đây, chỉ mỗi mình tôi là công chúa sống trong lâu đài. Nhiều lần, tôi muốn giúp bạn nhưng cô gái cứng cỏi ấy nhất quyết từ chối. Biết Hân tự trọng, tôi đành nhờ người quen giới thiệu cho bạn mấy công việc nhàn hơn mà thu nhập ổn hơn một chút như gia sư, dịch thuật… Nhớ lại những ngày tháng khó khăn ấy, đến giờ mắt Hân vẫn còn ươn ướt.
Hân rủ tôi ở lại cùng mấy mẹ con. Chồng nó đi công tác vẫn chưa về. Đêm xuống, đợi bọn trẻ ngủ say, hai đứa sẽ lôi bia ra uống. Tôi lưỡng lự một lát rồi quyết định ra về.
- Hôm nay anh Phúc về với mày à?
Tôi giật mình trước câu hỏi của bạn, ngơ ngác một chút rồi gật đầu. Sợ mình đã lỡ lời, Hân không dám nhìn thẳng, nó lắp bắp:
- Đúng rồi, cuối tuần… phải ở nhà để vợ chồng hâm nóng tình cảm chứ.
Hân muốn đưa tôi xuống tầng hầm vì sợ tôi không tìm thấy chỗ đã đậu xe. Nghe thấy mẹ định ra khỏi nhà, Dừa và Mít liền hăm hở đòi đi theo. Tôi bảo Hân cứ yên tâm, chắc chắn tôi sẽ tự tìm được xe. Nghĩ đến việc phải dắt bọn trẻ theo, nó bắt đầu ái ngại.
Đúng là “nói trước bước không qua”, do không nhớ kỹ vị trí mình đã đậu xe, tôi loay hoay mãi rồi đành đi lòng vòng và ấn chìa khóa liên hồi, mong cái xe yêu quý sẽ thương tình mà kêu lên cho chủ nó biết.
Bỗng tôi nghe thấy một giọng nói quen. Ngoái đầu lại, tôi thấy chồng mình ở phía xa. Đúng là Phúc rồi. Anh đang chào tạm biệt cậu con trai bốn tuổi của mình. Hai má thằng bé nhòe nhoẹt nước mắt. Nó không muốn rời bố. Người phụ nữ đó là mẹ thằng bé. Cô ta phải dỗ dành mãi cậu con mới chịu buông tay.
Sợ Phúc phát hiện ra, tôi luống cuống núp sau cây cột lớn. Ba người bọn họ vẫn có vẻ lưu luyến không rời. Thằng bé vẫn chưa muốn tạm biệt bố. Nó cứ nấn ná kể vài ba câu chuyện vặt vãnh của trẻ con, dặn bố mua quà, dặn bố tuần sau lại đến. Cậu nhóc ấy rất giống chồng tôi. Từ mắt, mũi, miệng, đều như một khuôn đúc ra, đến cả thùy tai của cha con họ cũng giống nhau. Bao năm nay, tôi chưa lần nào dám xem ảnh thằng bé, cũng không dám tưởng tượng xem gương mặt đứa trẻ ấy như thế nào.
Cuối cùng, thằng nhóc cũng tạm biệt bố. Vừa vẫy tay, nó vừa quệt nước mắt. Đợi Phúc đi khuất, hai mẹ con họ đủng đỉnh dắt nhau về nhà. Tôi hít một hơi thật sâu, cố gắng bình tĩnh để tiếp tục tìm xe.
***
Lần đầu gặp Phúc, tôi đã bị gương mặt điển trai của anh thu hút. Anh có một vẻ thư sinh khá dễ gần, kiểu một chàng trai hiền lành, ưa nhìn chứ chẳng đẹp tới mức khiến hàng tá con gái phải xuýt xoa. Vậy nhưng gặp lần hai, lần ba, dễ thấy anh có nét duyên ngầm. Ngày ấy, Phúc đang làm luận văn tốt nghiệp, bố tôi là giảng viên hướng dẫn của anh. Thỉnh thoảng, ông gọi anh tới nhà, nhờ anh giúp ông hiệu đính một số tài liệu, tiện thể góp ý về khóa luận của anh. Tôi đứng ở cửa sổ phòng mình, trộm nhìn Phúc mấy lần. Sau đó, phải lấy hết can đảm, tôi mới dám xuống nhà, lấy cớ pha cho bố ấm trà ngon để bắt chuyện với chàng trai mình thầm thích.
Bố tôi vốn tinh tường, chỉ nhìn sơ, ông đã hiểu tâm sự của con gái. Phúc thông minh, chăm chỉ, lại lễ phép và tốt tính nên bố tôi rất quý anh. Biết tôi thích Phúc, ông rất vui nên tạo điều kiện cho hai đứa làm quen, gặp gỡ nhau. Tình yêu giữa hai chúng tôi nảy nở rất tự nhiên. Trong lúc mấy cô bạn cùng lớp tâm sự chuyện vừa thất tình, yêu đơn phương, rồi cả chuyện bị bố mẹ cấm cản, không cho yêu trai tỉnh lẻ, tôi thấy mình thật may mắn.
Đợi tôi tốt nghiệp và có việc làm ổn định, hai đứa làm đám cưới. Lúc đó, tôi ngỡ mình là cô gái may mắn nhất trên đời bởi chuyện gì cũng thuận buồm xuôi gió. Nhưng không, trước cơn bão lớn, trời thường rất trong…
Hôm đó, tôi thấy đau quặn bụng dưới. Cơn đau khiến tôi ngất đi. Lúc tôi tỉnh dậy, trời chiều âm u, mưa ầm ầm ngoài cửa sổ. Tôi thấy Phúc ngồi bên giường, đôi mắt anh thẫn thờ nhìn vào khoảng không trống rỗng. Anh chỉ nhẹ nhàng hỏi tôi có muốn ăn gì không. Từ giây phút ấy, tôi đã linh cảm có chuyện chẳng lành.
Tôi bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3. Để điều trị và chống di căn, tôi phải cắt bỏ toàn bộ tử cung và buồng trứng. Lúc đó, tôi và Phúc vừa mới kết hôn được sáu tháng. Sau khi nghe những chẩn đoán sắc lạnh từ bác sĩ, tôi ước giá mình chết được ngay lúc đó. Không được làm mẹ, cuộc đời người đàn bà có chồng còn gì là hạnh phúc.
Những ngày tôi nằm viện, Phúc luôn ở cạnh tôi, nửa bước không dám rời. Bố mẹ cũng thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh. Chắc họ sợ chỉ cần họ rời đi vài phút, tôi sẽ làm điều gì đó dại dột. Tôi vốn là đứa hoạt bát, hay nói, hay cười, vậy mà lúc đó tôi không muốn mở miệng nói chuyện với ai, chỉ đáp lời khi bác sĩ tới thăm khám.
Ba tháng tôi ở trong nhà dưỡng bệnh, chồng tôi cũng không dám đi đâu quá nửa ngày. Ra ngoài được một lát, anh lại hớt hải gọi về, đôi khi chỉ hỏi tôi đang làm gì. Mẹ tôi gầy rộc, mắt trũng sâu vì mất ngủ. Trông bà còn uể oải hơn cả người ốm. Cả nhà đang xem ti vi rất vui nhưng chỉ cần có cảnh liên quan đến trẻ con là bố tôi chuyển kênh ngay lập tức.
Dần dần, tôi cũng nhận ra rằng mình phải bước ra khỏi vũng lầy đau thương đó để không làm khổ những người xung quanh. Khi đó, Phúc luôn thủ thỉ với tôi rằng vợ chồng sống với nhau không nhất thiết phải có con; rằng vẫn có những người hiểu nhau, yêu nhau tới mức họ có thể bên nhau bền chặt cả đời mà không cần con cái. Chẳng phải có những cặp vợ chồng có tới ba, bốn đứa con mà rồi vẫn đường ai nấy đi hay sao? Không có con, cả hai có thể cùng nhau đi du lịch, cùng nhau ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, tận hưởng hạnh phúc theo một cách khác.
Một năm sau biến cố đó, sức khỏe của tôi đã hồi phục hoàn toàn, lòng cũng bớt nặng nề. Tôi chủ động hẹn bạn bè tán gẫu, ra ngoài mua sắm cho khuây khỏa. Đúng lúc đó, Phúc nhận được học bổng tiến sĩ, anh muốn sang Anh làm nghiên cứu sinh. Chồng muốn tôi cùng đi, bố mẹ tôi cũng ủng hộ chuyện tôi nghỉ việc để ra nước ngoài cùng chồng.
Hai đứa đã có một khoảng thời gian rất đẹp nơi xứ người. Qua Anh, Phúc động viên tôi học lên thạc sĩ vì anh sợ tôi sẽ cảm thấy buồn khi chồng không ở nhà. Sống bên đó, gặp một số cặp vợ chồng không con cái nhưng vẫn hạnh phúc bên nhau hàng chục năm, tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Từ lúc mới cưới, Phúc cũng không hào hứng với chuyện có con. Khi tôi nói về dự định sinh em bé, anh chỉ khẽ cười rồi bảo cứ từ từ cũng được. Trời cho lúc nào thì sinh lúc ấy, vội làm gì, có con rồi bận rộn lắm. Sự hờ hững của anh làm tôi bớt áy náy.
***
Hơn bốn năm trước, vào một buổi chiều muộn, tôi trở về nhà thì đã thấy Phúc ngồi bất động trong phòng khách. Căn phòng tối om. Anh im lìm như một pho tượng. Bật đèn lên, tôi hoảng hốt khi gương mặt anh đẫm nước mắt, còn người anh nồng nặc mùi rượu. Tôi còn đang bàng hoàng, không biết chuyện gì xảy ra thì chồng tôi liên tục nói xin lỗi. Anh bảo mình có lỗi với tôi. Linh cảm của phụ nữ mang tới cho tôi những sợ hãi mơ hồ…
Phúc nói một đồng nghiệp đang mang thai đứa con của anh. Cô ấy biết rõ hoàn cảnh của chồng tôi nên không yêu cầu danh phận, cũng không cần anh chăm sóc hai mẹ con. Cô ấy muốn sinh con và tự mình nuôi đứa bé. Sau khi biết mình mang thai, cô ấy đã chủ động xin nghỉ việc. Một người quen của Phúc bắt gặp cô ấy đi khám thai trong bệnh viện và vô tình kể cho anh biết. Linh cảm của người cha đã mách bảo Phúc. Anh tới tìm người phụ nữ kia để hỏi rõ mọi chuyện. Linh cảm của anh đã đúng. Giờ anh đã được làm cha. Thứ hạnh phúc mà tôi không thể cho anh đã được đáp ứng bởi một người đàn bà khác.
Phúc nói anh không muốn ly hôn tôi nhưng anh cũng không thể vô trách nhiệm với đứa bé. Mọi chuyện đều do tôi quyết định. Nếu tôi nhất quyết chia tay, anh sẽ để lại cho tôi toàn bộ tài sản. Lúc đó, tôi chỉ biết im lặng, cảm giác như mình bị đẩy xuống vực một lần nữa…
Khi bạn bè của tôi biết chuyện, nhiều người khuyên tôi đừng ly hôn. Phúc có được ngày hôm nay một phần do bố tôi giúp đỡ, nếu tôi cứ thế ly hôn, không phải tự mình dâng miếng ngon cho người khác hưởng hay sao. Hai vợ chồng cứ tiếp tục sống chung, thỉnh thoảng cho anh đến thăm con là được.
Giây phút biết mình không thể làm mẹ, tôi tưởng cuộc đời mình đã chấm hết. Thế nhưng, tình yêu của Phúc vực tôi dậy. Tôi đã tin lời anh, nghĩ rằng vợ chồng không có con cũng không sao, chúng tôi vẫn có thể sống hạnh phúc. Hóa ra đó chỉ là suy nghĩ của riêng tôi. Anh vẫn muốn được làm bố. Chỉ vì thương hại vợ nên chồng tôi đã chôn giấu khát khao đó trong lòng suốt những năm qua.
Bao năm qua, bạn bè tôi đều ngưỡng mộ hạnh phúc của chúng tôi. Hai vợ chồng không thể có con cái mà vẫn vui vẻ bên nhau không phải là điều đáng ngưỡng mộ lắm sao. Bạn bè tôi lấy con cái làm hạnh phúc, còn tôi lấy tình yêu của chồng ra để an ủi bản thân. Anh chính là niềm tự hào của tôi. Rồi bỗng chốc, mọi thứ sụp đổ trong một buổi chiều. Hôm đó, mưa rất lớn. Tiếng mưa át đi tiếng khóc đầy tuyệt vọng của tôi.
***
Trên đường về nhà, tôi miên man suy nghĩ về những gì mình nhìn thấy chiều nay. Phải chăng, đã đến lúc tôi buông bỏ mọi thứ?
Vừa mở cửa, tôi đã thấy mùi thức ăn thơm nức từ trong bếp bay ra. Phúc đang làm món bò né. Chúng tôi đã có một buổi tối rất vui vẻ. Tôi nói, lát nữa sẽ có quà cho anh. Gương mặt chồng tôi lộ rõ vẻ bất ngờ, pha chút háo hức. Khi thấy tờ đơn ly hôn trên bàn, anh hơi hoảng hốt và mơ hồ không hiểu. Tôi kể cho Phúc nghe về những gì mình vừa thấy chiều nay. Không phải tôi đang nhường chồng cho người đàn bà khác, tôi chỉ nhường cha cho một đứa bé. Người lớn, ai lại tranh giành với con nít. Tôi nói với Phúc, chúng tôi vẫn sẽ là những người bạn tốt. Nếu cần giúp đỡ, tôi sẽ chủ động liên lạc với anh.
Phúc đi rồi, tôi thấy lòng nhẹ bẫng. Tán bằng lăng trên cao có một chùm hoa tím nhạt. Tháng Tám rồi vẫn còn được ngắm bằng lăng, chẳng phải thú vị lắm sao!
Phương Hà